Café và nhạc Trịnh ở Đà Lạt. TG: Lê Lợi

Ngày đăng: 09:06 12/01/2021 Lượt xem: 522
         Bác sỹ Lê Lợi – CCB Sư đoàn 968 – Quân tình nguyện Việt Lào, Bộ đội Trường Sơn; Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam vừa có chuyến công tác tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng… Trong chuyến đi này Lê Lợi đã để ý “khám phá” những nét riêng của “Thành phố mộng mơ”. Cũng ở đó anh “khám phá” thêm nhiều lắm những gì là tinh hoa của người Việt; người ngoại quốc đọng lại nơi này… Và có lẽ thú vị hơn cả với Lê Lợi – anh đã cố tìm và tìm đến được vài nơi mà nhiều người mách anh là nơi đó Cố Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng ghé đến… Quả thật khi đến đó – Lê Lợi đã cảm giác thấy mình ấm hơn khi anh ngồi vào chiếc ghế - chiếc ghế anh đoán rằng ít nhất đã có một lần Trịnh Công Sơn đã ngồi ở đây để thả hồn cho những cảm hứng sáng tác những ca khúc tiếp theo về “Thành phố mộng mơ”…
         Rồi với những cung bậc cảm xúc dào dạt trong chuyến đi này đã cho Lê Lợi cảm tác những dòng viết dưới đây…
         Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc.

