Có nỗi niềm nào khó nói sau những phi vụ tín dụng đen lãi không tưởng!?

Ngày đăng: 08:44 04/12/2021 Lượt xem: 215

Có nỗi niềm nào khó nói sau những phi vụ tín dụng đen lãi không tưởng!?

                                                             Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

"Vay hơn 16 tỷ đồng, đã trả 20 tỷ mà vẫn còn nợ... 11 tỷ" - một tiêu đề bài báo vừa đăng trên Dân trí ngày 3/12 mà tôi nghĩ, ai đọc cũng đều "đứng hình" và choáng váng.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: vietnamnet.vn)

Số lãi cộng với nợ tính ra gấp đôi số nợ gốc, vốn dĩ là việc cực kỳ vô lý. Nhưng không, sự vô lý ấy lại tương đối phổ biết trong một thị trường mà dân mình vẫn quen gọi là "tín dụng đen".

Cá nhân tôi, thú thực là không ưa thích việc vay nợ và cũng chưa trải nghiệm việc vay vốn tín dụng đen như thế nào, nhưng với những người quanh tôi thì đây lại là chuyện thường ngày ở huyện!

Có lẽ cũng bởi vậy mà hôm 2/12, Hiệp hội Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước tổ chức hẳn một cuộc hội thảo với nội dung "nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn". Thông tin đưa ra trong cuộc hội thảo này, dẫu chân thực, không hề nói quá lên, nhưng không phải là không gây "sốc", phơi bày một góc cuộc sống vốn nhiều sóng gió, tối tăm mà cuốn theo rất nhiều cuộc đời, nhiều sinh mệnh.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) kể lại: "Tuần trước, Cục Cảnh sát Hình sự đã triệt phá một nhóm đối tượng người gốc Hải Phòng hoạt động ở TPHCM đã có hành vi cho vay tiền, lãi suất cao nhất lên tới 1.700%/năm. Trong vụ việc này có một bị hại, bị hại có vay của nhóm đối tượng này là 16,2 tỷ đồng, đã trả hơn 20 tỷ đồng, đến nay vẫn còn nợ khoảng 11 tỷ đồng".

1.700%/năm - mức lãi suất đúng là không tưởng. Cứ cho là đầu tư thì cũng khó mà có kênh đầu tư nào cho mức lãi suất hấp dẫn đến như thế. Còn nếu so với lãi suất ngân hàng thì… đúng là không có cửa cạnh tranh. Hỏi vì sao mà hoạt động tín dụng đen vẫn cứ mọc ra tua tủa như thế! Thử hỏi, kinh doanh gì để kiếm "siêu lợi nhuận" như cho vay nóng, cho vay tín dụng đen?

Vậy nhưng thử đặt ngược lại vấn đề xem, biết là vay tín dụng đen lãi cao như vậy, rủi ro lớn đến thế, nhưng sao vẫn quá nhiều người "đâm đầu" vào? Chẳng phải tự biến mình thành con mồi để hiến tế cho các chủ nợ hay sao?!

Tôi có người quen kinh doanh nhỏ lẻ, cứ mỗi đợt nhập hàng lại "vay nóng" rồi lại cuống cuồng đi mượn chỗ này để đập vào chỗ kia. Trường hợp, hàng nhập về tiêu thụ chậm thì chuỗi ngày kinh doanh sau đó chẳng khác gì "làm công, làm thuê" cho chủ nợ. Người này chọn vay nóng vì theo lý giải là "không đủ tiêu chuẩn để vay ngân hàng" và quan trọng nhất là "vay nóng" rất dễ, cực kỳ dễ và cũng vô cùng nhanh chóng.

Chính vì việc vay nóng được giải quyết rất nhanh, thế nên những người có thu nhập thấp trong xã hội lại chính là những người gia nhập "thị trường" này nhiều nhất. Phi lý thay, ngược đời thay nhưng cũng… dễ hiểu thay!

Bên cạnh đó, cũng có những hoàn cảnh khác, họ buộc phải vay tín dụng đen vì tín nhiệm tài chính không đủ để vay những nơi khác; buộc phải vay vì bệnh tật hiểm nghèo. Lại cũng có trường hợp vay nóng để phục vụ cho "đầu tư nóng" như đầu tư chứng khoán, đất đai, tiền ảo, forex v.v và v.v. Biết bao nhiêu lý do lại cũng bao nỗi niềm khó nói!

Thị trường "đen" có quy tắc của "xã hội đen". Bề ngoài thì các giao dịch cứ ngỡ như là quan hệ dân sự, nhưng mức lãi suất quá cao cộng theo lối đòi nợ khủng bố, gây mất trật tự xã hội, hệ lụy là vi phạm pháp luật hình sự.

Đã dùng đến thuật ngữ "tín dụng đen" thì tôi tin là cũng chẳng có gì tử tế ở hoạt động này. Việc các cơ quan chức năng đã để ý và quan tâm đến các giao dịch trên là điều cần thiết, nhưng cần thiết hơn phải là công tác quản lý, sự sát sao của chính quyền địa phương, sự nghiêm khắc của chế tài và sự thẳng tay vào cuộc loại bỏ.

Người dân dù đáng trách khi quá "liều lĩnh", đánh cược sinh mạng vào những khoản vay cắt cổ, nhưng nói cho cùng, họ cũng rất đáng thương, cần được bảo vệ. Họ cũng cần được chỉ những "cửa sáng" khác để có thể thoát hiểm, thay vì lao đầu vào tín dụng đen. Chẳng phải, đó cũng là điều mà nhân dân cần ở các cơ quan chức năng hay sao?

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan