Về Độc Lập chiêm ngưỡng Chiêu Minh Đại vương cùng Phụng Dương Công Chúa - Bút ký của Phạm Trọng Thanh

Ngày đăng: 09:44 29/07/2019 Lượt xem: 819
VỀ ĐỘC LẬP CHIÊM NGƯỠNG CHIÊU MINH
ĐẠI VƯƠNG CÙNG  PHỤNG DƯƠNG CÔNG CHÚA
 
Bút ký của Phạm Trọng Thanh
 
         Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải sinh tháng 10 năm Tân Sửu (1241), mất ngày 3 tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294). Năm nay, vào dịp kỷ niệm 725  năm ngày Nhà thơ - Thượng tướng Thái sư qua đời (1294-2019), chúng tôi hành hương về làng Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nơi toạ lạc ngôi đình Cao Đài phụng thờ Thái sư cùng phu nhân Phụng Dương công chúa, dâng hương tưởng niệm vị Tướng quốc, nguyên lão bốn triều vua: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông; bậc anh kiệt trung, dũng, trí, nhân, văn võ toàn tài. Nơi đây xưa là xứ Độc Lập, phủ Thiên Trường, có thái ấp Độc Lập gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Chiêu Minh đại  vương Trần Quang Khải và phu nhân Phụng Dương công chúa.