 
CAFÉ VÀ NHẠC TRỊNH Ở ĐÀ LẠT

         Dễ phải đến mươi năm tôi mới trở lại Đà Lạt, cái thành phố mà khi ngồi trên chiếc phi cơ bay từ Nội Bài đến Liên Khương trong đầu cứ vang lên ca từ nhẹ nhàng của bài hát Thành phố buồn “Thành phố nào, nhớ không em, nơi chúng mình, tìm phút êm đềm. Thành phố nào, vừa đi đã mỏi…” Không biết Nhạc sĩ Lam Phương viết về bóng hồng nào mà ai nghe cũng dường như thấy mình trong đó. Trong tâm trí của tôi, Đà Lạt lúc nào cũng hoang sơ, đường phố cứ loanh quanh quyện gốc thông già, dốc nhiều cứ lên lên, xuống xuống nên khó có thể lắp đèn tín hiệu giao thông. Được cái người Đà Lạt tham gia giao thông dù vội đến mấy cũng không thấy vội vàng (mấy anh lanh chanh vượt nhau rất dễ là người phía Bắc vô lắm).
         Đà Lạt cuối năm thấy nhộn nhịp, có những lúc tắc đường bởi người quá đông đấy là người Tây họ còn ngại đến vì chưa hết dịch cúm Covid Wuhan. Có thể người Việt Nam ta hàng năm cũng đã bị bệnh cúm các loại nên họ nghĩ rằng cơ thể mình đã miễn dịch chăng ?.
         Đà Lạt bây giờ ít có sự khác biệt so với các đô thị khác. Nhà cửa, phố xá cũng xô bồ không còn cái vẻ dịu dàng mà mấy chục năm về trước từng có. Mang danh thành phố du lịch mà xây dựng tùm lum toàn là beton và beton cái vẻ hoang sơ mất đi nhanh đến chóng mặt. Du khách ghé qua, cứ mỗi bước đi là phải tiêu tiền. May mà còn một vài chỗ để mà đến.
LE CHALET DALAT
         Tranh thủ trước giờ vào hội nghị, chúng tôi đi grab car tìm nhà hàng Le Chalet Dalat ở số 6 đường Huỳnh Thúc Kháng. Đây là địa chỉ mà anh bạn Bác sĩ Đặng Oanh ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên mách cho. Nhà hàng ”Ngôi nhà gỗ nhỏ ở Đà Lạt” này đối diện với Biệt thự Hằng Nga, biển hiệu được trang trí bằng nhiều cây xanh với khung cửa bằng gỗ đa sắc. Bên trong có nhiều không gian riêng, thoáng, ánh sáng mặt trời chiếu vào không nhiều nhưng lấp lánh, đủ để mà mơ mộng. Decor sử dụng nhiều vật dụng đơn giản để bài trí trông nhẹ nhàng mà ấn tượng…Được biết những vật dụng sử dụng bằng nguyên liệu gỗ tự nhiên, hương gỗ cùng cỏ cây thoang thoảng tạo nên sự sang trọng, ấm cúng.
         Trong quán có sắp xếp bàn ghế gỗ kiểu xưa, đèn cổ, nền gạch. Có phòng cafe sách, để trên tủ sách là hình các nhân vật nổi tiếng, đó là Vladimia Ilich Lenine và Donal Trump. Thật kỳ lạ cái ý tưởng của chủ quán nơi đây đã sắp xếp để một người nổi tiếng ở đầu thế kỷ XX, một người nổi tiếng ở đầu thế kỷ XXI, cách nhau đúng 100 năm, mà lại là ở hai chiến tuyến có ý thức hệ khác nhau hoàn toàn, một là “trùm” Cộng sản còn một lại là trùm tài phiệt tư bản. Lạ ở chỗ, đây là quán mang phong cách France sao không treo những Charles de Gaulle hay Victor Hugo nhỉ ? Tầng 2 có phòng mầu tím trông rất sang, mang dáng dấp cổ xưa của nước Pháp… Bên ngoài có không gian thoải mái, hoà hợp với thiên nhiên, nhiều cây cỏ tạo cảm giác rất dễ chịu.
         Vẫn biết nhà hàng có phục vụ ăn uống rất phong phú, từ ăn sáng đến các bữa trưa, bữa tối với ẩm thực phong phú của hai nước Việt-Pháp như phở, mì Quảng, bún bò Huế…hay trứng omelette và khoai tây, bánh crepe nhiều mầu sắc. Do đã ăn sáng ở gần khách sạn nên khi đến đây chúng tôi gọi cafe để uống thì được mấy bác phục vụ ở đây trả lời là nhân viên kỹ thuật chưa tới, và rằng nhà hàng mở cửa từ 8 giờ tới 22 giờ khuya. Thôi chết, giờ mới gần 7 giờ 30 mà 8 giờ đã khai mạc hội nghị ở Khách sạn Công đoàn, cách đây mấy cây số, nếu chờ được uống cafe pha chuyên nghiệp thì muộn mất, thôi thì các bác cứ pha đại lên, không ngon cũng được. Mấy bác phục vụ cứ mắt tròn, mắt dẹt nhìn chúng tôi rồi cũng đi pha cafe 45.000 đồng/ly theo kiểu của các bác, đúng là dở ẹc bù lại chúng tôi có mấy kiểu ảnh thật ưng. Đó là ngồi cầm cây đàn guitare có ánh nắng xiên xiên, đó là ngồi cầm cuốn sách cũ của Pháp với hai lãnh tụ Lenine và Trump…Có thể nói mỗi góc của nhà hàng đều được chăm sóc tỉ mỉ, nghiêng về hoài niệm nên thích hợp cho việc chụp ảnh.
         Thật tiếc là không có dịp nghe ban nhạc Accoustic ở La Chalet Dalat. Dụng cụ đã để sẵn nơi đây, thôi thì dạo vài bản nhạc bằng cây guitare vậy.

