Trận đánh vang dội Ngũ Hành Sơn

Ngày đăng: 07:30 02/10/2022 Lượt xem: 156

Trận đánh vang dội Ngũ Hành Sơn

 
                        Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân


Ngày 23-8-1968, đơn vị R20 (mật danh của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 971, Mặt trận Quảng Đà) tổ chức trận đánh lập công vang dội, đó là trận tập kích lực lượng Mỹ-ngụy tại căn cứ biệt kích Nùng thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

 

Ký ức của tiểu đoàn trưởng

Một ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022, chúng tôi tìm gặp Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội, nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu), nguyên Tiểu đoàn trưởng, chỉ huy trận tập kích nổi tiếng vào căn cứ biệt kích Nùng ở Non Nước, xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn ngày 23-8-1968. Cuộc gặp ân tình mà ấm áp này giúp chúng tôi hiểu hơn về ý nghĩa thực sự của trận đánh, hiểu về những con người anh hùng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, một lòng một dạ xả thân quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí năm nay vừa tròn 80 tuổi. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông tham gia cách mạng lúc 12 tuổi, giữ chức đội trưởng du kích địa phương lúc 16 tuổi trước khi trở thành bộ đội chính quy của một đơn vị chủ lực. Cuộc đời chinh chiến trận mạc cứ thế theo ông cho đến ngày đất nước thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà.

Khi hỏi về trận đánh đáng nhớ trong đời chiến trận, ông nói ngay về trận tập kích căn cứ biệt kích Nùng ở Non Nước. Ông kể: “Khi ấy, tôi vừa được bổ nhiệm cương vị Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn tôi cũng chỉ mới thành lập được hơn 4 năm. Do yêu cầu nhiệm vụ phải có lực lượng chủ lực của Mặt trận Quảng Đà, Khu ủy và Bộ tư lệnh Khu V quyết định thành lập Trung đoàn 38 gồm các tiểu đoàn chủ lực 1, 2, 3 và 89. Tiểu đoàn tôi có mật danh là R20, do tôi làm Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Thông làm Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy; đồng chí Dương Văn Chín, Tiểu đoàn phó và đồng chí Hoàng Thanh Ba, Tham mưu trưởng. R20 tuy mới thành lập được vài năm nhưng thành tích chiến đấu thì rất oanh liệt, lập được chiến công ngay từ những trận đầu. Đặc biệt, chiến công từ trận đánh diệt gọn một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ vào tháng 11-1967 ở Xuyên Thanh (nay là xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã vang dội khắp chiến trường miền Nam. Từ những chiến công đó, cấp trên đã rất tin tưởng giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 1 chúng tôi tổ chức tập kích căn cứ biệt kích Nùng. Nhận nhiệm vụ, chúng tôi xác định quyết tâm cao độ để hoàn thành xuất sắc”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí nhớ rất rõ, căn cứ biệt kích Nùng có một tiểu đoàn biệt kích vừa làm nhiệm vụ huấn luyện để bổ sung thám báo, vừa làm lực lượng bảo vệ toàn bộ liên hiệp quân sự Đà Nẵng của địch (phiên hiệu là Xi Xi Lôi Hổ), gồm 500 tên. Địch chọn quần thể Ngũ Hành Sơn thuộc xã Hòa Hải (cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 5km về phía đông nam), có địa thế lợi hại, phía đông giáp biển, phía tây có đường giao thông 538 (Đà Nẵng-Hội An), phía nam giáp núi Thủy Sơn, phía Bắc có nhà lao Non Nước và sân bay Nước Mặn, là vị trí trọng yếu chiến lược quân sự của địch. Chúng bố trí nhiều căn cứ, chốt điểm dày đặc như đồn Rơ-ni, Cồn Bồ, Trà Lộ, hệ thống đồn kiên cố làm hàng rào quân sự bảo vệ. Ngoài ra, còn có trung đoàn truyền tin, trung đoàn pháo binh, chi đoàn xe tăng, lính thủy đánh bộ, bảo an, dân vệ ngụy. Muốn tiêu diệt được căn cứ biệt kích Nùng, phải chiếm, khống chế được núi Đùng, nơi có nhiều hang động, lèn cao, đá sắc, phá hủy hệ thống dàn đèn hồng ngoại tuyến, bố trí hỏa lực khống chế sân bay Nước Mặn và địch xung quanh.

