Đi tìm em - Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức

Ngày đăng: 10:44 23/07/2019 Lượt xem: 655
 ĐI TÌM EM
                                                           
Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức                                   
 

 Ông Hai lững thửng ra vườn. Cũng như mọi hôm, ông lại tưới cây, nhặt lá, bắt sâu, tỉa cành, cho cá ăn và chăm sóc mấy gốc bưởi da xanh trồng vừa bén rễ, bung lá nhỏ xíu, non xanh. Mệt quá, ông ngồi xuống tảng đá gan gà bóng nhẵn, dưới gốc cây sung già, cạnh bờ ao. Nắng hè dịu lại dưới bóng cây sung, gốc to cả người lớn ôm không xuể. Gió từ cánh đồng Sâu thổi về vù vù, mang cả hơi nước tanh tanh mùi bùn của ao cá trong vườn. Ông phấn chấn hẳn lên, gọi vợ:
- Bà nó ơi, mát ghê, mát hơn cả máy lạnh nhà thằng Nam nhiều lắm!
Không nghe vợ lên tiếng, ông nghĩ chắc bả đang nấu nước chè xanh ở trong bếp. Kệ bả ! Ngồi thẫn thờ một mình, ông nhớ lại…
            …Cách đây gần mười năm, ông đi Quảng Trị tìm mộ chú Nguyễn Tiến Long, em ruột ông. Bọc cẩn thận tờ giấy báo tử đã chuyển sang màu vàng đục của em trong túi giấy ni lông dày hai lớp, phòng bị ướt khi gặp trời mưa. Ông vuốt nhẹ bọc giấy và cho vào chiếc ví da cũ mèm mua từ hồi còn làm việc ở ngành đường sắt. Ông lẫm bẫm một mình trước khi bước lên tàu:
- Cái ví này may mắn lắm, hái ra khối tiền nuôi cả nhà sáu miệng ăn. Hôm nay, đi tìm em ở trong ấy. Cầu mong trời đất, tổ tiên cho tôi gặp được em để cho nó về với tổ tiên, bà con họ hàng, người thân ở quê nhà.
Lên tàu, ông kiêng cữ, không dám chuyện trò với ai. Từ chập tối cho đến gần sáng, ngồi chen chúc, vật vã, ồn ào trong toa tàu chật hẹp, ông không ngủ, mắt đăm đăm nhìn ra bên ngoài. Đoàn tàu vun vút lao đi để lại đằng sau những cánh rừng, nhịp cầu, xóm làng, phố phường vừa quen, vừa là lạ... Rồi cái tuổi gần 70 không còn khỏe nữa và điệp khúc lắc lư, xình xịch, kình kình của chuyến tàu khuya đã đưa ông vào giấc ngủ, lúc chạng vạng sáng. May mà tới ga Đông Hà ông mới tỉnh dậy. Ông thấy khắp người đau ê ẩm, mệt mỏi nhưng gắng sức bước từng bước ngắn, vội vã xuống tàu. Ra tới cửa soát vé, ông lục túi áo ngực thì không thấy chiếc ví nữa. Toàn bộ tiền bạc, giấy tờ đã không cánh mà bay…
            May sao, trong lúc khốn khó, tiến thoái lưỡng nan. Ông đã gặp được một người tốt bụng. Qua giới thiệu, ông được biết, chú tên Hoài, kém ông gần một con giáp, quê ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Biết được tình cảnh của ông, chú Hoài năn nỉ mời ông về nhà:
- Hoàn cảnh gia đình ông cũng như nhà tôi mà. Cha tôi là liệt sỹ hy sinh năm 1968. Anh Hai hy sinh ở Tây nguyên đầu năm 1975, cũng chưa tìm thấy mộ…
Vừa nói, Hoài vừa nắm lấy tay ông. Mắt ông đỏ hoe, nhòe đi, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má trũng sâu. Ông như người mất hồn, vịn vai Hoài bước lên chiếc xe ô tô đang chờ khách về Vĩnh Linh, quê Hoài…
- Ông mơ tưởng đến bà nào mà ngồi ngẩn ngơ, đờ đẫn thế kia! Ôi, mấy cây bưởi da xanh của tôi, gà nó đào tung gốc lên trời rồi. Khổ tôi quá, ông ơi là ông!
Ông giật mình, phủi quần đứng dậy phụ bà đuổi đàn gà bay tớn tác ra khỏi vườn.
- Tôi đền cho bà đây!
Vừa nói, ông vừa cầm cuốc đào lại hố, bón lót ít phân chuồng, găm lại mấy cây bưởi. Bà lụm khụm bước xuống mấy bậc đá xanh mép ao, xách từng xô nước nhỏ tưới đẫm các gốc bưởi vừa trồng lại.
- Đẹp chưa hở bà?
- Còn cả tháng mới biết đẹp hay lại…
- Ấy bà đừng trù ẻo nha. Nó mà…thì tôi đền cho bà một trăm cây khác nha.