Tác giả tại Nhà hàng Le Chalet Dalat

CAFE TÙNG
         Cô Bác sĩ người Ninh Bình nói là nên đến uống cafe ở quán Tùng có địa chỉ tại số 6 khu Hòa Bình, đối diện với bức tường vàng tiệm bánh Cối xay gió nổi tiếng tấp nập người đến xếp hàng chụp hình lưu niệm. Vậy là gọi một cái bike grab để chạy đến cafe Tùng.
         Người chủ quán Trần Đình Tùng (nay đã quá cố) gốc Hà Nội đến Đà Lạt vào những năm 1940 của thế kỷ trước sau khi làm một số nghề cuối cùng nghiên cứu văn hóa cafe qua tài liệu của người Pháp để rồi từ đó quán Tùng ra đời, bây giờ do người con trai kế thừa kinh doanh. Cà phê ngon, được tự tay người chủ rang và xay, pha bằng phin truyền thống, giá cũng bình dân 25.000-30.000 đồng/ly. Âm nhạc nhẹ nhàng, đang phát lên từ chiếc loa thùng bài hát Tuyết rơi của Pháp thật hợp với khung cảnh lành lạnh chiều Đà Lạt.
         Tôi mơ màng chờ phin café đen chậm rãi nhỏ giọt, ngắm nhìn dòng người qua ô cửa kính ngược xuôi, nhìn dòng người trẻ có, già có nhiều nhất là nam thanh, nữ tú xếp hàng chụp hình với bức tường vàng của tiệm bánh Cối xay gió bên kia đường. Không giục giã, cứ lần lượt từng người, từng đôi mà tạo dáng với bức tường vàng, các loại xe cũng đi chầm chậm. Nhấp chút một cafe và hình dung chàng Nhạc sĩ trẻ Trịnh Công Sơn khi ông là thầy giáo dạy học ở B’lao, ca sĩ Khánh Ly, nhà thơ Bùi Giáng…mấy mươi năm trước ở cái thành phố mù sương này. Không biết Nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh đã từng viết bản nhạc nào ở quán này không, hẳn ông đã từng ngồi ở chiếc bàn này, ở cái quán dễ thương này uống cafe và ngắm nhìn các thiếu nữ Đà Lạt để viết nên bài hát Còn tuổi nào cho em “Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời” nổi tiếng cho Dao Ánh ?
PHÒNG TRÀ DIỄM XƯA
         Ở Đà Lạt 3 ngày thì có 2 tối, tôi tới quán phòng trà Diễm xưa ở số 20 Khe Sanh, phường 10. Tối đầu là do tò mò vì năm trước phòng trà này nổi tiếng vì đồ uống đắt, những 200.000đ/ly cafe (đợt này thấp hơn, chỉ có 180.000 đ/ly).
         Tối sau dù không muốn nhưng vẫn phải đến phòng trà Diễm xưa do làm nhiệm vụ dẫn đường cho mấy anh chị em mấy tỉnh đi hội nghị.
         Phòng trà nằm khiêm nhường bên hông phía bên phải của một club, trên cung đường quanh co có kiến trúc là lạ, lợp bằng lá cọ, với cái biển hiệu bằng gỗ giản đơn, khiêm nhường. Các bức tường ốp gỗ, nhiều hình họa về âm nhạc. Đèn màu vàng như muốn đem đến sự ấm áp cho khách. Sân khấu nhỏ, cảm giác như là tận dụng hết mọi không gia không được rộng rãi của quán, các nhạc cụ được xếp ngay ngắn và tiện cho nhạc công sử dụng. Bức ảnh Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thuở trung niên có lẽ đã hiện diện ở đây nhiều năm. Phía dưới là nhiều hàng ghế nệm được xếp theo hình bậc thang, có những chiếc bàn đủ rộng, trên mỗi bàn lại có một cái giỏ hoa nhỏ, một đĩa hạt nhỏ và những ngọn nến đang sáng hoặc đã tắt. Quan sát một lúc thì tôi hiểu, những ngọn nến được thắp sáng lung linh tạo vẻ huyền ảo còn giúp cho nhân viên phục vụ biết là người khách này mới đến hay đã ngồi lâu (để còn phục vụ nước và thu tiền của khách).
         Hai tối được nghe liên tục một số bài hát ấy, vẫn gương mặt những ca sĩ ấy. Phong cách của người dẫn chương trình dường như là tự sự với giọng nói nhỏ nhẹ, trầm trầm. chậm rãi. Và ngoài nhạc của Trịnh, vẫn chen vào đó những tác giả khác, âm điệu cũng khác như Phú Quang...
         Một số bài hát nổi tiếng của Trịnh được các ca sĩ, nhạc công biểu diễn như: Biển nhớ, Hạ trắng, Diễm xưa, Mưa hồng, Nắng Thủy tinh, Còn tuổi nào cho em, Một cõi đi về, Cát bụi…được trình bày bởi những giọng ca mượt mà, đầy tinh tế mà ngọt ngào. Có piano, saxophone, guitare, violon, trống, kèn…
         Khán giả thật đa dạng, đi theo gia đình, từng nhóm hay chỉ đơn giản hơn là một mình đơn lẻ. Bắt gặp ở đây có những cụ ông, cụ bà mà gương mặt đã có nhiều nếp thời gian, khoác trên mình là cái áo ba-de-xuy cũ, có cả nhiều nam thanh, nữ tú đến nhâm nhi cafe và thưởng thức âm nhạc, nhìn gương mặt, nét biểu cảm của từng người thả hồn vào lời ca như muốn quên đi bao muộn phiền, xô bồ ở bên ngoài bức tường này…

Tháng 12/2020
Bs Lê Lợi.
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan