Vương Hỗ Ninh: Chiến lược gia bên cạnh 3 thế hệ Tổng bí thư Trung Quốc

Ngày đăng: 08:08 15/10/2022 Lượt xem: 192

Vương Hỗ Ninh: Chiến lược gia bên cạnh 3 thế hệ Tổng bí thư Trung Quốc

     Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet


Tương lai của ông Vương Hỗ Ninh, người được giới quan sát quốc tế ví như “chiến lược gia” cho đảng Cộng sản Trung Quốc trong hơn 30 năm vừa qua, được đặc biệt chú ý tại đại hội lần thứ 20 khai mạc ngày mai (16/10).
 

Mô hình quân sư

Nét thú vị trong văn hóa chính trị Trung Hoa từ cổ chí kim là mô hình quân sư (chiến lược gia) bên cạnh thủ lĩnh chính trị. Điển hình như những cặp bài trùng mang tính biểu trưng trong tiểu thuyết Tam Quốc như Khổng Minh bên cạnh Lưu Bị, Chu Du và Lỗ Túc bên cạnh Tôn Quyền, Tuân Úc, Quách Gia, Trình Dục... bên cạnh Tào Tháo.

Giữa nhà lãnh đạo và các quân sư có sự phân định vai trò rõ ràng: Thủ lĩnh chính trị đề ra tư tưởng và tầm nhìn lãnh đạo, tập hợp sự ủng hộ, và tìm người tài để hiện thực hóa tầm nhìn đó. Trong khi đó, mọi ý tưởng, tính toán bước đi và hành động cụ thể thường lại xuất phát từ các quân sư. Thủ lĩnh, hay lãnh đạo chính trị, chỉ chính danh hóa các ý tưởng đó thông qua việc ban hành quyết định cụ thể.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và ông Vương Hỗ Ninh. Ảnh: Chinanews

Có thể thấy, quân sư hay chiến lược gia, chính là "bộ não" cung cấp ý tưởng cho thủ lĩnh chính trị. Ngược lại, lãnh đạo chính trị là bệ đỡ không thể thiếu để thực hiện ý tưởng hành động của quân sư.

Sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, và không giẫm chân lên nhau giữa hai vai trò chính là cơ sở cho sự thành công. Bất cứ khi nào thủ lĩnh chính trị làm thay việc của quân sư thì thất bại là điều thường thấy, điển hình như thất bại của Viên Thiệu trước Tào Tháo, hay đại bại của Lưu Bị trước Đông Ngô sau khi bỏ qua khuyên can của các quân sư. Những rối loạn chính trị - xã hội ở Trung Quốc thời cách mạng văn hóa cũng gắn với sự lấn át của lãnh đạo chính trị, thiếu vắng hình bóng chiến lược gia nổi bật.

Vương Hỗ Ninh được giới quan sát quốc tế mệnh danh là chiến lược gia bên cạnh 3 thế hệ Tổng bí thư gần đây của Trung Quốc. Ông nổi lên từ năm 1986, khi đang là một giáo sư đại học, 31 tuổi, với bài viết dài 7 trang nêu quan điểm về chiến lược phát triển trước những biến động chính trị ở trong nước và trên thế giới thời kỳ đó.

Năm 1995, ông bắt đầu tham gia hệ thống chính trị sau khi được điều chuyển sang Trung tâm nghiên cứu chính sách của TƯ ĐCS Trung Quốc. Đến nay, tên tuổi của Vương Hỗ Ninh luôn được gắn với các thông điệp về chiến lược phát triển qua các giai đoạn, như: thuyết “Ba đại diện” thời ông Giang Trạch Dân; thuyết “Phát triển khoa học” thời ông Hồ Cẩm Đào, và gần đây nhất là Tổng bí thư Tập Cận Bình với “Giấc mơ Trung Hoa”.

Chủ thuyết “tân chuyên chính”

Năm 1988, ông Vương có chuyến nghiên cứu ngắn hạn tại một số trường đại học ở Mỹ. Ba điểm khiến ông hết sức ấn tượng với nước Mỹ là: năng lực sáng tạo, sức mạnh của nền kinh tế tư bản, và sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình giữa các chính quyền.

Ở tuổi 32, ông nhận định trong một cuốn sách về nước Mỹ, xuất bản năm 1991: không thể coi nhẹ chủ nghĩa tư bản. Nếu một hệ thống chính trị mà thất bại trong việc tạo ra cách thức chuyển giao quyền lực thì đất nước rất khó được thụ hưởng trật tự, ổn định chính trị bền vững. Bên cạnh những ưu điểm, Vương Hỗ Ninh cũng nhìn ra những hạn chế của nền dân chủ Mỹ nhưng không phê phán cực đoan.

Ông không đề cao mô hình dân chủ Mỹ, mà muốn phác họa và thực hiện một nền dân chủ đích thực cho Trung Quốc. Từ cuối những năm 1980, chủ thuyết "Tân chuyên chính - Neoauthoritarianism", mà ông là tác giả trụ cột, không ủng hộ quan điểm mở rộng tự do chính trị, chuyển đổi dân chủ.

Thay vào đó, ông khẳng định nhu cầu tập trung quyền lực xoay quanh một nhà lãnh đạo quyền uy - người có thể đưa đất nước thực hiện những bước đột phá. Có thể thấy, khi nhấn mạnh vai trò của nhà lãnh đạo quyền uy, hạt nhân quyền lực của hệ thống chính trị, thì về thực chất ông Vương đã cải biến mô hình lãnh đạo tập thể vốn đã tồn tại thời gian dài trước đó ở Trung Quốc.

Ông Vương Hỗ Ninh. Ảnh: Tân Hoa Xã

Để giúp Trung Quốc tránh lặp lại sự hỗn loạn như thời cách mạng văn hóa, qua đó bảo đảm sự ổn định chính trị, tạo tiền đề cho sự phát triển của Trung Quốc, ông đề cao triết lý Pháp trị, vốn là di sản truyền thống Trung Hoa, chứ không phải triết lý Pháp quyền của phương Tây. Những động thái siết chặt kỷ cương, kỷ luật cả trong nội bộ đảng và trên bình diện xã hội ở Trung Quốc từ những năm 1990 trở lại đây là minh chứng cho sự trở lại với truyền thống Pháp trị Trung Hoa.

Về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị trong giai đoạn đổi mới đất nước, thuyết "Tân chuyên chính" đề cao nhu cầu phát triển kinh tế hơn mở rộng dân chủ. Theo đó, do đặc thù quốc gia, Trung Quốc sẽ không thể có tự do và dân chủ nếu không duy trì được sự ổn định chính trị. Dân chủ không phải là động lực mà là hệ quả tất yếu sẽ diễn ra sau khi nước này hoàn thành các giai đoạn cải cách kinh tế - xã hội.

Để thực hiện sứ mệnh chấn hưng đất nước, thuyết 'Tân chuyên chính" không chỉ coi ĐCS Trung Quốc là đội tiền phong của giai cấp công nhân, mà còn là đại diện cho các nhu cầu phát triển lực lượng sản xuất tiến bộ, cho xu hướng phát triển hiện đại của văn hóa, và cho lợi ích của số đông dân chúng.

Trọng người tài

Trong các cấu trúc phân tán quyền lực ở phương Tây, yếu tố con người không quan trọng bằng thể chế. Nhưng với các cấu trúc tập trung quyền lực vào hạt nhân lãnh đạo như ở Trung Quốc thì chất lượng nhân sự lại trở thành yếu tố quyết định cho mọi thành bại.

Bởi thế, mô hình quân sư hay chiến lược gia chính là sự bảo đảm về trí tuệ cho thủ lĩnh chính trị - giúp họ thực sự đảm nhiệm được vai trò hạt nhân quyền lực tối thượng. Nhờ kiến thức của các chiến lược gia, các quyết định của lãnh đạo chính trị gia tăng được sự chính đáng, đúng đắn nên dễ thuyết phục hơn.

 

Trung Quốc đáng được thế giới tôn trọng bởi họ đã xác quyết một chủ thuyết phát triển riêng, với những quan điểm và nguyên tắc rõ ràng. Nguyên liệu cho chủ thuyết đó đến từ lịch sử và thực tiễn Trung Quốc đương đại, các nước Đông Á, Mỹ Latinh, và các lý thuyết gia Hoa Kỳ như Samuel Huntington hay trường phái Chicago.

Để bảo đảm sức sống cho chủ thuyết đó, lãnh đạo Trung Quốc đã đặt lòng tin vào một đại diện trí thức, không chỉ học giỏi ở trong nước mà đã từng có thời gian tu nghiệp thêm tại các đại học Mỹ như Iowa, Chicago, hay California.

Sự thăng tiến của ông Vương cũng cho thấy một kênh mới của ĐCS Trung Quốc trong việc chọn lựa tầng lớp tinh hoa cầm quyền, trong đó không thể thiếu vai trò ngày càng tăng của giới trí thức thực học.

Là người gắn bó với nhiều thế hệ lãnh đạo nhưng ông Vương vẫn luôn được trọng dụng, đặc biệt bình an trước chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” đầy khốc liệt hơn 10 năm vừa qua. Thực tế này không chỉ cho thấy sự nhất quán về quan điểm và chính sách trọng người tài của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, mà còn khiến giới quan sát thấy được sự tự ý thức về vai trò chiến lược gia của ông Ninh. Bởi chỉ có toàn tâm toàn ý vào công việc tư duy chiến lược và chính sách cho chế độ, ông mới có thể giữ khoảng cách với những tính toán chính trị của những khuynh hướng quan điểm khác nhau trong đảng, nhờ đó tránh xa được các vi phạm.

Trong cuốn nhật ký viết năm 1994, ông Vương bày tỏ suy nghĩ: “Khi một người gắn bó với công việc của mình trong một thời gian dài thì tư duy của họ sẽ bị cố định và thiếu sự cởi mở”. Đến nay, ở tuổi 66, ông vẫn đủ điều kiện để tiếp tục tại vị với tư cách thành viên Thường vụ Bộ Chính trị thêm một nhiệm kỳ nữa.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã rất khác những năm 1990, và sự thay thế ông bởi một nhân vật khác là kịch bản có thể xảy ra. Ông Vương tiếp tục tại vị hay sẽ được thay thế không chỉ ảnh hưởng đến đường lối chiến lược của ĐCS Trung Quốc trong tương lai, mà còn phần nào phát lộ năng lực phát hiện người tài, sự nhất quán chính sách trọng người tài, và tương lai của mô hình quân sư cho chế độ ở đại lục.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan