Đời sống tằn tiện của nhiều người Nhật
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Không xem phim, không ăn tiệm, quãng đời hàng chục năm đi làm cũng không giúp nhiều nhân viên văn phòng Nhật Bản tích luỹ nổi một khoản tiền lo thân khi về già.
Trong nhiều năm công tác ở vị trí kế toán, ông Masamitsu không hề tìm cho mình những thú vui giải trí như đi du lịch hay xem phim rạp, ông cũng rất hiếm khi ăn ngoài tiệm. Thay vào đó, tất cả số lương của ông đều dành để chăm lo cho gia đình. Dù chi tiêu cần kiệm như vậy, nhưng với mức lương 34.000 USD/năm và chỉ được tăng lương 4 USD/năm trong gần một thập kỷ, dù đã 50 tuổi nhưng ông vẫn không dành dụm được khoản nào.
"Tôi không thể tiết kiệm, tôi không có khoản nào để lo cho những năm tháng về già. Tôi sẽ phải tiếp tục làm việc", ông Masamitsu chia sẻ.
"Sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ nhận bất kỳ công việc nào trong khả năng của mình. Có thể là làm bảo vệ".
|
Tới năm 2020, mức lương trung bình của công nhân tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản chỉ đạt 38.515 USD. (Ảnh: Reuters) |
Câu chuyện của ông Masamitsu đã phản ánh hoàn cảnh của rất nhiều công nhân và nhân viên tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản. Tới năm 2020, mức lương trung bình của họ chỉ đạt 38.515 USD, không thay đổi nhiều so với những năm 1990 và thấp hơn nhiều so với mức lương 49.165 USD ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Để cải thiện tình trạng này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã kêu gọi các doanh nghiệp tăng lương cho nhân viên trong kỳ đàm phán thường niên vào mùa xuân tới. Thủ tướng tuyên bố việc tăng lương có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tạo ra một chu kỳ tăng trưởng và phân phối mạnh mẽ, đồng thời xây dựng lại tầng lớp trung lưu của đất nước.
|
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: Reuters) |
Ông Masamitsu đã từng chuyển chỗ làm ở tuổi 43 - đây là hành động tương đối bất thường đối với những người làm công tại Nhật Bản. Ông buộc phải làm vậy vì bị công ty cũ hạ mức lương.
Sau nhiều lần phỏng vấn thất bại, ông cảm thấy rất may mắn khi tìm được công việc hiện tại. Tuy nhiên, ông được thông báo rằng hàng năm chỉ được tăng lương 500 yên (tương đương 4,25 USD) trong suốt 10 năm công tác đầu tiên.
Cuối cùng, Masamitsu vẫn ký hợp đồng vì nghĩ rằng đãi ngộ ở nơi khác thậm chí có thể tệ hơn.
"Ở độ tuổi của tôi, mức lương cơ bản thực sự không quá tệ, có nhiều nơi khác còn trả thấp hơn”, ông Masamitsu cho biết sau khi công tác đủ 10 năm, ông sẽ được trả thêm 5.000 yên/năm (42 USD/năm).
Hiện tại, tổng lương tháng và tất cả các khoản phụ cấp của mà ông Masamitsu nhận được rơi và khoảng 250.000 yên (2.104 USD). Mỗi năm, ông còn được thưởng hai lần, mỗi lần 2 tháng lương. Tổng thu nhập hàng năm của ông là khoảng 4 triệu yên (34.000 USD). Nhưng với số tiền này, vợ ông vẫn phải đi làm thêm để lo cho người con gái đang học cấp 3.
“Thật đáng tiếc là lương không tăng nhiều hơn, dù tôi làm việc chăm chỉ”, ông Masamitsu nói.
|
Lương của công nhân tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản thấp hơn nhiều so với mức lương ở các nước thuộc OECD. (Ảnh: Reuters) |
Do không có điều kiện, Masamitsu chỉ có thể giải trí bằng cách tập yoga cùng bạn bè theo các video trên YouTube. Thỉnh thoảng, ông mới dám mua vé theo ngày để vào tập tại các lớp học yoga.
Gia đình Masamitsu cũng mong muốn sinh thêm con, nhưng chưa thực hiện được vì không đủ tiền. “Chỉ một người con đã tiêu tốn tất cả những gì chúng tôi kiếm được”.
Ông Masamitsu hy vọng rằng lời kêu gọi của Thủ tướng Kishida sẽ cải thiện tình trạng này và giúp gia đình ông có điều kiện sống tốt hơn.
( C,H sưu tầm)