Đình làng Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc tỉnh.Nam Định.
         1.Vị Tướng quốc lỗi lạc triều Trần
         Trần Quang Khải là con thứ ba vua Trần Thái Tông, mẹ là Hoàng hậu Thuận Thiên công chúa. Sử chép: lúc mới sinh, Quang Khải phát chứng kinh giật, tưởng không qua khỏi. Thương con, vua Trần Thái Tông lấy áo gấm của Thượng hoàng và tháo cả thanh gươm báu truyền quốc luôn đeo bên mình đặt cạnh Hoàng nhi và bảo: "Nếu sống lại, sẽ ban cho những thứ này".Quang Khải qua được cơn bệnh hiểm nghèo nhưng sau vua cha chỉ ban cho áo gấm của Thượng hoàng, còn gươm báu truyền quốc "Không thể tuỳ tiện trao bừa".(1) Thấy con có tư chất hơn người, vua Trần Thái Tông tin cậy giao cho Hàn lâm viện Học sĩ - Bảng nhãn Lê Văn Hưu trọng trách trông nom, rèn cặp việc học hành của Hoàng tử. Là người thông minh, ham học, có chí lớn, gần mười năm miệt mài đèn sách, Trần Quang Khải đã có được vốn kiến văn sâu rộng. Tháng 11-1258, triều vua Trần Thánh Tông, ông được phong tước Chiêu Minh đại vương khi mới mười bảy tuổi. Ông tiếp tục thao luyện văn võ đợi thời cơ lập công báo quốc. Năm 1261, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 4, ông được phong làm Thái uý, chính thức tham gia công việc triều chính khi vừa hai mươi tuổi. Cuộc đời làm chính sự, ngoại giao của ông bắt đầu từ ngày cùng với hoàng huynh là Trần Quốc Khang vào trấn thủ Nghệ An, năm 1265. Năm Tân Mùi (1271), ông được triều đình tấn phong làm Tướng quốc Thái uý - chức quan võ cao nhất kiêm lãnh cả công việc triều chính.
         Sau thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất (1257-1258), vua tôi Hốt Tất Liệt ráo riết chuẩn bị binh lực, thực hiện dã tâm xâm lược nước ta. Ỷ vào sức mạnh  của đạo quân thiện chiến từng làm mưa làm gió trên chiến trường Á, Âu, ở thế chủ động, chúng tiếp tục đặt vua tôi tướng sĩ triều Trần vào một cuộc đối đầu không cân sức. Trên mặt trận ngoại giao, khi đảm nhận trọng trách triều đình giao phó, Tướng quốc Thái uý Trần Quang Khải đã hoàn thành xuất sắc các công vụ quốc gia. Điềm tĩnh, mưu lược vượt qua những cuộc đấu trí đầy thách thức, làm thất bại mọi toan tính thâm độc của đám sứ thần phương Bắc, tạo điều kiện cho triều đình có thời gian chuẩn bị lực lượng và thế trận chống xâm lược. Trần Quang Khải xứng đáng với lời tôn vinh của các nhà viết sử. Ông là nhà chính trị kiệt xuất, nhà ngoại giao lỗi lạc của đất nước thời Trần. Tại Hội nghị Bình Than năm 1282, niên hiệu Thiệu Bảo năm thứ 4, triều vua Trần Nhân Tông, ông được tấn phong làm Thượng tướng Thái sư, nắm toàn quyền nội chính của triều đình. Cũng tại hội nghị Bình Than, ông tâu vua, xin nhường quyền Tiết chế thống lĩnh các đạo binh mã cho Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, một nghĩa cử sáng suốt thể hiện sự quí trọng hiền tài. Rồi trên bến Bình Than, một chuyện đã được sử sách chép thành giai thoại khi ông chủ động tìm đến soái thuyền của Hưng Đạo đại vương chơi cả buổi để được cùng Quốc công "tắm nước thơm, giải toả hết những hiềm khích" khiến cả Hoàng triều cảm động. Mọi ứng xử của ông trong triều ngoài nội đều ở trong tấm lòng trung quân ái quốc một bậc đại thần trụ cột của một triều đại hiển hách "vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước góp sức", góp phần làm nên nghiệp vĩ đại chống xâm lăng bảo vệ non sông Đại Việt. Ông xứng với hai câu thơ Thượng hoàng Trần Thánh Tông ban tặng, thêu trên lá cờ trên đường cầm quân ra trận năm 1285:"Nhất đại công danh thiên hạ hữu/ Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô"(Công danh trọn một đời thiên hạ còn có người như ông/ Tấm lòng trung hiếu với hai triều vua thì thế gian này không ai sánh được).Thật cảm kích, hơn một trăm năm sau, người chắt ngoại đời thứ sáu của ông là thi hào Nguyễn Trãi (1380-1442), vị khai quốc công thần thời Lê sơ, đã sưu tầm và chép lại hai câu thơ trên truyền cho hậu thế.(2)
         Về tài làm tướng cầm quân xông pha chiến trận, hai lần ông được triều đình cắt cử tiến quân vào Nghệ An đối địch với đạo quân hùng mạnh của Toa Đô. Ông cùng các dũng tướng Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản... phối hợp với cánh quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã chặn bước tiến, phá thế giặc ở gọng kìm phía nam, làm thất bại ý đồ tác chiến của quân Nguyên. Hành quân mau lẹ từ Thanh Hoá ra Bắc trong chiến lược tổng phản công năm 1285, sau trận thắng đại đồn A Lỗ, do Quốc công Tiết chế chỉ huy; sau trận đánh đạo binh thuyền của Toa Đô ở bến Tây Kết, ở cửa Hàm Tử do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật thống suất - đến trận Chương Dương do Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải chỉ huy, đã đánh tan đạo quân chủ lực của giặc, dẫn đến trận Tây Kết lần thứ hai khiến Trấn Nam vương Thoát Hoan phải bỏ Thăng Long mà chạy. Ngày 6 tháng 6 năm Ất Dậu ( 9-7-1285) Chiêu Minh đại vương là người rước hai vua về Thăng Long. Trên đường phò giá về Kinh, ông đã viết Tụng giá hoàn kinh sư - bài thơ tuyệt bút  thành niềm tự hào của văn chương Đại Việt, sánh với các kiệt tác "thơ thần" Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ văn, Bình Ngô đại cáo...
         Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ ba (1287- 1288), ông được giao nhiệm vụ bảo vệ nhà vua trên đường hành quân và tham gia đánh giặc. Chiêu Minh đại vương đã đóng góp phần tài năng, công sức vào trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng ngày 9-4-1288, do Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương tổng chỉ huy, tiêu diệt đạo quân Nguyên binh thuyền hùng hậu do Ô Mã Nhi cầm đầu, viết nên trang sử hào hùng bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
         Trên năm thế kỷ sau ngày Thượng tướng Thái sư qua đời, cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương  mục triều Nguyễn đã viết về ông: "(Trần) Quang Khải lúc thì làm tướng võ, khi thì làm tướng văn, giúp cho đế nghiệp nhà Trần, uy danh sánh ngang với (Trần) Quốc Tuấn. Khi mất, (Trần) Quang Khải thọ 54 tuổi. Ông để lại cho đời tập thơ Lạc đạo. Con ông là Văn Túc vương (Trần) Đạo Tái cũng có tiếng là người văn hay. Cháu ông là Uy Túc hầu (Trần)Văn Bích làm quan được phong tới hàm Thái bảo. Chắt ông là Chương Túc hầu (Trần) Nguyên Đán cũng có danh vọng lẫy lừng. Xem như thế thì phúc đức của ( Trần) Quang Khải sâu rộng, bền bỉ dường nào.          Trước sau họ đều gắn bó với cơ nghiệp nhà Trần". (3)
        Trong ngày giỗ Thượng tướng Thái sư, tôi cứ nghĩ về một điều kỳ diệu trong lịch sử văn chương nước nhà: Nhà thơ - Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải "cởi áo phòng văn ra chiến địa" cùng các dũng tướng đánh một trận vang dội ở Chương Dương, viết bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư, dựng dậy một Khải hoàn môn Thơ hoành tráng trên đất Thăng Long sạch bóng quân thù. Tính đến nay, vừa 734 năm bài tuyệt bút "khải hoàn ca" vẫn vẹn nguyên cảm hứng lịch sử trong tâm thức muôn người thành kính:

