Người đàn ông có biệt tài hút nọc rắn và chiếc lưỡi "đổi màu"

Ngày đăng: 07:10 05/04/2022 Lượt xem: 154

 Người đàn ông có biệt tài hút nọc rắn và chiếc lưỡi "đổi màu"

                                                   Nguồn: Báo Điện tử Dân trí

Chiếc lưỡi của ông Chau Phol rất kỳ lạ, càng hút nọc rắn lưỡi càng đen. Hơn 40 năm qua ông Phol đã hút nọc rắn cứu rất nhiều người dân ở vùng bảy núi An Giang.

 

Vùng Thất Sơn - An Giang với địa thế núi rừng hiểm trở, đây là nơi sinh sống của rất nhiều loài rắn, có cả những loài cực độc như chàm quạp. Và cũng tại nơi này có một gia đình suốt 4 đời dùng lưỡi hút nọc rắn. 

Người đàn ông có biệt tài hút nọc rắn và chiếc lưỡi đổi màu - 1

Ông Chau Phol là truyền nhân duy nhất còn khả năng chữa rắn cắn bằng cách dùng miệng hút nọc độc (Ảnh: Bảo Kỳ).

Thực hư về chuyện chiếc lưỡi đen thần kỳ hút nọc rắn

Mang theo nhiều nghi ngờ về tin đồn trên, chúng tôi tìm đến nhà ông Chau Phol (77 tuổi) là vị thần y dùng lưỡi hút nọc rắn.

Phải qua rất nhiều cung đường quanh co, đến gần trưa chúng tôi mới đến được nhà ông. Ngôi nhà nằm sâu trong sóc Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên (An Giang). Hiện ông Phol là người duy nhất trong dòng họ còn khả năng dùng miệng hút nọc rắn. 

Ông Phol cho biết, đây là "ngón nghề" được di truyền của bên nội. Trong gia tộc ông Phol đời nào cũng có một người sở hữu chiếc lưỡi đen. Những anh em còn lại có lưỡi bình thường, màu đỏ. Chỉ người có lưỡi đen mới được gia tộc giao sứ mệnh chữa rắn cắn. 

"Lúc nhỏ trên lưỡi của tôi có một vệt màu đen. Năm 17, 18 tuổi khi đi rừng làm rẫy thì tôi bị rắn cắn vào tay, bèn đưa lên miệng hút nọc, hút khoảng hơn một tiếng thì tự dưng vết sưng bầm chỗ rắn cắn không còn.

Đến khi cha tôi kiểm tra vết thương mới phát hiện không còn nọc độc nữa. Từ chỗ đó, cả nhà biết tôi cũng có gen di truyền của gia tộc", ông Phol kể. 

Người đàn ông có biệt tài hút nọc rắn và chiếc lưỡi đổi màu - 2

Chiếc lưỡi thần của ông Phol. Do nhiều năm không hút nọc độc nên lưỡi của ông không còn đen (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trước khi trở thành thầy thuốc, ông Phol từng tu ở chùa, rồi hoàn tục về nhà lấy vợ sinh con. Khoảng năm 20 tuổi, cha ông Phol mắc bệnh nặng rồi qua đời, ông nối nghiệp trở thành người chữa rắn cắn. 

"Dù có thể hút nọc rắn bằng miệng nhưng tôi vẫn phải đọc thêm sách, học thuật trị bệnh. Trong đó còn lưu lại những bài thuốc kinh điển của người Trung Quốc, được người đi trước dịch sang tiếng Khmer", ông Phol tâm sự. 

Bệnh nhân đầu tiên bị rắn cắn được ông Phol chữa trị là người con trai thứ ba tên Chau Quêl. Khi đang mò hang cua, Quêl bị con rắn hổ chuối cắn vào tay, cậu bé hớt hải chạy về cầu cứu ông Phol.

"Tôi đưa miệng hút lấy nọc độc được chừng 20 phút, rồi tôi giã nhuyễn một số lá thuốc nam đặc trị đắp lên vết thương. Chỗ rắn cắn chỉ vài ngày sau đã lành hẳn, thằng nhỏ chạy nhảy vui chơi như bình thường", ông Phol có chiếc lưỡi đổi màu kể.

Mỗi lần hút nọc rắn, lưỡi lại đen thêm

Ông Phol cho biết, 40 năm qua, những người đến nhờ ông hút nọc rắn, già, trẻ, trai gái đều có. "Mỗi lần hút nọc rắn, lưỡi của tôi lại đen thêm một chút. Sau mỗi lần cứu người, cổ họng tôi sẽ đau vài ngày chứ độc tố không xâm nhập vào cơ thể", ông Phol cho biết.

"Nọc độc của rắn là chất nhầy giống như dịch mũi, hút đến khi nào không còn chất nhớt thì ngừng, rồi mới đắp thuốc lên. Tôi dùng miệng hút độc được khoảng 6 năm thì nghỉ, từ đó đến nay chuyển sang chữa rắn cắn bằng cách đắp thuốc và cho uống thuốc nam", ông Phol kể. 

Người đàn ông có biệt tài hút nọc rắn và chiếc lưỡi đổi màu - 3

Trước khi hút nọc rắn ông sẽ nhai ít lá kim vàng để tránh độc tố ngấm vào cơ thể (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Nếu bị rắn chàm quạp hay hổ chuối cắn thì trong 3-7 ngày vẫn còn cứu được. Còn nếu bị hổ mang hay hổ sơn cắn thì phải lập tức đưa bệnh nhân đến ngay. Vì nọc độc các loại rắn này lan rất nhanh trong cơ thể nạn nhân. Chỉ trong 24 giờ đồng hồ, người bệnh có thể tắt thở. Chỉ cần cơ thể chưa tím tái hoặc chưa ngừng thở là tôi trị được", ông Phol nói thêm. 

Hỏi về lý do gần đây, không dùng lưỡi hút nọc độc, ông Phol cho biết do ông tự nghiệm ra bài thuốc chữa rắn cắn bằng thuốc nam của ông có hiệu quả nên ông không hút độc nữa. Chính vì thế chiếc lưỡi của ông Phol không còn đen như trước mà đã hồng hào trở lại. 

"Mấy năm gần đây, mỗi năm tôi chữa trị cho khoảng chục người trở lại thôi. Mấy chục năm trước cây cối um tùm thì còn rắn độc nhiều, còn bây giờ ít lắm", thầy thuốc rắn nói 

Người đàn ông có biệt tài hút nọc rắn và chiếc lưỡi đổi màu - 4

Tuy vậy, mỗi lần hút độc xong ông vẫn bị đau cổ họng vài ngày (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cách nhà ông Phol khoảng 200m, bà Néang Chen (65 tuổi) một bệnh nhân từng được ông trị rắn cắn cho biết, hơn 10 năm trước khi bà đi làm vườn thì bị con rắn hổ mang cắn vào cánh tay, nhờ có ông Phol bà mới may mắn giữ được mạng sống. 

"Ông ấy hút độc cho tôi khoảng 1 tiếng rồi đắp thuốc vào, vài ngày sau trở lại để ông Phol thay thuốc mới, cỡ một tuần thôi tôi đã khỏe hẳn. Ông chữa bệnh không lấy tiền nên bà con mừng lắm", bà Chen kể. 

Nhận xét về ông Phol, ông Chau Duol - Trưởng ấp Vĩnh Thượng cho biết: "Thầy Phol chữa rắn cắn rất hay, nhiều người ở xa cũng tìm tới cứu chữa. Tôi từng chứng kiến rất nhiều người bị rắn cắn rất nặng nhưng sau vài ngày trở lại tái khám đã khỏe hơn nhiều. Ông Phol chữa bệnh không lấy tiền nên mọi người quý mến lắm". 

Liên quan đến vấn đề chữa rắn cắn, trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn - Chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn của Trại rắn Đồng Tâm cho biết, cách điều trị rắn cắn bằng cách hút nọc khá nguy hiểm. Biện pháp chữa trị tốt nhất là dùng huyết thanh và hồi sức tích cực. Bị rắn độc cắn giống như mình được tiêm thuốc, không được dùng lưỡi hút nọc ra. 

"Trường hợp niêm mạc miệng có xây xát hay tổn thương thì nọc độc sẽ xâm nhập vào nhưng không nguy hiểm bằng bị rắn cắn trực tiếp", bác sĩ Tuấn nói thêm.  

( C.H sưu tầm)
tin tức liên quan