--------------------------------------------------------------------
Bên thềm một mùa xuân mới – Xuân Tân Sửu (2021). Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam; Trưởng Ban Liên lạc Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Lâm Đồng – Nguyễn Thị Phương Liên đã cho ra đời Tập ký, truyện ngắn mang tựa đề: “Thầm lặng sau cuộc chiến”. Vốn là cây bút của thể loại Thơ, Nguyễn Thị Phương Liên đã xuất bản ba tập thơ đó là: “Sen đồng nội 1 và 2”, tiếp theo là “Trăng Trường Sơn”. Gần đây bên cạnh Thơ chị còn chuyển sang viết thêm văn xuôi… Và “Thầm lặng sau cuộc chiến” là tác phẩm văn xuôi được xuất bản đầu tiên của chị.
Lời giới thiệu của Nhà văn Nguyễn Thanh Hương ở phần đầu cuốn sách sẽ phần nào đưa các đồng chí và bạn đọc Trường Sơn đến với “Thầm lặng sau cuộc chiến”. Trong điều kiện cho phép Trường Sơn sẽ lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc tất cả 15 truyện, ký trong cuốn sách này.
Xin trân trọng !
ĐIỀU NHẬN ĐƯỢC QUA “THẦM LẶNG SAU CUỘC CHIẾN” PHƯƠNG LIÊN
(Nhà văn: Nguyễn Thanh Hương)
Tôi được Nhà thơ Phương Liên gửi tập bản thảo đã hoàn chỉnh - Tập ký, truyện ngắn mang tựa đề: “Thầm lặng sau cuộc chiến”. Tôi đọc kỹ cả 15 truyện, ký của chị, thấy rằng: Thầm lặng mà không… thầm lặng giây phút nào, bởi các nhân vật trong các truyện ngắn, ký của chị trở về sau cuộc chiến vẫn ra sức học hỏi và cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho quê hương, cho gia đình, bạn bè.
Qua tập truyện, ký của Phương Liên, ai đã tham gia kháng chiến chống Mỹ sẽ sống lại những giây phút gian nan vất vả nhưng rất lạc quan của các chiến sỹ Trường Sơn. Còn bạn đọc nào không có vinh dự tham gia kháng chiến cũng sẽ tưởng tượng được những cơn mưa Trường Sơn mà so sánh với những cơn mưa dầm dề hôm nay để thấy sức chịu đựng của cha, anh, chị ta trong những ngày đánh giặc - sức chịu đựng của mỗi một con người đứng trước bão gió của thiên nhiên thật vĩ đại, trong khi, thực thể mỗi con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên, để rồi khâm phục và tự hào về lớp người đi trước, họ đã đứng vững trước mọi thử thách để cho chúng ta hưởng cuộc sống yên bình hôm nay.
Những người lính đã qua mặt trận trở về, không quên những kỷ niệm những ngày gian lao mà anh dũng – không quên đồng đội của mình – mỗi gương mặt là một dấu ấn khó phai mờ.
Những người sống trở về, lại đối mặt với khó khăn trước đời sống áo cơm, nhưng họ lại vượt qua như đã từng vượt qua thử thách ác liệt của chiến tranh.
Những truyện “Mưa Trường Sơn”, “Chiếc khăn tay”, “Thầm lặng sau cuộc chiến” làm nổi bật hơn nữa cho chủ đề về chiến tranh cách mạng. Và tiếp theo, những người lính trận trở về, có người tham gia công tác xã hội, chuyên môn, có người thành Nhà thơ như trong truyện ký “Người lính với thơ Phú Đại Tiềm”. Hoặc với những Cựu chiến binh bước vào trận địa mới với niềm tin vốn có – chúng ta sẽ chiến thắng đói nghèo và tiến tới phồn vinh.
Trong tập truyện, ký “Thầm lặng sau cuộc chiến” của Phương Liên, ta thấy không gian cuộc sống của những người lính trải rộng, người đọc sẽ hình dung được những con người trên những miền đất của Tổ quốc để càng thêm yêu quý cuộc sống hơn.
Tác giả đưa ta đến “Nơi ấy Tân Hà”, một làng quê mới ở huyện kinh tế mới Lâm Hà với những vất vả lo toan trong hàng chục năm để có bây giờ một Tân Hà giầu đẹp, một Tân Hà - Nông thôn mới hôm nay.
Phương Liên vốn viết thơ, chị đã xuất bản ba tập thơ đó là Sen đồng nội 1 và 2, tiếp theo là Trăng Trường Sơn. Những năm gần đây, chị chuyển sang viết thêm văn xuôi. Các tác phẩm của chị đều neo vào lòng bạn đọc. Và vì là người cầm bút, đứng trước hiện thực xã hội, chị luôn trăn trở suy nghĩ về con người, sự kiện đã và đang làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Trong ký “Những trăn trở về đề tài sáng tác hiện nay” chị nêu suy nghĩ: - Người cầm bút cần phản ánh cuộc sống hiện tại bằng Văn học, nhưng không quên viết về đề tài chiến tranh cách mạng, mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng – ta hãy viết – viết để thế hệ sau hiểu về giá trị của chiến thắng trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta. Hiểu để nhắc nhau phải giữ gìn cho được từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc”.
Trong phạm vi một bài viết ngắn, không thể phân tích kỹ tất cả những truyện, ký của tập sách, bởi như vậy – nói như một Nhà văn – Làm như vậy là làm thay độc giả rồi. Do vậy, chỉ nên điểm qua mấy ý chính về “Thầm lặng sau cuộc chiến” của Phương Liên để bạn đọc tham khảo và tiếp tục chuyên sâu vào tác phẩm.
Cây bút Phương Liên còn sung sức, bút lực còn dồi dào. Hy vọng chị lại tiếp tục có những tác phẩm trong thời gian tới đây./.