Khi nào xung đột Israel – Hamas kết thúc?
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Trong khi căng thẳng tiếp tục leo thang tại dải Gaza, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi “thoả thuận ngừng bắn nhân đạo” ngay lập tức.
Kể từ sau sự kiện Hamas thực hiện cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào lãnh thổ Israel ngày 7/10, xung đột bùng phát và leo thang ở Trung Đông. Trước bối cảnh đó, tính đến cuối tháng 10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức 10 phiên họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình khu vực.
Vai trò Liên hợp quốc
Trong tại phiên họp thứ 10, diễn ra vào ngày 27/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết “Bảo vệ dân thường và duy trì các nghĩa vụ pháp lý và nhân đạo”, với tỷ lệ 120 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng.
Trong đó, nghị quyết yêu cầu các bên tuân thủ ngay lập tức và đầy đủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo quốc tế.
Đại hội đồng Liên hợp quốc họp về xung đột dải Gaza ngày 27/10. (Ảnh: UN)
Đại hội đồng cũng kêu gọi mở đường tiếp cận nhân đạo ngay lập tức, đầy đủ, bền vững, an toàn và không bị gián đoạn để Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc và Cơ quan Người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA), cũng các cơ quan nhân đạo khác của Liên hợp quốc và các đối tác, tiến vào dải Gaza.
Ngoài ra, Đại hội đồng cũng kêu gọi hủy bỏ lệnh yêu cầu thường dân Palestine và nhân viên Liên hợp quốc rời khỏi khu vực ở dải Gaza của Israel.
Đồng thời, thông qua nghị quyết, các nước thành viên Liên hợp quốc cũng kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả người dân đang bị giam giữ bất hợp pháp và nhấn mạnh tác động nghiêm trọng mà xung đột vũ trang đã gây ra đối với phụ nữ, trẻ em cũng như đối với những thường dân khác.
Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn tình trạng bất ổn và leo thang bạo lực hơn nữa trong khu vực và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa các hành động có thể khiến căng thẳng tiếp tục leo thang.
Đồng thời, cơ quan này tái khẳng định giải pháp công bằng cho cuộc xung đột Israel - Hamas chỉ có thể đạt được bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên Hiệp định Liên hợp quốc liên quan.
Tuy nhiên, phía Israel phản đối đối với động thái trên của Liên hợp quốc. Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan nói rằng Liên hợp quốc đến nay “không còn đảm bảo công bằng và liên quan” tới vấn đề trên. Ông cho rằng Israel vừa phải đối mặt với vụ thảm sát người Do Thái tồi tệ, lớn nhất.
Theo đại diện Israel, các gia đình và cộng đồng Israel đã bị lực lượng Hamas sát hại và khẳng định Israel “sẽ không ngồi yên đợi Hamas tái vũ trang và thực hiện các hành động tàn bạo như vậy”.
Ông nói: “Tất cả chúng ta đều biết rằng nếu có cơ hội, Hamas và Hezbollah sẽ thực hiện vụ thảm sát ngày 7/ 10 hết lần này đến lần khác, cho đến khi không còn một người Israel nào”.
Trong khi đó, Riyad Mansour, Quan sát viên thường trực của Nhà nước Palestine, cho rằng, các quốc gia yêu chuộng hòa bình đã đứng lên và chứng tỏ cộng đồng quốc tế không từ bỏ lời hứa, mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc và đã không bỏ rơi người dân Palestine trong những giờ phút đen tối nhất này.
Ông cho biết ông cảm ơn tất cả các quốc gia đã bỏ phiếu tán thành dự thảo nghị quyết do Jordan đưa ra và được 46 quốc gia đồng bảo trợ.
Qatar nắm giữ "chìa khoá"
Khi xung đột nổ ra giữa Israel và Hamas, nhiều chuyên gia đã nhận định nước duy nhất nắm giữ “chìa khoá” cho cuộc xung đột này là Qatar.
Theo Times of Israel, kể từ khi lên nắm quyền 10 năm trước, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, 43 tuổi, đã quyết tâm định vị lại đất nước của mình - một trong những nước giàu nhất thế giới, với trữ lượng khí đốt lớn thứ ba và thu nhập bình quân đầu người cao thứ sáu, trở thành một “người chơi” trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu.
Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani. (Ảnh: AP)
Theo đó, cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã trao cho Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani cơ hội đạt được vị thế cao hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Ả Rập nào khác trong thời gian dài. Trong đó, ông có quan hệ tương đối tốt với người Palestine. Bộ ngoại giao Qatar cũng chưa một lần lên án các hành động mà Hamas đã thực hiện sau vụ tấn công ngày 7/10.
Ngoài ra, lực lượng Hamas cũng “mang ơn” Qatar vì từng cung cấp nơi trú ẩn cho họ vào năm 2012 khi chiến tranh nổ ra ở Syria, cung cấp căn cứ để họ lập kế hoạch đàm phán với Iran và viện trợ hàng triệu USD hàng năm giúp đỡ người nghèo ở Gaza. Do đó, có thể thấy Qatar có tầm ảnh hưởng tới lực lượng Hamas này.
Đến nay, Qatar đã thuyết phục được Hamas thả 4 người bị bắt, tất cả đều là phụ nữ và họ vẫn đang hy vọng vào các tiến triển khác. Dù vậy, diễn biến vẫn tương đối chậm.
Loạt nước muốn làm trung gian hoà giải
Ngoài Qatar, nhiều quốc gia khác trong khu vực đã ngỏ ý muốn trở thành trung gian kiến tạo một thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị trở thành người đứng giữa giúp “phân xử” tình hình - nếu được cả hai bên yêu cầu. Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một số ảnh hưởng đối với Hamas.
Dù vậy, bất chấp mỗi quan hệ giữa Hamas và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng như việc Ankara liên tục lên án Israel kể từ ngày 7/10, người Ả Rập có thể vẫn muốn một nhà lãnh đạo Ả Rập đóng vai trò lãnh đạo trong thoả thuận này. Hiện tại, Doha và Ankara là đồng minh và cho biết họ đang phối hợp giải quyết vấn đề.
Nhiều quốc gia muốn đóng vai trò trung gian giúp Israel và Hamas đạt được thoả thuận ngừng bắn. (Ảnh: Getty)
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Oman cũng là một đối tác đáng tin cậy và tương đối trung lập đối với phương Tây vì nước này đã giúp xây dựng nền tảng cách đây một thập kỷ cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các quan chức Mỹ và Iran, với đỉnh điểm là thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Iran. Tuy nhiên, Oman lại không có ảnh hưởng trực tiếp với Hamas.
Trước đây, Ai Cập từng thành công trong vai trò trung gian hòa giải giúp chấm xung đột hồi tháng 5/2021 giữa Hamas và Israel. Nước này đang duy trì liên lạc với cả hai bên để ngăn chặn bạo lực leo thang. Theo đó, nhiều quốc gia khác đã tham gia phối hợp với Ai Cập để đưa viện trợ nhân đạo khẩn cấp tới Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah của nước này.
Xung đột sẽ chấm dứt?
Nhiều quốc gia kêu gọi ngừng bắn ở dải Gaza, cho rằng chỉ có ngoại giao và giải pháp hai nhà nước - trong đó hình thành một Nhà nước Palestine độc lập cùng với nhà nước Israel, mới mang lại hòa bình và ổn định.
Tuy nhiên, hiện tại, lệnh ngừng bắn gần như không thể thực hiện được, khi cuộc xung đột có thể sắp bước vào giai đoạn “nóng” với các cuộc tấn công dồn dập trên thực địa.
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều dự đoán về các kết quả của cuộc xung đột Israel và Hamas, cho rằng xung đột sắp bước vào giai đoạn tàn khốc hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, xung đột Israel - Hamas khó có khả năng giảm thang, trong đó dân thường được cho là sẽ phải gánh chịu gánh nặng của cuộc giao tranh.
Yossi Mekelberg, tại Chương trình Trung Đông và Bắc Phi thuộc Chatham House, cho biết: “Tôi cho rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Có thể sẽ có một chiến dịch trên bộ, đây là thực tế. Israel đã mất thời gian để tập hợp lại và huy động lực lượng dự bị và giờ đây họ đã sẵn sàng tấn công Gaza".
Cảnh đổ nát tại Rafah, dải Gaza. (Ảnh: AP)
Trả lời phỏng vấn hãng tin SBS News, chuyên gia Trung Đông tại Đại học Charles Sturt - Sally Totman cho rằng có khả năng Israel sẽ tiêu diệt Hamas nhưng điều đó sẽ đẩy xung đột theo hướng khác.
“Ngày càng có nhiều bên bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự trong tương lai. Vì vậy, một nhóm Palestine khác chống Israel có thể sẽ thế chỗ Hamas”, bà Sally Totman chia sẻ.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia Sally Totman, một nhóm vũ trang khác như Houthi, Hezbollah, Hồi giáo Jihadcó có thể thay thế Hamas, tiếp tục các hành động bạo lực hơn nữa trong khu vực.
Trong khi đó, ông Martin Kear, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Sydney chuyên về chiến tranh và xung đột, cho rằng việc xoá sổ hoàn toàn Hamas là không thể. Ông nói với SBS News: “Hamas tồn tại bên trong và bên ngoài các vùng lãnh thổ, vì vậy các thành viên của tổ chức này cũng sẽ đến những nơi khác”.
( C. H sưu tầm)