Ông cười hề hề, chăm chăm nhìn bà ra vẻ tự tin lăm lắm!
- Vô duyên. Ông trả lời tôi chưa?
- À à, lúc nãy tôi nhớ tới chú Hoài trong Vĩnh Linh, chớ con nào. Mà con nào, bà nào sánh được với bà kia chứ… Bà ơi, không hiểu sao, dạo này tôi hay mơ gặp chú Hoài lắm, bà ạ!
- Tôi chưa gặp chú ấy lần nào mà nghe ông kể chuyện về chuyến đi năm ấy, tôi còn nhớ nữa là. Nhưng tôi vẫn chưa hết giận ông đâu nha!
- Giận cái gì mà dai như đĩa đói ấy?
- Ông đã gửi tiền cho chú ấy chưa? Người ta cưu mang mình, chở xe máy rong ruổi cả tháng trời đi tìm mộ em. Nuôi mình ăn ở, đi lại, tàu xe, lại còn quà cáp khi về, vậy mà mấy năm nay ông chưa trả tiền cho chú thím ấy.
- Thôi đi bà Hai, chuyện ấy mà để cho bà phải lăn tăn sao. Số tiền mười triệu đồng chú thím Hoài cho vay dạo ấy tôi đã trả qua chuyển phát nhanh của bưu điện mấy năm rồi. Bà còn nhớ không, cuối năm ấy nhà mình thu hoach được gần tấn cá. Biếu bà con họ hàng, làng xóm mỗi nhà một ít ăn lấy thảo, lấy may ngày Tết, còn lại bán được hơn 30 triệu đồng cơ đấy. Sẵn tiền, tôi gửi trả cho chú luôn mà quên không báo cáo với bà. Tôi xin lỗi, mà cũng tại bà. Bà giao cho tôi nhiều việc quá!
- Tết năm rồi, ông có gửi tiền lì xì cho chú thím và mấy xấp nhỏ trong ấy không?
- Tôi ghét bà nhất là ở chỗ đó. Cứ cho mình là lanh lẹ, thông minh, còn người ta thì…
- Thì yêu ông lắm hả? Bà cười, liếc mắt nhìn ông có vẻ âu yếm lắm!
- Tôi có gửi tiền mừng tuổi cho mỗi đứa hai trăm ngàn. Còn tháng trước, tôi gửi mấy thang thuốc nam, mua của Thầy Hảo người dân tộc Mường ở trên Thạch Thành để chữa bệnh cho thằng cháu Nguyên.
Nói về Nguyên, con trai độc nhất của chú thím Hoài, thật là tội nghiệp. Cháu đang học đại học năm cuối ở thành phố Hồ Chí Minh. Sắp ra trường thì mắc bệnh viêm thận mãn tính. Nguyên đã điều trị ở nhiều bệnh viện trong thành phố cả hơn một năm trời, nhưng bệnh chỉ bớt chứ không khỏi. Người cháu xanh xao, có thời gian gầy xọp, lúc thì xưng mặt, xưng chân tay và gần đây bụng to như người có chửa. Thương con, vợ chồng Hoài chạy ngược, chạy xuôi buôn bán, làm ăn quần quật mà vẫn không đủ tiền thuốc men điều trị bệnh cho con trai. Biết được hoàn cảnh của chú Hoài, nhiều lúc ông định vào thăm, nhưng chưa sắp xếp được công việc gia đình.
- Ông ơi, có điện của chú Hoài !
- Bà đưa cho tôi, nhanh lên kẻo tốn tiền của chú ấy.
- Hoài hả, chú khỏe không? Hả, cháu Nguyên sao? Có chuyển biến tốt à. Thế thì tốt rồi, chú thím đưa cháu ra đây cho anh chị nha. Ra ngoài này cho Thầy Hảo bắt mạch, bốc thuốc, thuận tiện nhiều cho việc chữa bệnh của cháu. Ờ, ờ, chú mày cứ yên tâm. Chào chú, cho gửi lời thăm thím nó và mọi người nha!
- Bà ơi, cháu Hoài chịu thuốc của Thầy Hảo rồi. Uống mấy thang mà tiểu nhiều, nước trong, người nhẹ đi, ăn ngủ tốt…
- Thế ông tiếp tục lấy thêm thuốc cho cháu đi!
- Tuân lệnh bà, năm giờ sáng mai tôi đi!
Nói chưa hết câu chuyện với vợ, bỏ cả chương trình thời sự tối của đài Truyền hình Việt Nam, ông vỗ hai chân bành bạch, lên giường đi ngủ sớm.
Nhưng ông không thể nào nhắm được mắt. Hình ảnh cháu Nguyên, vợ chồng Hoài và vùng quê Vĩnh Linh, Quảng Trị cứ lởn vỡn trong đầu ông. Ông nhớ những xóm làng thanh bình, trù phú, xanh ngút mắt hai bên bờ sông Bến Hải. Nhớ buổi vợ chồng Hoài cho đi tắm biển Cửa Việt, Cửa Tùng thơ mộng đầy nắng, cát vàng bằng phẳng, dịu êm, sóng vỗ rì rầm, đại dương xanh ngắt. Hôm ấy, vợ chồng nó đãi món tôm hùm nướng nhâm nhi với rượu trắng. Vừa uống rượu, vừa ngắm phong cảnh của bải biển được mệnh danh là Nữ hoàng của Việt Nam. Thật tuyệt vời !