TỤNG GIÁ HOÀN KINH SƯ
Đoạt sóc Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san
 
Dịch thơ :  Phò giá về Kinh
`Cướp giáo Chương Dương đó,
Bắt thù Hàm Tử  đây.
Thái bình nên gắng sức,
Muôn thuở nước non này.
Bản dịch của Trinh Đường

 

Tượng  thờ Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương.
 
         2. Di tích thái ấp Độc Lập xưa
          Theo các tư liệu sưu tầm được ở đền Thái Vi (Ninh Bình),cuốn Địa bạ Gia Long và truyền ngôn của dân làng Cao Đài cho biết: thái ấp Độc Lập xưa rộng tới 300 mẫu, chỉ có 20 mẫu ruộng nội cao, còn là đồng trũng. Trong vùng có 7 gò cao (thất chẩm) 3 giếng lớn (tam tỉnh), 4 con sông (tứ giang)...Thái ấp Độc Lập là "đất phong" vua Trần Thái Tông ban cho Hoàng tử Trần Quang Khải và Phụng Dương công chúa. Bà là con Thái sư Trần Thủ Độ, mẹ là phu nhân Tuệ Chân họ Nguyễn. Công chúa Phụng Dương sinh năm Giáp Thìn (1244), mất ngày 22 tháng 3 năm Tân Mão (1291). Sinh thời Công chúa là người hiền hậu, thông minh từ thuở nhỏ, được vua Trần Thái Tông yêu quí, nhận làm con nuôi. Khi  lấy chồng, Phụng Dương được vua ban xe, tư trang, gấm lụa. Về làm dâu nhà tướng, Thái sư tin cậy giao phó công việc quản lý điều hành thái ấp cho bà, mọi việc "không việc gì là không vừa ý Thái sư". Theo ý Thái sư, bà cho chiêu tập những người dân xiêu tán, vô gia cư về đây sinh cơ lập nghiệp. Để giáo hoá việc thiện đức cho dân, Công chúa xuất tư trang, xây chùa Độc Lập, đúc chuông, nuôi sư sãi hoằng dương Phật pháp, tự mình hành thiện, cứu giúp người nghèo. Bà cho tìm thợ giỏi về đây dạy nghề dệt, nghề mộc, đóng cối, mở lò gạch, xưởng gốm, lò rèn. Mở trại nuôi trâu, nuôi dê, ao đầm thả cá. Lại cho đắp "đường cao" dài 1500 m nối với đường quan lộ, thông với chợ huyện và huyện lỵ Thanh Trà. Mở rộng bến bãi, đào hồ Bến Đình có thể đậu hàng trăm thuyền lớn nhỏ. Giữa thái ấp, một khu phủ đệ  rộng 5 mẫu, khuôn viên có tường hào, đường sá bao quanh. Chính giữa, một toà dinh thất có đài cao, cùng các công trình kiến trúc tráng lệ  kề hoa viên bốn mùa tươi tốt, nơi ở của Thái sư, Phu nhân cùng thư lại, gia nhân giúp việc. Bên ngoài là khu gia binh, gia nô, các xóm cư dân thái ấp. Một lần về thái ấp, Thái sư xúc cảm đề thơ:

