Khi nào giá xăng giảm?
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Từ 15h ngày 11.10, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 967 đồng/lít lên 21.683 đồng/lít, cao nhất kể từ tháng 11.2014. Trong khi đó, xăng RON 95 tăng thêm 934 đồng/lít.
Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần tăng thứ ba liên tiếp. Giá xăng trong nước hiện ở mức cao nhất trong vòng 7 năm.
Lý do giá xăng dầu tăng cao, theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, là do giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh. Ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng với giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, có thời điểm lên tới 83 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, tác động rất lớn đến giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 10-10.
Do đó, cơ quan điều hành là Bộ Công thương - Bộ Tài chính đang xây dựng phương án điều hành giá để báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, những công cụ tham gia việc điều hành giá không còn nhiều dư địa để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu. Với số dư quỹ bình ổn chỉ còn khoảng 670 tỉ đồng, theo ông Đông, vẫn có thể cân đối được để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 10-10.
Tuy nhiên, đến nay có đến 14 đầu mối bị âm quỹ. Riêng 2 tập đoàn lớn là Petrolimex và PVOil có số âm quỹ bình ổn lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
"Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, từ 35-43%. Nhưng với việc sử dụng quỹ bình ổn giá, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ tăng 30-35%, thấp hơn mức tăng của thế giới.
Dù đã sử dụng quỹ rất nhiều để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhưng không hẳn là không còn dư địa, quỹ vẫn còn. Dù vậy, phải tính toán các công cụ khác để hài hòa, vì diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng mạnh" - ông Đông nêu.
Cũng theo ông Đông, mức thuế, phí đang chiếm tỉ trọng rất cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó các loại thuế, phí chiếm 42-43% trong cơ cấu giá thành mặt hàng xăng, và tỉ lệ này với mặt hàng dầu là 24-30%.
"Vì vậy ngoài việc sử dụng hiệu quả linh hoạt quỹ bình ổn giá, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ, kiến nghị một số giải pháp, trong đó có đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét cân nhắc giảm thuế, phí như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và nhất là thuế bảo vệ môi trường", ông Đông cho biết.
Trả lời về việc liệu có giảm được giá xăng trong thời gian tới không, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, 9 tháng năm nay, CPI tăng 1,82%, mức rất thấp so với chỉ tiêu giao của Quốc hội là kiểm soát dưới 4%. Với con số này, bà Nga cho rằng có sự đóng góp của giá xăng dầu với mức chi phí hợp lý.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, nghiên cứu đề xuất của khối doanh nghiệp về việc giảm giá điện, giá xăng, bà Nga cho rằng, Bộ Công Thương đã có những nghiên cứu, nắm bắt thị trường, nhất là thị trường thế giới, cùng với đó bám sát việc điều hành phối hợp với Bộ Tài chính, đưa ra nhận định đánh giá, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.
"Trong thời gian tới, có thể giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng khi các quốc gia dần dần mở cửa, tái sản xuất kinh doanh, du lịch. Việc giảm giá ở thị trường thế giới rất khó xảy ra” - lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nói và cho biết, đối với thị trường trong nước, ngoài việc tính toán nguồn cung ra, thì còn xem xét quỹ bình ổn. Đồng thời làm việc với Bộ Tài chính liên quan tới những xem xét về giảm thuế.
( C. H sưu tầm)