Tướng quân tài ba trận mạc, thao lược thời bình
Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh ra ở xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Tuổi ấu thơ, ông tên là Nguyễn Văn Hiệu. Thân sinh là cụ Nguyễn Văn Đáp nhiều lần kể cho con trai nghe lai lịch dòng họ rằng: Cội nguồn xa xưa, chi họ Nguyễn của nhà ông ở Hải Hậu là hậu duệ cụ Nguyễn Bặc - công thần khai quốc nhà Đinh, giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp chấm dứt loạn 12 sứ quân vào thế kỷ thứ X lập nên quốc gia Đại Cồ Việt.
Ký ức tuổi thơ
Ngay từ lúc 9 tuổi, cậu bé Hiệu đã được cha cho đến viếng đền thờ cụ Nguyễn Bặc, một nén tâm nhang cung kính tổ tiên của nghìn năm trước, một lời ước nguyện ý chí của ngày hôm nay. Từ nhỏ đã mê đánh trận giả, cậu bé Nguyễn Văn Hiệu mơ ước được làm chỉ huy. Yêu thích môn lịch sử, nên những trận đánh, những chiến công vang dội của ông cha ta in đậm vào trí óc của cậu bé Hiệu. Cậu ước mơ sẽ thành người chỉ cầm quân, đánh giặc như các bậc tiền nhân thủa trước.
|
Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu đang lên kế hoạch trận đánh ở Quảng Trị năm 1972 |
Quê ông là nơi có nhiều nhà thờ Công giáo nhất cả nước. Người công giáo ở xen với những người theo Phật giáo, rất đoàn kết. Chiều chiều tiếng chuông nhà thờ lẫn với tiếng chuông chùa gợi một cảm giác gần gũi, thanh bình là một phần ký ức tuổi thơ của ông. Thuở nhỏ, Nguyễn Văn Hiệu vẫn thường đến nhà thờ xứ Quần Phương xem lễ rước và nghe hát Thánh ca. Mỗi buổi chiều tàn, trong tiếng chuông nhà thờ thong thả ngân lên, từng đàn ngỗng trời, bìm bịp, hạc trắng bay về đậu trên những rặng cây, đậu trĩu các cành cổ thụ, và đậu trắng cả cánh đồng. Cậu bé Hiệu lớn lên ở miền quê thanh bình yên ả và trù phú màu xanh, bốn mùa chim chóc cây trái ấy.
“Năm tôi 7 tuổi (năm 1954) thì những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi quê hương Hải Hậu. Hoà bình vừa đến, người dân xã Hải Long đã ùa ra cánh đồng dọn dẹp những đồ phế thải của chiến tranh, nhổ những đám cỏ lau lác cao lút đầu người trên những đám ruộng bỏ hoang, dồn những nấm mộ người chết đói chôn vùi dập tạm bợ bên bờ ruộng vào khu nghĩa địa, bắt đầu gieo mạ, trồng khoai. Tôi được đi học, nửa ngày đến trường, còn nửa ngày theo cha mẹ ra cánh đồng. Thường thì cha cày ruộng, còn tôi đeo giỏ tìm bắt cua”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể.
Ông học hành và phụ giúp công việc gia đình chăm chỉ, là người con hiếu thảo. Nếu đất nước ta lúc đó không có chiến tranh thì có lẽ chàng trai Nguyễn Văn Hiệu cũng thành tài ở lĩnh vực kinh tế, hoặc khoa học tự nhiên, hay khoa học kỹ thuật.
|
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và vợ. |
Năm tháng chiến chinh
Tháng 2-1965, có giấy gọi nhập ngũ, anh lính Nguyễn Văn Hiệu được huấn luyện ở Trung đoàn 812, Sư đoàn 324 tại Nghi Ân, Nghi Lộc, Nghệ An. Sau đó, làm liên lạc cho đồng chí Nguyễn Hữu Uông, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324. Ông Uông vốn là một trí thức, tham gia quân đội, rất giỏi về bản đồ và công tác tham mưu. Anh lính Hiệu có cơ hội được chứng kiến tất cả các phương pháp thiết kế trận đánh, sử dụng bản đồ, kiến thức địa lý trong chiến trận, cách đánh địch linh hoạt... Với cuốn sổ và cây bút trong tay, anh lính liên lạc Nguyễn Văn Hiệu ghi chép lại tất cả các kiến thức đó từ những bậc thầy trong chiến tranh và biến nó thành kiến thức cho mình, rèn luyện nhuần nhuyễn trong chiến đấu.
Chiến đấu trên chiến trường cùng đồng đội từ vị trí của anh lính binh nhì, tổ 3 người, tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng và trung đoàn trưởng. Ông đổi tên từ Nguyễn Văn Hiệu sang Nguyễn Huy Hiệu là với mục đích bản thân phải chiến đấu, rèn luyện và học tập không ngừng để đạt được ước mơ thủa niên thiếu làm người chỉ huy cầm quân đánh giặc.
Từ năm 1968 đến 1972, là những tháng ngày chiến đấu trong Trung đoàn 27, sau này là Trung đoàn Triệu Hải đã tôi luyện thành người chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Hiệu và lập nhiều chiến công Năm 1973, khi mới 26 tuổi, Trung đoàn phó Nguyễn Huy Hiệu được tuyên dương Anh hùng quân giải phóng miền Nam, đã được trao tặng 7 huân chương các loại. Từ 1975 đến 1980, Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu được cử đi học văn hóa và ngoại ngữ ở Lạng Sơn, sau đó về đào tạo ở Học viện cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng).
|
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tại phòng làm việc |
|
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thời trẻ. |
Đến năm 1980, khi 34 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 320B và nhận quân hàm Đại tá (nay là sư đoàn 390 Quân đoàn I). Năm 1983, ông được cử đi học ở Cộng hòa liên bang Nga (Liên Xô cũ), một năm sau đó trở về nước công tác. Đến năm 1987, được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh thứ nhất Quân đoàn 1, sau đó là Tư lệnh quân đoàn 1, làm nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Đặc biệt đến năm 1987, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
Vậy là, sau 22 năm kể từ ngày nhập ngũ, mong muốn và mơ ước được trở thành vị tướng của chú bé Văn Hiệu quê Hải Hậu xưa kia đã trở thành hiện thực. Ở tuổi 40, ông là vị tướng trẻ nhất trong Quân đội thuộc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ lúc bấy giờ.
Sau những ngày sống và chiến đấu oanh liệt, ngày 20-12-1973, Nguyễn Huy Hiệu được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm đó, Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu vừa tròn 26 tuổi...
Nguyễn Huy Hiệu đã đánh 67 trận, diệt 63 tên địch, phá hủy 3 súng đại liên, thu 15 súng AR15. Chỉ huy đơn vị diệt gần 600 tên Mỹ, gần 2 nghìn tên ngụy, bắt 155 tù binh, phá hủy hơn 100 xe quân sự, chiếm nguyên vẹn một xe tăng M41, bắn rơi 57 máy bay các loại. Ba lần bị thương, đồng chí không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu đến khi trận đánh kết thúc. Ông đã được tặng thưởng 6 Huân chương chiến công Giải phóng, 14 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới và Dũng sĩ Quyết thắng, hai danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng và nhiều bằng, giấy khen khác.
Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Nguyễn Huy Hiệu giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn I. Ông kể: Tháng 4 -1975, mũi tấn công thọc sâu cánh Bắc của Trung đoàn Triệu Hải theo trục đường 13 từ Lái Thiêu đập tan tuyến tử thủ Bắc Sài Gòn, chiếm cầu Vĩnh Bình. Tiếp đó, Trung đoàn Triệu Hải là đánh chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp ngụy ở Gò Vấp và cùng với các cánh quân khác tấn công nhiều cứ điểm trọng yếu của địch, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào trưa ngày 30-4-1975.
Tướng quân thao lược giữa thời bình
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu được giao trọng trách Phó trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương và Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Ông trực tiếp chỉ huy cứu nạn người dân trong cơn bão Linda. Dạo ấy, cơn bão đổ bộ vào bờ biển Cà Mau và Bạc Liêu với sức gió vùng gần tâm đạt cấp 10, có lúc giật cấp 11. Hàng trăm nghìn căn nhà bị hư hại và sập đổ hoàn toàn, cảnh tượng tan hoang chưa từng có trên mảnh đất nhỏ bé vốn bình yên. Còn trên biển, hàng nghìn ngư dân trên các thuyền đánh bắt cá bị mất liên lạc. Lúc trên tàu, khi trên máy bay trực thăng cứu hộ, tướng Hiệu chỉ thấy khắp nơi mênh mông nước trắng. Rất nhiều ngư dân bập bềnh trên mặt nước, bấu víu vào những mảnh thuyền vỡ hay bất cứ cái gì có thể nổi được. Thuyền của các lực lượng ra cứu nhưng không được nhiều. Máy bay phải hạ thấp, thả dây, can, mỳ tôm xuống cho những người dân đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
Sau trận bão kinh hoàng quét qua Nam Bộ thì khúc ruột miền Trung tiếp tục hứng chịu lũ lụt. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu không nhớ nổi bao nhiêu lần mình vào mảnh đất khó khăn này để chỉ huy chống lũ lụt. Trận lũ lụt lịch sử năm 1999, cả miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định chìm trong biển nước, nặng nề nhất là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Người ta đã dùng từ “đại hồng thủy” để mô tả về sự tàn phá kinh hoàng của trận lũ lụt cả 100 năm mới thấy một lần. Cơn lũ lên rất nhanh, cường độ rất lớn, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị cô lập. Nhiều huyện của Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định ngập trắng nước lũ. Phương án tiếp cận vùng lũ bằng máy bay là không thể, vì khi đó sân bay Phú Bài bị ngập sâu. Các phương án tiếp cận vùng rốn lũ dường như là “bất lực”.
