HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM
Số: 81/HTS-HD
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà nội, ngày 04 tháng 8 năm 2022
|
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA ĐIỀU LỆ
(SỬA ĐỔI, BỔ SUNG) HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM
Nhiệm kỳ III (2022-2027)
-
Căn cứ Điều lệ Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (Hội Trường Sơn Việt Nam) nhiệm kỳ III (2022-2027).
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ III.
Ban Chấp hành hướng dẫn thực hiện một số điều của Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Trường Sơn Việt Nam nhiệm kỳ III như sau:
I. YÊU CẦU CHUNG
1. Các Hội viên tổ chức (không gọi là Hội thành viên), tiến hành phổ biến, quán triệt Điều lệ nhiệm kỳ III đến các tổ chức Hội và hội viên để thống nhất nhận thức và thực hiện đúng quy định của Điều lệ Hội.
2. Các Hội viên Tổ chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là Hội địa phương) khi đến nhiệm kỳ Đại hội cần có văn bản báo cáo với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố (qua Sở Nội vụ) đề nghị được thực hiện Điều lệ Hội Trường Sơn Việt Nam theo kết luận số 102/KT-TW ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Bộ Chính trị, khóa XI về Hội Quần chúng. Nếu địa phương đồng ý cho lấy Điều lệ Hội Trường Sơn Việt Nam làm Điều lệ của Hội cấp mình thì Hội cấp tỉnh, thành phố xây dựng Quy chế về tổ chức và hoạt động. Các Hội, Ban Liên lạc, các tổ chức, đơn vị do Hội Trường Sơn Việt Nam quyết định thành lập chỉ xây dựng Quy chế về Tổ chức và hoạt động.
II. NỘI DUNG
1. Hội viên quy định tại Điều 8, Chương III
- Hội viên của Hội gồm: Hội viên chính thức và Hội viên danh dự
a) Hội viên tổ chức bao gồm:
Các tổ chức sau đây nội bộ đoàn kết, hoạt động đúng pháp luật, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện xin gia nhập Hội, được xem xét, công nhận là Hội viên tổ chức của Hội Trường Sơn Việt Nam.
1. Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập theo quy định của pháp luật (Theo NĐ 45/CP);
2. Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội chuyên ngành; Hội, Ban Liên lạc các đơn vị truyền thống và các tổ chức, đơn vị do Hội Trường Sơn Việt Nam quyết định thành lập;
3. Hội, Ban Liên lạc các đơn vị kế thừa truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thuộc Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn;
4. Hội, Ban liên lạc các đơn vị tuy không thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Binh đoàn 12, nhưng đã chiến đấu, hoạt động trên địa bàn chiến lược Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
5. Các tổ chức Việt Nam đã và đang hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan, có đóng góp và quan tâm đến việc giữ gìn, kế thừa, phát huy Di sản, Truyền thống và tri ân tình nghĩa Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
b) Hội viên cá nhân:
Các đối tượng sau đây nếu tán thành Điều lệ, tự nguyện xin ra nhập Hội thì được xem xét kết nạp làm Hội viên chính thức của Hội:
1. Bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến, cán bộ dân chính Đảng, công nhân giao thông thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoạt động tại Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ;
2. Quân nhân, Công nhân viên quốc phòng, người lao động khi đã nghỉ công tác thuộc Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn.
3. Lực lượng của các đơn vị khác khi đã nghỉ công tác, tuy không thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, nhưng đã chiến đấu, hoạt động, công tác trên địa bàn chiến lược Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
4. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có đủ năng lực hành vi dân sự đã và đang công tác, hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến việc giữ gìn, kế thừa, phát huy Di sản, Truyền thống và tri ân tình nghĩa Trường Sơn;
5. Các đối tượng khác có đóng góp về công sức, vật chất, tài chính; nhiệt tình, tâm huyết, tích cực tham gia các hoạt động về phát huy truyền thống và tri ân tình nghĩa Trường Sơn.
2. Thủ tục, thẩm quyền kết nạp hội viên; thủ tục ra khỏi Hội (Điều 11)
2.1. Thủ tục kết nạp hội viên:
Tổ chức và công dân Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8 của Điều lệ Hội Trường Sơn Việt Nam, muốn ra nhập Hội phải có đơn xin gia nhập Hội, gồm:
- Đơn xin gia nhập Hội;
- Bản sao quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền (đối với Hội viên Tổ chức);
- Tờ khai hội viên (theo mẫu do Ban Thường vụ Hội quy định).
2.2. Thẩm quyền kết nạp hội viên:
a) Hội viên Tổ chức:
- Ban Thường vụ Hội Trường Sơn Việt Nam ra quyết định công nhận Hội viên Tổ chức đối với các Hội, Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Hội chuyên ngành; Hội, Ban Liên lạc các đơn vị truyền thống của Bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ và các đơn vị của Binh đoàn 12; Các Tổ chức, đơn vị do Hội Trường Sơn Việt Nam quyết định thành lập; tán thành Điều lệ, tự nguyện gia nhập Hội Trường Sơn Việt Nam;
- Ban Thường vụ Hội, Thường trực Ban liên lạc (nơi chưa thành lập Hội) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là Hội cấp tỉnh, thành phố) ra quyết định công nhận Hội viên Tổ chức cấp quận, huyện; ra quyết định thành lập và công nhận Hội, Ban Liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn; Hội Doanh nhân Trường Sơn; Hội, Chi hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn tại tỉnh, thành phố.
- Ban Chấp hành Hội, Ban Liên lạc Trường Sơn cấp Quận, huyện ra quyết định công nhận Hội viên Tổ chức là Hội, Chi hội, Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn cấp xã, phường và đơn vị truyền thống cơ sở trên địa bàn (nếu có)
- Ban chấp hành Hội Nữ chiến sỹ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Hội Doanh nhân Trường Sơn, Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn (gọi là Hội chuyên ngành) ra quyết định công nhận Hội viên Tổ chức các Hội chuyên ngành của cấp tỉnh, thành phố.
- Các Hội đơn vị truyền thống cấp Cục, Sư đoàn, Ngành, (toàn quốc) trao đổi thống nhất với Hội địa phương để ra quyết định thành lập và công nhận Hội viên Tổ chức của đơn vị truyền thống. Hội, Ban Liên lạc cấp tỉnh, thành phố ra quyết định công nhận Hội viên Tổ chức các đơn vị truyền thống trên địa bàn (nếu đơn vị truyền thống sinh hoạt hai nơi). Trường hợp đơn vị truyền thống chỉ sinh hoạt tại Hội địa phương thì do Hội địa phương ra Quyết định thành lập và công nhận Hội viên tổ chức.
b) Hội viên cá nhân:
- Đối với cấp tỉnh, thành phố đã thành lập Hội ở cấp tỉnh (chưa có Hội cấp huyện, xã); Ban Thường vụ Hội, Thường trực Ban liên lạc cấp tỉnh, thành phố ra quyết định kết nạp hội viên theo đề nghị của các Ban Liên lạc cấp huyện, xã, đơn vị truyền thống trên địa bàn;
- Đối với cấp quận, huyện đã thành lập Hội (chưa có Hội cấp xã); Ban Thường vụ Hội cấp quận, huyện ra quyết định kết nạp hội viên theo đề nghị của các Chi hội, Ban liên lạc cấp xã, phường đơn vị truyền thống (nếu có).
- Đối với Hội cấp xã, phường (đã thành lập Hội theo Nghị định 45/CP); các Hội chuyên ngành và đơn vị truyền thống; các tổ chức, đơn vị do Hội Trường Sơn Việt Nam quyết định thành lập; Ban Thường vụ Hội ra quyết định kết nạp hội viên đối với các đối tượng quy định tại
điểm b, mục II của hướng dẫn này;
- Việc kết nạp Hội viên cá nhân do Hội, Chi hội, Ban Liên lạc cấp xã, phường; các đơn vị truyền thống ở cơ sở tổ chức kết nạp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
c) Quản lý Hội viên:
- Yêu cầu chung là các cấp Hội phải quản lý, nắm chắc số lượng, chất lượng, hoàn cảnh gia đình, bản thân hội viên; nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, nguyện vọng của hội viên, có biện pháp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; giúp đỡ hội viên khi gặp khó khăn.
- Tất cả các Hội viên cá nhân đều phải được đăng ký danh sách hội viên ở từng cấp.
- Hàng quý, 6 tháng, một năm các Hội viên tổ chức báo cáo với Hội Trường Sơn Việt Nam việc tăng, giảm hội viên (gồm Hội viên Tổ chức và hội viên cá nhân).
2.3. Thủ tục ra khỏi Hội
- Hội viên xin ra khỏi Hội làm đơn hoặc trực tiếp báo cáo với Ban Thường vụ Hội, Thường trực Ban Liên lạc cấp xã, phường; đơn vị truyền thống cơ sở, xin thôi tham gia sinh hoạt Hội. Việc quyết định cho hội viên ra khỏi Hội do Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội, Ban Liên lạc cấp quyết định công nhận hoặc quyết định kết nạp hội viên xem xét, quyết định. Quyền và nghĩa vụ hội viên sẽ chấm dứt sau khi có thông báo chấp thuận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội hoặc Ban Liên lạc.
- Đối với hội viên vi phạm đến mức phải xóa tên hội viên thì cấp quyết định kết nạp tiến hành xem xét, quyết định xóa tên khỏi danh sách hội viên của Hội. Việc quyết định cho thôi hoặc xóa tên hội viên phải có trên 50% Ủy viên Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ Hội, Ban Liên lạc có mặt dự họp đồng ý.
3. Hội phí
- Hội viên đóng hội phí theo quy định là 2.000 đồng (hai nghìn đồng)/tháng hoặc hơn và do Hội, Chi hội, Ban Liên lạc đơn vị truyền thống cơ sở trực tiếp thu. Hội khuyến khích những hội viên có điều kiện đóng hội phí nhiều hơn quy định. Hội viên có hoàn cảnh thực sự khó khăn có thể miễn, giảm hội phí. Việc đóng góp quỹ Hội (chân quỹ); Việc thu hội phí của hội viên theo quý, sáu tháng hoặc cả năm; tỷ lệ trích nộp hội phí và miễn giảm hội phí của hội viên cá nhân do Ban Thường vụ, Ban Liên lạc các Hội viên Tổ chức thuộc Hội Trường Sơn Việt Nam xem xét, quyết định.
4. Ban Chấp hành Hội
- Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội, Ban Kiểm tra hoạt động theo quy định của Điều lệ Hội và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra.
- Việc quy định tại mục 2, điều 14: Ủy viên Ban Chấp hành khi nghỉ công tác Hội, không còn là người đại diện của Hội viên Tổ chức thì đương nhiên thôi tham gia Ban Chấp hành. Theo đó, Ban Thường vụ Hội ra quyết định miễn nhiệm Ủy viên Ban Chấp hành và báo cáo với Ban Chấp hành tại phiên họp gần nhất. Đồng thời, chuẩn bị nhân sự để trình Ban Chấp hành bầu bổ sung theo quy định của Điều lệ Hội.
5. Mối quan hệ:
- Các Hội viên Tổ chức của Hội Trường Sơn Việt Nam chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của Hội Trường Sơn Việt Nam về xây dựng tổ chức và các hoạt động về truyền thống, tri ân tình nghĩa.
- Các tổ chức vừa là Hội viên Tổ chức của Hội địa phương, vừa là Hội viên Tổ chức của các Hội chuyên ngành và đơn vị truyền thống đều phải chấp hành sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cả hai bên với các nội dung có liên quan. Trong đó, Hội cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động liên quan đến địa phương và thực hiện các chính sách do Hội Trường Sơn Việt Nam chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí (nhà ở, trợ cấp khó khăn, tặng học bổng, tặng quà dịp lễ, tết… cho hội viên).
- Các Hội, chuyên ngành và đơn vị truyền thống (toàn quốc) chỉ đạo và hướng dẫn các hoạt động có liên quan đến Hội chuyên ngành và đơn vị truyền thống.
- Các tổ chức Hội ở địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ Hội chuyên ngành và đơn vị truyền thống hoạt động có hiệu quả thiết thực. Hội chuyên ngành và đơn vị truyền thống tại địa phương có trách nhiệm báo cáo với Hội địa phương và Hội chuyên ngành, đơn vị truyền thống để cùng phối hợp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì Hội cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Hội chuyên ngành, đơn vị truyền thống để xử lý.
6. Văn phòng và các Ban Chuyên môn
Văn phòng và các Ban Chuyên môn được thành lập theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội. Hoạt động theo Quy chế do Ban Thường vụ Hội quy định.
7. Tài chính, tài sản của Hội quy định tại Chương VI
Công tác Quản lý, sử dụng Tài chính, tài sản thực hiện theo Điều lệ Hội và Quy chế quản lý, sử dụng Tài chính của Ban Chấp hành Hội.
8. Khen thưởng, Kỷ luật quy định tại Chương VII
a) Khen thưởng
Việc khen thưởng tổ chức Hội, hội viên thực hiện theo Quy chế Công tác Thi đua - Khen thưởng của Hội đồng thi đua - khen thưởng Hội Trường Sơn Việt Nam.
b) Kỷ luật
- Thực hiện theo Điều lệ hội, Quy chế công tác Kiểm tra của Ban Chấp hành và hướng dẫn của Ban Kiểm tra.
Trên đây là hướng dẫn thực hiện một số điều của Điều lệ (sửa đổi, bổ sung). Những vấn đề không nêu trong hướng dẫn này thì thực hiện theo quy định của Điều lệ và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị kịp thời phản ánh với Thường trực Hội để tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ (để b/c);
- Bộ VHTT và DL (để b/c);
- Các Hội viên Tổ chức;
- Các đ/c UVBCH, Ban K.tra;
- Lưu V/thư, Tổ chức. |
T/M. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH
Thiếu tướng Võ Sở |