"Dạt dào sóng nước bến quê" - Tản văn của Phạm Hồng Loan

Ngày đăng: 06:52 11/06/2020 Lượt xem: 673
DẠT DÀO SÓNG NƯỚC BẾN  QUÊ
Tản văn

          Sau bao năm xa, tôi trở về  với quê hương. Lặng đứng trên cây cầu mới thông xe, dõi mắt nhìn xuống dòng sông  cuồn cuộn sóng. Phía xa kia là biển. Gió từ đâu ùa về mang theo tiếng phập phồng của đại dương, tiếng thầm thì của bến sông quê.
         Dưới chân cầu, bến sông im lìm không còn đợi khách sang sông. Con đò già nua neo mình vào bến đợi. Cây đa trầm ngâm qua bao mùa giông bão. Ẩn chứa trong vỏ cây xù xì những thăng trầm của làng quê nghèo khó. Mặc bão bùng mưa gió, mặc nắng nung lửa đỏ. Vươn cánh tay xa chở che bao người con đón đợi thuyền cập bến. Để lúc lên bờ, ngoái nhìn lại, thấy muôn nghìn mắt lá reo vui như lời thầm thì hãy khỏe chân, mạnh bước. Để khách đi rồi có nhớ chuyến đò xưa trong dạt dào sóng nước sông quê. Nhớ dáng nghiêng nghiêng theo nhịp chèo khỏa sóng. Nhớ dáng lưng ong thắt đáy, nụ cười tím ướt má lúm đồng tiền làm duyên sau vành nón. Nhớ làn mưa bụi vương nhẹ, hờ hững trên mái tóc ngày em tiễn ta qua sông,  để  bỏ lại nơi này vạt nắng sưởi ấm bờ vai. Nhớ những chiều theo lũ bạn mải mê kéo nhau lên đê, mải mê tìm cỏ gà để  chơi chọi gà bằng… cỏ. Ngày ấy, ta lang thang trên triền đê, cố tìm cho được những đầu cỏ gà trông có vẻ già đanh, phơn phớt tím để cố giành chiến thắng về mình. Loại này mà chọi thì dẻo dai, không như những đầu gà trông mập mạp nhưng chỉ cần một nhát quật xuống là tan xác pháo. Tìm được đủ “gà” , tất cả  xung trận. Tụ tập dưới bóng cây, khoe chiến lợi phẩm xong là cuộc chiến bắt đầu. Đưa búi lá đầu gà nhún nha nhún nhẩy chơm chởm bù xù ra trước để chịu sức quật của gà đối phương. Chú nào bị gãy cổ, đứt đầu thì  quẳng xuống đất đến lúc chỉ còn duy nhất một tên “gà” giật giải quán quân thì cuộc so tài kết thúc. Dĩ nhiên chủ nhân của “chú gà nòi” đó được nhận phần thưởng xứng đáng, được đứa thua cõng đi một đoạn. Trò chơi đơn giản của những đứa trẻ chăn trâu cứ diễn ra tưng bừng náo nhiệt trên triền đê để những tiếng hò reo ấy mãi theo cùng năm tháng. Cũng bến sông này ngày ta còn thơ dại nhưng đã thấu hiểu nỗi đau của sự chia ly. Ngày ấy anh học lớp chuyên trên thành phố và ở cùng cha trong cơ quan. Hàng tuần, hai cha con lọc cọc đạp xe về nhà đều qua bến sông. Nhưng lần này, khi cha chở anh đi, ta nằng nặc đòi theo. Con thuyền rời bến. Anh đứng trên thuyền, balo nặng trĩu trên vai, giơ tay vẫy chào đứa em bé nhỏ, liêu xiêu trong  gió bấc cuối đông ràn rạt, trong tiếng gọi da diết lan khắp mặt sông: “Anh ơi, ở lại với em.” Rời bến một quãng dài, nhưng rồi con thuyền quay mũi. Anh ào lên, nhấc bổng ta, quay tròn. Nước mắt  đẫm ngực áo anh trong tiếng nức nở: “Sao anh đang học để chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi toàn miền Bắc lại xung phong đi bộ đội? Anh ở lại để còn đi thi chứ. Ở lại đi anh.” Anh đặt ta xuống, nhìn ra dòng nước đang cuộn chảy. Ánh mắt anh có phản chiếu nước từ dòng sông hay không mà ta thấy như sóng sánh trong mắt anh. Rồi anh lau dòng nước mắt chảy tràn trên má ta: “Nín đi nào. Lớn rồi mà còn khóc nhè. Em ở nhà ngoan ngoãn và cố gắng học thật giỏi thay anh. Anh đi đây. Chiến trường đang gọi. Thắng giặc, anh sẽ về. Anh em mình sẽ cùng thi đua  học nhé.” Rồi anh đi. Giặc tan rồi sao anh cứ đi mãi mang theo lời hẹn xưa. Để mỗi lần về bến sông, nước mắt lại tràn bờ mi khi thấy như cánh tay anh vẫy mãi, vẫy mãi trên con thuyền cứ mãi rời xa. Cũng  bến sông này, ngày ta vừa qua cấp 2(hệ cũ). Bỏ lại làng quê, bỏ lại những trò chơi dân dã cùng lũ bạn thuở chân đất đầu trần, ta lên thành phố học để xa mãi đến bây giờ. Ngày ấy mỗi trưa thứ bảy, sau tiết sinh hoạt, ta và cậu em học sau một lớp, vội vàng lấy xe đạp, chở nhau về.  Hơn năm mươi cây số trên chiếc xe đạp chốc chốc lại tuột xích với mồ hôi mồ kê ròng ròng: “Ôi. Ước gì có một loại xe mà mình ngồi lên đó bấm nút, thế là nó tự chạy băng băng như ô tô, không phải gò lưng đạp thế này nhỉ.” “ Ui da. Đầu óc dạo này “treo ngược cành cây” rồi à?” Thương cho những chiều chủ nhật mưa phùn, ngửa mặt hứng làn gió bấc căm căm, hai đứa gò lưng chở nhau trên con đường gập ghềnh ổ trâu ổ gà. Rồi những trận mưa  tuôn, mưa xối, muốn hất ngược người đi. Thương cho những chiều thứ bảy chang chang nắng và ào ạt gió. Nhưng đến bến sông, quẳng cái xe đạp sang một bên, hít căng lồng ngực đón làn gió mát lạnh mang vị mặn mòi nơi cửa biển ùa về, mọi mỏi mệt như được giũ sạch khi thấy con đò lặng lẽ thảnh thơi đợi khách. Thương cho những năm học Đại học, sự hồi hộp dồn nén lúc ngồi trên thuyền cho đến khi cập bến, ánh mắt luôn hướng về phía bờ sông bên kia. Nơi ấy hàng ngày chỉ có hai chuyến xe lên Thủ đô mang theo niềm tin, hy vọng, cả nỗi phấp phỏng, chờ mong. Thương cho những lần trở về, qua bến sông, lẫm lũi đi bộ hết đoạn đường đê vi vút phi lao, dạt dào gió hát. Có một lần, đang mải miết đi, chợt thấy một bóng dáng thân thuộc của cậu bạn cùng lớp xưa đang lúi húi dưới bờ sông. Vội vàng ào xuống: “Sơn ơi…” Bạn ngẩng lên, giơ cao giỏ cua. Khuôn mặt lấm lem rạng rỡ cười: “Cậu mang về nấu canh nhé.” Vị ngọt của bát canh cua sao đậm mãi đến tận bây giờ.

