Điều thú vị sau những sắc huy chương Olympic quốc tế

Ngày đăng: 02:19 24/07/2017 Lượt xem: 584


Điều thú vị sau những sắc huy chương Olympic quốc tế

                                                                                               Nguồn:Báo Điện tử


Đằng sau những tấm huy chương từ "sân thi đấu" Olympic quốc tế, các học sinh của Việt Nam còn để lại nhiều dư âm ấn tượng.

 

Những “cú đúp” Huy chương Vàng liên tiếp

Kết quả của các đoàn Olympic Toán, Vật lí, Hoá học năm 2017 của Việt Nam được đánh giá là "cao nhất trong lịch sử". Một trong những chỉ số đó là lượng Huy chương Vàng (HCV) khá lớn.

Năm nay, có 2 nam sinh 2 lần đoạt được tấm huy chương này.

Đầu tiên là Đinh Quang Hiếu (lớp 12 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) ở môn Hoá.

Ở kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2017 được tổ chức tại Thái Lan, Hiếu đạt số điểm 92,13/100 và xếp thứ 9 trên tổng số 297 thí sinh dự thi của 76 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Trước đó, tại kỳ thi năm 2016 diễn ra tại Gruzia, Hiếu cũng từng là một trong hai thí sinh giành được huy chương vàng. Thời điểm đó, dù mới chỉ lớp 11 và lần đầu tiên tham dự kỳ thi tầm quốc tế, Hiếu đã là người đạt điểm thi cao nhất đoàn Việt Nam với 89,764 điểm, đứng thứ 7/280 thí sinh tham dự Olympic Hóa học quốc tế năm 2016.

Olympic Toán quốc tế, Olympic Vật lý quốc tế, Olympic Hoá quốc tế, học sinh giỏi, IMO
Nguyễn Thế Quỳnh (đứng chính giữa) cùng đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Vật lý quốc tế tại Indonesia. Ảnh: Bộ GD-ĐT cung cấp

Ở môn Vật lý, Nguyễn Thế Quỳnh (Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, tỉnh Quảng Bình) cũng trở thành thí sinh 2 năm liền làm được điều này.

Kết thúc kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2017 diễn ra tại Indonesia, Nguyễn Thế Quỳnh tiếp tục giành được tấm huy chương Vàng với số điểm 29,95.

Đây là tấm huy chương vàng thứ hai Quỳnh giành được tại các kỳ Olympic Vật lý quốc tế và huy chương thứ 3 trong khuôn khổ những cuộc thi mang tầm quốc tế.

Năm lớp 11, Nguyễn Thế Quỳnh cũng là 1 trong 2 thí sinh giành được huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế. Cũng năm 2016, trong kì thi Olympic Vật lí châu Á, Thế Quỳnh còn có HC Bạc và cũng là người có 1 bài thi lí thuyết đạt điểm tuyệt đối 20/20.

Lần đầu tiên đại diện tỉnh đi thi, giành điểm cao nhất thế giới

Năm 2017 là năm đầu tiên mà Bà Rịa – Vũng Tàu có học sinh góp mặt ở đội tuyển Olympic Toán quốc tế trong hơn 40 năm VN tham gia sân chơi này.

Hoàng Hữu Quốc Huy (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) không chỉ bứt phá giành HCV mà còn là 1 trong 3 thí sinh cùng có điểm thi cao nhất thế giới (35 điểm) trong số 600 thí sinh.

Olympic Toán quốc tế, Olympic Vật lý quốc tế, Olympic Hoá quốc tế, học sinh giỏi, IMO
Hoàng Hữu Quốc Huy tại Brazil. Ảnh: Báo Nhân Dân

Quốc Huy còn thể hiện sự ổn định và kiến thức đồng đều ở các phần thi với số điểm đều là 7.

Học giỏi nhưng ít ai biết khả năng học Toán của Huy lên cấp 3 mới thực sự phát lộ và bùng nổ.

Ở bậc THCS, Huy học cũng không quá đặc sắc. Lên lớp 10, em học lớp Toán thường. Thầy Trần Quang Vinh dạy bồi dưỡng lớp buổi chiều và phát hiện em có tố chất nên đã đề xuất chuyển em qua lớp chuyên Toán 1. Và Huy nhanh chóng cho thấy năng lực của mình khi đến cuối năm lớp 10 được chọn tham gia đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường, sau đó là giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12.

 PGS.TS. Lê Anh Vinh, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2017 nhận xét: “Huy khá hiền, ít nói, không thể hiện nhiều ra bên ngoài nhưng đều được các thầy đánh giá thông minh và có nội lực tốt. Và cuối cùng em cũng thể hiện được điều đó một cách thuyết phục.

Trao đổi với báo chí sau khi có kết quả HCV, Huy nói câu hỏi của mọi người "Em sẽ đi du học hay học ở Việt Nam" có lẽ là câu hỏi hóc búa nhất hơn bất kỳ bài toán nào. Cậu bé thú vị này cũng cho hay: "Em muốn sống mà luôn cười" khi được hỏi về ước mơ của mình.

