Đầu tháng 12, ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm cao nhất?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Theo thống kê của PV Dân Việt, lãi suất cao nhất trong tháng 12 – tháng cuối cùng khép lại năm 2021, được giữ ở mức 7,1%/năm. Tuy nhiên, để nhận được mức lãi suất này, khách hàng gửi tiết kiệm phải đáp ứng một số điều kiện do ngân hàng đưa ra.
Cụ thể, thống kê từ biểu lãi suất tại gần 30 ngân hàng thương mại cho thấy, Techcombank vẫn đang dẫn đầu với lãi suất tiết kiệm cao nhất. Để đạt được mức lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,1%/năm này, khách hàng phải cam kết không được tất toán trước hạn và số tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên.
Tại các ngân hàng còn lại, lãi suất tiết kiệm cao nhất dao động từ 5,4%/năm đến 7,1%/năm. Theo đó, 7%/năm là lãi suất tiết kiệm cao nhất đang được MSB áp dụng cho những khách hàng sở hữu tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng.
Một số ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất dưới 7% bao gồm: LienVietPostBank (6,99%/năm), HDBank (6,85%/năm),... Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.
Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất tiết kiệm cao nhất vẫn giữ ở mức 5,6% tại VietinBank (CTG). 3 ngân hàng còn lại là Vietcombank (VCB), Agribank hay BIDV thấp hơn 0,1 điểm %.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhìn chung sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trong thời gian tới. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank vẫn được giữ ở mức 5,4%/năm.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến (online), lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng niêm yết cao hơn từ 0,1-0,3 điểm % so với gửi tiết kiệm tại quầy, cá biệt có ngân hàng lãi suất gửi tiết kiệm bằng hình thức online cao hơn tới 0,5-0,6 điểm% so với tiết kiệm tại quầy.
Ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất khi gửi tiết kiệm online là NamABank với 7,1%/năm áp dụng với các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng.
Các chuyên gia SSI cho rằng, trong giai đoạn cuối năm, tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ không có nhiều yếu tố đột biến khi cân nhắc tới yếu tố mùa vụ.
Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là tăng trưởng kinh tế 2020-2021 ở mức thấp, nhiều khả năng ảnh hưởng tới mức tích lũy của người dân nói chung, do đó cũng khó có thể kỳ vọng mức độ tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư có thể quay lại mức trước khi có đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng.
Đồng quan điểm, trong báo cáo cập nhật của BSC về ngành ngân hàng vừa phát hành dự báo, tăng trưởng tiền gửi năm 2021 toàn ngành ước khoảng 9,9% - thấp hơn so với mức tăng trưởng 13% của tín dụng. Trong khi đó, giai đoạn 2018 - 2020, tăng trưởng tiền gửi luôn duy trì ở mức cao hơn so với tăng trưởng của tín dụng.
Trao đổi với PV Dân Việt, các chuyên gia cho rằng, với mức lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế tiềm ẩn nguy cơ phải đối mặt với rủi ro lạm phát năm 2022, dòng tiền tích lũy của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao như chứng khoán, bất động sản hay kim loại quý.
"Bất động sản và vàng là 2 kênh đầu tư sẽ được người dân, nhà đầu tư ưu ái hơn khi áp lực lạm phát tăng cao, đặc biệt là vàng. Bởi tâm lý của người Việt Nam từ trước đến nay, vàng được xem là một trong những kênh bảo vệ tài sản của nhà đầu tư một cách tốt nhất. Biểu hiện gần đây cũng phần nào cho thấy điều đó, khi giá vàng trong nước lần lượt thiết lập các mức cao mới, có thời điểm lên tới trên 62 triệu đồng/lượng", chuyên gia tài chính tại Học viện Ngân hàng nói với PV Dân Việt.
( C. H sưu tầm)