 

Thịnh Long - Cây cầu mang tên quê hương tác giả vừa thông xe ngày 28-5-2020
 
          Cứ thế. Ta lớn lên trong vị mặn chát của những giọt mồ hôi khi mải chơi khăng, đánh đáo, đánh chắt, chơi chuyền, trong ấm dịu mùi khói lam chiều vương trên mái bếp lúc chiều buông, trong vị ngọt phù sa khi dòng sông đong đầy con nước lớn. Ta yêu bến sông mùa xuân êm đềm, lững lờ trôi xuôi với những làn mưa xuân ấm áp cho thảm cỏ ven đê bừng lên sức sống. Ta yêu bến sông mùa hạ với những trận mưa xối xả trong tiếng sấm rền vang rồi trả lại  bầu trời xanh trong  in dưới đáy sông  với nắng vàng rực rỡ. Ta yêu bến sông mùa thu với heo may dào dạt trong gió ấm, theo  những đàn chim mải miết sải cánh về phương Nam. Ta yêu bến sông quê trong mùa đông hiu hắt gió với những làn mưa phùn giăng khắp mặt sông. Để đến một ngày, bỏ lại tiếng sóng nhẹ xô bờ trong đêm trăng dịu mát như tiếng thầm thì. Bỏ lại lũ bướm dập dờn trên bạt ngàn hoa xuyến chi tung những cánh hoa trắng muốt mỏng manh trong những ngày đến lớp, ta hái vội, kết thành vòng hoa. Ta cứ kết mãi, kết mãi. Rồi lặng lẽ thả xuống dòng nước, thì thầm: Hãy trôi đi. Hãy ra với biển lớn, mang theo những gì ta không thể nói thành lời. Bao nhiêu năm xa, rồi một ngày bến sông đón ta trở về. Lòng rưng rưng thầm gọi: Quê nhà tôi ơi. Bao đời vẫn thế, bến sông quê giang rộng vòng tay đón những đứa con xa trở về vừa e ấp, thăm thẳm, vừa có gì rộng mở, mênh mông. Không còn mái chèo khua nước, không còn mái tóc bồng bềnh trong mát dịu hương cau, hương bưởi, chỉ thấy tiếng máy nổ phành phạch, phành phạch, để lát sau đã thấy mình đứng trên bến từ lúc nào.  Con đường gió cứ chông chênh, lang thang trên ngọn sóng, thổi qua vai gầy. Chợt bồi hồi nỗi nhớ, nghe niềm thương quay quắt gọi về. Muốn thời gian trôi chậm lại, được lắng nghe hơi thở của dòng sông. Được thấy mơn man trên da thịt những làn gió nhẹ như lời ru thật khẽ, thật êm khi đã đi qua bao trắc trở cuộc đời, mà lặng lẽ suy tư, chiêm nghiệm. Khẽ lắng nghe bến quê thầm thì, để những ký ức lại ùa về miên man, miên man. Để thấy dù có mải miết chảy xuôi, xuôi mãi  vươn mình ra biển lớn thì sông bao giờ cũng có bến đỗ của mình. Con người dù bôn ba xuôi ngược, dù qua bao thăng trầm cũng sẽ có bến đỗ bình yên đón đợi.
 
Phạm Hồng Loan - Hải Hậu, Nam Định
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

tin tức liên quan