Theo hãng tin NDTV, chính phủ Ấn Độ đang nghiên cứu thông tin được các cơ quan tình báo nước ngoài chia sẻ và theo dõi các biến động trong hàng ngũ của Taliban để xác định hành tung của thủ lĩnh tối cao của tổ chức này, Haibatullah Akhundzada.
Một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết, Akhundzada đã không xuất hiện 6 tháng qua và tuyên bố công khai cuối cùng của Akhundzada là hồi tháng 5, vào dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo.
Quan chức Ấn Độ dẫn nguồn thạo tin cho hay, Akhundzada có thể đang bị quân đội Pakistan giam giữ. Theo quan chức trên, Ấn Độ rất quan tâm đến việc Pakistan sẽ xử lý vấn đề này như thế nào.
Haibatullah Akhundzada, khoảng 60 tuổi, được bổ nhiệm làm thủ lĩnh tối cao của Taliban hồi tháng 5/2016 sau khi người tiền nhiệm Akhtar Mansour bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ ở khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan.
Akhundzada là người nắm quyền cao nhất trong các vấn đề chính trị, tôn giáo và quân sự của Taliban. Akhundzada được miêu tả như một học giả, từng đưa ra nhiều cách diễn giải cực đoan hơn về Hồi giáo. Trong khi đó, nhiều nguồn tin nói rằng, Akhundzada có quan điểm thực tiễn hơn nhiều người nghĩ, như cho phép đàm phán với Mỹ.
Hiện nay, Akhundzada là một trong 7 thủ lĩnh Taliban được kỳ vọng sẽ có vai trò dẫn đầu hoặc có tầm ảnh hưởng lớn trong việc điều hành Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia Trung Nam Á này.
Taliban chiếm thủ đô Kabul và giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15/8 sau đợt tiến công dồn dập chỉ trong vòng hơn một tuần. Hôm 19/8, tổ chức này đã tuyên bố lập ra Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
Reuters ngày 19/8 dẫn lời người phát ngôn Taliban Waheedullah Hashimi cho biết, Afghanistan có khả năng được điều hành bởi một hội đồng Taliban cầm quyền. Cơ cấu quyền lực do Hashimi vạch ra có những nét tương đồng với cách Taliban điều hành Afghanistan trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2001.
Ban lãnh đạo Taliban dự kiến họp vào cuối tuần này để thảo luận và đề ra thể chế điều hành Afghanistan, tuy nhiên mọi nền tảng dân chủ đều bị loại bỏ. "Sẽ không có thể chế dân chủ nào cả vì nó không có bất kỳ nền tảng nào ở đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thảo luận về loại thể chế chính trị sẽ được áp dụng ở Afghanistan vì nó đã rõ ràng, đó là luật Hồi giáo sharia", người phát ngôn Hashimi nói
Trong tuần này, chỉ hai ngày sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, phó thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã trở lại Afghanistan sau 20 năm lưu vong. Động thái này được xem là chuẩn bị cho việc thành lập chính phủ mới ở Afghanistan.
Tuy Akhundzada là thủ lĩnh tối cao của Taliban, nhưng cấp phó Baradar mới là gương mặt xuất hiện nhiều nhất trước công chúng. Trong giai đoạn Taliban nắm quyền ở Afghanistan trước kia, Baradar từng làm thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau khi Taliban sụp đổ, ông này bị trục xuất và bị nhà chức trách Pakistan bắt giữ vào năm 2010. Sau 8 năm ngồi tù, Baradar được phóng thích dường như nhờ đề nghị từ phía Mỹ và đó có thể là lý do Baradar ủng hộ đàm phán với Mỹ.
Một số ý kiến cho rằng, thay vì Akhundzada, Baradar có thể mới là người sẽ nắm vai trò điều hành tổng thể giống như một tổng thống trong chính quyền do Taliban lập ra.
Trong một diễn biến liên quan khác, Reuters cho hay, các trang web chính thức của Taliban dường như đã biến mất khỏi mạng internet vào cuối ngày 20/8. Hiện chưa rõ liệu đây là do trục trặc kỹ thuật hay lý do nào khác. Taliban có các trang web bằng 5 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Anh và tiếng Ả rập. Cả 5 trang web này đều không thể truy cập vào hôm qua.
( C. H sưu tầm)