Giữa rốn lũ, vững chân nơi sóng to gió lớn, ông cùng đồng bào và lực lượng chống chọi từng giây phút để xử lý thiên tai. Trong ý nghĩ của vị tướng của thời trận mạc, lóe lên bốn phương châm tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ. Lực lượng tại chỗ. Phương tiện, vật chất tại chỗ. Hậu cần tại chỗ”. Nghĩa là có gì trong dân, phương tiện, vật chất huy động sức dân và chỉ huy cũng phải tại chỗ, huy động sức mạnh của cả bộ máy chính trị vào cuộc để ứng cứu kịp thời.
Cho đến bây giờ, phương châm này đã được áp dụng toàn quốc, toàn quân, trở thành phương châm mang tính chiến lược trong phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn của Việt Nam, được thể hóa trong Nghị định Chính phủ về cứu hộ, cứu nạn từ năm 2010. Ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp đất nước hiện nay thì phương châm 4 tại chỗ đó của ông vẫn có ý nghĩa thực tiễn và được vận dụng trong công tác phòng chống dịch.
***
Trải qua thực tiễn chiến đấu, chỉ huy, quản lý, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã dày công nghiên cứu và chắp bút nhiều cuốn sách giá trị. Với hàng chục nghiên cứu ở tầm chiến dịch, chiến lược, tiêu biểu là công trình: “Một số vấn đề nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”. “Một số vấn đề học thuyết quốc phòng Việt Nam”..., tất cả đều được coi là cẩm nang quý báu dùng để vận dụng chống giặc ngoại xâm.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có 7 công trình Khoa học quân sự, được Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga bầu và trao bằng Viện sĩ Viện Hàn lâm. Ông là người nước ngoài đầu tiên và cũng là người Việt Nam đầu tiên được công nhận danh hiệu Viện sĩ về Nghệ thuật chiến tranh. Đồng thời, là đồng Chủ tịch Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã góp phần to lớn vào việc tăng cường và củng cố mối quan hệ chiến lược, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Ông cùng với các nhà khoa học Nga tập trung nghiên cứu trên 3 hướng, độ bền nhiệt đới, y sinh nhiệt đới và sinh thái nhiệt đới. Các trang thiết bị dùng trong nghiên cứu đều được phía Nga cung cấp nhằm nghiên cứu chuyên sâu về các ứng dụng khoa học đối với môi trường nhiệt đới như ở Việt Nam. Các nghiên cứu được đưa vào ứng dụng thực tế, như độ bền nhiệt đới và y sinh nhiệt đới, các bệnh nhiệt đới, hoặc chất độc dioxin do Mỹ rải xuống trong chiến tranh Việt Nam. Đến nay, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tới thăm và học hỏi kinh nghiệm tại 67 quốc gia. Cũng chính nhờ những kinh nghiệm tích lũy và hoạt động thực tế trong hàng chục năm, ông là một trong những chuyên gia hàng đầu cả nước khi nói đến an ninh môi trường.
Vị tướng tầm nhìn môi trường sinh thái quốc gia
Hằng năm, vị tướng này đều quay lại thăm chiến trường xưa. Ông luôn trăn trở khi chứng kiến người dân, đặc biệt là trẻ em ở Quảng Trị trong thời bình vẫn bị cướp đi mạng sống hay thương tật bởi bom, mìn còn sót lại rải rác trên mảnh đất chiến trường xưa. Ông đã kêu gọi các nước, các tổ chức xã hội tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, rà soát phá hủy bom, mìn, vật nổ còn sót lại.
Ông phát động chiến dịch màu xanh đồng bằng, huy động các nhà khoa học ươm giống các loài cây, sau đó trồng gần 600ha rừng để tái tạo cho Bỉm Sơn (Thanh Hóa) rồi từ đó phát động trồng tại Quảng Trị, tái tạo màu xanh tại những chiến trường xưa.
|
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu tại chiến trường Quảng Trị 1972 |
Ông cũng mang những cây đa, cây đề đến nơi chiến trường xưa trồng để làm dịu bớt những ám ảnh chiến tranh. Những người lính hai phía đã ngã xuống, có linh hồn đã tìm đường về được với quê nhà, nhưng còn biết bao linh hồn tha hương, lang thang không nơi neo đậu. Cây đa, cây đề ấy chính là sợi dây gắn kết giữa hai cõi âm dương, để cho những linh hồn người lính chưa có nơi nương tựa, tụ về cây tâm linh, để ngày đêm được hương khói siêu thoát và tìm về với cõi Phật.
