Điều ngạc nhiên của cựu Tổng thống Mỹ Bush khi lần đầu tới Việt Nam
Điều ngạc nhiên của cựu Tổng thống Mỹ Bush khi lần đầu tới Việt Nam
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
"Cựu Tổng thống Mỹ G. Bush (cha) gặp riêng tôi và trong cuộc trò chuyện ông kể việc muốn sang thăm Việt Nam năm 1994, nhiều người khuyên can không nên đi, tuy nhiên ông vẫn quyết định lên đường...".
Ông Vũ Khoan - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - chia sẻ như vậy khi đề cập tới những điều suy ngẫm về văn hóa ngoại giao Việt Nam.
Điểm khác biệt của ngoại giao Việt Nam
Nhấn mạnh về điểm khác biệt của ngoại giao Việt Nam là tinh thần nhân văn, nguyên Phó Thủ tướng cho biết, tiếp nối truyền thống người xưa, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc nhưng không nuôi hận thù dân tộc, luôn phân biệt rạch ròi giữa các tầng lớp nhân dân với các thế lực hiếu chiến.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam luôn bày tỏ thiện chí "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai"; ngay đối với tù binh cũng luôn đối xử nhân đạo. Một sự kiện thuộc loại độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới là sau chiến dịch biên giới toàn thắng, Bác Hồ - một vị nguyên thủ quốc gia đã ngụy trang, đích thân tới thăm tù binh Pháp và dặn dò anh em chăm lo chu đáo cho cuộc sống của họ.
Làm ngoại giao, ông Vũ Khoan cho biết cá nhân ông có nhiều dịp đi thăm nước ngoài và tiếp xúc với nhiều nhân vật các nước khác. Một lần tới thăm Houston - thành phố lớn nhất ở bang Texas (Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ George Bush (Bush cha) có gặp riêng ông.
"Trong câu chuyện, ông ta kể lại rằng vào năm 1994 khi đã nghỉ hưu, ông tỏ ý muốn sang thăm Việt Nam thì nhiều người khuyên can không nên đi vì người Mỹ đã gây ra nhiều điều không hay, không phải ở đất nước này, tuy nhiên ông vẫn quyết định lên đường. Ông rất ngạc nhiên thấy suốt chuyến đi không một ai tỏ thái độ thù địch gì với ông, mà mọi người, kể cả nhiều cựu chiến binh Việt Nam đã ứng xử với ông rất thân mật" - ông Vũ Khoan kể.
Dẫn tiếp câu chuyện, nhà ngoại giao kỳ cựu chia sẻ về những ngạc nhiên, thắc mắc của cựu Tổng thống Mỹ đối với mình: "Ông hỏi tôi vì sao như vậy? Tôi bèn trả lời rằng, người Việt Nam chúng tôi luôn kiên định bảo vệ non sông, đất nước của mình, đồng thời rất rộng mở; khi hết chiến tranh luôn sẵn sàng vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai quan hệ hữu nghị, hợp tác".
Nguyên Phó Thủ tướng cho hay, các thượng nghị sỹ Kerry của Đảng Dân chủ, nghị sỹ McCain thuộc Đảng Cộng hòa vốn đã từng ngồi trong Hilton Hà Nội (hàm ý nói tới Hỏa Lò - PV) lại là những người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
"Nhiều người Nhật Bản, Hàn Quốc cũng nêu ra những câu hỏi tương tự như ông Bush. Đáp lại tôi luôn trả lời nửa đùa nửa thật rằng, nếu người Việt Nam chúng tôi nuôi hận thù dân tộc mãi thì sống được với ai, vì quá nhiều nước lớn đến xâm lược Việt Nam!" - ông Vũ Khoan chia sẻ và nhấn mạnh rằng, thực sự tinh thần nhân văn đã giúp dân tộc ta "đánh vào lòng người, không chiến cũng thắng" như Nguyễn Trãi bày tỏ.
"Ngoại giao cây tre" và đàm phán lãnh thổ trên bộ với Trung Quốc
Trao đổi với PV Dân trí về trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam" được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cho rằng, việc Tổng Bí thư lấy hình ảnh ngoại giao "cây tre Việt Nam" là hình ảnh rất sinh động.
"Hình tượng đẹp của cây tre gắn bó với con người, làng quê cũng như gắn chặt với truyền thống dân tộc, đặc biệt là bản sắc nền ngoại giao Việt Nam, nền ngoại giao Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư nói về "ngoại giao cây tre Việt Nam" đã thể hiện bản sắc, văn hóa, cốt cách, con người, dân tộc và văn hóa Việt Nam" - Đại sứ Đặng Minh Khôi bày tỏ.
Theo vị Đại sứ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào cũng phải kiên cường vững chắc như cây tre nhưng cũng phải rất mềm mỏng linh hoạt; "dĩ bất biến, ứng vạn biến" phụ thuộc vào tình hình, luôn mang tinh thần khí thế tiến công; dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng luôn kiên định với đường lối.
Về quá trình thực hiện trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam", Đại sứ Đặng Minh Khôi cho rằng nội dung chủ đạo là kiên cường nhưng mềm dẻo, linh hoạt và đó là cả quá trình xuyên suốt của nền ngoại giao có truyền thống rất lâu đời của Việt Nam.
Dẫn chứng về tinh thần "ngoại giao cây tre", Đại sứ Đặng Minh Khôi kể lại về một số cuộc đàm phán mà ông được trực tiếp tham gia, trong đó có đàm phán về lãnh thổ trên bộ với Trung Quốc.
"Thời kỳ đầu cuộc đàm phán diễn ra có những lúc khó khăn, phức tạp, căng thẳng nhưng trong tình hình đó đoàn Việt Nam thể hiện thái độ rất hòa hiếu, hữu nghị. Kết quả từ năm 1991-1999, Việt Nam đã ký với Trung Quốc hiệp ước biên giới đất liền và tiến hành cắm mốc; việc cắm mốc hoàn thành năm 2009" - vị Đại sứ thông tin và cho rằng từ khi cắm mốc đến nay, tuyến biên giới trên bộ hơn 1.400 km tiếp giáp với Trung Quốc là một tuyến biên giới thực sự hòa bình hữu nghị, 7 tỉnh biên giới phía Bắc đã phát triển rất tốt. Đây là kết quả của quá trình đàm phán kiên trì vừa giữ vững nguyên tắc lập trường vừa mềm mỏng, linh hoạt.
( C.H sưu tầm)