Chưa công bố hết Covid-19 tại Việt Nam

Ngày đăng: 04:22 27/06/2022 Lượt xem: 128
  

Chưa công bố hết Covid-19 tại Việt Nam

Việt Nam đã tiêm đủ hai mũi vaccine cho nhóm dân số từ 12 tuổi, nhưng Bộ Y tế đề
xuất chưa công bố hết Covid-19 vì lo ngại có biến thể mới nguy hiểm hơn.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo tờ trình Chính phủ các biện pháp chống Covid-19 trong tình hình mới. Theo Bộ Y tế, từ tháng 3 đến nay, số ca nhiễm và tử vong đã "giảm ổn định", gần đây cả nước ghi nhận 1.000 ca/ngày. Tỷ lệ tử vong giảm còn 0,06% tổng số ca nhiễm. Việt Nam đã phủ đủ hai mũi vaccine cho gần 80% dân số, trong đó cơ bản phủ đủ liều cho nhóm dân số từ 12 tuổi. Nhóm trẻ từ 5 tuổi sẽ hoàn thành tiêm trong tháng 6.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng chưa thể công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam. Lý do virus liên tục biến đổi, khó xác định tính chất nguy hiểm và mức độ tăng nặng, tử vong. Có thể xuất hiện biến thể mới làm giảm hiệu quả của vaccine hoặc miễn dịch; khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở nhóm dễ bị tổn thương.

Trường hợp xuất hiện biến thể mới, nguy hiểm hơn, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng thì sẽ vượt qua năng lực của hệ thống y tế. Khi đó việc kích hoạt các biện pháp y tế, xã hội trở nên bị động.

Nếu công bố hết dịch, người bệnh không được điều trị Covid-19 miễn phí, đặc biệt là người ở vùng sâu, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân viên y tế tham gia chống Covid-19 không được hưởng chế độ phụ cấp như với dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Công bố hết dịch thì sẽ không có cơ chế đặc thù với vaccine Covid-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp. Việc huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp không được quan tâm đúng mức; người dân sẽ chủ quan trước sự nguy hiểm của dịch bệnh.

Bộ Y tế cho rằng việc duy trì công bố dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ huy động sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị vào chống dịch; bố trí kinh phí đầy đủ cho các hoạt động, không để bị động khi xuất hiện biến thể mới nguy hiểm. Việc công bố hết Covid-19 tại Việt Nam "có thể cân nhắc khi WHO công bố hết tình trạng đại dịch toàn cầu" và dịch bệnh trong nước kiểm soát tốt.

Trong thời gian chưa công bố hết Covid-19, Bộ Y tế đề xuất địa phương kiểm soát tốt dịch (theo tiêu chí ngưỡng kiểm soát) có thể được điều chỉnh biện pháp phòng chống tương tự như bệnh truyền nhiễm lưu hành phổ biến.

Các tiêu chí kiểm soát Covid-19 được Bộ Y tế nêu ra, trước hết là tỷ lệ ca nhiễm trong 28 ngày dưới 90 ca/100.000 dân; tỷ lệ ca bệnh phải thở oxy dưới 4 ca. Thứ hai, địa phương phải đạt độ bao phủ vaccine cho 80% dân số, với các mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế; riêng tỷ lệ tiêm chủng cho người nguy cơ cao hơn 90%. Thứ ba, các địa phương phải đảm bảo khả năng thu dung, điều trị.

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Như vậy, sau hơn 2 năm, Việt Nam vẫn chưa công bố hết dịch.

Tiêm vaccine Pfizer cho trẻ trên 12 tuổi tại trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP HCM, ngày 27/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Tiêm vaccine Pfizer cho trẻ trên 12 tuổi tại trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP HCM, ngày 27/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Bộ Y tế cũng đề xuất tiếp tục coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, tức đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Covid-19 chưa được coi là bệnh lưu hành mà đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch và quản lý bền vững.

Bảo vệ đề xuất này, Bộ Y tế dẫn quan điểm của WHO coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch toàn cầu và lo ngại sẽ có thêm biến thể không lường trước được. Nhiều nước dịch vẫn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng ở mức cao. Tình trạng sức khỏe suy giảm sau khi mắc Covid-19 đang làm người dân lo ngại nhưng chưa có nghiên cứu đầy đủ.

Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn, có nhiều quy định khác biệt cần điều chỉnh giữa bệnh nhóm A và nhóm B (các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong), như giám sát tại cửa khẩu, cộng đồng; công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí. "Biện pháp về vaccine Covid-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp chưa có cơ chế áp dụng khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B", dự thảo nêu.

Từ đầu năm 2022, Thủ tướng nhiều lần yêu cầu các đơn vị tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023) được Chính phủ ban hành giữa tháng 3 nêu Việt Nam sẽ nghiên cứu chuyển biện pháp phòng chống Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, Bộ Y tế vẫn chưa cụ thể hóa được các chủ trương nêu trên. Covid-19 tại Việt Nam Covid-19 chưa được coi là bệnh truyền nhiễm thông thường.

Việt Nam là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, nhưng nhiều biện pháp chống dịch chưa được điều chỉnh, như nguyên tắc 5K; cách ly người nhiễm Covid-19; phân loại cấp độ dịch bệnh.

Viết Tuân
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan