Thăm đền thờ Anh hùng Bông Văn Dĩa

Ngày đăng: 10:49 21/06/2019 Lượt xem: 1.199
THĂM ĐỀN THỜ ANH HÙNG BÔNG VĂN DĨA

                                                  Ký của Phạm Tiến Đặng

     Chiếc xuồng máy giảm tốc. Ghếch mũi cặp vào con đường đất nhỏ dẫn lên đền thờ Anh hùng - kình ngư Bông Văn Dĩa. Chiếc xuồng để lại sau lưng hai dải nước tung bọt trắng xóa, lung linh như triệu cánh ban rừng miền Tây Bắc. Đối diện bên sông là thị trấn Ngọc Hiển với những căn nhà kiên cố, khang trang đua chen mọc lên như nấm. Những con thuyền to, nhỏ chen nhau đậu kín bờ. Những chiếc thuyền ngược xuôi chuyên chở nông, hải sản, vật liệu xây dựng qua lại như mắc cửi. Phía trái đền thờ, cách chừng non cây số là cây cầu rộng rãi nối liền thị trấn Ngọc Hiển với khu kinh tế mới trong rừng đước bạt ngàn. Điện lưới đã kéo tận về từng thôn, ấp, đủ phục vụ "vô tư" cho bà con vùng sâu, vùng xa sản xuất và sinh hoạt. Một số ông bà già ở đây nói với tôi: “Mấy chục năm về trước dù trong mơ chúng tôi cũng không bao giờ tưởng tượng được có ngày vùng đất kênh rạch chằng chịt, đất rừng ngập mặn này lại có những con đường trải nhựa, những cây cầu tỏa khắp muôn nơi, giữa rừng ngập mặn lại có đèn đường chiếu sáng…” 
Trời lặng gió, gần trưa nắng gắt. Nhờ kênh rạch chằng chịt mang theo hơi nước dịu mát, nên những người lính già chúng tôi cũng dễ thở. Tôi nguyên là lính Trường Sơn trên rừng, lội bộ. Nên cái khoản sông nước thuộc hàng đội sổ. Trước khi trèo lên bờ. Chiếc thuyền máy cứ tròng chành, tôi phải nhờ mấy  đồng đội già thuộc cánh đánh thủy "chi viện" cầm giúp máy ảnh và nắm tay kéo lên cho chắc. Tuổi này đâu có còn mạnh mẽ như thời trai trẻ trong rừng. Bong gân, trật khớp lấy cồn xoa bóp vài ngày sau là lại chạy nhảy khắp nơi như chim sáo. Giờ gân cốt rệu rạo, sơ xẩy tý chút là nhập viện như chơi.  
Nhìn dòng sông Gành Hào ước chừng rộng 4-5 trăm mét, tôi hỏi mấy ông đã trên U70 thủy chiến:
- Ở tuổi các anh bây giờ còn kham nổi một vòng từ bên này qua bên kia và ngược lại, không ?
          Tư Quý cười:
-Hai ông Tư Việt và Ba Phong không biết được mấy, chứ tôi thì còn dư sức dứt một lúc bốn vòng luôn. 
Tôi nhìn cái dáng gân guốc, chắc nịch của mấy ông lính thủy, thấy nước da ông nào, ông nấy vẫn đỏ au sạm màu nắng gió, tôi tin Tư Việt nói thật, làm được.
          Trong căn nhà sàn gỗ tuềnh toàng đã cũ nửa trên đất, nửa dưới đìa, tiếp chúng tôi là cặp vợ chồng già trên tám mươi tuổi.
Đó là con gái và người con rể cùng người cháu ngoại chừng trên bốn mươi vóc dáng chắc khỏe đúng chất dân biển quen dầm mình trong gió, sương cùng nước mặn, của người Anh hùng Bông Văn Dĩa. Hai ông bà trước đây tiếp bước và cũng từng là đồng đội của người cha tham gia cách mạng tại chính quê hương rừng đước Cà Mau - Đất Mũi này.
          Ông bà kể lại với giọng đầy tự hào về người ba của mình trong suốt cuộc đời làm cách mạng, cho đến lúc được cấp trên tin tưởng trao nhiệm vụ vượt biển chỉ huy những con tầu không số, đưa những chuyến hàng tiếp tế từ hậu phương Miền Bắc chi viện vào cặp bến an toàn. Rồi những trận đánh cảm tử một mất, một còn, mưu trí, quả cảm cùng sáng tạo của những người lính đơn độc trên con tàu không số khi bị cả đoàn tàu tuần duyên và máy bay trinh thám địch phát hiện bao vây trên biển...
          Ngồi nghe cùng tôi là các đồng chí Tư Việt, Tư Quý, Ba Phong. Họ đều là những người trong cuộc. Những nhân chứng sống mà trong cuộc chiến trường chinh trên biển chính họ cũng đã từng nhiều lần đối mặt. 
          Tôi đang nghe kể về những người lính đường Hồ Chí Minh trên biển, bỗng từ thẳm sâu trong tiềm thức tái hiện về..." Những tháng năm vô cùng khốc liệt trên tuyến Trường Sơn. Đâu chỉ đạn bom, chất độc da cam, những vách núi dựng đứng, những con đường giao liên trơn trượt, nhỏ hẹp, lởm chởm đá tai mèo mà còn cả nước lũ, muỗi, vắt rừng cũng đồng hành cùng địch gây biết bao khó khăn, hy sinh cho những người lính Trường Sơn trên bộ. Nhưng cũng giống như những người lính đường Hồ Chí Minh trên biển, càng gian lao, khó khăn thì càng tôi rèn thêm ý chí ! Chúng tôi đã mở đường mà đi, đánh địch mà tiến… " ! Có khác chăng những người lính đường Hồ Chí Minh trên bộ khi đụng địch có ngay sự chi viện, giúp đỡ cần thiết của đồng đội ở các đơn vị bạn và mẹ Trường Sơn phủ bóng chở che cho những đứa con trước tai mắt điện tử, trên máy bay trinh sát hiện đại bậc nhất thời ấy của kẻ thù. Còn những người lính trên con tầu không số đơn độc giữa mênh mông biển trời, đối diện giữa bầy sói lang say máu của hàng chục tuần duyên, tàu chiến kẻ thù được trang bị vũ khí tối tân. Họ phải thật thông minh, bình tĩnh và quả cảm để chiến đấu và dành chiến thắng. Với những người lính đường Hồ Chí Minh trên biển gặp địch, họ chỉ có 2 con đường: Một là mưu trí, sáng tạo vượt qua. Hai là chiến đấu chấp nhận mọi hy sinh. Không thoát được thì cho hủy tàu, huỷ người chứ nhất quyết không để tàu lọt vào tay địch. Chẳng thế mà từ chuyến hàng tầu Phương Đông 1 cập bến đầu tiên năm 1962 tại cửa Vàm Lũng cho đến mùa xuân  năm 1975 kết thúc cuộc chiến. Với 68 chuyến tàu không số vượt biển vận chuyển được hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự kịp thời chi viện cho các chiến trường. Nhiều trận đụng độ giữa ta và địch từ ngoài khơi xa, cũng như khi tàu ta vào được gần bờ, chưa bao giờ kẻ thù dành phần thắng.
          Anh Tư Việt ngồi sát bên kề tai tôi nói nhỏ :
          -Cái vụ khoảng bốn mươi tầu chiến, tầu tuần duyên, kết hợp cùng máy bay địch vây hãm, truy sát, bắc loa tuyên truyền, dải truyền đơn xếp lớp trắng xoá trên khắp con thuyền, nhằm kêu gọi, dụ dỗ, uy hiếp buộc cán bộ, chiến sỹ ta trên tầu không số quy hàng thì Tư Quý đang ngồi đây chính là người trong cuộc. Ông hỏi Tư Quý kể cho nghe là sẽ rõ ngọn ngành. Bởi nó là thằng phụt 5 quả B40 tiễn luôn 4 tàu chiến cùng hàng trăm tên lính thủy địch xuống trình diện Hà Bá, Diêm Vương ngày ấy. 
Tôi nghĩ “chắc chắn rồi” ! Phải gặp riêng Tư Quý để trực tiếp nghe người trong cuộc nói. Nhưng phải chờ tối nay, cùng hắn ta ngồi uống trà rỉ rả tâm tư thì mới đã. Việc cần làm ngay giờ là phải qua thăm đền thờ và viếng mộ người Anh hùng. Tôi liếc nhìn về phía Tư Quý, thấy từ gương mặt khắc khổ, cam chịu những giọt nước mắt khô đọng, hiếm hoi rớt nhẹ. Anh nhẹ nhàng đứng dậy đến trước bát hương và di ảnh người Anh hùng quá cố Bông Văn Dĩa thắp ba nén nhang và thầm thì khấn...Tôi chỉ nghe rõ được câu: “Thủ trưởng từng yêu thương, bảo bọc tụi em. Giờ đi trước ở trên cao linh thiêng ráng phù hộ cho đất nước bình an, dân mình ngày càng ấm no, hạnh phúc! Tụi em còn tồn tại ráng sống tốt, để mai này gặp lại Thủ trưởng chúng em không phải thẹn với lòng!”
          Mọi người chúng tôi không ai bảo ai cùng đứng dậy đến trước bàn thờ người có biệt danh - Kình dương, Anh hùng Bông Văn Dĩa dâng lên ông nén hương thơm tưởng niệm. Rồi cùng đi thăm nhà tưởng niệm do nhà nước và binh chủng Hải Quân xuất kinh phí xây dựng.
