Thủ tục đặc biệt trong vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng cà phê Trung Nguyên

Ngày đăng: 08:15 25/01/2022 Lượt xem: 178

     Thủ tục đặc biệt trong vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng cà phê Trung Nguyên


                                                               Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

Theo các chuyên gia pháp lý, "thủ tục đặc biệt" này có thể là thủ tục tố tụng cuối cùng nhưng cũng có thể là khởi đầu của một quy trình tố tụng dài lê thê, không biết đến bao giờ mới kết thúc.


Kiến nghị của Viện KSND Tối cao về việc xem xét lại Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là thủ tục đặc biệt, thủ tục mới được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Theo các chuyên gia pháp lý, kiến nghị này có thể sẽ là thủ tục tố tụng cuối cùng nhưng cũng có thể là khởi đầu của một quy trình tố tụng dài lê thê, không biết đến bao giờ mới kết thúc.

Cuộc ly hôn nghìn tỷ tốn nhiều giấy mực

Vụ ly hôn giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo bắt đầu từ năm 2015 khi bà Thảo đơn phương xin ly hôn. Sau 10 lần hòa giải bất thành, cuối tháng 3/2019, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm, chấp thuận việc ly hôn của vợ chồng "vua cà phê".

Thủ tục đặc biệt trong vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng cà phê Trung Nguyên - 1

Vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên lần đầu ra tòa giải quyết việc ly hôn đầu năm 2019.

Đối với số tài sản là cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, Tòa sơ thẩm tuyên ông Vũ được nắm 60%, bà Thảo hưởng 40% tài sản chung. Đáng chú ý, ông Vũ được quyền điều hành Trung Nguyên, bà Thảo bị yêu cầu giao toàn bộ số cổ phần cho ông Vũ và ông Vũ có trách nhiệm trả tiền cho bà Thảo đối với số cổ phần bà sở hữu.

Đối với số tiền, vàng giá trị hơn 1.765 tỷ đồng, Tòa giao bà Thảo tiếp tục quản lý, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.

Về bất động sản, bà Thảo được sở hữu, quản lý, quyền sử dụng đất và gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ đồng; ông Vũ được quản lý tài sản đất và gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ đồng.

Bà Thảo sau đó kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo bà Thảo, tại phiên sơ thẩm, bà quyết định rút đơn ly hôn, đáng lẽ tòa án phải đình chỉ vụ án để gia đình bà được đoàn tụ nhưng tòa sơ thẩm vẫn tuyên vợ chồng bà ly hôn.

Ông Vũ chỉ kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét phân chia tài sản theo tỷ lệ ông hưởng 70% và bà Thảo nhận 30% đối với phần tài sản là cổ phần tại Trung Nguyên.

Ngoài ra, Viện KSND TPHCM cũng có kháng nghị đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trong đó có nêu 11 sai phạm của bản án sơ thẩm.

Theo kháng nghị, bản án sơ thẩm quyết định chia cho ông Vũ hưởng 60% và bà Thảo hưởng 40% cổ phần là không phù hợp với quy định của pháp luật. Việc giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại 7 công ty và trả chênh lệch tài sản cho bà Thảo là không công bằng vì cổ phần chưa được định giá trị, giá trị thương hiệu.

Ngoài ra, bà Thảo là cổ đông nên còn có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức, quyền về thông tin kiểm soát trong công ty. Việc chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại 7 công ty là tước mất quyền của bà Thảo theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014.

Thủ tục đặc biệt trong vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng cà phê Trung Nguyên - 2

Tại hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được tuyên hưởng 40% cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên song lại quy ra... tiền. Quyền điều hành Trung Nguyên thuộc về ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Ảnh: Xuân Duy).

Tại phiên phúc thẩm hồi tháng 12/2019, TAND Cấp cao tại TPHCM đã bác đơn kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, chấp nhận một phần kháng nghị của VKS. Tòa phúc thẩm tuyên công nhận thỏa thuận ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ, giữ nguyên bản án sơ thẩm về những thỏa thuận của ông Vũ và bà Thảo về hôn nhân, cấp dưỡng.

Sau phiên phúc thẩm, Viện KSND Tối cao đã có kháng nghị hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Cụ thể, Viện KSND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao xét xử Giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TPHCM xét xử lại.

Đến tháng 3/2021, TAND Tối cao đã mở phiên Giám đốc thẩm. Theo đó, Quyết định Giám đốc thẩm xét ông Vũ có đơn đề nghị rút yêu cầu chia 70 tỷ đồng trong tài khoản mang tên ông Lê Hoàng Văn (anh bà Thảo). Cho rằng đây là sự định đoạt của đương sự, TAND Tối cao đã sửa án phần này theo yêu cầu của ông Vũ; giữ nguyên các quyết định khác của bản án.

Thủ tục đặc biệt trong vụ ly hôn nghìn tỷ

Ngày 12/1/2022, Viện KSND Tối cao có văn bản kiến nghị về việc xem xét lại Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11/3/2021 của HĐTP TAND Tối cao.

Theo đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị HĐTP TAND Tối cao giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo theo hướng hủy Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT; hủy Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 39/2014/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019 của TAND Cấp cao tại TPHCM và Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TPHCM về phần chia tài sản chung; giao hồ sơ cho TAND TPHCM xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tục đặc biệt trong vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng cà phê Trung Nguyên - 3

Viện trưởng Viện KSND Tối cao kiến nghị theo hướng tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia trong khối tài sản chung (Ảnh: Xuân Duy).

Trong bản kiến nghị được ký ngày 12/1, Viện KSND Tối cao cho rằng, đến thời điểm xét xử sơ thẩm, các Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn (Cty Sài Gòn) đối với 7 công ty của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ được phát hành đều đã hết hiệu lực. Ngoài ra, báo cáo tài chính một số năm của một số công ty cụ thể cũng được Viện KSND Tối cao cho rằng chưa được kiểm toán.

Theo VKS, Cty Sài Gòn chưa thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty là thiếu sót. Tuy vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn sử dụng kết quả thẩm định giá trên để làm cơ sở chia tài sản chung của bà Thảo và ông Vũ là không đúng.

Cũng theo kiến nghị của Viện KSND Tối cao, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét đánh giá toàn diện về số cổ phần, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng của đương sự mà chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo giá trị số cổ phần, phần vốn góp trong các công ty bằng tiền là vi phạm quyền được kinh doanh của bà Thảo theo quy định của pháp luật.

Việc chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường của bà Thảo trong 7 công ty là không phù hợp với quy định về quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam, nữ và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi đưa vào kinh doanh.

Tòa án hai cấp xem xét việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị tài sản tại ngân hàng, cổ phần, phần vốn góp trong Tập đoàn Trung Nguyên là không bảo đảm quyền lợi của bà Thảo (bà Thảo kém ông Vũ hơn 1.440 tỷ đồng). Do đó, VKS kiến nghị tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia trong khối tài sản chung.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - kiến nghị của Viện KSND Tối cao là thủ tục đặc biệt, thủ tục mới được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015. Kiến nghị này có thể sẽ là thủ tục tố tụng cuối cùng nhưng cũng có thể là khởi đầu của một quy trình tố tụng dài lê thê.

Thủ tục cuối cùng hay một "khởi đầu mới"?

Trao đổi với PV Dân trí, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết, trong vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên, việc Viện trưởng Viện KSND Tối cao kiến nghị như trên là đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở kiến nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, HĐTP TAND Tối cao sẽ tổ chức phiên họp xem xét, quyết định.

Thủ tục đặc biệt trong vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng cà phê Trung Nguyên - 4

Thời gian để xem xét lại vụ án ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên theo thủ tục đặc biệt kéo dài khoảng 4 tháng (Ảnh: Xuân Duy).

"Thẩm quyền sẽ thuộc HĐTP TAND Tối cao. Nếu khi xem xét kiến nghị, HĐTP TAND Tối cao thấy không cần xem xét lại hay thay đổi thì thôi, còn nếu cần phải thay đổi thì sẽ có quyết định cụ thể" - Trung tướng Độ nói.

Nhận định về bản kiến nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, việc kiến nghị xem xét lại Quyết định Giám đốc thẩm theo thủ tục tố tụng đặc biệt này thể hiện sự quyết tâm của Viện KSND Tối cao trong thực thi nhiệm vụ kiểm sát việc xét xử của tòa án, đảm bảo việc ra bản án khách quan, công bằng, đúng pháp luật, đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các bên đương sự.

Theo luật sư Tuấn, trong yêu cầu phân chia tài sản, việc thẩm định giá có ý nghĩa hết sức quan trọng; chứng thư thẩm định giá là một chứng cứ vô cùng quan trọng. Cho nên, việc Viện KSND Tối cao nhận định về thẩm định giá trong vụ việc - theo ông Tuấn - là hoàn toàn phù hợp, khách quan.

Phân tích sâu về thủ tục đặc biệt trong vụ án này, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, theo quy định cũ, Quyết định Giám đốc thẩm là quyết định cuối cùng, vụ án sẽ kết thúc ở đây. Tuy nhiên, theo quy định của BLTTDS năm 2015, Quyết định Giám đốc thẩm vẫn có thể được xem xét lại theo thủ tục đặc biệt khi có căn cứ cho thấy có thể có sai lầm trong thủ tục Giám đốc thẩm.

"Quy định mới này cũng gây nhiều tranh cãi bởi có người cho rằng quy định này sẽ mở rộng cơ hội đòi công bằng cho đương sự, để Hội đồng Giám đốc thẩm phải thận trọng hơn. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, quy định này sẽ làm cho vụ án dân sự có thể kéo dài lê thê, không có hồi kết" - luật sư Cường nói.

Về thủ tục xem xét lại Quyết định Giám đốc thẩm, luật sư Cường cho biết, trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị, HĐTP TAND Tối cao phải mở phiên họp với sự tham gia của toàn thể Thẩm phán TAND Tối cao để xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao.

Phiên họp HĐTP TAND Tối cao phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Trường hợp xét thấy cần thiết, TAND Tối cao có thể mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao phải tham dự phiên họp và phát biểu quan điểm về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của HĐTP TAND Tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án.

 

 

"Thủ tục xem xét lại quyết định của HĐTP được quy định rất chặt chẽ, đầy đủ. Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xem xét lại là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao hoặc Viện trưởng Viện KSND Tối cao" - luật sư Cường nói và cho biết, thời gian để xem xét lại theo thủ tục đặc biệt này kéo dài khoảng bốn tháng.

Theo ông Cường, đây là quy định mới và gần như chưa được thực hiện trong lĩnh vực dân sự. Thống kê cho thấy, chưa có quyết định Giám đốc thẩm nào đối với vụ án dân sự bị hủy bỏ theo thủ tục này kể từ khi BLTTDS năm 2015 có hiệu lực pháp luật.

Trong lĩnh vực hình sự, theo luật sư Cường, hiện mới chỉ có vụ giết người, cướp tài sản ở Bưu điện Cầu Voi (Long An) mà bị cáo là Hồ Duy Hải được xem xét lại theo thủ tục đặc biệt này. Tuy nhiên, HĐTP TAND Tối cao cũng đã không chấp nhận đề nghị và giữ nguyên quyết định Giám đốc thẩm.

Còn theo Trung tướng Trần Văn Độ, từ thực tế theo dõi BLTTDS các nước, ông thấy, hiện nay chỉ duy nhất Việt Nam quy định thủ tục tố tụng về việc xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao.

"Về nguyên tắc tố tụng ở các nước, khi HĐTP TAND Tối cao đã ra phán quyết thì không ai có quyền xem xét lại tính đúng sai nữa nhưng hiện tại pháp luật Việt Nam vẫn cho phép. Điều này tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu, xem xét, sửa lại cho phù hợp với các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, qua quá trình công tác của tôi nhiều năm qua, kể từ khi pháp luật Việt Nam có quy định này, đây là lần đầu tiên có kiến nghị HĐTP TAND Tối cao xem xét lại chính Quyết định Giám đốc thẩm của mình như vậy" - Trung tướng Độ nói thêm.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường nhận định, chưa biết kiến nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao có được chấp nhận hay không, song, bản kiến nghị này cũng mở ra cơ hội cho bà Thảo. Nội dung bản kiến nghị nêu ra nhiều nội dung có lợi cho phía bà Thảo như tỷ lệ phân chia tài sản chung, quyền quản lý công ty...

"Nếu như kiến nghị này được chấp nhận thì quyền lợi của bà Thảo có thể sẽ được tăng lên. Tuy nhiên, việc quyết định cuối cùng vẫn thuộc vào HĐTP theo thủ tục đặc biệt. Dư luận sẽ phải tiếp tục chờ đợi kết quả cuối cùng khi mở phiên họp của HĐTP để xem xét kiến nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao" - luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, trường hợp HĐTP nhận định tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm có những sai sót nhưng những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án, quyền lợi của đương sự vẫn được đảm bảo và không phát hiện ra vi phạm nghiêm trọng của HĐTP trong quá trình xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm, không có chứng cứ mới, HĐTP sẽ giữ nguyên quyết định Giám đốc thẩm.

"Vụ án này có thể sẽ kết thúc, bản kiến nghị sẽ là thủ tục tố tụng cuối cùng nếu như HĐTP không chấp nhận hủy quyết định Giám đốc thẩm nhưng cũng có thể sẽ kéo dài lê thê, không biết bao giờ mới kết thúc nếu như quyết định Giám đốc thẩm và bản án phúc thẩm, sơ thẩm bị hủy bỏ để xét xử lại từ đầu" - luật sư Cường đánh giá.

( C.H sưu tầm)

tin tức liên quan