Thoát dớp “thần về Nhì”

Với HCV Olympic Toán học quốc tế, lần đầu tiên Nguyễn Cảnh Hoàng (Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An) đạt giải cao nhất tại một cuộc thi tầm cỡ.  Trước nay, thường xuyên tham gia các cuộc thi nhưng Hoàng thường xuyên "về nhì".


Đây cũng là tấm HCV đầu tiên của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu về môn Toán tại sân chơi này.

Olympic Toán quốc tế, Olympic Vật lý quốc tế, Olympic Hoá quốc tế, học sinh giỏi, IMO
Đội tuyển Olympic Toán Việt Nam 2017 tại Brazl

Từ hồi cấp 1, Hoàng đã bộc lộ tư duy nhanh nhạy về toán. Suốt 12 năm học với bao nhiêu lần đi thi từ giải huyện đến giải Quốc gia, chưa khi nào Hoàng đạt giải nhất, luôn là "vua về nhì".

Hoàng có 2 giải nhì kỳ thi Toán cấp tỉnh, 2 giải nhì kỳ thi Toán uốc gia, 2 giải nhì kỳ thi toán quốc tế các thành phố.

Nhà có 2 anh em đều giành huy chương Olympic quốc tế

Điều thú vị này xảy ra khi kết thúc kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2017, Phạm Đức Anh (lớp 11 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) là 1 trong 3 học sinh của Việt Nam giành HCV với 89,46/100 điểm.

Olympic Toán quốc tế, Olympic Vật lý quốc tế, Olympic Hoá quốc tế, học sinh giỏi, IMO
Phạm Đức Anh và anh trai tại sân bay Nội Bài sau khi trở về từ Olympic Hoá học quốc tế

Cách đây đúng 9 năm, anh trai của Phạm Đức Anh là Phạm Anh Tuấn cũng chính là một trong các thành viên của đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2008 diễn ra tại Hungary. Năm đó, Phạm Anh Tuấn giành được HC Đồng.

Người mẹ đặc biệt của HCV xứ Thanh

Với Lê Quang Dũng, đến từ Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá) - từng 2 lần giải Nhất toán quốc gia - thì tấm HCV tại Olympic này khó mà đong đếm hết được giá trị. 

Phía sau sắc vàng thành tích của Dũng là những giọt mồ hôi, nước mắt thầm lặng của người mẹ tần tảo. 

Năm vừa tròn 4 tháng tuổi, Dũng đã thiếu vắng bàn tay che chở của người cha. Hai mẹ con ở với bà ngoại, khi Dũng được 7 tuổi thì bà mất. Dũng lớn lên trong sự chắt chiu của người mẹ và sự dìu dắt tận tình của thầy cô, bạn bè. Kết quả của Dũng cũng là món quà quý giá dành tặng cho mọi người trong bước đường song hành với mình.

Olympic Toán quốc tế, Olympic Vật lý quốc tế, Olympic Hoá quốc tế, học sinh giỏi, IMO
Lê Quang Dũng và thầy giáo Ngô Xuân Ái tại Brazil

Điều đam mê nhất của Dũng là đọc sách. Mỗi lần thấy "có quyền", em lại vòi mẹ mua sách, và không chỉ là sách toán. Sách cùng với khả năng nhớ rất "khủng" – như các bạn Dũng chia sẻ, khiến Dũng có thể say sưa và mạch lạc kể chuyện về lịch sử thế giới và Việt Nam, về Thành Cát Tư Hãn, về Liên Xô, về các đời Trần, đời Lê…

Dũng cũng có thể mê mẩn với những đồ họa về các mẫu tàu ngầm hiện đại, về các phương pháp nuôi trồng nấm hay chiết ghép cây…

“Mẹ là người luôn khát khao em học tiến bộ, thầy cô luôn chỉ cho em các đích đến” – Dũng chia sẻ.

Những kết quả tốt nhất

Điều cũng được xem là thú vị là với 3 đoàn Toán, Vật lý và Hoá học đều có kết quả được đánh giá "cao nhất trong lịch sử". Các thành viên cũng đều là nam.

Năm 2017, Việt Nam cũng đón nhận những thành tích được cho là tốt nhất qua các thời kỳ của các đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế và Olympic Toán học quốc tế.

Với việc cả 4 thí sinh dự thi Olympic Hoá học quốc tế năm 2017 đều đạt huy chương, trong đó 3 HCV, 1 HCB.

Theo bảng xếp hạng không chính thức, đội tuyển Mỹ xếp thứ nhất với 4 HCV; Việt Nam cùng Trung Quốc đều đoạt 3 HCB, 1 HCĐ và xếp thứ hai.

Năm nay, Việt Nam cũng đạt kết quả cao nhất trong lịch sử 43 năm tham dự Olympic Toán học quốc tế khi cả 6 thí sinh dự thi đều đoạt giải (4 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ). Đội tuyển Việt Nam cũng từng đứng thứ 3 ở các năm 1999 và 2007 nhưng năm 2017 có số HCV nhiều hơn.

tin tức liên quan