Đền thờ ông cũng ba gian nhỏ gọn, sạch sẽ, trang nghiêm như bao đền thờ các Anh hùng liệt sỹ khác trong toàn quốc. Tọa lạc tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Chính giữa là bức tượng ông bán thân bằng đồng. Hai bên là những chiếc tủ kính lưu giữ những hiện vật bất ly thân: Súng ngắn, la bàn, bi đông đựng nước, chiếc mũ vải dạ lưỡi trai gắn Quân huy (loại mũ này trước đây trong Quân đội chỉ sỹ quan trung cấp trở lên mới được trang bị) và những bộ quân phục bạc màu nắng gió, mặn nồng mùi hương biển; đôi dép ca su... của người thuyền trưởng, người cán bộ Hải quân nhân dân. Cùng rất nhiều bức ảnh đen trắng đã úa màu theo thời gian về những trận đánh, những chuyến đi thị sát tình hình, những lúc cầm lái ghìm cho con thuyền bé nhỏ đè lên sóng giữ, trong những cơn cuồng phong của biển, để đưa tàu cập bến an toàn...
Chúng tôi ra ngoài sân cùng nhau chụp vài tấm hình lưu niệm với con gái, con rể và cháu ngoại của ông. Sau đó mọi người cùng men theo bờ đìa ( bờ ao ) ra phía sau hông đền tưởng niệm để viếng phần mộ người anh hùng đã xả thân cống hiến trọn đời cho quê hương đất nước. Trước khi tới phần mộ, tôi cứ nghĩ ông chỉ nằm một mình dưới lòng đất mẹ. Nhưng không phải. Hóa ra phần mộ ông chỉ là một trong sáu bảy ngôi mộ trong một nghĩa trang liệt sỹ gia đình thu nhỏ. Tôi đọc trên các tấm bia mộ thì được biết: Ba, mẹ, vợ, anh, em ông hầu như tất cả đều là liệt sỹ đã từng tham gia cách mạng từ thời chống Pháp cho đến thời chống Mỹ.
Anh Tư Việt châm bó nhang rồi chia cho từng người chúng tôi đi cắm lên từng ngôi mộ. Những cựu lính chúng tôi không ai bảo ai đều đồng loạt đứng nghiêm, đầu cúi tưởng niệm những người đang an giấc ngàn thu tại đây đã một thời chiến đấu hy sinh để ngày nay Đất nước được thanh bình !...
          Chiếc xuồng máy cặp vào cầu cảng chợ cá Ngọc Hiển. Chúng tôi lên xe kéo nhau về "nhà cơ sở " của Tư Việt để dùng cơm trưa. Trước khi vào nhà, Tư Việt kéo tôi ra bến phà phía sau, chỉ cho tôi xem cây me cổ thụ bên sông và giải thích:
-Đó là gốc me đã đi vào lịch sử bởi năm 1940 tại đây thành lập Khu ủy khu 9 đầu tiên của Miền Tây Nam bộ.
          Hóa ra bữa cơm trưa Tư Việt bố trí tại "nhà cơ sở" lại là nhà chị ruột của anh. Người chồng của chị (đồng chí Ngô Văn Sáu) đã mất là anh rể Tư Việt, cũng từng là người lính chiến trên những con tàu không số và chị (Ngô Kim Quyền) cũng là người nữ chiến sỹ đang sinh hoạt trong Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày trước, nhiệm vụ của chị là chèo xuồng ba lá cùng đồng đội tiếp nhận vũ khí từ những con tầu không số chuyển đi chi viện cho các chiến trường.
Cơm nước xong, chúng tôi thống nhất chỉ nghỉ cho tiêu cơm 30 phút, ai mệt ra võng sau hè tranh thủ ngả lưng. Tôi là dân nghiền trà, nghiền thuốc. Nên trước khi đi đã chuẩn bị sẵn cơ số đủ dùng cho suốt chuyến đi. Chị Ba chủ nhà đã nấu sẵn cho ấm nước sôi. Mấy thằng cựu lính thủy, bộ chúng tôi lại cùng nhau quây quần quanh bình trà thơm lựng.
 
 (Kỳ sau những trận đánh mất, còn và những con người hy sinh dũng cảm)
 

 

Thị trấn Ngọc Hiển.
 
 

Tượng thờ Anh hùng Bôn Văn Dĩa.
 


Hình ảnh Anh hùng Bông Văn Dĩa khi còn sống.
 
 

Con gái và con rể Anh hùng Bông Văn Dĩa tự hào kể về cha mình - người Anh hùng của tàu không số.






Các chiến sĩ đường Hồ Chí Minh trên biển trên bến tàu năm xưa mà những con tàu không số từng cập bến. 2 ảnh trên.



 

tin tức liên quan