Chuyên gia Việt Nam lý giải vì sao phương Tây khiếp sợ "hoàng đế" Iskander
Chuyên gia Việt Nam lý giải vì sao phương Tây khiếp sợ "hoàng đế" Iskander
Tác giả: Đại tá Phan Văn Từ /Nguồn:Báo Điện tử Tri Thức Trẻ
Iskander thách thức mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay và là mối đe dọa cho bất cứ ai muốn áp đặt những bất lợi an ninh cho Nga và các nước có trang bị tổ hợp này.
Đạn tên lửa R-500 thuộc tổ hợp Iskander-K rời bệ phóng
Iskander thách thức mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay và là mối đe dọa cho bất cứ ai muốn áp đặt những bất lợi an ninh cho Nga và các nước có trang bị tổ hợp này.
Alexander đại đế là vị vua huyền thoại mà người Nga quen gọi là Iskander. Hiện nay ở Nga khi nói về Iskander thì lập tức người ta nghĩ đến tổ hợp tên lửa chiến thuật - chiến dịch của quân đội Nga. Iskander có đặc điểm gì mà khiến phương Tây lo lắng khi Nga triển khai gần biên giới đông Âu?
Trước hết, nó có tên lửa rất đặc biệt áp dụng công nghệ tàng hình hiện đại nhất hiện nay. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp vật chất đặc biệt chỉ gồm các ion mang điện như đám mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar bị mất khả năng phản hồi.
Iskander còn có kết cấu ngoại hình rất độc đáo: Sau khi phóng, nó nhanh chóng vứt bỏ các bộ phận lồi ra bên ngoài như: mấu, móc, khớp (để kết nối cơ học với hệ thống phóng) làm cho tên lửa tròn nhẵn hơn, giảm diện tích phản xạ làm các loại radar không thể phát hiện được.
Tóm lại, khi bị Iskander tấn công đối phương luôn luôn bị bất ngờ vì các thiết bị cảnh giới không thể phát hiện được nó.
Thứ hai, Iskander có hệ thống điều khiển rất linh hoạt. Ở giai đoạn đầu sau khi phóng tên lửa được điều khiển bằng phương pháp dẫn đường quán tính. Khi tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách 30 - 40 km tên lửa được hiệu chỉnh quỹ đạo bằng định vị vệ tinh và được điều khiển bằng đầu tự dẫn quang học nên tránh được nhiễu điện từ.
Với các thiết bị điều khiển đó tên lửa có thể bay theo nhiều quỹ đạo linh hoạt khác nhau để tránh hỏa lực đối phương. Nó có thể bổ nhào thẳng đứng làm cho các phương tiện phòng thủ của đối phương bất lực.
Thứ ba, đầu nổ của nó rất uy lực. Tùy theo các phiên bản, khối lượng đầu nổ có thể từ 480 đến 700 kg chưa nói là nó còn có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân.
Iskander có đầu đạn dạng chùm, đầu đạn mẹ chứa 54 đầu đạn con, có thể mang 10 loại đầu đạn khác nhau: đầu đạn phá; đầu đạn xuyên thép để chống xe thiết giáp; đầu đạn cassette có lắp các bộ phận tự tìm mục tiêu để chống xe tăng; đầu đạn xuyên boong ke, hầm ngầm;
Bên cạnh đó còn có đầu đạn cháy chống bộ binh; đầu đạn xung điện từ (để phá vỡ, đốt cháy các công trình điện, điện tử, các hệ thống máy tính...). Loại Iskander-M mà quân đội Nga sử dụng còn có thể trang bị cả đầu đạn hạt nhân.
Thứ tư, nó có thể thả mục tiêu giả để nhử radar đối phương. Khi bay nó có thể phóng ra 10 đầu đạn giả bằng công nghệ phản xạ kim loại đa diện làm cho radar của đối phương không biết theo dõi mục tiêu nào trong 11 mục tiêu.
Thứ năm, tốc độ bay của tên lửa rất lớn khoảng 2.100 m/s (gấp 6 lần vận tốc âm thanh), do vậy, khả năng đánh chặn được Iskander là rất khó khăn.
Thứ sáu, đạn tên lửa là loại đạn có động cơ nhiên liệu rắn nên không mất thời gian nạp nhiên liệu, rút ngắn đáng kể thời gian sẵn sàng chiến đấu.