Người anh hùng được đổi tên

Ông Trí nhớ lại: “Tiểu đoàn 1 do tôi chỉ huy, được biên chế 164 cán bộ, chiến sĩ và được phối thuộc một tiểu đội đặc công, một tiểu đội du kích xã Hòa Hải. Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi họp Đảng ủy, khẩn trương làm công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng trinh sát do đồng chí Hoàng Thanh Ba, Tham mưu trưởng phụ trách, nắm chắc tình hình địch, địa hình, báo cáo. Tiểu đoàn xác định cách đánh dựa vào thế trận của LLVT và nhân dân quận Hòa Vang, trà trộn vào dân, bí mật nắm quy luật hoạt động của địch. Bố trí, sử dụng lực lượng: Hướng chủ yếu phía tây nam, Đại đội 1 đảm nhiệm, với 42 đồng chí, do Đại đội trưởng Tiến chỉ huy; hướng thứ yếu ở phía đông, Đại đội 3 đảm nhiệm, với 38 đồng chí, Đại đội trưởng Phan Hiệp chỉ huy. Chốt điểm núi Đùng, Đại đội 2 đảm nhiệm, có 15 đồng chí, Chính trị viên Lai chỉ huy. 27 đồng chí, trong đó có 12 trinh sát và đặc công nước, do Trung đội trưởng trinh sát Khuê chỉ huy, có nhiệm vụ tập kích, đánh chiếm khu nhà lao, giải thoát tù nhân. Sân bay Nước Mặn do Đại đội 4 hỏa lực đảm nhiệm, có 37 đồng chí, Tiểu đoàn phó Dương Văn Chín trực tiếp chỉ huy, trang bị 2 ĐKZ 57mm, 1 súng máy 12,7mm, 2 cối 82mm, bí mật bố trí ở núi Thổ Sơn. Sau tiến công, các bộ phận phải làm chủ trận đánh, kiên quyết giữ vững trận địa và khống chế khu vực sân bay Nước Mặn, đợi lệnh. Giao nhiệm vụ xong, tôi có niềm tin rất lớn vào khả năng và bản lĩnh chiến đấu của đơn vị...

Bộ đội ta tấn công tiêu diệt căn cứ biệt kích Nùng ngày 23-8-1968. Ảnh tư liệu

Đêm 21-8-1968, toàn tiểu đoàn cơ động từ Điện Xuân (Điện Bàn) đến vị trí trú quân bí mật ở xã Hòa Hải cách hơn 10km. 22 giờ ngày 22-8, đơn vị cơ động đến vị trí chiến đấu ở đông nam núi Thổ Sơn, các hướng, mũi triển khai chiếm lĩnh trận địa, khắc phục vật cản, thực hành mở cửa, kết hợp lực lượng tại chỗ trà trộn trong dân chúng và chùa Non Nước nhanh chóng triển khai đội hình, hình thành thế bao vây địch. Đúng 1 giờ 26 phút sáng 23-8, hướng chủ yếu chiếm lĩnh, khắc phục vật cản xong, sẵn sàng đợi lệnh nổ súng. Một bất ngờ nằm ngoài dự kiến là tổ thọc sâu khi lọt vào trung tâm căn cứ biệt kích Nùng thì bị địch phát hiện. Ta không phát huy được hỏa lực chuẩn bị trước cho trận đánh. Tại vị trí chỉ huy, tôi ra lệnh lập tức sử dụng thủ pháo, lựu đạn đánh vào lô cốt chỉ huy và hệ thống thông tin liên lạc, hỏa lực dồn dập, bảo đảm các hướng, mũi tiến công sâu vào trung tâm trận địa địch. Hướng thứ yếu vẫn chưa qua được lớp rào cuối cùng, Đại đội trưởng Phan Hiệp nghe súng nổ trên hướng chủ yếu, nhanh chóng lệnh hỏa lực tiêu diệt các lô cốt đầu cầu và hỏa điểm địch, đồng thời bật dậy dùng tiểu liên AK, lựu đạn lần lượt tiêu diệt các mục tiêu, cùng đồng chí Bính, Chính trị viên và liên lạc đại đội lao lên lấy thân mình đè hàng rào xuống để cán bộ, chiến sĩ đại đội làm cầu leo qua, xung phong vào tuyến trung tâm tiêu diệt địch. Trong lúc chỉ huy chiến đấu, Phan Hiệp bị vấp ngã. Thấy thế, tên biệt kích phía trước ngoặt lại tấn công. Ngay lập tức, đồng chí Cấp, liên lạc viên đại đội lao tới đánh giáp lá cà, hỗ trợ Phan Hiệp hạ tên biệt kích. Lúc này, các hướng, mũi đồng loạt nổ súng tiến công. Đến 2 giờ 15 phút, hơn 20 mục tiêu gồm 7 lô cốt, 10 nhà lính, 1 nhà kho, 1 hầm chỉ huy, 1 kho đạn dược, 1 nhà đèn, hệ thống thông tin liên lạc bị phá hủy, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu toàn bộ địch ở căn cứ biệt kích Nùng...

Sau trận đánh, nhiều đồng chí được tặng Huân chương Chiến công. Để tuyên dương công trạng và ghi nhớ trận đánh vang dội này, Đại đội trưởng Đại đội 3 Phan Hiệp, chỉ huy hướng thứ yếu, được đơn vị đề nghị đổi tên thành Phan Hành Sơn và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cảm xúc về thắng lợi của trận đánh Ngũ Hành Sơn, nhà thơ Tố Hữu viết: “Ta tiến công/ Với sức mạnh thánh thần/ Của những Phan Hành Sơn đánh tung núi Ngũ Hành diệt Mỹ...!”.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan