Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về việc thí sinh “30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1”
Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về việc thí sinh “30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1”
Nguồn: Báo Điện tử Công An Nhân Dân
Việc một số thí sinh bị trượt nguyện vọng 1 ở một số ngành điểm cao là đáng tiếc song cũng chỉ là hiện tượng cá biệt. Hiện các trường còn nhiều hình thức xét tuyển khác nên các em vẫn còn cơ hội...
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong mùa tuyển sinh năm 2021, ở một số ngành, thí sinh dù đạt 30 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1, có bất thường? Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Việc một số thí sinh bị trượt nguyện vọng 1 ở một số ngành điểm cao là đáng tiếc song cũng chỉ là hiện tượng cá biệt. Hiện các trường còn nhiều hình thức xét tuyển khác nên các em vẫn còn có cơ hội”.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, xét tuyển đại học thực chất là câu chuyện cạnh tranh, cơ hội hoàn toàn nằm ở sự lựa chọn của thí sinh.
“Bộ GD&ĐT đã và đang xây dựng lộ trình, phương án để việc tuyển sinh đại học đi vào thực chất hơn, đặc biệt là trong đánh giá thí sinh. Tuy nhiên, do năm 2020 và 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều trường đã không thể tổ chức được các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, bài thi trắc nghiệm, bài kiểm tra tư duy. Thời gian tới, các trường đại học cần tăng cường hơn nữa việc tự chủ tuyển sinh, cùng phối hợp tổ chức kỳ thi chung nhằm bổ sung thêm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng nhẹ nhàng, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội nhưng đánh giá tốt thí sinh, phù hợp với đặc thù riêng của từng trường”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.
Thông tin thêm về xu hướng tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm 2021, cả nước có 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng 11% so với năm 2020. Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 24% so với năm 2021. Quy trình xét tuyển, lọc ảo diễn ra trơn tru, nhẹ nhàng và chặt chẽ như mọi năm với 50 trường nhóm miền Bắc và 90 trường nhóm miền Nam.
Đáng chú ý, tỷ lệ tuyển sinh/chỉ tiêu cao hơn hẳn so với năm 2020 ở tất cả các ngành. Mã số ngành tuyển sinh đạt từ 70% chỉ tiêu trở lên đạt trên 75%, tăng 9% so với 2020. Số ngành tuyển dưới 50% là 18%, giảm 9% so với 2020.
Điểm chuẩn các trường tốp trên tiếp tục ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi các trường top giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh.
Khối ngành tăng nhiều, có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên có 265 mã ngành, trong đó riêng khối Kỹ thuật-Công nghệ và Sư phạm chiếm 50%; sau đó tới khối Kinh doanh & Quản lý, Khoa học Xã hội-Nhân văn, Pháp luật… Điều này tương đối phù hợp với nhu cầu xã hội, thể hiện việc thí sinh có sự tính toán khá kỹ lưỡng, nghiêm túc trong việc lựa chọn ngành nghề.
( C. H sưu tầm)