Đam mê trồng rau sạch nhưng sân thượng nhà chị Phạm Hương Lan (SN 1979) ở Cẩm Khê, Phú Thọ lại có mái che, không đủ ánh sáng để trồng rau xanh. Cái khó ló cái khôn, với sân thượng 20m2 có 3 mặt thoáng, chị Lan đầu tư hệ thống vườn treo để tận dụng ánh sáng xung quanh nhà.
Bà chủ khu vườn kể: “Bỏ không sân thượng thì tiếc, tôi thuê thợ làm hệ thống khung giàn treo để trồng các chậu rau, vừa có rau sạch ăn hàng ngày vừa che mát cho nhà luôn”.
“Hệ thống khung treo làm bằng thép và sơn tĩnh điện chống rỉ được gắn lên khoảng trống giữa các cột và tường nhà. Mỗi chậu trồng cây bán thủy canh tôi mua năm 2017 là 50.000đ/chiếc. Tổng đầu tư hơn 10 triệu đồng cho khu vườn có 150 chậu treo và hệ thống tưới nước tự động này”, chị Lan cho biết.
Ban đầu, khi biết chị có ý định trồng rau sạch trên sân thượng mọi người trong gia đình đều can ngăn. Bởi việc đầu tư cho khu vườn sân thượng vừa tốn kém vừa mất công. Thế nhưng, để có được rau hữu cơ thật sạch phục vụ cho bữa ăn gia đình, chị Lan vẫn quyết tâm trồng.
Đam mê là vậy nhưng phải mất 2 năm, qua nhiều vụ rau thất bại, tốn nhiều tiền mua giống, mua phân bón… chị Lan mới tích lũy được nhiều kinh nghiệm để thực sự làm chủ khu vườn của mình.
“Bây giờ tôi đúng nghĩa nông dân tầng thượng, trồng chơi ăn thật. Mùa nào nhà tôi cũng có đủ các loại rau xanh cho cả gia đình”, chị Lan hào hứng chia sẻ.
Nhiều bạn bè và người đam mê làm nông dân sân thượng tìm đến học tập mô hình trồng rau sạch độc đáo của chị Lan.
Chị Lan cho biết, mỗi chậu treo có đường kính 20cm, có thể chứa 2 lít nước bên dưới. Vì thế tùy cây, tùy điều kiện thời tiết mà chị tưới hàng ngày hoặc 2-3 hôm mới phải tưới nước một lần.
“Chậu nhỏ nên cần rất nhiều dinh dưỡng. Sáu năm trồng rau luân phiên nhiều vụ tôi chưa phải thay đất nhưng hàng tuần đều bổ sung dưỡng chất cho cây bằng cách phun qua lá hoặc bón trực tiếp vào đất”, chị Lan chia sẻ.
Mùa đông chị Lan trồng bắp cải, su hào, súp lơ. Mùa hè chị trồng dưa lê, dưa lưới, dưa Hàn Quốc, cà chua, rau muống… Khu vườn luôn xanh mát quanh năm, mùa nào thức ấy.
“Có điều vườn đẹp mà toàn bị các em cây "quay lưng" với chủ. Cây có đặc tính hướng sáng nên phần ngọn lá mọc hướng ra ngoài tường nhà. Muốn có ảnh đẹp sống ảo là tôi phải xuống đường hoặc sang nhà hàng xóm chụp mới được”, chị Lan cười nói.
Tuyệt chiêu đuổi côn trùng
Điều đặc biệt ở khu vườn treo của chị Lan là không hề thấy bóng dáng của sâu, bướm. Tuyệt chiêu đuổi côn trùng của chị là sử dụng thuốc lào.
“Lấy thuốc lào ngâm với nước nóng để qua đêm, sáng hôm sau lọc nước đó đem phun. Mỗi tuần phun 1 lần, đảm bảo không có con bướm nào dám bay tới đẻ trứng”, chị Lan chia sẻ kinh nghiệm.
Bã thuốc lào sau khi ngâm lọc lấy nước, chị Lan cho vào túi lưới và treo cạnh chậu cây cũng có tác dụng xua đuổi côn trùng. “Chỗ nào cũng có thuốc lào, chồng tôi còn trêu, hỏi tôi nghiện thuốc lào à”, chị Lan cười kể lại.
Nước thuốc lào còn được chị Lan dùng khi làm đất trồng rau. Sau khi trộn đất để trồng cây, nữ nông dân sân thượng sẽ tưới thật đẫm nước thuốc lào để tiêu diệt trứng sâu, cuốn chiếu hay sên nhỏ.
"Để có được khu vườn rau sạch, xanh và đẹp, ngoài việc đảm bảo cây luôn đủ nước, đủ dinh dưỡng phải thêm cả niềm đam mê nữa. Bù lại, sau mỗi ngày làm việc căng thẳng mệt mỏi, chỉ cần lên khu vườn này là mọi mệt nhọc như tan biến hết", chị Lan nói.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
(PS st theo VietNamnet)