Nhân năm Quý Mão, tìm hiểu về bệnh dại ở mèo

Ngày đăng: 09:58 26/01/2023 Lượt xem: 109
 

 
NHÂN NĂM QUÝ MÃO, TÌM HIỂU VỀ BỆNH DẠI Ở MÈO
 
Bệnh dại được gây ra bởi một loại virus lây truyền có tên khoa học là Virus RNA sợi đơn thuộc chi Lyssavirus, họ Rhabdoviridae. Loại virus này truyền nhiễm rất nhanh và có thể tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương của mèo.
Khi mèo bị mắc bệnh dại ở giai đoạn đầu thường có các triệu chứng như: Bị đau cơ, không thích đi lại nhiều; luôn bồn chồn, lo lắng, dễ cáu gắt, hay rùng mình; thường sợ ánh sáng mạnh và luôn tìm nơi tối, kín đáo ẩn nấp; chán ăn hoặc bỏ ăn. Nhiệt độ cơ thể của mèo tăng cao do sốt. Mèo bị ho hen, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy.
Có thể nhận biết bệnh dại ở mèo qua 2 thể bệnh thường thấy là thể dại điên cuồng và thể dại “đơ”. Khi mắc ở thể dại điên cuồng, mèo thường hung hãn hơn và có biểu hiện:
- Sợ gặp nước, nghe thấy tiếng nước thì rùng mình.
- Miệng thường sủi bọt quanh mép và nước bọt tiết ra không kiểm soát.
- Dữ tợn, nhe răng cắn xé hoặc tấn công người lạ hay vật nuôi khác.
- Có những hành vi bất thường, hay bồn chồn, tự cắn vào cơ thể của mình.
- Không ăn uống hoặc bỏ ăn. Mèo có thể chết sau 3 – 7 ngày.
Khi mắc ở thể dại “đơ”, mèo có dấu hiệu lờ đờ, hoảng loạn, ủ rũ, và có biểu hiện:
- Bị bại liệt, không thể di chuyển bằng chân. Cơ hàm và một phần cơ thể cũng bị liệt.
- Do cơ hàm bị liệt nên nước bọt thường tiết ra mất kiểm soát.
- Nhai nuốt khó ăn nên thường bỏ ăn. Mèo có thể bị chết sau 2 – 3 ngày.
Nguyên nhân mèo bị mắc bệnh dại:
Nguyên nhân trực tiếp:
Sự tiếp xúc giữa 1 con mèo bị dại cắn vào 1 con mèo bình thường. Qua vết thương, con mèo bình thường bị lây nhiễm bệnh dại.
Nguyên nhân gián tiếp:
- Một số trường hợp ít gặp có thể bị lây qua đường hô hấp (tiếp xúc của nước bọt).
- Nước bọt của mèo bị dại chứa Lyssavirus có thể lây nhiễm chéo qua những vết thương cơ giới, hở, chưa lành của con mèo bình thường.
Cách phòng chống bệnh dại ở mèo
- Cần tiêm phòng dại định kỳ cho mèo. Nên bắt đầu từ khi mèo con được 5 – 6 tuần tuổi.
- Chủ nuôi cần giữ mèo trong nhà nhiều nhất có thể để tránh tiếp xúc với những vật nuôi bị bệnh dại. Chỉ nên cho phép mèo ra ngoài khi có sự giám sát của chủ.
- Khi sử dụng những dịch vụ trông giữ thú cưng ở ngoài, chủ nuôi cần phải tham khảo môi trường tại đó có động vật nào bị bệnh không. Nếu không thì có thể yên tâm gửi gắm mèo cưng tại đó.
- Khi phát hiện thấy vật nuôi khác bị dại, cần cách ly ngay với những vật nuôi bình thường để tránh khả năng lây nhiễm cao.
- Vệ sinh sạch sẽ và khử trùng không gian nơi mèo ở cũng như nơi mà mèo hay lui tới.
Mèo chỉ chiếm từ 2 – 5% nguy cơ mắc bệnh dại; nguồn mang bệnh dại ở vật nuôi chủ yếu xuất hiện từ chó (chiếm đến 90%).
Người bị nhiễm bệnh dại do mèo dại cắn, có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng khi virus bắt đầu xâm nhập vào bên trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng. Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.
Người bị mèo dại cắn cần rửa ngay vết cắn bằng xà phòng hoặc thuốc sát trùng, đồng thời khẩn trương đến cơ sơ y tế chuyên ngành xử lý.

 
Trương Văn Nhi
Sưu tầm và biên soạn
tin tức liên quan