Những sai lầm nguy hiểm khi chế biến và ăn khoai lang

Ngày đăng: 04:11 20/11/2023 Lượt xem: 106
Những sai lầm nguy hiểm khi chế biến và ăn khoai lang

Khoai lang là một trong những loại thực phẩm được ưa thích vào mùa đông, nhưng không ít người vướng phải thói quen lựa chọn, bảo quản và chế biến không đúng cách khiến chúng mất đi hương vị ngon nhất, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

Mua khoai lang có vết bầm tím

Khoai lang có vết cắt, vết lõm và vết thâm chứng tỏ rằng chúng đã bắt đầu hỏng, vì vậy bạn chỉ nên tìm mua những củ có vỏ mịn và không có vết nứt.

Nếu khoai lang có một hoặc hai phần bị bầm nhỏ, bạn có thể cắt chúng ra và giữ lại phần còn mới, sau đó cắt thành khối hình hạt lựu để chế biến các món ăn phụ.

Bảo quản khoai lang trong tủ lạnh

Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm với khoai lang là cho chúng vào tủ lạnh. Ở trong môi trường quá lạnh sẽ làm thay đổi cấu trúc tế bào của khoai lang và khiến chúng cứng ở giữa (ngay cả sau khi chúng đã được nấu chín).

Và điều đó sẽ là thảm họa đối với các công thức nấu hoặc nướng nguyên củ khoai lang. Tốt nhất bạn nên bảo quản khoai lang ở nơi tối, mát mẻ để chúng luôn được nấu mềm và giữ được vị ngon ngọt.

Bỏ qua bước chà và rửa

Khoai lang mọc trong lòng đất, vì vậy việc bỏ qua bước làm sạch có nghĩa là bụi bẩn hoặc sạn có thể đọng lại trong món ăn của bạn, phổ biến nhất là món khoai lang hầm hoặc khoai lang thả trong nồi lẩu.

Vì vậy, trước khi nấu hoặc cắt khoai lang, hãy rửa sạch vỏ và chà sạch chúng bằng bàn chải.

Không ăn vỏ khoai lang

Theo giới chuyên gia, bạn nên ăn khoai lang cả vỏ. Việc loại bỏ vỏ đồng nghĩa với việc loại bỏ một số chất dinh dưỡng khỏi khoai lang, vì vậy đừng gọt vỏ nếu bạn đang chế biến các công thức khoai lang tốt cho sức khỏe. Vỏ cũng giúp bên trong giữ ẩm khi khoai chín.

Cắt khoai lang quá sớm trước khi nấu

Cắt khoai lang trước là một sáng kiến tuyệt vời để chuẩn bị bữa ăn một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn, nhưng khoai lang sống sẽ khô khá nhanh sau khi cắt. Vì vậy, nếu muốn cắt khoai lang trước, hãy nhớ bảo quản chúng bằng cách ngâm tạm thời trong nước lạnh.

Luộc khoai lang để làm bánh khoai lang

Nhiều công thức làm bánh khoai lang yêu cầu luộc khoai để làm nhân. Nhưng các chuyên gia khuyên bạn nên hấp hoặc nướng khoai lang trong lò.

Nước sẽ làm mất đi một số hương vị và chất dinh dưỡng của khoai, khiến bánh có thể bị chảy nước. Thay vào đó, nướng khoai trong lò sẽ giữ được vị ngọt, giúp bánh thơm ngon hơn.

Nướng khoai lang không chọc thủng vỏ

Không ai muốn trải nghiệm một vụ nổ khoai lang trong lò. Áp suất bên trong khoai lang (hoặc khoai tây thường) có thể tích tụ trong lò nóng. Bạn nên dùng dĩa chọc những lỗ nhỏ trên vỏ, đây là cách dễ dàng để hơi nước thoát ra ngoài, tránh thảm họa nổ khoai lang khi đang nướng.

Không kiểm tra xem khoai lang đã thực sự chín chưa

Không có gì tệ hơn một củ khoai lang chưa nấu chín. Thay vì mềm và ẩm, nó sẽ cứng và giòn.

Vì mỗi củ khoai lang có kích thước và độ dày khác nhau nên bạn không thể chắc chắn rằng nó sẽ chín trong 45 phút. Hãy tự kiểm tra bằng cách dùng dĩa chọc vào củ khoai. Nếu nó xiên qua một cách dễ dàng, chứng tỏ khoai đã chín.

Ăn khoai lang sống

Khoai lang sống sẽ khô khá nhanh sau khi cắt. (Ảnh: ITN)

Thực tế, bạn nên tuyệt đối tránh điều này. Bởi vì nếu không bị nhiệt phá hủy thì màng tế bào tinh bột của khoai lang sẽ rất khó tiêu hóa trong cơ thể. Đồng thời khi luộc khoai các enzyme trong khoai sẽ bị phân hủy, vì vậy, sau khi ăn sẽ không xuất hiện tình trạng đầy hơi, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn...

Sử dụng lò vi sóng để nấu khoai lang

Lò vi sóng là một công cụ hữu ích để cắt giảm một nửa thời gian nấu chín thực phẩm. Vấn đề duy nhất là thiết bị này sẽ nấu khoai lang không đều, vì vậy khoai vẫn cứng và vón cục ở một số chỗ trong khi ở những chỗ khác lại quá mềm.

Tốt nhất, hãy làm mềm khoai trong lò vi sóng từ 5 đến 6 phút, lật giữa chừng. Sau đó, chuyển chúng vào lò nướng ở nhiệt độ 425°F và nấu xong trong khoảng 20 phút cho đến khi chín.

Theo Theo tasteofhome.com/giaoducthoidai.vn


tin tức liên quan