"Anh tôi" - Tác phẩm của Phạm Thị Hồng Loan - UV Ban TV Hội VHNT tỉnh Nam Định, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

Ngày đăng: 11:33 03/08/2019 Lượt xem: 582
ANH TÔI
Phạm Thị Hồng Loan


Chân dung tác giả

 
          Mấy hôm nay, tôi sống trong tâm trạng bồn chồn. Thời gian trôi qua thật nặng nề. Mỗi sớm, tôi lại điện cho anh trai. “Chưa tìm thấy, em ạ”. Vẫn điệp khúc ấy. Hết giờ lên lớp, tôi lại bấm di động di động cho em trai. Tiếng Hải mỏi mệt: ‘Chị đừng sốt ruột. Khi nào tìm thấy anh, em sẽ điện ngay cho chị, cho mọi người”
          Tôi lại lao vào công việc để quên đi bao hồi hộp, lo âu nặng trĩu. Tôi muốn bay vào nơi anh, chị và em trai đang cố công tìm hài cốt người anh thân thương đã hy sinh từ năm 1972, muốn được tận mắt nhìn thấy mảnh đất Quảng Trị gian lao, anh dũng mà tôi mới chỉ hình dung qua sách vở.
          Hôm sau, vừa ở trường về, tôi nghe tiếng điện thoại reo vang. Tiếng anh Hưng nghẹn ngào trong máy: “Tìm thấy anh mình rồi, em ạ.”. Tôi dồn dập: “Nhưng có đúng là anh mình không? Có đúng như Nhà ngoại cảm đã chỉ dẫn không?”.
-Em yên tâm. Nhà ngoại cảm đã chỉ dẫn đúng đến từng chi tiết. Anh Tiến cũng nhận được cả dáng nằm của anh Tư và những đồ dùng chôn theo.
          Vội vàng thu xếp vài thứ cần thiết, tôi đến trường học đón con. Thằng bé đang ngủ ngon, mở mắt, ngơ ngác. Tôi thì thầm:
-Khe khẽ thôi cho các bạn ngủ. Dậy mặc thêm quần áo, mẹ xin phép cho con nghỉ về quê đón bác Tư.
          Đến nhà, mọi thứ đó sẵn sàng để anh em, bà con, bạn bè đón anh trở về quê hương sau 28 năm nằm lại trên mảnh đất xa xôi. Theo kế hoạch, sáng nay mọi người đưa anh về đến gia đình. Nhưng từ chiều qua, tất cả điện thoại của những người trong đoàn đi tìm hài cốt của anh đều không liên lạc được. Tất cả chìm trong lo âu. Thời gian như kéo dài vô tận. Trưa hôm sau, chị Ngọc điện về. Thì ra xe bị hỏng dưới chân đèo Ngang từ 23 giờ đêm qua. Nơi đó không có sóng điện thoại. Đến 6 giờ sáng mới gặp được một chiếc xe tải. Đoán biết xe chở hài cốt Liệt sĩ, anh lái xe nhiệt tình kéo xe ra thị xã Hà Tĩnh để sửa. Cả nhà thở phào như trút được trái núi trên ngực.
          Tôi lặng nhìn bản đô, tìm những địa danh  mà mọi người đang qua, theo dõi từng bước đi của các anh chị. Gần nửa đêm, mọi người kéo nhau xuống gốc đa đầu làng. Đã bao đời nay, cây đa xù xì thân mấu vẫn đứng đó như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm của quê hương. Nơi đây ngày mai sẽ diễn ra lễ truy điệu, đón anh về yên nghỉ trong lòng đất mẹ.
          0 giờ 5 phút. Chiếc xe con quét luồng đèn pha sáng chói, từ từ dừng lại. Cả đoàn người đi đón lặng im. Nghe rõ cả tiếng gió thì thào trong  đêm  trăng tĩnh lặng, tiếng sương khuya tí tách rơi. Cửa xe mở. Chị Ngọc bước ra: “U ơi, chúng con đó đưa được em về với u”. Khoảnh khắc lặng im chợt vỡ oà. Nỗi nhớ thương, niềm đau đớn kìm nén trong suốt bao năm qua trước sự ra đi vĩnh viễn của anh nay vỡ oà trong những dòng nước mắt của anh em, bạn bè. Ở băng ghế sau, hài cốt anh được bọc cẩn thận trong lá cớ Tổ quốc đỏ thắm. Tôi bám vào cánh cửa xe, lòng quặn thắt. Nhắm mắt lại, tôi như thấy mình đang cùng anh và các em chạy nhảy trên bãi biển quê nhà. Bãi cát chạy dài xa tít. Rừng phi lao bạt ngàn. Anh gò lưng đẩy chiếc xe cút kít chở đầy lá phi lao, mồ hôi chảy ròng ròng. Lại có những buổi chiều mùa đông, sương giăng khắp cánh rừng. Cào lá phi lao xong, anh vùi vào đống than đỏ hồng mấy củ khoai lang. Ngồi chờ khoai chín, bọn trẻ nghếch mặt, tròn mắt nghe anh kể chuyện. Bao giờ ánh mắt anh cũng trìu mến, thân thương mà thăm thẳm, vời vợi. Với cô bé chín tuổi như tôi lúc bấy giờ, anh là kho truyện cổ tích không bao giờ hết, là túi khôn chứa đựng mọi tri thức của nhân loại để hỏi rồi bắt anh giải đáp cả ngày không biết chán.
          Học xong lớp 7, với giải khuyến khích trong kì thi chọn học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, anh được chọn vào lớp chuyên văn của trường Lê Hồng Phong tại thành phố Nam Định. Anh ở trong cơ quan cùng cha. Ngày ấy, với lũ trẻ chúng tôi, mỗi chiều thứ bảy thực sự là ngày hội. Cứ khoảng 4 giờ chiều thứ bảy, chị em tôi thay nhau ra ngõ đón đợi. Nhìn thấy bóng dáng thân thuộc của hai người từ xa, chúng tôi ùa ra, hò reo tíu tít. Trong khi cha bồng cu Hải, thơm vào đôi má bụ sữa của nó thì anh lục túi, lấy ra những cuốn truyện cho tôi. Bao giờ quà của anh cũng chỉ có thế nhưng với tôi, đó là những món quà vô giá.
Đó là những ngày cuối năm 1971.
           Một hôm, hai cha con đột ngột trở về. Tôi thấy trong mắt cha thoáng nét buồn xa xôi. Buổi tối, bà con làng xóm kéo đến rất đông. Tôi nghe ông bác cao giọng :
-Tư này, nói cho các bác và bà con nghe xem. Tại sao cháu  đã được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi văn của miền Bắc lại còn xung phong đi Bộ đội? Đất nước này thiếu gì người đánh được Mĩ. Những người giỏi như cháu phải ở lại học tiếp để sau này xây dựng đất nước chứ?
          Anh cười :
-Bác cứ nói thế chứ, cháu đâu có giỏi giang gì. Bao nhiêu người giỏi hơn cháu đã xung phong đi Bộ đội đấy thôi. Đánh Mĩ xong về học cũng chưa muộn, bác ạ.
-Nhưng mà...Bác tôi cố vớt vát – Cháu chỉ cao bằng khẩu súng thế kia thì đánh đấm thế nào được?
-Cầm được súng có nghĩa là đánh được giặc, bác ạ
          Ba tháng sau, anh được nghỉ phép mấy ngày trước khi vào Nam chiến đấu. Suốt ngày, tôi quanh quẩn bên anh. Đêm ngủ, tôi gối đầu lên cánh tay anh chỉ sợ ngủ quên, sáng ra, anh đã đi mất. Tôi tò mò nhắc thử ba lô của anh, tròn xoe mắt:
- Eo ơi! Ba lô nặng thế này, anh mang sao nổi?
- Ồ, ăn thua gì, ở  đơn vị, khi luyện tập, bọn anh còn bỏ thêm cả đá vào rồi trèo núi nữa ấy chứ. Không luyện tập hăng, vào Nam đánh Mỹ sao nổi. Để giữ anh ở lại thêm vài ngày, bác tôi bí mật tháo ngôi sao trên mũ giấu đi. Hết thời gian được nghỉ, anh tần ngần mân mê chiếc mũ trên tay. Lát sau, anh đội lên đầu, quả quyết bước đi. Bác phải cho người đạp xe ra bến đò, trả lại cho anh. Bữa cơm chia tay anh, ngồi vào mâm cơm, bưng bát cơm lên,tôi không  nuốt nổi. Tôi ra sau nhà, ngồi khóc với một linh cảm mơ hồ lo sợ bóp nghẹt trái tim. Cho đến nay, hơn ba mươi năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cảm giác ấy.Thế là chẳng còn đâu nữa những chiều thứ bảy bọn trẻ chúng tôi uà ra ngõ đón cha và anh, vui mừng nhận  những cuốn truyện anh mua về. Chẳng còn nữa những ngày chủ nhật tíu tít theo anh ra vườn tưới cây, nhổ cỏ, chăm sóc vườn rau. Bài học về sự cần cù trong học tập và lao động anh truyền cho chúng tôi đơn giản mà thật thấm thía.
          Anh đi rồi, ngày ngày gia đình tôi dõi theo bước chân anh trên từng chặng đường hành quân. Thế hệ chúng tôi chỉ biết chiến tranh qua tiếng ầm ì của đại bác giặc từ xa khơi dội vào, tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom rơi đạn nổ xé trời khi kẻ thù trút bom xuống làng quê yên ả, thanh bình. Song điều đó  có thấm tháp gì so với những gian khổ mà anh cùng đồng đội phải chịu đựng. Gia đình tôi hiểu điều đó qua những lá thư anh viết vội dọc đường hành quân, giữa phút im lìm của hai trận đánh. Những cái tên: Dốc Miếu, Cồn Tiên, thành cổ Quảng Trị trở nên thân thương, thiêng liêng vô cùng không chỉ vì mỗi địa danh gợi lên bao trang sử chói ngời mà vì ở đó có chiến công của anh góp phần. Giá như đừng có chiến tranh có thể anh đã trở thành người cầm bút. Ước mơ ấy, anh gửi lại ở bao bài thơ trong cuốn sổ, ở những trang nhật kí, trang thư ngồn ngộn hiện thực của chiến trường khói lửa. Hơn ai hết, cha tôi hiểu rất rõ điều đó. Người lặng thầm khuyến khích, động viên từng bước tiến của anh, hy vọng ngày trở về, anh sẽ thực hiện tiếp ước mơ còn dang dở. Đáng tiếc rằng sau ngày anh hi sinh, có một phóng viên đến gặp cha tôi để viết về anh. Quá tin tưởng, cha đã trao cho anh ta toàn bộ thư từ, cả những cuốn sổ ghi chép của anh trong quãng thời gian ở chiến trường. Anh ta đã mang những kỉ vật vô giá của gia đình tôi đi mà không hề trở lại.  May còn lại lá thư duy nhất chị gái tôi giữ được.
          Sau ngày anh đi, cha tôi trở nên lầm lì, ít nói hẳn. Mỗi lần từ cơ quan về, cha lại chở theo từng gói buộc vuông vắn, cẩn thận. Lặng nhìn cha nâng niu bỏ vào hòm khóa lại, tôi không dám hỏi. Một đêm khuya, chợt tỉnh giấc, thấy trong buồng le lói ánh đèn, tôi rón rén đến bên cửa nhìn vào. Cha đang ngồi trước những cuốn sách xếp la liệt trước mặt. Những giọt nước mắt lăn qua bao vết chân chim trên khuôn mặt cha, thấm đẫm trang sách mở rộng. Tôi bàng hoàng chợt hiểu. Muốn lao vào ôm lấy cha, nhưng tôi kịp dừng lại. Tôi không thể phá vỡ phút giây thiêng liêng ấy. Vâng. Đó là những quyển sách được chắt chiu từ đồng quà sáng cha cho, từ đồng tiền tiết kiệm hàng ngày mẹ chắt bóp giành cho anh. Những vật kỉ niệm, gia tài anh để lại cho chúng tôi là thế đó. Không đầy một năm sau,tin anh hi sinh như tiếng sét kinh hoàng giáng xuống gia đình tôi. Cha đổ bệnh, ốm liệt giường rồi ra đi với lời trăng trối:”Các con hãy sống,học tập như anh con”.
          Thời gian trôi. Những đứa con trong gia đình đã thành đạt như lời ước nguyện của cha. Ngày đất nước giải phóng, mỗi lần thấy một người lính trở về là gia đình tôi lại đến chia vui để nước mắt tuôn trào. Hai mươi tám năm qua, không biết bao đêm, nước mắt mẹ âm thầm chảy. Hiểu rằng đoàn tụ là điều không bao giờ trở thành hiện thực, nhưng giờ đây, khao khát lớn nhất của mẹ là đưa được hài cốt anh về với gia đình. Mối dây liên hệ duy nhất, niềm hi vọng để tìm lại nơi anh nằm xuống là anh Đặng Ngọc Tiến- người đồng đội, người bạn thân thiết cùng lớp năm xưa - đã tự tay chôn cất cho anh. Mặt trận Quảng Trị những năm 1971-1972 với bao trận đánh ác liệt, mưa bom bão đạn, ta với địch giành nhau từng tấc đất. Làm sao anh Tiến có thể tìm lại nơi đã tự tay an táng cho anh, khi ngay ngày hôm sau, trận địa đó đã bị san phẳng, đến ngọn cỏ cũng khó mọc, khi thời gian qua, vật đổi sao dời.
         Tháng 8 năm 2000, gia đình tôi bất ngờ đón một đoàn khách đặc biệt. Đó là những người bạn học cùng lớp 10A của anh do thày giáo Chủ nhiệm cũ Ngô Minh Tâm làm trưởng đoàn. Thày cùng mọi người đi tìm những gia đình bạn bè cùng lớp năm xưa đã hy sinh để thăm hỏi, giúp đỡ, tạo điều kiện xúc tiến việc đi tìm hài cốt những người chưa tìm được phần mộ. Điều đó càng làm tăng thêm niềm tin, lòng quyết tâm, hy vọng đưa anh về được với gia đình. Ở Hà Nội, từ những năm trước, chị Ngọc đã liên hệ và được một nhà ngoại cảm giúp đỡ. Sau bao kiên trì chờ đợi, chị đã có trên tay bản sơ đồ  nhà ngoại cảm chỉ dẫn.
         Mùng một tết dương lịch năm 2001, chị Ngọc, em Hải xin nghỉ phép cùng anh Đặng Ngọc Tiến lên đường, bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm để đưa anh về quê. Xe đến thị xã Đông Hà, mọi người tìm đến Trung tâm đón tiếp thân nhân Liệt sĩ và được thu xếp nơi ăn, chỗ ở tận tình, chu đáo. Sáng hôm sau, qua liên hệ và được sự chỉ dẫn của các cấp chính quyền, mấy chị em đến huyện Triệu Phong. Anh quản trang xã Triệu Đông không ngại ngần bỏ dở buổi cày, nhiệt tình dẫn đoàn tìm kiếm băng qua mấy quãng đồng để anh Tiến nhận diện lại trận địa ngày trước. Trời nắng gắt, sau cả mấy tháng mưa liên tục nhưng mọi người vẫn hăm hở lội qua ruộng, đi qua những xóm làng để tìm dấu vết xưa.  Kia rồi! Chốt  Độc lập, là nơi chỉ sau khi anh Tư hi sinh một tuần, anh Tiến bị thương, phải lui về tuyến sau điều trị. Từ nơi này xác định phương hướng và kết hợp với chỉ dẫn của nhà ngoại cảm qua điện thoại, mọi người tìm được gia đình chị Tuyến, anh Hòa ở thôn Bích La Nam, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tại Ủy ban nhân dân xã, đồng chí Xã đội trưởng xem kĩ hồ sơ lưu và cho biết ở thôn Bích La Nam chưa quy tập được hài cốt Liệt sỹ nào. Trong danh sách các đơn vị bàn giao lại cho địa phương, không có tên liệt sỹ Phạm Văn Tư.
          Trở về thôn Bích La Nam, mọi người đặt vấn đề với bác Trưởng thôn và gia đình anh chị Hoà -Tuyến về việc tìm hài cốt của anh. Bà con trong xóm nhiệt tình kéo đến thăm hỏi, động viên. Mặc dù chưa biết có tìm thấy hài cốt anh tôi không nhưng thực sự gia đình anh Tuyến đã coi anh chị em tôi như người nhà. Anh Tuyến nhổ hết những luống rau, khoai xanh mơn mởn mà cả nhà đã mất bao công chăm bón: “Dù có đào hết mảnh vườn lên em cũng rất vui, miễn sao tìm được để đưa anh ấy về quê hương là chúng em mừng.” Mặc mọi người khuyên can, anh vẫn chặt cả mấy cây ổi, cây mít trĩu quả để công việc tìm kiếm được dễ dàng.
          Sáng hôm sau, công việc được tiến hành. Ngay vị trí đầu tiên đào xuống khoảng một mét đã thấy dấu vết của chiến trường xưa. Nơi này là mấy chiếc giầy đã mủn, chỗ kia vài chiếc bi đông rỉ sét. Đặc biệt mọi người còn đào được cả một khẩu súng chống tăng M79 còn nguyên đầu đạn. Anh Tiến nhớ rất rõ buổi sáng hôm đó, trong một trận đánh ác liệt, anh Tư bị một mảnh đạn vào đầu, hi sinh tại chỗ. Địch với ta chỉ cách nhau khoảng năm mươi mét, nghe rõ cả tiếng nói của quân Nguỵ. Đêm xuống, các anh đào vách chiến hào, chôn cất người bạn thân thương giữa cái im lìm của trận địa, không một nén nhang, một tấm vải liệm. Quảng Trị những năm đó là vùng đất trắng, dân sơ tán hết. Làng xóm tiêu điều, xơ xác, không một tiếng người. Nhà cửa, ruộng vườn bị bom đạn cày xới, san phẳng. Giờ đây, khi trở lại chiến trường xưa, những hình ảnh ấy trong kí ức anh Tiến không còn thấy nữa. Thời gian trôi đi, cuộc sống mới thay da đổi thịt trên mảnh đất này, khiến anh không xác định được vị trí nơi anh Tư nằm. Các cụ già trong thôn đến thăm hỏi, mô tả lại địa hình khu đất ấy vào những năm 1972, giúp anh Tiến khẳng định: Anh Tư có thể nằm ở nửa phía trong của khu vườn. Qua điện thoại, nhà ngoại cảm cũng chỉ rõ anh nằm ở gần rãnh nước, cạnh bụi cây có lá giống như lá mây. Mặc dù vậy, việc tìm kiếm vẫn hết sức khó khăn. Đã ba ngày qua, mọi người lật tung hết nửa khu vườn vẫn chưa tìm thấy. Những tiếng thở dài cố nén. Những ánh mắt lo âu, bồn chồn. Bà con trong thôn luôn đến thăm hỏi, chia sẻ. Bác Thương - nguyên Xã đội trưởng trong những năm chiến tranh ác liệt đã bỏ cả công việc gia đình, ngày nào cũng đến xem xét, đôn đốc công việc, động viên đội tìm kiếm.
         Sang ngày thứ tư của cuộc tìm kiếm, dáng hình anh đã hiện ra nguyên vẹn sau khi đào cả bụi hóp cuối vườn lên. Nỗi nhớ thương nghẹn ngào của sự đoàn tụ nhưng lại là âm dương cách biệt khiến mọi người  trào dâng nước mắt. Ngay lập tức, bà con và các cấp Chính quyền có mặt đông đủ giúp mấy chị em làm các thủ tục cần thiết. Buổi lễ tiễn đưa anh diễn ra trong không khí trang nghiêm xúc động. Trước lễ đài hương khói nghi ngút,từng đoàn đại biểu đại diện cho các ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền lần lượt lên viếng và nói lời tiễn biệt. Ông chủ tịch xã thay mặt các đoàn thể bày tỏ niềm xúc động sâu sắc trước sự hi sinh lớn lao của anh, của những người con trung hiếu để góp phần giành lại mảnh đất này. Chiếc xe chở di hài anh chầm chậm lăn bánh trở về quê hương giữa dòng người đưa tiễn  đến tận cuối làng. Suốt hai tám năm qua, một phần thể xác anh đã hòa vào lòng đất thiêng Quảng Trị. Còn linh hồn anh vẫn sống mãi trong sự ấp iu, đùm bọc của những con người tràn đầy lòng nhân ái trên mảnh đất kiên cường này
          Giờ đây, anh vẫn nằm lặng lẽ trên băng sau của chiếc ô tô. Tôi ôm lấy mẹ. Hai tám năm qua, nước mắt mẹ  chảy ngược vào trong, giờ đây lại thấm đẫm tấm khăn. Ngày tiễn anh đi, tóc mẹ còn xanh. Nay đón anh về, tóc mẹ bạc trắng. Anh có hiểu vì sao? Ngỡ như anh đang khoác ba lô, xúng xính, thụng thịnh trong bộ quân phục mới tinh, tươi cười đứng đó. Ngỡ như anh vẫn khoẻ mạnh hồng hào, ôm chặt mẹ trong vòng tay rắn chắc để nước mắt mẹ ướt đẫm vai anh. Nhưng tất cả chỉ là giấc mơ. Gia đình mình cùng anh em bà con thân thuộc lối xóm đưa anh vào trong rạp, nơi đó đã được chuẩn bị chu đáo mọi thứ, cả những bông hồng trắng tuyệt đẹp em Phương, em Hường mua về cho anh. Trong khi chờ đợi thủ tục đón rước anh vào Nghĩa trang Liệt sĩ, mọi người trong đại gia đình quây quần quanh anh sau bao xa cách để anh ấm lòng trong giờ phút thiêng liêng khi trở về đất mẹ. Sau lễ cầu siêu, những tấm khăn trắng lần lượt quấn lên đầu từng người. Trong nức nở nghẹn ngào, mọi người chầm chậm đi quanh anh, thầm thì với anh những lời vĩnh biệt. Tôi đưa tay sờ vào chiếc tiểu, tim thắt lại trong cảm giác xót xa, đau đớn. Lẽ nào sự hiện hữu của anh trong cuộc đời giờ đây chỉ còn thế này thôi? Lễ viếng bắt đầu. Những vòng hoa xếp mãi bên anh. Những bông hoa toả hương thơm ngát cho giấc ngủ ngàn thu của anh mãi mãi yên bình.
          Tại Nghĩa trang Liệt sĩ, mọi thủ tục của lễ truy điệu diễn ra long trọng theo nghi thức. Trên bệ cao của đài Tổ quốc ghi công, di hài anh được phủ thêm lá cờ Tổ quốc. Tiếng ông Chủ tịch xã dõng dạc, ngân vang:
-Hôm nay, chúng ta xúc động, tự hào được đón di hài đồng chí Phạm Văn Tư trở về với quê hương. Đồng chí Tư sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng kiên cường. Từ thưở nhỏ cắp sách tới trường, đồng chí đã là một học sinh xuất sắc. Là một học sinh ưu tú của lớp chuyên Văn trường Lê Hồng Phong, tương lai hứa hẹn, rộng mở phía trước nhưng đồng chí đã xung phong lên đường đánh giặc và anh dũng hy sinh khi chưa đầy 18 tuổi. Gia đình, bạn bè, quê hương tiếc thương đồng chí. Tổ quốc ghi công đồng chí, người con ưu tú của quê hương Thịnh Long đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Và giờ đây, xin đồng chí hãy yên nghỉ trong tình yêu thương của gia đình, của tình làng nghĩa xóm…
          Tiếng nhạc trầm buồn “Hồn tử sĩ ” vang lên, lan xa , quyện trong nắng hanh đang vàng trên khắp các bia mộ. Sau giây phút mặc niệm, mọi người trịnh trọng đưa anh vào nấm mộ đã được dựng tấm bia sẵn cho anh từ khi xây dựng nghĩa trang.Thấp thoáng sau làn hương, nét mặt anh trẻ trung, tươi cười, rạng rỡ. Anh Tư ơi! Xin anh hãy yên nghỉ. Anh vẫn sống mãi trong tình thương vô bờ của mẹ, của gia đình mình. Mẹ quê hương! Xin hãy mở rộng vòng tay ôm anh vào lòng. Sóng biển yêu thương! Xin hãy hát anh nghe những lời thân thương như thuở ấu thơ mẹ hằng ru để anh được yên giấc trong giấc ngủ vĩnh hằng, khi cả nhịp đập của tuổi thanh xuân, anh hiến dâng cho đất nước.

(Ảnh minh họa)
          Một năm sau ngày đón anh về.
          Cả nhà mình ở khắp mọi miền đất nước lại trở về quê, đoàn tụ để nhớ ngày anh ra đi mãi mãi. Buổi trưa, sau lễ viếng của những người bạn của anh từ thuở cấp 2 do cô giáo Thoa làm trưởng đoàn, một chiếc ô tô từ từ lăn bánh vào sân và dừng lại.Trên xe, thày giáo chủ nhiệm của anh, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn hồng hào, khoẻ mạnh trong tay hai học trò bước xuống. Theo sau là những người bạn đã gắn bó với anh dưới mái trường Lê Hồng Phong. Sau khi vào nhà thắp hương, mọi người đến Nghĩa trang thăm nơi anh yên nghỉ. Anh vẫn chào đón mọi người với nụ cười tươi và ánh mắt lấp lánh sau làn khói hương nghi ngút.Dưới ánh nắng vàng tươi lạ lùng của buổi sáng cuối thu, mọi người cúi đầu tưởng niệm anh trong niềm xúc động nghẹn ngào. Tiếng thày Chủ nhiệm cũ trầm ấm, thì thầm như lời tâm sự :
-Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, bao lớp Thanh niên ưu tú đã lên đường chiến đấu và hy sinh anh dũng như Phạm Văn Tư-người bạn thân thương của các con. Hôm nay, trở về đây, trước anh linh Liệt sĩ, thầy cùng các bạn 10A năm xưa của con xin bày tỏ lòng tiếc thương chân thành, sâu sắc, lòng tự hào, biết ơn trước sự hy sinh lớn lao của con.-Thày quay sang phía mẹ- Xin cảm ơn mẹ đã sinh ra Tư, người con trung hiếu đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình, cùng bao Liệt sĩ khác để có cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay.

Tháng 1/2001
Phạm Thị Hồng Loan
Ủy viên Thường vụ Hội VHNT tỉnh Nam Định
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

tin tức liên quan