Ông lại nhớ, hôm Hoài chở ông vượt đèo Sa Mu đi tìm mộ của em ở Khe Sanh gần biên giới Việt-Lào. Đèo vòng vèo, uốn lượn quanh co trên độ cao 1.400 mét so với mức nước biển. Đã gần hai giờ chiều mà lưng chừng đèo mây mù trắng xóa. Hai bên đường cây rừng chen nhau mọc, cao thấp lô nhô, xanh thẳm, trập trùng. Xe bon bon trên đường đèo mây bay như đưa ta vào cõi thần tiên, huyền bí…Cuối đèo, ánh nắng chiều lóe lên, xa xa ẩn hiện dãi Trường Sơn hùng vĩ. Cõi thần tiên, huyền bí đó đã đưa ông vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay…
Mãi tới gần 5 giờ sáng bà Hai bật đèn sáng choang:
- Ông ơi, trời sáng bảnh rồi,dậy đi!
- Rồi, tôi thức dậy rồi đây!
Ông lồm cồm ngồi dậy, húng hắng ho, bước ra ngoài sân. Trời se se lạnh. Chân mở rộng bằng vai, ông vung hai tay lên rồi hạ xuống quật về phía sau lưng cả trăm lần.  
- Ông có bài tập thể dục mới hả?
- Mới toanh, ông Hòa vừa bày cho ngày hôm qua đó bà. Thật sảng khoái. Nhưng phải tập mỗi sáng từ 800 cái trở lên mới có kết quả tốt. Khó lắm đây, không dễ ăn đâu!
Vệ sinh cá nhân sáng xong, hai ông bà ngồi vào bàn ăn điểm tâm sáng.
- Lại mì tôm, bà cho tôi ăn hoài như thế này làm sao có đủ sức mà trông nom, chăm sóc vườn cây, ao cá cho bà?
- Của mình tôi chắc? Vội đi sớm thì phải mì ăn liền thôi. Tối ông về, tôi sẽ đãi món ngon cho ông, được không nào?
Vừa bị bà dỗ ngọt, ông lùa đũa nhanh hơn. Ăn hết tô mì “ không người lái” ngon lành trong chốc lát. Ăn sáng, uống nước xong, ông lên nhà trên. Ngắm ngía, chỉnh chu bộ quân phục thật ngay ngắn, ông cầm máy lửa đốt ba cây nhang, cắm lên bát hương trên bàn thờ. Đứng nghiêm trang trước bàn thờ ông vái ba lần và kính cẩn:
- Kính thưa tổ tiên, ông bà, cha mẹ và chú Long thương nhớ! Hôm nay con đi Thạch Thành lấy thuốc cho cháu Nguyên, con chú Hoài ở Vĩnh Linh. Kính mong cho con đi gặp may, lấy được thuốc về chữa lành bệnh cho cháu. Em nhớ phù hộ cho anh và cháu Nguyên, nghe Long !
Xin phép các cụ và em Long, ông vội xuống bếp khoác chiếc ba lô cũ trên lưng.
- Đồ gì mà nhiều thế hở bà?
- Vài thứ quà quê gửi cho Thầy Hảo chứ gì mà ít với nhiều!
- Có ai tìm tôi, bà cứ bảo ổng đi công chuyện chiều tối mới về! À, để tôi gọi trước cho Thầy chuẩn bị thuốc men, chiều về cho sớm.
- Ông nhớ đi chuyến xe buýt số 8 nha!
Chẳng nói, chẳng rằng, ông bước vội ra ngoài cổng, miệng vẫn còn húng hắng ho.
            Ông Hai vừa đi chừng mươi phút. Ngoài cổng có tiếng trẻ con khóc. Ai như tiếng thằng Út:
- Im nào, bà nội mắng cho bây giờ!
- Ai dám ghẹo cháu bà vậy? Vô đây, bà cho bánh nhiều nhiều này. Cha tổ anh, lại đánh nó phải không?
- Bố con đâu mẹ?
- Đi lấy thuốc cho cháu Nguyên!
- Lại nữa. Nói mãi rồi mà không nghe. Kệ, con người ta thì cứ để họ lo, cớ gì mua việc cho khổ thân, tốn tiền!
- Con đừng nói vậy. Chú tím Hoài giờ không phải là người xa lạ với gia đình mình. Chú là ân nhân, em kết nghĩa với bố mẹ nên phải có tình cảm, tình thương và trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau. Bà hai phân tích cho con.
