Khi nào Hà Nội sẽ điều chỉnh quy định về giấy đi đường?

Ngày đăng: 12:14 17/09/2021 Lượt xem: 234

            Khi nào Hà Nội sẽ điều chỉnh quy định về giấy đi đường?

                                               Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

Việc Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ tại 19 quận, huyện nhưng chưa có động thái điều chỉnh quy định về giấy đi đường đã "lộ" nhiều bất cập, khiến một số địa phương, đơn vị lúng túng.


Thiếu cơ chế để kiểm soát người di chuyển liên vùng

Sau khi UBND TP Hà Nội cho phép nới lỏng tại 19 quận, huyện "vùng xanh", chiều 16/9, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tháo dỡ 39 chốt kiểm soát tại các tuyến đường ra, vào phân vùng 1 ("vùng đỏ" theo quy định của UBND TP Hà Nội - PV).

Khi nào Hà Nội sẽ điều chỉnh quy định về giấy đi đường? - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Chiều 16/9, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tháo dỡ 39 chốt kiểm soát tại các tuyến đường ra, vào "vùng đỏ" (Ảnh minh họa).

Cũng trong chiều 16/9, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch thành phố với các cơ quan, đơn vị liên quan, Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết, việc Hà Nội cho phép mở một số hoạt động kinh doanh tại 19 quận, huyện khiến đơn vị gặp khó khăn khi kiểm soát người và phương tiện.

Vì vậy, Đại tá Ky kiến nghị UBND TP Hà Nội có quy định rõ để làm căn cứ kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện di chuyển từng vùng và liên vùng sau khi nới lỏng hoạt động.

Đáp lại đề nghị của Đại tá Ky, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời rằng thành phố sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn nữa để lực lượng này căn cứ triển khai nhiệm vụ trong thời gian sắp tới.

Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất việc công an thành phố tiếp tục cấp giấy đi đường có mã QR, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để quản lý theo dữ liệu dân cư, hoàn thiện phần mềm quản lý công dân để kiểm soát hiệu quả hơn nữa.

Ngay sau khi thông tin này được Dân trí đăng tải, nhiều người đã bày tỏ ý kiến về những khó khăn và hạn chế. Trong đó, tài khoản Tommy Davis bình luận: "Nên nêu thật rõ, chứ đừng chung chung như vậy. Tôi mong ngóng từ đầu đến giờ về sự phối hợp giữa UBND TP và công an. Quyết định như vậy không rõ ràng, rất dễ làm các đơn vị thực thi không biết triển khai thế nào cho đúng. Khi sai lại nói không hiểu rõ chủ trương. Vậy chủ trương cần phải nêu rõ".

Với danh nghĩa là một người dân, tài khoản này cũng cho rằng UBND TP phải nêu rõ những quyết định kèm theo. "Về việc quy định về nới lỏng Chỉ thị 16, không thể nói chung chung. Việc di chuyển trong TP Hà Nội cũng như từ ngoài TP vào như thế nào? Chứ tôi thấy lực lượng công an rất lúng túng triển khai - tài khoản Tommy Davis cho hay.

Khi nào Hà Nội sẽ điều chỉnh quy định về giấy đi đường? - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều lãnh đạo UBND các quận, huyện cho biết đang đợi văn bản cụ thể từ thành phố về việc kiểm soát người ra đường sau khi Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ tại 19 quận, huyện (Ảnh: Mạnh Quân).

UBND TP Hà Nội sẽ "cụ thể hóa" việc nới lỏng

Trao đổi với PV Dân trí sáng 17/9, một lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, chiều 16/9, Ban Thường vụ Thành ủy đã có buổi họp bàn về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Khi PV nêu câu hỏi về việc sẽ kiểm soát giấy đi đường thế nào, có chủ trương gì mới không thì vị lãnh đạo cho hay, Thường vụ Thành ủy không bàn cụ thể về vấn đề này. Việc nới lỏng sẽ do UBND TP Hà Nội "cụ thể hóa".

Tuy nhiên, cho đến sáng 17/9, nhiều lãnh đạo UBND quận, huyện cho biết, các địa phương này cũng chưa nhận được văn bản cụ thể từ thành phố về việc kiểm soát người ra đường sau khi Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ tại 19 quận, huyện "vùng xanh" (theo Công văn số 3084/UBND-KGVX được ban hành ngày 15/9 - PV).

Một lãnh đạo UBND quận nội thành thông tin, quận cũng rất mong thành phố sớm có quy định cụ thể để địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện. Hiện quận đang áp dụng quy định một cách "linh hoạt".

"Việc người dân đi đến sử dụng dịch vụ tại 3 loại hình kinh doanh mới được nới lỏng hoạt động trên địa bàn thì lực lượng chức năng sẽ không xử phạt, còn thành phố chưa có hướng dẫn hay ban hành công văn mới để địa phương căn cứ triển khai" - vị này cho hay.

Có thể coi là "may mắn" hơn quận nội thành nêu trên, ngay từ ngày 6/9, UBND huyện Chương Mỹ, một huyện "vùng xanh" (theo Chỉ thị 20/CT-UBND của thành phố) đã ban hành kế hoạch 248 cho phép các cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng được phép hoạt động trở lại.

"Riêng dịch vụ bán hàng ăn, uống mang về, do ở đây là khu vực nông thôn nên chưa quan trọng việc mở lại loại hình này. Huyện cũng để người dân được đi lại trong vùng xanh và thiết lập 27 chốt giáp ranh các địa phương khác để kiểm soát người ra vào…" - một lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ chia sẻ.

Trước đó, theo Công văn số 3084/UBND-KGVX, Hà Nội cho phép mở hoạt động một số loại hình kinh doanh dịch vụ tại các quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ 12h trưa 16/9.

Cụ thể, các cơ sở dịch vụ kinh doanh được phép hoạt động gồm: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 6/9 đến tối 15/9 có 19 quận, huyện không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới ở cộng đồng, gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa, Tây Hồ.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan