Vẫn còn nhiều người sập bẫy lừa đảo qua mạng
Nguồn: Báo Điện tử Công An Nhân dân
Theo cơ quan Công an, tội phạm lừa đảo qua mạng rất tinh vi nếu không tỉnh táo rất dễ bị dính lừa. Việc đối tượng hỏi vay tiền và kêu chuyển vào số tài khoản có tên là người khác thì cần phải cảnh giác cao độ.
Ngày 30/9, anh N.T.T ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết, anh vừa bị lừa mất 10 triệu đồng. Anh T. có anh bạn thân làm nghề buôn bán cây cảnh. Khi cần tiền gấp để xử lý việc, anh bạn này thường vay 10 – 20 triệu đồng, xong việc trả ngay và đã vay anh T. nhiều lần, sau đó luôn trả đúng hẹn.
Trưa 29/9, thấy anh bạn nhắn tin qua ứng dụng Messenger của Facebook hỏi vay 10 triệu đồng. Như mọi lần, anh T. cảnh giác bảo anh bạn gọi qua số điện thoại cá nhân xác nhận. Lần này cũng vậy nhưng không thấy bạn gọi lại. Tới 19h30 tối, thấy bạn lại nhắn tin tiếp qua ứng dụng Messenger hỏi vay 10 triệu đồng, anh T. cũng cẩn thận bảo gọi lại bằng video qua Messenger. Mở cuộc gọi video, anh T. có thấy mặt anh bạn, nhưng chỉ vài giây là tắt luôn.
Sau đó, anh T nhận được tin nhắn với nội dung: “Trong tài khoản em còn đủ 10 triệu không, chuyển cho anh mượn, anh mua cây cảnh thiếu tiền. Chuyển vào số tài khoản Nguyen Tien Huong, ngân hàng Agribank”.
“Lúc đấy tôi cũng vội vàng nên chuyển khoản luôn và nhắn lại qua Messenger hỏi xem nhận được tiền chưa. Bên đấy xác nhận đã nhận. 10 phút sau lại thấy nhắn vay thêm 15 triệu đồng. Thấy rất lạ, vì ông anh không bao giờ vay tiền 2 lần nên tôi gọi lại qua số cá nhân, lần này thì ông anh bắt máy, nói nãy đi về mưa to quá nên điện thoại để cốp xe, vừa về tới nhà. Ông nói không vay tiền, vì dạo này bán được cây. Hỏi Facebook, ông anh nói bị hack hai hôm rồi!”.
Cũng với hình thức lừa đảo này, anh N.D ở quận 12 bị mất tới 40 triệu đồng. Khi người bà con hỏi mượn tiền, anh D. cũng cẩn thận gọi lại bằng ứng dụng Messenger và thấy hình ảnh người vay nhưng chỉ mấy giây là tắt, sau đó nhận được tin nhắn là sóng yếu.
Theo cơ quan Công an, tội phạm tinh vi đến mức dù bạn có gọi video đến để kiểm tra thì bên kia vẫn có hình ảnh của người hỏi vay tiền, hiện trên màn hình và sau đó sẽ là mạng chập chờn, các đối tượng sẽ thông báo ở đây sóng yếu nên đề nghị nhắn tin. Nếu không tỉnh táo cảnh giác, rất dễ bị dính lừa và chuyển tiền cho đối tượng. Việc đối tượng hỏi vay tiền và kêu chuyển vào số tài khoản có tên là người khác thì cần phải cảnh giác cao độ, biểu hiện này chứng tỏ là lừa đảo.
Cơ quan Công an đã lọc ra được 14 phương thức lừa đảo chủ yếu, gồm: kết bạn, làm quen trên mạng xã hội tặng quà có giá trị hoặc nhận quà hộ; kiếm tiền online qua ứng dụng (app); vay tiền trực tuyến qua ứng dụng; nhắn tin trúng thưởng; kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối, đầu tư đào tiền kỹ thuật số; đổi tiền ngoại tệ; kêu gọi từ thiện; giả danh người thân nhờ chuyển tiền; gọi điện thoại nhờ nâng cấp sim 4G; giả mạo hòm thư điện tử; tuyển dụng lao động, tuyển cộng tác viên online; bán hàng nhưng không chuyển hàng hoặc giao hàng kém chất lượng; dự đoán kết quả lô đề, mua bán kết quả cá độ; giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, ngân hàng, cơ quan nhà nước.
Do đó, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước các hình thức lừa đảo, đồng thời tuyên truyền đến người thân và những người xung quanh để phòng ngừa.
( C.H sưu tầm)