Biết mình đã sai, Út lặng lẽ ngồi xuống thềm hè nghe mẹ lên lớp…
- Dạo đi Quảng Trị tìm mộ chú Long, bố con làm mất giấy tờ, tiền bạc. May được sự giúp đỡ của gia đình chú, bố con đã đi hầu hết các chiến trường ác liệt thời đánh Mỹ- ngụy và nhiều nghĩa trang liệt sỹ ở Quảng Trị để tìm chú. Con biết không, ở Quảng Trị có 72 Nghĩa trang liệt sỹ, chôn cất trên 60.000 hài cốt liệt sỹ. Nhưng vẫn còn hàng ngàn liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và cả ngàn liệt sỹ có hài cốt ở nghĩa trang nhưng lại không có thông tin về họ tên, địa chỉ…
- Con biết, riêng Nghĩa Trang Liệt Sỹ Quốc Gia Đường 9 ở vùng đồi phường 4, thành phố Đông Hà rộng 14 ha, có gần 10.000 mộ liệt sỹ; trong đó có gần 6.300 liệt sỹ vô danh. Tỉnh Thanh Hóa mình có 449 liệt sỹ nằm nghỉ ở nghĩa trang này, nhiều nhất cả nước kia đấy, mẹ ạ!
- Làm sao con biết?
- Mẹ lạc hậu quá , thời đại bùng nổ công nghệ thông tin mà. Vừa rồi, con lên mạng đi tìm chú Long, con biết nhiều các thông tin về các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Liệt sỹ, thương binh… Và con có linh tính, chú con nằm yên nghỉ ở nghĩa trang này nữa cơ, mẹ ạ!
- Sao con không nói cho bố con biết? Hôm qua, mẹ nghe đài biết một thông tin rất hay về Quảng Trị: Toàn tỉnh chỉ có 60 vạn dân mà có đến 2.653 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đặc biệt bà Lê Thị He ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong cả gia đình có 7 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và 15 liệt sỹ. Bản thân mẹ cùng một con gái, ba con dâu được tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
- Con còn biết, ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng có bà Trần Thị Mít có chồng và 6 người con đẻ, một con dâu và một cháu nội là liệt sỹ.
- Hiếm có, thật là anh hùng!
-  Chưa hết đâu, mẹ có biết bài hát “Mẹ Gio Linh” của nhạc sỹ Phạm Duy không?... Thua rồi phải không nào? Con nói cho mẹ biết nha: Bài hát này ca ngợi bà Lê Thị Châu ở làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Bà quặn lòng, nuốt hận mang thúng đi lấy đầu con bị giặc Pháp chặt bêu đầu giữa chợ mang về khâm liệm, mai táng…
- Con ơi, cảm động, cảm động quá!...Bà lau những dòng nước mắt lăn dài trên má, lủi thũi đi vào trong bếp… Hai bố con nhà Út dắt nhau đi ra ngoài ngõ.
                       
                                                            * * *
            Quần xắn ống cao, ống thấp như mới đi làm đồng về, chưa vào tới ngõ ông Hai đã la lớn:
- Bà ơi ơi ơi ! Món ngon của tôi đâu rồi, có chưa, trải chiếu đưa lên hè cho mát, nhanh lên!
Từ trong bếp bà ngoái đầu ra :
- Gớm ! Chưa thấy người đã nghe tiếng. Chưa về nhà đã đòi ăn. Ông không thẹn với con cháu à?
- Đứa nào trong đó mà thẹn?
Bà không trả lời, hỏi:
- Thuốc thang đâu, không mua được à?
- Bà thật chậm tính, lấy xong tôi ghé bưu điện Thị trấn Kim Tân, Thạch Thành gửi vô cho chú nó rồi. Thầy Hảo nói, nếu uống mấy thang mà có chuyển biến tốt như vậy thì chỉ vài thang nữa thằng Nguyên sẽ khỏi bệnh thôi!
- Nếu được như vậy thì gặp phúc trời cho!
Bà vào bếp soạn đồ nhắm rượu. Ông ra vườn tranh thủ múc nước tưới cho mấy cây bưởi mới trồng. Một thoáng mọi việc đã xong. Ông ngồi xếp bằng trên chiếu cói, mở nút lá chuối khô khỏi chai rót rượu đầy ly, tu một hơi dài.
- Chà rượu bà lấy ở đâu mà ngon quá vậy? À quên, nhờ bà sang mời chú Thân qua đây tôi có chút việc.
Bà Hai vô trong nhà lấy điện thoại gọi mời chú Thân. Một lúc sau đã thấy chú Thân chống gậy đi vào trong sân.
- Bác cho gọi em có việc gì không ạ?
- Mời chú uống vài ly cho vui. Tôi vừa đi bốc thuốc cho cháu ở Thạch Thành về, nhiều chuyện lắm!
Ông Thân lựa thế ngồi xuống chiếu, hai chân buông xuống bậc hè:
- Dạ, em hầu bác!
Hai ông nâng ly lên:
- Xin mời!
- Dạo ấy chú bị thương ở đâu ta?
- Em bị ở Tây Nguyên, tháng 3 năm 1975.
-Tôi có chú em người Quảng Trị, hy sinh ở Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 mà cho tới nay vẫn chưa tìm thấy mộ.
- Anh ấy ở đơn vị nào, bác có biết không?
- Không, chút nữa tôi gọi điện hỏi chú Hoài xem sao? Nói rồi ông cầm lên điện thoại lên:
- Chú hả, anh đây. Khỏe không? Trưa nay anh gửi cho cháu Nguyên mười thang thuốc nữa đấy. Em nhớ đọc kỹ cách sử dụng và bảo cháu thực hiện chế độ ăn kiêng cho anh. À này, em có nhớ đơn vị và ngày hy sinh của anh Hai em không? Hở, để anh ghi: Trần Văn Hoa, tiểu đoàn 4, trung đoàn 149. Hy sinh ngày 13 tháng 3 năm 1975. Ờ, anh chị và vợ chồng thằng Út khỏe. Rồi, có gì anh sẽ báo cho em biết, chào em!
- Chú Thân xem đi, có quen biết không?
Ông Thân cầm tờ giấy lên đọc:
- Trời ơi, anh Hoa, Trung đội trưởng trung đội 12,7 ly, đại đội 4, tiểu đoàn 4 đây !
- Chú biết chú Hoa à?
- Anh Hoa người xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh hy sinh trong trận đánh sân bay Hòa Bình, Buôn Mê Thuật ngày 13 tháng 3 năm 1975.
- Đúng rồi, chú ấy ở xã Vĩnh Sơn là anh Hai của chú Hoài, em kết nghĩa với vợ chồng tôi cả gần mười năm nay. Mấy chục năm qua, Sở lao động- Thương binh- Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị và gia đình trong ấy tìm kiếm mãi mà vẫn chưa tìm được mộ phần của chú ấy.
- Anh Hoa hơn em hai tuổi, bọn em cùng nhập ngũ một ngày. Trước đây em và ảnh ở trung đội thông tin của Tiểu đoàn 4. Nhưng anh ấy muốn trực tiếp cầm súng chiến đấu để trả thù cho cha và bà con họ hàng ở quê hương đã bị Mỹ- ngụy giết hại. Em còn nhớ rất rõ, khoảng tháng 8 năm 1974, ảnh trực tiếp lên gặp Tiểu đoàn trưởng xin về đơn vị chiến đấu chủ lực của tiểu đoàn. Lúc đầu, Thủ trưởng không đồng ý vì biết cha anh là con em gia đình cách mạng ở Quảng Trị có nhiều người thân đang trực tiếp chiến đấu với Mỹ- ngụy ở miền Nam. Hơn nữa, cha anh ấy khi còn học Đại học ở thủ đô Hà Nội đã tình nguyện gia nhập Quân đội. Sau nhiều năm học tập, rèn luyện trong Quân đội, ông được đề bạt là sỹ quan pháo binh và đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu với máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa năm 1968.
- Tôi chỉ biết ông là liệt sỹ hy sinh năm 1968. Cứ tưởng ông hy sinh trong cuộc Tổng tiến công tết Mậu Thân. Sao bây giờ chú mới …
- Bác biết tính em mà, từ khi em bị thương ở chiến trường về, giữ nhà cho vợ không xong, có gì để mà khoe với bà con hàng xóm kia chứ !
Bà Hai đang chăm chú nghe câu chuyện, bị cắt giữa chừng, lên tiếng:
- Ông bình tĩnh để chú Thân kể tiếp đi nào!
- Sau đó, anh Hoa lấy máu mình viết đơn tình nguyện xin được trực tiếp cầm súng chiến đấu.Tháng 9 năm 1974 anh nhận quyết định về trung đội 12,7, đại đội 4 hỏa lực của tiểu đoàn. Sau hai tháng huấn luyện, đại đội hỏa lực tổ chức kiểm tra bắn đạn thật, trung đội anh đạt loại giỏi. Riêng khẩu đội anh đạt thành tích xuất sắc nhất đại đội. Anh được tặng Giấy khen và đề bạt làm Khẩu đội trưởng. Trung tuần tháng 11 năm ấy, cả sư đoàn được lệnh thần tốc lên đường vào Tây nguyên chiến đấu. Rất vinh dự, tự hào, trước khi lên đường BácTôn tới thăm, động viên, dăn dò cán bộ, chiến sỹ toàn sư đoàn hãy lên đường chiến đấu với tinh thần được đúc kết trong18 chữ vàng: “Đi nhanh, đi sâu, thắng lớn, thắng giòn giã. Đi đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng”.
- Đơn vị chú xuất phát từ đâu?
- Bà biết cái gì mà hỏi. Lại cắt ngang câu chuyện rồi, mời chú Thân tiếp tục.
- Đơn vị xuất quân từ cây số 0, đường Trường Sơn!
- Cây số 0 đường Trường Sơn ở tỉnh nào?
- Ở Lạt, Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Và điều đặc biệt lần xuất quân này là lần đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, cả sư đoàn hành quân bằng cơ giới, chỉ mất mười ngày đêm đơn vị đã tập kết an toàn bên dòng sông Sê Rê Pok hùng vĩ ở Tây nguyên.
- Thật là kỳ tích!
Đắc chí ông Hai reo lên, rồi dịu giọng:
- Nghe mấy ông cựu chiến binh kể chuyện, những năm sáu, bảy mươi muốn vào được chiến trường B2 chiến đấu phải hành quân sáu, bảy tháng trời ròng rả. Cứ mười Bộ đội vào thì may lắm có năm, sáu người tới đích, còn lại tử vong dọc đường do: sốt rét ác tính, rắn độc cắn, tai nạn, kiệt sức…Ở xã mình cũng có gần cả chục người nằm trong hoàn cảnh này, phải không bà?
- Rồi sao nữa chú Thân?
Bà Hai nóng ruột hỏi.
- Nằm ém dưỡng quân, nghi binh địch và ăn tết nguyên đán Ất Mão trước trong rừng già, bên dòng Sê Rê Pok. Đến rạng sáng ngày 10 tháng 3 năm1975, tiểu đoàn 4, trung đoàn 149, hợp đồng chiến đấu với các đơn vị bạn tiến đánh Buôn Mê Thuật, mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Tức là Chiến Dịch Tây Nguyên, mang mật danh Chiến Dịch 275.
- Hai bác biết không, trước khi bộ binh ta tiến vào Thị xã, pháo binh của quân mình dồn dập nã đạn từ nhiều hướng vào quân địch đang ngủ say nên bọn chúng bất ngờ, hoảng loạn tháo chạy. Và chỉ vài tiếng đồng hồ sau, các mũi tiến quân của ta đã làm chủ hoàn toàn Buôn Mê Thuật.
- Nào, nâng ly, một lần nữa chúc mừng chiến thắng Tây Nguyên!
Cả ba người cùng vỗ tay, vui như tết!   
- Ông bà Hai trúng số hay sao mà vui quá vậy? Vợ chú Thân từ cổng vào, lên tiếng.
Bà Hai vội đứng lên ra đón khách:
- Mời thím vào uống nước!
- Bác cứ vẽ, em cữ chè xanh, sợ mất ngủ mệt lắm! Hai bà nắm tay nhau ngồi xuống thềm hè cùng bổ cau, têm trầu.
- Thế chú Hoa hy sinh ở đâu, chôn cất ở chỗ nào? Ông Hai sốt ruột, hỏi dồn:
- Khi để mất Buôn Mê Thuật vào tay Quân Giải phóng. Ngày 11 và 13 tháng 3 năm 1975, quân ngụy tập trung lực lượng phản công hòng chiếm lại các căn cứ quân sự đã mất. Nhưng chúng đã thất bại hoàn toàn trước sự đánh trả kiên trì, quyết liệt, mưu trí và dũng cảm của quân ta. Và ngày đến ngày 14 tháng 3 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho quân đội Việt Nam Cộng hòa rút chạy khỏi Tây Nguyên. Chiến dịch Tây Nguyên đã toàn thắng!
Cả nhà cùng vỗ tay:
- Hoan hô, hoan hô!
- Thế còn chú Hoa…
- Anh Hoa hy sinh trong trận đánh địch phản công vào sân bay Hòa Bình, Buôn Mê Thuật. Trận đánh này vô cùng ác liệt, kéo dài suốt mấy chục tiếng đồng hồ. Bọn giặc lợi dụng địa bàn quen thuộc, ém quân trong hầm ngầm rồi đồng loạt, ngoài đánh vô, dưới hầm đánh lên. Quân ta bị thương vong nhiều. Nhưng sau đó có lực lượng tiếp viện kịp thời nên đầu giờ chiều ngày 13 tháng 3 năm 1975 ta đã làm chủ được toàn bộ sân bay chiến lược này. Còn anh Hoa…
- Chú Hoa hy sinh ngày 13 tháng 3 năm 1975!
- Vâng vào khoảng 10 giờ sáng. Nhưng thân thể anh ấy không còn vẹn nguyên. Quân thù vô cùng dã man, tàn ác treo thi thể anh lên cây cao, điên cuồng đua nhau nổ súng vào người anh. Cho đến khi trên cây chỉ còn sợi dây lòng thòng tơi tả…
Không ai bảo ai, bốn người tóc bạc cùng ôm mặt khóc. Ông Hai vừa lau nước mắt,vừa đi vào nhà trong bật lửa đốt nhang cắm lên bàn thờ, cúi khom người vái Tổ tiên, cầu mong hương hồn các anh hùng liệt sỹ nơi suối vàng siêu thoát!
 
* * *
            Mấy ngày nay ông Hai gầy sọp hẵn đi. Ông lầm lì, ít nói và thỉnh thoảng lại nhìn ra ngoài cổng thở dài. Đàn gà con mới nở lăng xăng ngoài sân nghe tiếng động chạy vội rúc vào bụng mẹ, kêu chíp chíp chíp.
