Không giải ngân được, nhiều bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn đầu tư công

Ngày đăng: 03:11 01/11/2021 Lượt xem: 173

Không giải ngân được, nhiều bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn đầu tư công

                                                       Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới

9 tháng, các địa phương giải ngân vốn vay nước ngoài mới đạt 9,82% kế hoạch vốn được giao, trong khi đó, các bộ ngành cũng chẳng khá gì hơn, khi mới đạt 19,03% kế hoạch. Việc đạt kế hoạch năm có thể khẳng định là không khả thi. Đáng chú ý, nhiều bộ, ngành địa phương đã phải xin trả lại vốn vì không thể giải ngân.

 

Tiến độ ì ạch

Báo cáo của ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi trong 3 tháng cuối năm 2021 cho biết: Theo phê duyệt của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương (NSTW) là 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỷ đồng.

 

đầu tư công.jpg -0

Dịch bệnh khiến cho tiến độ giải ngân đầu tư công bị chậm lại.

Sau Hội nghị giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Bộ Tài chính tổ chức vào tháng 6/2021, tình hình giải ngân của các địa phương sau 9 tháng của năm 2021 đã có bước cải thiện rõ rệt so với 5 tháng đầu năm. Vốn NSTW bổ sung có mục tiêu 5 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 1,73% dự toán, thì nay đã đạt 11,51% dự toán (tăng thêm 9,78%); vốn cho địa phương vay lại, 5 tháng đầu năm 2021 chỉ là 1,68% dự toán, thì nay đã đạt 7,78% dự toán. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vẫn rất chậm. Căn cứ vào tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Tài chính dự kiến giải ngân đầu tư công nguồn nước ngoài cả năm 2021 của các địa phương chỉ đạt xấp xỉ 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.

Trở lại với các địa phương, do giải ngân khó khăn nên 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều xin trả lại vốn. Cụ thể, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết ngoài khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, vấn đề về giải phóng mặt bằng là vướng mắc thường xuyên của thành phố. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng từ đầu năm tăng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ triển khai dự án. Hiện Hà Nội đang rà soát triển khai dự án và đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư điều chỉnh vốn ODA cấp phát, giảm 4.500 tỷ đồng.

Tương tự Hà Nội, bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, do dịch bệnh còn phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nên TP Hồ Chí Minh đề nghị giảm kế hoạch vốn ODA cấp phát từ NSTW 2.916 tỷ đồng với 5 dự án; giảm vốn vay lại 11.940 tỷ đồng.

Ảnh hưởng tới các năm sau

Đánh giá về kết quả giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, kết quả giải ngân của các địa phương thấp sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bởi vốn đầu tư công là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu chi đầu tư phát triển cũng ảnh hưởng việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ 2021-2025, nếu tiến độ giải ngân thực hiện của năm 2021 thấp sẽ ảnh hưởng đến năm 2022 và các năm tiếp theo.

Biện giải cho nguyên nhân chậm tiến độ, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được “đẩy” ra làm nguyên nhân chính. Ngoài ra, các vướng mắc và nguyên nhân khác dẫn đến chậm giải ngân còn do chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định/thỏa thuận vay; Giao chậm, giao thiếu kế hoạch đầu tư công trung hạn; Giao vượt nhu cầu sử dụng đã đăng ký; Địa phương chậm, thậm chí chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn; Chậm đấu thầu hoặc chậm triển khai công việc và xác nhận khối lượng hoàn thành; Chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn; Hồ sơ rút vốn không đủ điều kiện giải ngân phải trả lại...

Tuy nhiên, theo ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thì ngoài nguyên nhân dịch bệnh và những lý do khách quan khác thì tại nhiều bộ ngành, công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều, bộ ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.

Còn ông Trương Hùng Long cho rằng, từ nay tới cuối năm, các bộ, ngành cần tích cực chỉ đạo kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân; tiếp tục điều chuyển kế hoạch vốn nội bộ. Trường hợp không thể điều chuyển nội bộ thì sớm có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc cắt giảm để chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương khác. "Hi vọng rằng từ nay tới cuối năm, các bộ, ngành sẽ làm tốt nhất ở mức có thể để đạt được kết quả giải ngân tốt nhất" - ông Long nói.

( C. H sưu tầm)

 
tin tức liên quan