“Chuyện trong nhà”. TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 07:33 15/12/2021 Lượt xem: 178
-------------------------------------------------------------------------------------------

Nhân Ngày thành lập QĐND Việt- Nam
 
CHUYỆN TRONG NHÀ
 
        Mỗi người lính sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về với cuộc sống đời thường mang theo biết bao kỉ niệm vui buồn gắn liền với bộ quân phục, những tấm huân, huy chương ghi nhận sự cống hiến và thành tích trong thời gian tại ngũ.
        Mặc dù phải bươn trải, tìm kế mưu sinh nhưng chẳng ai quên được những năm tháng chiến đấu, công tác tại ngũ nhất là vào dịp những ngày kỉ niệm trọng đại: 30/4-1/5, cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, ngày thành lập QĐNDVN; ngày thành lập đơn vị, ngày nhập ngũ, ngày đi B…Và cứ mỗi dịp như vậy ta lại tự hào, trân trọng khoác lên người bộ quân phục dẫu có sờn vai, bạc mầu, treo lên ngực những tấm huân, huy chương với tất cả niềm tự hào dẫu tóc đã bạc, răng đã rụng, bước đi khó nhọc, tập tễnh.
        Tự hào lắm chứ, vinh dự lắm chứ nhưng đôi khi ở đâu đó chẳng biết vô tình hay cố ý mà nhiều người đã để lại những hình ảnh không đẹp về chân dung của một người lính qua hình thức bên ngoài. Mặc dù là vấn đề tế nhị nhưng cũng xin phép các bác, các anh các chị được chia sẻ đôi điều, gọi là chuyện nội bộ trong nhà CCB.

 

Mẫu quân phục của QĐND Việt Nam (ảnh minh họa)
 
        - Bộ quân phục dù còn mới hay đã bạc mầu nó chỉ đẹp khi được giặt giũ sạch sẽ, phẳng phiu, mang mặc đúng quy định khi khoác lên người. Thà không mặc thì thôi, nhưng một khi đã mặc thì phải chuẩn chỉ. Kệch cỡm, áo bộ đội quần dân sự, áo bỏ buông ngòai quần; phần thân thì chính quy nhưng dưới chân lại đi dép lê, giầy thể thao, đầu đội mũ phớt… thì cái đẹp sẽ giảm đi nhiều. “ Anh bộ đội ” nửa mùa nom nó luộm thuộm, mất hẳn đi cái vẻ uy nghiêm vốn có. Vừa thật vừa giả, vừa đúng vừa sai không ra dáng một người lính đã từng khiến mọi kẻ thù phải khiếp sợ. Nếu có thì mặc còn chưa có thì cũng chẳng sao, miễn khi mang mặc không thể tùy tiện theo cảm hứng nhất thời.
        - Huân, huy chương là niềm tự hào, được đổi bằng máu xương, bằng những chiến công lẫy lừng, bằng cả cuộc đời binh nghiệp, là ghi nhận sự đóng góp của quân nhân trong quá trình chiến đấu, công tác. Với huân chương niên hạn phải có đủ năm, đủ tháng mới được xét tặng. Đeo ngay ngắn trên ngực không những chỉ làm đẹp thêm mà còn công khai ghi nhận sự cống hiến. Hiện tượng “ tự thưởng” không có cũng đeo, đeo cho oai, đeo cho “ bằng chị bằng em”, đeo để hù dọa thiên hạ là sai quy định, vô tình hạ thấp giá trị bản thân. Quy định ghi rõ: Chỉ khi mang lễ phục mùa đông hoặc Tiểu lễ phục trong những sự kiện trọng đại theo quy định thì mới đeo Dải Huân chương, Huy chương trên ngực áo bên trái, đeo huy hiệu trên ngực áo bên phải. Đeo đúng chỗ, đúng hàng, ngay ngắn là sự tôn trọng chính mình. Trong trường hợp bình thường nếu cần thì có thể đeo cuống huân chương được gắn trong giá, không thể tùy tiện ai thích thì đeo, thích đeo bao nhiêu cũng được. Đừng tưởng cú đeo vô tội vạ nặng trĩu 2 bên ngực cái mình không có, cái không phải của mình là oai. Tuân thủ các quy định đeo huân, huy chương là thể hiện tính chính quy, trân trọng những cống hiến, có ý thức xây dựng và sự nghiêm túc của mỗi quân nhân dù đang tại chức hay đã về hưu.
        Hiện tượng khá phổ biến hiện nay là việc đeo quân hàm khá tùy tiện, nhiều cựu chiến binh không là sỹ quan cũng đeo quân hàm sỹ quan, mang quân hàm vượt cấp, thích đeo quân hàm cao cấp. Một số trường hợp đeo không đúng, chỉ mỗi đôi cầu vai vàng chóe không sao, không gạch nom nó ngồ ngộ.
        Quần áo đời mới nhưng lại mang bộ quân hàm cách đây ba, bốn chục năm. Có người đeo sao mà không có gạch, có sao có gạch mà thiếu cúc cầu vai.
        - Dù ở đâu, dù làm gì nhưng một khi đã khoác lên người bộ quân phục thì phải thể hiện tư thế, tác phong của người lính, thể hiện bản lĩnh, khí phách của anh Bộ đội Cụ Hồ. Khoác bộ quân phục lấp lánh huân huy chương để vỗ ngực công thần, rượu chè bê tha, nói năng tục tĩu, quay giáo trở cờ…thì đấy chỉ có thể là những kẻ cơ hội, một nhân cách hôi hám, bẩn thỉu. Cũng có những kẻ không một ngày đi chiến trường, chưa từng tham gia trận chiến đấu nào nhưng mở mồm ra là phồng mang trợn mắt, vỗ ngực ba hoa, bịa chuyện kể công đánh giặc, phá vây, diệt thù… mà không thấy ngượng mồm, không biết xấu hổ.
        Loại người ấy dù bộ quân phục còn thơm mùi hồ, huấn huy chương có treo đầy ngực, sao vạch đầy vai cũng chỉ là loại cơ hội…chẳng ra gì.
       Phải thẳng thắn thừa nhận, sau khi đã cởi bỏ bộ quân phục không ít cán bộ, chiến sỹ không còn giữ được hình ảnh đẹp của anh bộ đội “Cụ Hồ ”. Xa đọa cả về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Họ trở thành kẻ công thần, kiêu ngạo. Có những Anh hùng, dũng sỹ hẳn hoi vậy mà cũng bị quyền lực, đồng tiền, hư danh… làm tha hóa. Đấy là điều rất đáng buồn.
        Anh bộ đội lúc nào và ở đâu cũng là hình ảnh đẹp trong lòng mỗi người dân. Bằng những việc làm thiết thực, mỗi chúng ta hãy biết trân trọng và gìn giữ. Khi đã về với đời thường, bộ quân phục chỉ còn là hình thức, lưu giữ những kỉ niệm nhưng nó là một phần ghi nhận và tôn vinh cái đẹp của anh bộ đội “ Cụ Hồ”.
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
tin tức liên quan