Tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là ai?
Nguồn: Báo Điện tử Công An Nhân Dân
Nhà ngoại giao kỳ cựu Nicholas Burns hôm 16/12 (giờ địa phương) đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn để trở thành Đại sứ mới tại Bắc Kinh sau khi chức vụ này bị bỏ trống gần 14 tháng. Trong khi các nhà phân tích Trung Quốc trước đó cho rằng, với bối cảnh hai bên căng thẳng như hiện nay, điều này khó có thể xảy ra.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, với tỉ lệ 75 phiếu thuận - 18 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Nicholas Burns làm tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, lấp đầy vị trí bị bỏ trống từ tháng 10/2020 sau khi cựu Đại sứ Terry Branstad dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump từ chức.
Dù ông Burns không được coi là một chuyên gia chính sách về Trung Quốc, nhưng giới chuyên gia nhận định, việc lựa chọn ông Burns - một chính trị gia kỳ cựu từng làm việc cho cả chính quyền Dân chủ và Cộng hoà, cho thấy Tổng thống Biden dường như muốn có một đặc phái viên đóng vai trò năng động hơn trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai cường quốc ngày càng rạn nứt.
"Được lòng" lưỡng viện
Đại sứ Nicholas Burns sinh năm 1956 tại Buffalo, New York nhưng lớn lên ở Wellesley, Massachusetts. Ông có bằng thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins năm 1980 và thành thạo ba ngoại ngữ gồm tiếng Pháp, Arab và Hy Lạp.
Trong suốt 25 năm theo đuổi con đường chính trị, ông Burns đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau. Ông từng là cán bộ tại tổng lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem từ năm 1985 đến 1987. Trên cương vị này, ông đã điều phối hỗ trợ kinh tế của Mỹ cho người dân Palestine ở Bờ Tây, trong đó có cả Đông Jerusalem.
Ông từng là Đại sứ Mỹ tại Hy Lạp thời Tổng thống Bill Clinton, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thời Tổng thống George W. Bush và là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị giai đoạn 2005-2008.
Ông rời Bộ Ngoại giao năm 2008 và trở thành giáo sư Đại học Harvard. Sau đó, ông được mời làm cố vấn tranh cử của Tổng thống Joe Biden hồi năm ngoái, đồng thời từng là cố vấn không chính thức cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton năm 2016.
Giới nghị sĩ đảng Dân chủ nhận định, bổ nhiệm Nicholas Burns là bước cần thiết để thực thi luật mới được thông qua, cấm gần như tất cả hàng xuất khẩu từ Tân Cương do lo ngại về vấn đề nhân quyền.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ James Risch, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đánh giá: "Nếu bạn muốn tìm một ứng viên được lòng lưỡng viện thì đây chính là người bạn cần. Ông ấy đã hoàn thành công việc xuất sắc, có danh tiếng nổi trội. Chúng ta đang có rất nhiều vấn đề tồn tại với Trung Quốc, và chắc chắn đại sứ Burns là người có thể giúp xử lý chúng".
Có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc
Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cử ông Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Hai tháng sau đó, ông Burns có phiên điều trần phê chuẩn chức vụ tại Thượng viện, gọi Trung Quốc là "bên hung hăng" trong khu vực và cam kết "cạnh tranh mạnh mẽ" với Bắc Kinh.
Ông mô tả Trung Quốc là "phép thử nguy hiểm nhất của thế kỷ 21" đối với Mỹ, cho rằng Washington cần theo đuổi chiến lược "cạnh tranh quyết liệt" với Bắc Kinh. Dù vậy, Burns khẳng định vẫn sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trước những vấn đề như biến đổi khí hậu.
Với những phát ngôn nêu trên, cựu Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hu Xijin đã đăng tải trên trang mạng xã hội cá nhân rằng, liệu ông Burns có thể trở thành một sứ giả của tình hữu nghị Trung - Mỹ?
Đồng tình với quan điểm của ông Hu Xijin, Lü Xiang, nhà nghiên cứu về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chỉ rõ, việc bổ nhiệm một nhà ngoại giao kỳ cựu làm Đại sứ tại các cường quốc thực sự là một lựa chọn hiếm thấy đối với Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang những năm gần đây, vai trò của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã ngày càng bị hạn chế bởi Bắc Kinh tìm cách giảm các hoạt động tiếp cận của Đại sứ với người dân.
Đưa ra một góc nhìn khác, giáo sư Li Haidong từ Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định, vai trò của ông Burns rất quan trọng với bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ đang bước vào "giai đoạn chuyển đổi lớn". Dù có quan điểm cứng rắn nhưng ông Burns là người linh hoạt và nhiều học giả Trung Quốc coi ông là một kênh liên lạc trực tiếp, hiệu quả và nhanh chóng sẽ có thể giúp đối phó với các tình huống cấp bách.
Được biết, ông Burns từng có kinh nghiệm làm việc với Chính phủ Trung Quốc về nhiều vấn đề như Afghanistan, các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, Triều Tiên và chính sách của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Burns cũng từng tổ chức đối thoại chính sách với Trung Quốc, giảng dạy và viết về quan hệ Mỹ - Trung.
Hiện chưa rõ khi nào ông Burns sẽ đến Trung Quốc. Chưa rõ ông sẽ đến trước Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh (Olympic Bắc Kinh) vào tháng 2/2022 hay không. Trước đó, Nhà Trắng thông báo "tẩy chay ngoại giao" sự kiện này vì cáo buộc Trung Quốc có các hành vi vi phạm quyền con người.
( C. H sưu tầm)