Gia Cát Lượng, người đã lập công lớn thời Tam Quốc, không chỉ túc trí đa mưu, xuất chúng hơn người, mà còn có dung mạo “chuẩn men”, thân hình cao tám thước, dung mạo tuấn tú, ai nhìn thấy cũng phải khen ngợi. Khi Gia Cát Lượng ở tuổi đôi mươi muốn thành gia lập thất, người vợ lý tưởng của người đàn ông trí tuệ này sẽ là người phụ nữ như thế nào?Một ngày nọ, một người đàn ông với thân hình cao lớn, hào sảng đến thăm Gia Cát Lượng, nói với ông rằng: “Nghe nói Gia Cát tiên sinh muốn chọn bạn đời. Tôi có một cô gái xấu xí, mái tóc vàng và làn da ngăm đen, nhưng tài năng của con bé rất xứng với ông”.
Người đến là Hoàng Thừa Ngạn, một danh sĩ nổi tiếng ở Miện Nam (một phần của Tương Dương), đến đề thân (tức cầu hôn) cho con gái của mình. Cô con gái tên là Hoàng Thạc, còn gọi là Hoàng Nguyệt Anh. Sau khi nói chuyện với Hoàng Thừa Ngạn một hồi, Gia Cát Lượng ngay lập tức đồng ý chuyện hôn sự này và nhanh chóng lên đường đến Hoàng phủ, chuẩn bị nghênh thân (rước dâu).
Người trong làng đàm tiếu chuyện Gia Cát Lượng lấy người vợ xấu xí, nói rằng “Khổng Minh không chọn vợ thì thôi, chọn thì sẽ lấy người phụ nữ xấu”, hơn nữa còn lưu truyền khắp làng xóm. Tuy nhiên, trước những lời đàm tiếu này tâm của Gia Cát Lượng đúng như cái tên của ông, vẫn rất vô tư trong sáng.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có miêu tả, nói rằng vợ Gia Cát Lượng có dung mạo xấu xí nhưng lại có kỳ tài, “Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý; phàm là các sách lược binh thư, không gì không thông hiểu”. Hơn nữa còn có câu nói, “Việc học của Vũ Hầu (Gia Cát Lượng), phần nhiều đều do phu nhân trợ giúp vậy”.
Từ đó có thể thấy được rằng, Hoàng Thạc căn bản không phải là một nữ tử bình thường, tài năng và sở trường của cô ấy rất khác biệt với mọi người, cô ấy cùng Gia Cát Lượng không chỉ là một cặp xứng đôi mà còn là một đôi do trời đất sắp đặt. Gia Cát Lượng không phải là hạng phàm phu tục tử đến nhân gian vài ngày hưởng chút phúc phận, cho nên ông chọn vợ rất tinh tường, sáng suốt.
Gia Cát Lượng đến Hoàng phủ gặp vị hôn thê. Khi vừa bước vào cổng vườn thì có hai con chó hung dữ xông về phía ông. Một nha hoàn từ phía sau đi đến vỗ vào đầu hai con chó một cái, hai con chó lập tức đứng im bất động. Gia Cát Lượng nhìn kỹ, hóa ra đó là hai con chó gỗ nhưng giống y như thật vậy.
Lúc này, Hoàng Thừa Ngạn đi ra đón con rể tương lai, Gia Cát Lượng khen ngợi ý tưởng sáng tạo rất khéo léo ở hai con chó gỗ của nhạc phụ.
Hoàng Thừa Ngạn cười nói: “Đây là đồ chơi mà tiểu nữ thử làm”.
Hoàng Thừa Ngạn dẫn con rể tương lai đến sảnh đường, ánh mắt của Gia Cát Lượng bị hấp dẫn bởi bức “Tào đại gia cung uyển thụ độc đồ” ở trên tường, bất giác tán thưởng: “Thật là bức tranh tinh tế sinh động!”
Hoàng Thừa Ngạn lại nói: “Đây là tác phẩm do tiểu nữ chính tay bôi vẽ!”
Gia Cát Lượng lúc này càng chắc chắn người mình chọn là một hiền thê đa tài đa nghệ, tâm trí thâm sâu, chứ không phải là một bình hoa.
Gia Cát Lượng lấy được Hoàng Thạc, quả nhiên có được vị hiền thê giúp chồng dạy con. Có được sự trợ giúp của thê tử tài năng bất phàm, Gia Cát Lượng như hổ mọc thêm cánh, hóa giải được nhiều vấn đề khó khăn trong nhà và trong quân.
Khi họ còn sống ở Long Trung, phía tây thành Tương Dương (thuộc huyện Đặng, Nam Dương), đã từng đón tiếp không ít khách nhân. Gia Cát Lượng dặn vợ chuẩn bị mì đãi khách, một lúc sau, mì nóng hổi đã được dọn lên bàn. Tốc độ này ngoài sức tưởng tượng của Gia Cát Lượng, trong lòng tràn đầy nghi hoặc, ông vào bếp tìm hiểu chuyện gì xảy ra, liền thấy ngoài bếp có mấy người gỗ đang làm việc, có người đang cắt mì, có người đang xay bột. Hóa ra, người vợ đã phát huy hết kỹ xảo, trí tuệ chế tạo ra cơ khí. Gia Cát Lượng thỉnh giáo vợ truyền lại kỹ thuật khéo léo này cho mình, rồi đem nó ứng dụng một cách hiệu quả. Và “Trâu gỗ ngựa máy” sau này giúp ông vận chuyển quân nhu trên chiến trường chính là ra đời từ đó.
Bạn bè thân hữu đến nhà Gia Cát đều được tiếp đãi chu toàn, ai ai cũng ngưỡng mộ nhãn quang độc đáo của Gia Cát Lượng, cưới được một người phụ nữ tài giỏi trong thiên hạ, một người bạn đời thông tuệ, hiền lương.
Sau khi Hoàng Thạc được gả cho Gia Cát Lượng, mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà bà đều xử trí ổn thỏa, nuôi nấng dạy dỗ con cái, cầm chày giã gạo, trồng dâu nuôi tằm, thảy đều không cần Gia Cát Lượng lo lắng. Bà đã trồng tới 800 cây dâu, để lại gia nghiệp cho đời sau. Cách giáo dục của Hoàng Thạc đối với ba người con trai của mình nằm ở hai chữ “Trung, Hiếu”. Con trai Gia Cát Lượng là Gia Cát Chiêm từ nhỏ thông minh đĩnh ngộ, sau này kế thừa tước vị của Gia Cát Lượng, vâng lời gia huấn, vì nước xả nghĩa, bỏ mạng trên chiến trường.
Sau khi Gia Cát Lượng cúc cung tận tụy, không lâu sau vợ ông cũng qua đời. Trong những năm cuối đời, Gia Cát Lượng đã để lại dự ngôn “Mã Tiền Khóa” cho lịch sử, dự đoán lịch sử từ thời Tam Quốc cho đến Dân Quốc, những tiên tri này đều ứng nghiệm chính xác.
Cuộc hôn nhân của cặp đôi tài giỏi này dường như là theo mệnh mà đến, viết nên kỳ tích lịch sử thời Tam Quốc, để lại truyền thuyết về lòng trung nghĩa và giai thoại hôn nhân giữa nhân gian. Vậy mới thấy rằng, cái gọi là đẹp xấu trên đời có thể chỉ là trò bịt mắt để thử trí tuệ chân chính mà thôi!