ĐỀ  DÃ THỰ
Dã thự sơ khai cảnh vật tân,
Phương phi đào lý tứ thời xuân.
Nhất thanh ngưu địch thanh lâu nguyệt,
Kỷ phiến nông soa, bích lũng vân.
Lộ vãn dương tràng thông tử mạch,
Giang phân yến vĩ đoạn hồng trần.
Quỷ thần ám địa thâu tương ngữ,
Nhất đoạn phong quang khả ẩn quân

Dịch thơ: Đề thơ ở biệt thự đồng quê
Trại giữa đồng quê mới dựng rồi,
Thơm tho đào mận bốn mùa tươi.
Lầu cao trăng biếc, vi vu sáo,
Lũng rợp mây xanh, lấp loáng tơi.
Đường lượn ruột dê, thông phố chợ,
Sông chia đuôi én, dứt trần ai.
Quỷ thần trong tối đương bàn vụng:
Một  dải phong quang khéo đợi người.
Theo bản dịch của Huệ Chi
         Theo tài liệu khảo sát của Bảo tàng tỉnh Nam Hà(4), thái ấp Độc Lập từng giữ vị trí quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2. Từ Độc Lập, binh thuyền quân ta có thể  vào khu căn cứ Trường Yên theo đường sông Vị Hoàng, sông Đáy, sông Vân, hoặc theo sông Ninh ra sông Hoàng Giang lên sông Hồng phía bắc qua các cửa sông Long Xuyên, Tuần Vường, Nga Khê; theo sông Bún, sông Vĩnh tiến về hành cung Thiên Trường. Tháng 3 năm 1285, Thượng hoàng và vua Trần rút khỏi Thiên Trường. Độc Lập là nơi tập kết, bổ sung vũ khí, quân nhu, nơi xay giã, cung cấp lương thực cho đạo quân của Thượng tướng Thái sư trên đường vào Thanh Nghệ, ra Bắc đánh giặc. Công việc hậu cần do công chúa Phụng Dương đảm trách. Ở vào vùng đất lầy trũng hẻo lánh, cách hành cung Thiên Trường 15 km về phía tây nam, cách sông Hồng 20 km, ngựa chiến và thuyền lớn của giặc không thể xâm nhập, trong khi binh lực của ta ở nơi giặc không ngờ tới, lại có thể tiến thoái mau lẹ, xung trận kịp thời làm nên chiến thắng.
         Trải qua các biến cố thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thiên tai, giặc dã, các công trình kiến trúc trong thái ấp xưa bị huỷ hoại hầu hết. Di chỉ khảo cổ chỉ còn các vỉa gạch dưới lòng đất, hàng trăm viên gạch cổ cỡ lớn, chạm nổi hình hoa sen, hoa cúc, có dòng chữ "Vĩnh Ninh Trường" nằm rải rác ở các xóm Miễu, xóm Chằm. Trên bảy thế kỷ qua, từ ngày Công chúa Phụng Dương, rồi Thái sư qua đời, Vương gia chuyển về Thăng Long, đại bộ phận gia nô được giải phóng trở thành tầng lớp bình dân. Ruộng đất Thái ấp chỉ để lại một ít làm nơi thờ tự và tự điền do gia nhân trông coi, còn tất cả chia theo suất đinh cho dân nghèo cày cấy. Dấu tích cư dân thái ấp xưa còn 7 xóm : xóm Chằm, xóm Miễu, xóm Thị, xóm Giữa, xóm Đông, xóm Trại, xóm Nhất đều thuộc làng Cao Đài xã Mỹ Thành ngày nay. Tên "Cao Đài" xuất hiện từ thời Lê sơ, khởi đầu từ chữ "Hữu Cao Đài" (có đài cao) trong thái ấp xưa. Trong vùng còn đó những địa danh cổ: hồ Bến Đình, bến Bát, bến Ngô, Môn Nha, Hậu Nha...trên tấm Lược đồ" Đường giao thông từ căn cứ Độc Lập đến các vùng chiến lược quân sự thời Trần" trưng bày trong đình làng.
          Đình làng Cao Đài thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương cùng Phụng Dương công chúa làm Thành hoàng và phối thờ 5 vị thần khác (Linh Lang, Nam Hải, Câu Mang, Ả Nương công chúa, Đô đầu nhữ hạ).                Đình và Miễu Cao Đài được Nhà nước xếp hạng Di tích - Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia năm 1962. Đình có từ xưa, đã qua nhiều lần trùng tu, nay còn lại kiểu kiến trúc "tiền nhất hậu đinh" thời Lê - Nguyễn, cổ kính, u nhã. Với lòng tôn kính của chính quyền và nhân dân sở tại, các sắc phong, câu đối, đại tự nơi "Đại vương thượng đẳng thần từ" được bảo tồn cẩn trọng, để khách hành hương về đây còn được ngưỡng vọng công đức Chiêu Minh đại vương trên những chữ vàng:"Vũ tại bình Nguyên, văn tại sử/ Công ư hộ quốc, đức ư dân"( Võ dẹp giặc Nguyên, văn ghi quốc sử/ Công lao vì nước, đức sáng vì dân).