Năm 2003, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có cuộc hành hương sang Ấn Độ mang được 3 cây bồ đề về trồng ở nghĩa trang Quốc gia đường 9, trồng ở đại bản doanh Quân đoàn 1 Tam Điệp, nơi xưa vua Quang Trung đã tập kết đoàn quân tiến về Thăng Long, và cây thứ 3 trồng ở nghĩa trang liệt sỹ quê nhà, nơi thờ cúng 245 liệt sỹ là người con quê hương Hải Long đã ngã xuống vì cuộc chiến tranh chính nghĩa. Ông cũng đã kêu gọi được các nhà hảo tâm xây dụng cụm văn hóa tâm linh như đài tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ và chùa ở Gio An, Quảng Trị. Ông cùng đồng đội trồng cây đa búp đỏ ở giếng Đìa ở Gia Bình để kỷ niệm một thời đánh Mỹ. Giờ đây cây đa đã cao lớn toả bóng.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã góp công xây dựng các cụm văn hóa tâm linh gồm đền thờ, chùa, bia tưởng niệm như: Đền thờ liệt sĩ cao điểm 31 Phúc Sa, Gio Mỹ, Gio Linh; Khu tưởng niệm Trung đoàn 27 - Triệu Hải ở huyện Triệu Phong. Uống nước nhớ nguồn, Tướng Hiệu cũng không quên tri ân bà má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu, Bình Dương đã giúp Trung đoàn ông nhanh tiến quân vào Sài Gòn trong Đại thắng mùa xuân năm 1075, và tri ân ở nghĩa trang xã Hải Long quê nhà.
Ngoài ra ông còn góp công xây dựng các khu tưởng niệm ở Ngô Xá Tây, Triệu Phong, Quảng Trị, hay Thanh Hương giáp Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… Nhưng lớn nhất trong tất cả các khu tưởng niệm trên phải kể đến Trung tâm hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội ở Thành Cổ - Quảng Trị tại số 1 Trần Hưng Đạo.
Gia đình nhỏ yêu thương, bình dị
Ngày nhập ngũ, mẹ ông kéo tay con trai chạy ra chợ, chụp vội tấm ảnh chân dung trước giờ lên đường. Tấm ảnh ấy bà cất giữ như báu vật vô giá, phần vì để khi nào nhớ con thì mang ra ngắm; phần thì dự tính nếu không may có mệnh hệ gì, để bàn thờ con có tấm ảnh thờ. Trái tim người mẹ trào dâng lên một nỗi nghẹn xót khi phải tự mình phòng xa cho cái chết của con. Đôi mắt đã nhuốm màu thời gian với những nếp nhăn bỗng ầng ậc nước. Bà quay ra chỗ khác, giơ tay áo quệt vội nước mắt để con không nhìn thấy, rồi lại gượng cười vẫy chào cho con yên tâm lên đường.
Nhìn con khuất bóng sau lũy tre làng, bà lại lầm lũi trở về ngôi nhà nhỏ, bước chân cứ nặng dần lê trên con đường đất, ghì chặt tấm hình con vào lòng. Trong thời khắc tiễn đưa những chiến sĩ trẻ lên đường nhập ngũ, người cha có phần bình tĩnh và điềm đạm hơn người bà, người mẹ, người chị đang khóc sướt mướt. Ông nhẹ nhàng căn dặn con những câu ngắn gọn: “Con ạ, dòng họ nhà ta tôn trọng chữ tâm. Sinh có hạn, tử bất kỳ...”. Chết thì dễ sống mới khó, khó hơn là phải sống để sự xuất hiện của mình trong cuộc đời này thật sự có ý nghĩa.
Ông vốn dòng dõi con nhà nho, hiếu học. Vợ ông là Thầy thuốc ưu tú. Hai con ông, một trai một gái Hải Yến, Hải Anh đều là những Thạc sĩ giỏi được đào tạo ở Anh quốc. Cả gia đình thành đạt theo tinh thần và tâm nguyện của ông luôn làm từ thiện, sống nhân hậu, phúc đức và hướng tới cuộc sống từ bi bác ái.
Thanh thản và hạnh phúc, đó là những gì tôi cảm nhận được ở Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - một Anh hùng trận mạc đến vị hành giả đi khắp thế gian gieo mầm xanh thiện lương. Ông là vị tướng tài ba trận mạc, và cũng là vị tướng thao lược, có tầm nhìn môi trường sinh thái quốc gia của thời bình.
( C. H sưu tầm)