Bất ngờ mảnh thiên thạch 'đẻ' toàn siêu kim cương
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Bên trong mảnh thiên thạch rơi xuống Trái đất, các nhà khoa học đã tìm thấy một loại siêu kim cương.
Ngày 4/9/1886, một mảnh thiên thạch được tìm thấy tại ngôi làng Urey ở Cộng hòa Mordovia (Nga), sau đó được đặt tên là ureilite theo tên của ngôi làng. Ureilite là một loại thiên thạch hiếm, chỉ chiếm 0,6% tổng số các thiên thạch rơi xuống Trái đất được ghi nhận đến nay. Ureilite không những hiếm mà còn đặc biệt bởi tuổi đời của nó lên tới 4,6 tỷ năm, cùng thời với Mặt trời.
Mảnh thiên thạch vẫn luôn được lưu giữ tại viện bảo tàng. Sau thời gian nghiên cứu, các chuyên gia của Viện Tinh thể học và Viện Khoa học - Công nghệ Plasma thông báo tìm thấy một lượng kim cương đáng kể trong một tảng Ureilite. Những viên kim cương lục giác được tìm thấy trong mảnh thiên thạch sau đó được đặt tên là lonsdaleite. Phần kim cương này chủ yếu được bọc trong lớp than chì có trong mảnh thiên thạch.
Lát cắt của mảnh thiên thạch có chứa siêu kim cương. (Ảnh: Science Alert)
Các nhà khoa học ủng hộ giả thuyết rằng những viên kim cương tìm thấy được sinh ra khi mảnh hành tinh này đâm vào Trái đất. Họ tin rằng khi một thiên thạch rơi xuống Trái đất, sức nóng và áp suất của vụ va chạm cũng có thể biến đổi các thành phần than chì có trong đá thành những viên kim cương.
Giống như than chì, than củi và kim cương, lonsdaleite là một dạng cấu trúc đặc biệt của carbon. Chúng mang cấu trúc gồm các nguyên tử carbon với 4 electron liên kết chặt chẽ, làm cho toàn bộ cấu trúc đủ mạnh để tạo nên một trong những thứ tinh thể cứng nhất Trái Đất.
Cấu trúc tinh thể của lonsdaleite cũng bảo tồn hoàn hảo hình dạng lục giác của graphite, tăng độ cứng cho vật liệu và khiến nó "siêu đẳng" hơn kim cương trên Trái Đất.
( C. H sưu tầm)