Nhà bia - Nơi đặt tấm bia đá thời Trần "Phụng Dương Công chúa thần đạo bi minh tính tự "
Văn bia thờ công chúa Phụng Dương)
           Đặc biệt, đình làng Cao Đài còn giữ được tấm bia đá thời Trần "Phụng Dương Công chúa thần đạo bi minh tính tự "( Văn bia thờ công chúa Phụng Dương). Bia lập ngày 12 tháng Tư năm Quý Tỵ (1293), niên hiệu Hưng Long năm thứ nhất triều vua Trần Anh Tông.Văn bia chép tiểu sử và hành trạng công chúa Phụng Dương liên quan đến Thượng tướng Thái sư. Văn bia dành nhiều dòng biểu dương người phụ nữ Việt Nam thời Trần hiếu thuận trung trinh, xứng bậc nữ lưu quân tử, giỏi việc nước, đảm việc nhà, một người nội tướng hiền đức thuỷ chung khiến Thái sư không thể phụ tình, vị nữ chủ nhân thái ấp được nhân dân tôn kính nhớ ơn. Năm 1290, 1291 đói kém mất mùa, "ngoài đường nhiều người chết đói".Thương dân, Công chúa tổ chức phát chẩn cứu đói, không quản ngại khó nhọc. Bà đã "lao tâm khổ hạnh" và ốm mệt. Thái sư Trần Quang Khải hết lòng chăm sóc thuốc men. Ông đã bày tỏ ước nguyện chân thành bằng lời :"Kiếp sau xin được làm chồng vợ như xưa" lại viết câu ấy vào một bức thư đặt trong lòng bàn tay Công chúa trước khi bà từ giã cõi đời. Có lẽ đây là bức thư tình cảm động nhất của nghĩa tình chồng vợ có từ trên bảy trăm năm trước còn khắc trên bia đá thời Trần. Cũng theo văn bia, Công chúa qua đời tại thái ấp Độc Lập, hưởng dương 47 năm, thi hài bà được giữ trong quan tài gỗ quí ướp hương liệu, quàn trong nhà tới 2 năm 20 ngày mới an táng.Tấm bia cổ chữ mờ, được khắc lại vào năm Nhâm Ngọ(1822), triều vua Minh Mệnh và được dựng trong nhà bia "Bi đình" mới xây gần khu mộ Phụng Dương công chúa.
         Toạ lạc ở phía nam đình Cao Đài trên một gò đất cao rộng hơn một sào, um tùm cây rừng cổ thụ, khu mộ Phụng Dương công chúa tồn tại hơn bảy trăm năm nay, được dân làng bảo tồn nghiêm cẩn. Không ai dám xâm phạm dù chỉ một cành cây, một hòn đất. Gò mộ được xây bao kè đá xanh vững chãi, khuôn mộ xây cao, tượng hình "bát nhã", gắn phù điêu hoa. Ngôi miếu cổ "Tối linh từ" đối diện ngôi mộ công chúa Phụng Dương bốn mùa nhang khói, nơi dân làng và khách thập phương về đây dâng lễ.
 