Thứ bảy, toàn bộ tổ hợp có tính cơ động rất cao, tất cả các trang thiết bị đều được để trên xe có khả năng việt dã tốt, triển khai nhanh chóng ở mọi địa hình, ngay cả bệ phóng cũng được trang bị trên xe chuyên dụng nên thời gian chuyển trạng thái chiến đấu rất ngắn.
Thứ tám, cự ly bắn linh hoạt. Tùy theo phiên bản, đối với Iskander-E, phiên bản xuất khẩu cự ly cực đại là 280 km (không quá 300 km) theo thông lệ quốc tế. Còn phiên bản Iskander-M trang bị cho quân đội Nga có cự ly cực đại là 480 km. Nếu tổ hợp được trang bị tên lửa hành trình thì cự ly tác chiến lên đến hàng nghìn km.
Xe mang phóng tự hành và xe nạp đạn của tổ hợp Iskander-M
Thành phần của tổ hợp:
• Các xe mang phóng tự hành 9P78E;
• Các xe chở đạn 9T250E;
• Xe chỉ huy;
• Xe đảm bảo tham số phóng;
• Xe bảo dưỡng kỹ thuật;
• Xe hỗ trợ khác.
Phóng tên lửa 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M
Đặc điểm của tổ hợp:
• Có khả năng tác chiến cao trong môi trường đối kháng chủ động của đối phương;
• Tên lửa có hệ số sẵn sàng chiến đấu cao trong quá trình chuẩn bị phóng và vận hành tin cậy trong hành trình tới mục tiêu;
• Cập nhật tự động phần tử bắn, nhiệm vụ và tham số phóng cho xe mang phóng trước khi tới vị trí triển khai;
• Khả năng di chuyển và cơ động chiến lược cao do thiết kế tương thích với nhiều loại hình phương tiện vận chuyển khác nhau;
• Kênh chỉ huy-thông tin tác chiến đồng bộ giữa các phân đội chiến đấu trong tổ hợp;
• Vận hành dễ dàng và tuổi thọ phục vụ cao.
Tất cả các xe trang bị trong hệ thống Iskander-E đều là xe việt dã bánh hơi hoạt động trên mọi địa hình và có khả năng cơ động cao. Đạn tên lửa là loại một tầng dùng thuốc phóng rắn, dẫn quán tính trong suốt đường đạn với đầu tự dẫn quang học dùng cho pha cuối, mang theo đầu nổ liền khối dạng chùm đạn, phá mảnh hoặc xuyên phá.
Xe mang phóng tự hành của tổ hợp Iskander-K (xa) và Iskander-M (gần)
Các phiên bản:
• Iskander-M: phiên bản dành riêng cho quân đội Nga, 2 bệ phóng tên lửa trên xe bệ phóng, tầm bắn khoảng 500 km, đầu đạn nặng 700 kg.
• Iskander-K: phiên bản cải tiến sử dụng tên lửa hành trình R-500 có thể đạt tầm bắn đến 2.000 km.
• Iskander-E: phiên bản xuất khẩu, có tầm bắn bị cắt giảm còn 280 km, khối lượng đầu đạn bị cắt giảm còn 480 kg nhằm đáp ứng những yêu cầu về kiểm soát công nghệ chế tạo tên lửa, chống sao chép.
Tên lửa Iskander-E xuất hiện trong cuộc duyệt binh của Armenia
Thông số kỹ thuật của Iskander-E:
• Tầm bắn (km):
- Tối đa: 280
- Tối thiểu: 50
• Bán kính vòng xác suất trúng đích (mét):
- Tự dẫn quán tính: 30 - 70
- Kèm với đầu tự dẫn quang học: 5 - 7
• Trọng lượng đạn tên lửa chờ phóng (kg): 3.800
• Trọng lượng đầu nổ (kg): 480
• Số tên lửa trên mỗi xe phóng (quả): 2
• Khung gầm: xe việt dã bánh hơi
• Thời gian triển khai (phút):
- Từ vị trí bắn: 4
- Từ sau chặng hành quân: 16
• Dải nhiệt độ hoạt động (oC): ±50
Với các đặc tính chiến kỹ thuật vượt trội Iskander thách thức mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay và là mối đe dọa cho những nước có tham vọng áp đặt những bất lợi an ninh cho Nga và các nước có trang bị tổ hợp này.