- Ông Hai đâu, có khách này!
- Ai vậy? Tổ cha mày! Thằng Nam về bà ơi ơi ơi!
Cô gái trẻ đi cùng Nam cười tươi:
- Chúng cháu chào ông ạ!
Ông gật đầu:
- Liên phải không, cháu dâu của ông đẹp quá ! Để gọn đồ lên tấm phản trong nhà nghe cháu!
Nam và Liên nhanh tay xắp xếp đồ đạc hành lý gọn gàng rồi bẽn lẽn lại trước mặt ông khoanh tay lễ phép:
- Thưa ông nội…đây là người yêu của cháu!
- Được rồi, về thăm ông bà lâu không?
Không trả lời ông, cả hai đứa cùng cười, nắm tay nhau chạy ra vườn đi tìm bà.
- Bà này kỳ thật, sáng đến giờ không thấy đâu?
Ông bực bội, hỏi bâng quơ.
- Mẹ con, bà cháu tôi đây! Tôi ra chợ mua đồ để chuẩn bị đón cháu dâu! Bà xách giỏ đồ từ ngõ vào, trả lời ông ngọt lịm. Đi sau bà là vợ chồng và hai đứa con nhà thằng Út.
- Bà ơi, chú thím ơi, các cháu đây! Bà đi chợ mua bánh cho bọn cháu nhiều không?
- Cha tổ anh, giống ông nội anh như đúc, lúc nào cũng đòi ăn. À quên, lúc nào cũng…
- Cũng nhớ và thương bà phải không.
Nam ôm chầm lấy bà nội, cười vang.
Liên tiến lại gần bà, cúi xuống, khoanh tay:
- Cháu xin chào bà ạ! Chào chú thím Út! Bà có khỏe không nào, chú thím mạnh giỏi cả chứ?
- Bà và cả nhà ta ngoài này đều khỏe, có ai cùng về với các cháu không?
Nam cười, khoe hai hàm răng trắng sáng, trông rất bảnh trai:
- Bọn cháu về ở đây luôn với ông bà có được không?
Ông Hai quát yêu bà:
- Bà nấu nướng gì thì nhanh lên, để cháu dâu tôi đói thì tôi phạt cho đó!
Căn nhà có thêm người, tiếng nói, tiếng cười vang vang, ấm cúng hẵn lên!
- Bữa trưa nay, không nấu nướng gì cả. Bà sẽ đãi cháu đích tôn và cháu dâu của bà các món bánh nhà quê. Được không nào?
- Hoan hô bà nội! Mời ông ra ăn bánh cho nó nóng mới ngon!
           Vừa nói, Nam vừa nháy mắt cho Liên nhanh tay phụ giúp cùng dọn đồ ăn ra bàn tròn trong nhà bếp.
Ông Hai cầm chai rượu ở trong tủ ra, mở nút đưa lên miệng uống thử:
- Úi chà chà…rượu nào mà ngon quá ta?
- Rượu nếp Quảng Trị, cháu mang về biếu ông đó! Ông uống thử, nếu được cháu sẽ thường xuyên gửi về cho ông dùng.
Liên nhỏ nhẹ khoe với ông.
- Ông nghe ba thằng Nam nói quê cháu ở Quảng Trị, nhưng ở chỗ nào?
- Nhà cháu trước đây ở Vĩnh Linh, sau đó chuyển về thành phố Đông Hà để tiện cho công tác của cha cháu, ông ạ!
- Vỉnh Linh à! Thôi cả nhà ăn đi nào, vừa ăn, vừa nói chuyện mới vui. Còn ông nữa, uống đi để mà ăn, ăn nhiều cho nó khỏe. Tôi thấy gần nữa tháng nay ông gầy đi nhiều quá đấy. Đây, bánh xèo, món ông hảo nhất đây!
Miệng nói, tay gắp đầy dĩa bánh, bà nâng lên trao tận tay cho ông.
- Cám ơn bà! Thôi bây giờ đầy đủ cả rồi. Có gì mới cháu Nam nói đi, bí mật gì nữa hả?
- Dạ! Hôm nay, được sự đồng ý của ba mẹ cháu ở trong thành phố Hồ Chí Minh và… cha mẹ gia đình nhà em Liên ở Quảng Trị, hai cháu… về thăm ông bà, chú thím, các em và bà con ở quê mình…
- Giống diễn văn quá!
Liên ôm mặt cười nhắc Nam:
- Anh cứ tự nhiên đi mà…
Mặt Nam đỏ như gà chọi, giọng chậm rãi, run run…Cả nhà nhìn Nam, cười khúc khích!
- Thôi, ông bà, chú thím biết cả rồi. Các cháu về để xin ông bà cho các cháu cưới phải không?
Ông nội biết ý đỡ lời cháu đích tôn, nói tiếp:
- Ông bà nhất trí một trăm phần trăm và đã tìm được ngày tốt để lo cho các cháu!
Vợ chồng Út nãy giờ vừa ăn, vừa theo dõi câu chuyện không bỏ sót một chi tiết nào. Bây giờ mới lên tiếng:
- Ba mẹ các cháu cũng đã trao đổi với chú thím, nhất trí như lịch trình ông nội đã xắp xếp. Đến ngày 16 tháng sau sẽ tổ chức đám cưới cho hai cháu tại thành phố Hồ Chí Minh và sau đó một tuần sẽ về nhà cháu Liên làm liên hoan, báo cáo với bà con họ hàng ở ngoài ấy và mừng kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Trị, vùng đất  anh hùng, khúc ruột nghĩa tình của người Việt Nam ta!
- Chú Út hay quá ta! Hoan hô chú Út !
Nam ôm chầm lấy Liên, reo lên!
- Anh kỳ quá, không mắc cỡ sao? Để em nói chuyện này với chú Út coi:
- Chú ơi, lần này vô Quảng Trị cháu sẽ bao cả nhà một chuyến du lịch về nguồn, được không?
- Ý tưởng đó hay lắm cháu ạ! Mọi người sẽ thích lắm đấy!
Có thêm chút rượu vào, ông nội phấn chấn hỏi cháu dâu:
- Về nguồn là sao, hở cháu?
Liên hồ hởi kể:
- Thưa ông, ở Quảng Trị cháu có 12 điểm du lịch về nguồn nổi tiếng, gồm: Cầu treo Đakrông, đường mòn Hồ Chí Minh, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vĩnh Mốc, căn cứ Khe Sanh, căn cứ Cồn Tiên Dốc Miếu, hàng rào điện tử Mc NaMaRa, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9…
- Tốt lắm! Địa điểm nào cũng hấp dẫn, cũng nên đi cả, nhưng thời gian thì có hạn. Để đó, ông nghiên cứu rồi báo cho cháu biết sớm để cháu chuẩn bị nha. Cám ơn cháu nhiều!
                                              
                                               * * *
           Mấy ngày nay, hôm nào thím Thân cũng sang chơi với bà Hai. Sáng nay, thím đến sớm hơn mọi hôm. Hai bà đang vừa nhặt rau, vừa nói chuyện:
- Ông nhà tôi và chú Thân đi vào trong ấy được gần nửa tháng rồi, không biết sao mà chưa gọi điện về nhà?
- Hay tiện thể đi chơi với bạn bè ở trong ấy…
Thím Thân chưa nói hết câu thì chuông điện thoại reo. Bà Hai vội đưa chiếc điện thoại “nồi đồng cối đá” sát tai:
- A lô! Ông hả, sao bây giờ mới điện về? A lô! Ông nói to lên, không nghe rõ…Hả, đưa được chú Hoa về quê rồi à. Tốt quá, ông thắp hộ tôi tuần nhang cho chú ấy và gửi lời hỏi thăm sức khỏe vợ chồng chú Hoài nha. Còn tình hình bệnh tật của cháu Nguyên thế nào? Hết bệnh rồi sao! Mừng cho cháu…Chào ông, hôm nào về?
Chưa kịp trả lời bà, ông Hai đã tắt máy!
- Thím ơi, thế là chu tất cả rồi. Sau đám cưới của tụi nhỏ, ông Hai, chú Thân và chú Hoài đã lên sân bay Hòa Bình đưa chú Hoa về quê rồi.
- Tìm được mộ rồi đưa về quê?
Thím Thân ngạc nhiên hỏi.
- Không phải. Trước khi đi, ông nhà tôi và chú Thân bàn với nhau:
- Vô trong ấy, kể cho chú Hoài nghe lại chuyện chú Hoa hy sinh trong trận đánh sân bay Hòa Bình và lên trên ấy xin một ít đất mang về quê lập mộ để tưởng nhớ đến người đã khuất…
 Nói xong, bà Hai ôm chặt lấy thím Thân. Cả hai cùng khóc nức nở!... Bà Hai, lau nước mắt, cầm miếng trầu lên mời thím Thân và lững thững đi vào trong nhà đốt nhang cắm lên bàn thờ, lẫm bẫm trong miệng:
- Cám ơn tổ tiên! Nhà con đã tìm được chú Hoa, cháu Nguyên đã lành bệnh chuẩn bị vào trường đi học tiếp. Cháu Nam và cháu Liên đã thành vợ thành chồng. Tuần sau cháu Liên sang Mỹ học thêm để lấy bằng Tiến sỹ. Kính mong các cụ phù hộ, độ trì cho con cháu…
Còn chú Long, mong chú yên giấc nơi suối vàng. Anh chị và gia đình xin hứa còn sống ngày nào sẽ quyết tâm tiếp tục đi tìm em!
                      
                                                           Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2019
                                                                                   Trịnh Huỳnh Đức
           ( Cựu chiến binh Sư đoàn 316 – Hội viện CCB thành phố Hồ Chí Minh )
  • Địa chỉ liên lạc: Số nhà 115 Nguyễn Du, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An,
Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
 
 
 
 
tin tức liên quan