 Khu mộ Công chúa Phụng Dương. 
            Ngày giỗ Phụng Dương công chúa (22 tháng 3 âm lịch), ngày giỗ  Thái sư Trần Quang Khải (mồng 3 tháng 7 âm lịch) đã trở thành ngày hội làng Cao Đài. Vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, hội làng Cao Đài được tổ chức như một lễ hội vùng. Trong lễ hội, sự tích "Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô" dân làng diễn lại cảnh quan Trấn, quan Huyện thời Trần trực tiếp chỉ huy hàng đoàn dân công sửa đường sá bến bãi, đón quan quân đức Trần Quang Khải về Độc Lập; rồi thi vật, đấu võ, múa kiếm, thi dệt vải, thổi cơm thi, bắt vịt...phần nào ôn lại khí thế hào hùng chuẩn bị chiến dịch phản công thời đó.
Ngày giỗ Thượng tướng Thái sư bắt đầu từ lễ tiên cáo của các cụ trong làng chiều hôm trước. Ngày chính kỵ, từ sáng sớm, Ban Khánh tiết làng Cao Đài, Đảng uỷ, Chính quyền, Mặt trận xã Mỹ Thành, Phòng Văn hoá huyện Mỹ Lộc, ni sư chùa Độc Lập làm lễ dâng hương. Tiếp theo, tuần tế "Nam quan" do trai làng Cao Đài cử hành.Tiếp đến tuần tế "Nữ quan" do các cháu dâu, cháu gái nhiều đời ở Cao Đài hành lễ, rồi dân làng cùng khách thập phương dâng hương.
Lễ vật thanh đạm, lòng người thành kính.Tiếng chiêng trống đổ hồi, mùi khói trầm thơm với hương hoa đại sân đình, hương lúa mùa thu man mác. Anh linh Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương cùng Công chúa Phụng Dương như vừa đồng hiện trên ngai thờ đình làng Cao Đài - thái ấp Độc Lập xưa cùng hồn thiêng đất nước, vang vọng lời thơ "Thái bình nên gắng sức / Muôn thuở nước non này !"
                                                                                
Nhà văn: Phạm Trọng Thanh
 
Tài liệu tham khảo:
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971.
(2) Thơ văn Lý Trần, tập II, Quyển thượng, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989.
(3) Danh nhân văn hoá Nam Định, tập I, Sở Văn hoá Thông tin Nam Định,2000 (các bài Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải (1241-1294) của Trần Văn Bình (tr.129); Phụng Dương công chúa của Trần Quang Vinh (tr.139).
(4)Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải - Đào Đình Tửu, Đặng Văn Nhiên, Nguyễn Xuân Đạt, Dương Văn Vượng sưu tầm biên soạn- Bảo tàng Nam Hà,1994.
 
 

tin tức liên quan