11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Ngày đăng: 10:17 26/12/2021 Lượt xem: 189

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Trong năm 2021, các nhà khảo cổ học đã biết thêm nhiều điều về xác ướp Tollund Man nổi tiếng từng được tìm thấy dưới đầm lầy, đời sống thường ngày ở Pompeii trước vụ phun trào núi lửa Vesuvius định mệnh, những vết tích xa xưa nhất của loài người trên Trái đất, và nhiều thứ khác nữa.

Trước khi bước sang năm mới 2022, hãy cùng VNReview điểm lại 11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021, để xem loài người thời cổ đại có những gì khiến chúng ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Quan tài thời đồ đồng bên dưới sân golf

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Cứ hình dung bạn đang định kỳ làm công việc bảo dưỡng tại một sân golf thì “vấp” phải mồ chôn của một nhân vật VIP nào đó từ thời đồ đồng! Đó chính là trải nghiệm của các nhân viên tại Câu lạc bộ Golf Tetney ở Grimsby, Anh Quốc, khi họ bất ngờ tìm thấy một chiếc quan tài gỗ sồi nguyên khối 4.000 năm tuổi, chứa bên trong là những gì còn lại của một người cổ đại cùng một chiếc rìu dùng cho nghi thức mai táng. Xếp phát hiện này vào đầu danh sách bởi nó là minh chứng cụ thể cho câu “cát bụi về với cát bụi”: bạn có thể từng là nhân vật quyền lực bậc nhất hàng ngàn năm trước; nhưng vài thế hệ sau đó, bạn cũng chỉ là một phần của lỗ golf số 15 mà thôi...

Thành phố mất tích ở Ai Cập

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Một thành phố niên đại 3.400 năm tuổi đã được khám phá ra ở gần Luxor, Ai Cập, với những bức tường bằng gạch làm từ bùn đất và những căn phòng ngập tràn tàn tích từ một thời đã xa. Một lò bánh mì lớn, một nghĩa trang với những ngôi mộ đá cắt, và nhiều xưởng chế tác cũng được tìm thấy. Các nhà khảo cổ học đang tiếp tục đào xới quanh khu vực để tìm xem liệu còn có thêm điều gì thú vị nữa không.

Những viên bi 500 năm tuổi từ Venice trôi dạt đến... Alaska

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Những viên bị màu xanh nhạt mà bạn thấy trong hình trên từng được tìm thấy trước đây ở Bắc Mỹ, nhưng năm nay, các nhà khảo cổ học công bố rằng một loạt bi khác vừa được khai quật ở Alaska, và chúng đã nằm đó khá lâu, khi người ta còn chưa đặt chân đến vùng đất lạnh giá này. Theo đó, những viên bi đã rời bỏ Italy để đến với Alaska trong khoảng thời gian đâu đó giữa năm 1397 và 1488. Nhóm khảo cổ tin rằng chúng đi về phía đông từ Venice, băng qua eo biển Bering ngăn cách châu Á và Bắc Mỹ, rồi đến Alaska sau khi đi ngang qua Nga.

Cửa hàng thức ăn nhanh ở Pompeii

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Thông tin này thực ra đã được công bố vào tuần cuối cùng của năm 2020, nhưng nó khá hài hước, nên chúng ta cứ đưa nó vào danh sách năm nay vậy. Pompeii (và thị trấn Herculaneum gần đó) được biết đến là nơi hứng chịu thảm họa phun trào núi lửa Vesuvius vào năm 79 sau Công nguyên, và nay những tàn tích về thành phố này lẫn người dân của nó vẫn được bảo quản khá kỹ càng. Tháng 12 năm ngoái, các nhà khảo cổ học tại Pompeii đã công bố phát hiện về một cửa hàng bán thức ăn - giống như quầy thức ăn nhanh của chúng ta hiện nay - còn tương đối nguyên trạng. Cửa hàng này trữ thức ăn trong những chiếc hũ hai quai để người mua có thể vừa dạo chơi vừa ăn. Những món ăn còn sót lại và được tìm thấy tại di tích bao gồm vịt, lợn lòi, dê, cá, ốc sên, và đậu; một số có lẽ đã được ăn ngay trước khi vụ phun trào xảy ra. Phát hiện này một lần nữa khiến chúng ta có cái nhìn khá mới mẻ về quá khứ, như thể nó mới ngày hôm qua mà thôi.

Xác ướp Tollund Man đã ăn gì trước ngày hành hình?

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Tollund Man có lẽ đã bị treo cổ vào khoảng 2.400 năm trước, và thi thể của anh ta được phát hiện dưới một đầm lầy ở Đan Mạch vào năm 1950. Năm nay, các nhà khoa đã tìm hiểu về những gì còn sót lại trong dạ dày của xác ướp này, và phát hiện ra rằng ngay trước khi chết, anh đã ăn món cháo yến mạch và cá - một combo khá ngon lành đấy chứ? - cùng với nhiều loại hạt và rau củ khác.

Bộ xương người bị đóng đinh

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Dù đóng đinh là một hình thức tra tấn và hành hình khá phổ biến, những bằng chứng trực tiếp về nó lại hiếm đến đáng ngạc nhiên. Năm nay, các nhà khảo cổ học tại Anh đã tìm ra bằng chứng đầu tiên về vụ hành hình bằng đóng đinh, vốn được thực hiện từ thời La Mã, ngay tại Vương quốc Anh. Cụ thể, nạn nhân đã bị đóng đinh vào cẳng chân, và qua đời khi tuổi đời mới khoảng đầu 30.

Xác ướp đang mang thai đầu tiên được phát hiện

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Một bản quét mới đây của một xác ướp được cho là một nam tư tế hóa ra lại là một người phụ nữ đang mang thai, chết tại Ai Cập khoảng 2.000 năm trước. Xác ướp này được quấn kỹ như nhiều xác ướp khác, nhưng các bản quét X-ray và CT đã cho thấy một bào thai trong buồng trứng, và bào thai này đã được ướp luôn cùng người mẹ. Liệu có còn xác ướp đang mang thai nào mà chúng ta chưa phát hiện ra hay không? Chưa ai biết được. Nhưng đây có lẽ là xác ướp cảm động nhất mà các nhà khảo cổ từng tìm thấy.

Tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Những dấu bàn tay và bàn chân kia được phát hiện gần một suối nước nóng ở Tây Tạng. Chúng có lẽ có niên đại từ 169.000 - 226.000 năm trước, sớm hơn cả những bức họa trong hang nổi tiếng tại Lascaux và Sulawesi đến hơn 120.000 năm. Các nhà khảo cổ tuyên bố chúng là những tác phẩm nghệ thuật sớm nhất từng được con người tạo ra; còn bạn có tin rằng con người cổ đại có dụng ý vẽ nên chúng hay không thì tùy suy nghĩ của bạn! Dựa trên kích cỡ, nhóm khảo cổ nghi ngờ rằng tổng cộng 10 tác phẩm trên được tạo ra bởi hai đứa trẻ.

Chiếc hộp gỗ thời gian

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Một nhóm các nhà băng hà học vừa mở được một chiếc hộp mà họ tìm thấy trên một con đèo cổ ở Nauy, và đánh giá rằng tạo vật bên trong có niên đại từ khoảng 386 đến 546 năm trước. Bên trong hộp là những gì còn lại của một cây nến sắp ong; có lẽ chiếc hộp từng được dùng để mang ngọn nến từ trang trại này sang trang trại khác.

Ngôi mộ cổ nhất ở châu Phi

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Hồi tháng 5, các nhà khảo cổ công bố phát hiện ngôi mộ của con người ở Kenya, niên đại 78.300 năm trước, cộng trừ khoảng 4 thiên niên kỷ. Điều đó đồng nghĩa người trong mộ - một đứa trẻ khoảng 3 tuổi - trở thành người cổ nhất được biết từng được tiến hành nghi lễ chôn cất tại châu Phi. Có một số di chỉ khác cổ hơn tại Levant, nhưng ngôi mộ ở Kenya được bảo quản tốt hơn nhiều, và cũng cảm động hơn. Rất nhiều thứ đã thay đổi theo thời gian, nhưng sự đau khổ khi mất đi một đứa trẻ thì luôn có thể cảm nhận được qua muôn vàn tháng năm lịch sử.

Người Viking từng đến châu Mỹ từ rất lâu trước người châu Âu

11 phát hiện khảo cổ thú vị nhất năm 2021

Sử dụng một số kỹ thuật khảo cổ tiên tiến, một nhóm các nhà khoa học đã xác định được thời điểm người Viking đến định cư tại châu Mỹ, và khẳng định văn hóa Scandinavi đã hiện diện ở Bắc Mỹ từ 1.000 năm trước, trước cả Christopher Columbus đến gần 500 năm. Kỹ thuật này cực kỳ thú vị: nhóm nghiên cứu đã phân tích các mẩu gỗ nhỏ được cho là bị chặt bởi người Viking. Họ xác định chính xác niên đại những mẩu gỗ nhờ một cơn bão mặt trời xảy ra vào năm 993 sau Công nguyên, để lại một dấu vết độc nhất trên các vòng tròn bên trong thân cây.

Tham khảo: Gizmodo


tin tức liên quan