Sau "cơn sốt" lan đột biến, thời gian gần đây thị trường chơi cây cảnh lại xôn xao trước trào lưu chơi cây bạch hải đường trăm triệu đồng thậm chí hàng tỷ đồng một cây.
Trên nhiều diễn đàn sinh vật cảnh, loại cây này liên tục được chào bán, quảng cáo là "hàng hiếm có, khó tìm" được giao dịch với giá "khủng". Thậm chí, không ít dân buôn còn tuyên bố thu mua không giới hạn số lượng "có bao nhiêu cây bạch hải đường cũng mua hết". Đặc biệt, những cây có vanh (chu vi gốc) càng lớn càng được định giá cao.
Một tài khoản M.K ở Vĩnh Phúc đăng bài khẳng định, bạch hải đường loại hoa trắng nhụy vàng giá trị còn hơn cả lan đột biến. Loại cây này tượng trưng cho phú quý, giàu sang trước chỉ có vua chúa mới có điều kiện để chơi. Khác với lan đột biến, bạch hải đường khó nhân giống, khó chăm sóc, cây càng có tuổi đời lâu càng giá trị. Trên thị trường bạch hải đường nguyên bản không lai ghép, gốc cổ thụ rất hiếm.
"Một cây lan đột biến có thể tách bán nhiều ki nên độ "độc nhất" gần như không có, trong khi để tìm được cây bạch hải đường cổ chục năm hay trăm năm là rất hiếm, quý. Mỗi cây một dáng thế nên cũng không thể nhân giống cây con giống y như cây mẹ. Vì thế, giá trị của bạch hải đường lên đến tiền trăm triệu đồng hay tiền tỷ không có gì là khó hiểu và thổi giá cả", người này giải thích.
Thị trường chơi bạch hải đường được quảng cáo "sôi động" đến nỗi, cây vừa đăng lên, nửa đêm cũng có khách đi ô tô đến "chốt cọc". Không ít người đăng bài khoe các giao dịch thành công. "Vừa bán 100 cây giống bạch hải đường cho khách ở Nam Định"; "Khách đã chốt giá cây bạch hải đường hàng nguyên bản, Vanh 21 thoát thân 80, cao 3m, tán rộng 1,5m, giá công khai 1,2 tỷ đồng".
Chưa hết, nhiều người còn giới thiệu bạch hải đường như "một cây làm giàu" "cây thoát nghèo" để bán các cây giống với giá "trên trời".
Chia sẻ với Dân trí, anh H., chủ một vườn cây cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, vài tháng nay nhà vườn anh nhận được nhiều cuộc gọi hỏi mua bạch hải đường. Nhiều người còn hứa hẹn đưa ra giá cao để nhờ anh H. thu mua giúp.
Tuy nhiên, chủ vườn này cho biết bản thân không "mặn mà" và biết giá trị thực của loại cây này không đắt đỏ như những "đồn thổi" trên mạng.
"Trước đây, nhiều nhà vườn cũng ăn trái đắng "khốn khổ" với lan đột biến. Thực chất giá cao cũng chỉ là do một nhóm người tự dùng chiêu trò đẩy giá, giao dịch với nhau. Trên mạng cứ nói mua bán tiền tỷ nhưng thực tế không bán được như vậy, nhiều người giờ lỗ cả chục tỷ đồng, không đẩy hàng đi được. Tôi nghĩ, cơn sốt hoa bạch hải đường lần này cũng có thể là chiêu thổi giá ảo, mọi người cần cẩn trọng rơi vào các bẫy lừa đảo, trước khi xuống tiền đầu tư mua cây", anh H. cho biết.
Anh Văn Chiến, chủ nhà vườn Văn Chiến ở Văn Giang, Hưng Yên cũng cho biết, vườn anh không trồng loại bạch hải đường này. Lý do là loại cây này trước đây ít được người mua ưa chuộng. Thêm vào đó, cây khó trồng, chăm sóc và rất kén đất.
"Thực tế, cách đây vài năm loại bạch hải đường này chúng tôi có bán nhưng giá rẻ bèo, ế ẩm vì ít người chuộng. So với hải đường đỏ, bạch hải đường này được đánh giá không đẹp bằng, hoa cũng nhanh tàn, nếu để trưng bày trong nhà thì người mua vẫn thích hải đường đỏ hơn. Có lẽ trên thị trường ít người trồng nên giờ một số người lợi dụng để đẩy giá lên cao", anh Chiến nói.
Anh Chiến cũng cho rằng, người dân nào có ý định mua cây giống về trồng đại trà để kinh doanh phải cân nhắc, thận trọng, vì loại cây này không dễ chăm sóc và mau lớn như các quảng cáo "làm giàu" trên mạng.
( C.H sưu tầm)