Sự liên kết bí ẩn của vua Bảo Đại và con số 13
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Không chỉ là vị vua thứ 13 đánh dấu sự sụp đổ của vương triều, Bảo Đại còn có sự gắn bó với con số bị coi là đen đủi này trong nhiều sự kiện cuộc đời ông.
Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, thoái vị năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Sự kiện ông rời khỏi ngai vàng cũng là sự kết thúc của chế độ quân chủ tại Việt Nam. Ông qua đời tại Pháp năm 1997, thọ 83 tuổi.
Bảo Đại - vị vua cuối cùng của Việt Nam.
Ngoài vai trò là ông vua cuối cùng, cuộc đời Bảo Đại được nhắc đến nhiều nhất với lối sống hưởng thụ và chuyện tình ái với nhiều phụ nữ xinh đẹp. Ngoài ra khi kể về ông, người ta cũng thấy kỳ lạ vì sự gắn bó với con số 13 định mệnh.
Những con số 13 trong cuộc đời vua Bảo Đại
Có thể kể đến những con số 13 liên quan đến vị quân chủ cuối cùng của Việt Nam như sau:
1. Bảo Đại sinh ra tại kinh thành Huế năm 1913, ngày 22/10. Ông là con của vua Khải Định và cung nữ Hoàng Thị Cúc (tức Thái hậu Từ Cung, phong hiệu chính thức là Đoan Huy Hoàng thái hậu). Đến nay, nhiều học giả vẫn đặt dấu hỏi lớn về thân thế của Bảo Đại, về việc người cha thực sự của ông là ai, vì theo các ghi chép lịch sử, vua Khải Định bị vô sinh và không thích gần đàn bà.
Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy được tấn phong Đông cung Hoàng Thái tử năm 2022.
2. Vua Bảo Đại lên ngôi năm 13 tuổi. Năm 9 tuổi, chính xác là ngày 28/4/1922, Hoàng tử Vĩnh Thụy được xác lập là Đông cung Hoàng Thái tử. Sau đó, ông trở thành con nuôi của vợ chồng cựu Khâm sứ Trung Kỳ là Jean François Eugène Charles và được đưa sang Pháp học.
Ngày 6 tháng 11 năm 1925, vua cha Khải Định mất, ông về nước thọ tang và đến ngày 8/1/1926, Vĩnh Thụy lên ngôi. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau đó, nhà vua đã trở lại Pháp tiếp tục học hành, đến năm 1932 mới về nước, bắt đầu trị vì.
3. Với việc nối ngôi Khải Định, Bảo Đại trở thành vị vua thứ 13 của nhà Nguyễn. Triều đại này bắt đầu từ Gia Long và những vị vua tiếp theo đó gồm Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại.
Vua Bảo Đại ngồi trên ngai vàng trong điện Thái Hòa.
4. Bảo Đại trị vì trong 13 năm. Tính từ lúc được tôn làm vua (sau khi vua cha qua đời) đến khi thoái vị, Bảo Đại ở ngôi 19 năm. Tuy nhiên thời gian ông chính thức trị vì chỉ có 13 năm, tính từ năm 1932 khi ông chấm dứt thời kỳ du học, từ Pháp trở về nước chấp chính. Tới năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, trở thành công dân Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, nhận lời làm cố vấn của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Câu nói nổi tiếng của ông giai đoạn này là "Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ".
5. Có 13 người con được ghi nhận: Bảo Đại là vị vua duy nhất của triều Nguyễn không có tam cung lục viện. Một trong những điều kiện mà Hoàng hậu Nam Phương đưa ra để chấp nhận lời cầu hôn chính là nhà vua phải đồng ý "một vợ một chồng".
Tuy nhiên, với bản tính phong lưu đa tình, ông có rất nhiều tình nhân, trong đó có 2 mỹ nhân rất gắn bó mà người đời vẫn gọi là thứ phi - bà Phi Ánh và bà Mộng Điệp. Sau khi Hoàng hậu Nam Phương qua đời, Bảo Đại tuy có rất nhiều phụ nữ khác nhưng chỉ làm hôn thú với bà Monique Marie Eugene Baudot người Pháp vào năm 1982.
Hoàng hậu Nam Phương và 5 người con với vua Bảo Đại.
Cho đến nay, có 13 người con của vua Bảo Đại được biết đến, trong đó có 5 người con chính thức do Hoàng hậu Nam Phương sinh ra. Những người con ngoại hôn là của các bà Mộng Điệp (2 trai, 1 gái), Phi Ánh (1 trai, 1 gái), Hoàng Tiểu Lan - người Trung Quốc (1 con gái), Vicky - người Pháp (1 con gái) và một người con nữa không rõ. Ngoài ra, Thứ phi Mộng Điệp cho biết, trong sổ gia đình của vua Bảo Đại do bà Từ Cung giữ còn có thông tin về một người con nữa nhưng không ghi mẹ là ai.
6. An táng lúc 13h: Ông vua cuối cùng của Việt Nam qua đời lúc 5h ngày 31/7/1997 tại Bệnh viện Quân y Val-de-Grâce (Paris, Pháp). Đến ngày 6/8, ông được chôn cất tại nghĩa trang Thiên Chúa giáo Passy (Paris). Hôm đó trời rất trong xanh nhưng khi sắp đến giờ hạ huyệt thì mưa đột ngột đổ xuống, huyệt mộ ngập nước. Sợ trễ giờ tốt, mọi người ra sức tát cạn nước và khi nước cạn, trời bớt mưa thì đồng hồ điểm 13h. Cựu hoàng được hạ huyệt ngay lúc đó.
Một thông tin thú vị khác là chiếc đồng hồ Rolex Reference 6062 của vua Bảo Đại đã phá vỡ kỷ lục chiếc Rolex giá trị nhất thế giới trong buổi đấu giá tại Geneva (Thuỵ Sỹ) ngày 13/5/2017. Nó được bán với giá 5,066 triệu USD, tương đương 113 tỷ đồng tiền Việt Nam thời điểm đó.
( C. H sưu tầm)