Điểm lạ nhất trong vụ thử tên lửa Triều Tiên

Ngày đăng: 08:50 30/07/2017 Lượt xem: 558


                               Điểm lạ nhất trong vụ thử tên lửa Triều Tiên



                                                Nguồn:Báo Điện tử Người lao động


Lần thử tên lửa ngày 28-7 của Triều Tiên gây xôn xao không chỉ vì mức độ thành công mà còn vì nó diễn ra vào ban đêm.

Điểm lạ nhất trong vụ thử tên lửa Triều Tiên
Triều Tiên phóng tên lửa vào đêm 28-7. Ảnh: Reuters

Thông thường Triều Tiên thử tên lửa hoặc hạt nhân vào lúc sáng sớm. Nhưng trong ngày 29-7, nước này thử tên lửa vào lúc 23 giờ 41 (giờ địa phương). Địa điểm thử là Mupyong-ni, tỉnh Jangang hẻo lánh.

Theo kênh CBS (Mỹ), Bình Nhưỡng có thể đang muốn khẳng định tính linh hoạt của mình. Để có được năng lực răn đe thực sự, Triều Tiên phải chứng tỏ nước này có thể phóng tên lửa bất cứ khi nào và nơi nào họ muốn, từ đó gây khó khăn cho giới quan sát quân sự nước ngoài.

Tương tự, đài BBC (Anh) cho rằng Bình Nhưỡng đang thử nghiệm việc phóng tên lửa trong màn đêm hoặc thiết lập nhiều địa điểm phóng khác nhau.
 

Điểm lạ nhất trong vụ thử tên lửa Triều Tiên - Ảnh 1.


Người dân Bình Nhưỡng reo mừng khi xem tin tức về vụ phóng tên lửa. Ảnh: AP


Mỹ và Hàn Quốc đã công nhận tên lửa Triều Tiên phóng hôm 29-7 là loại đạn đạo liên lục địa (ICBM). Các chuyên gia cho rằng tên lửa lần này bay xa hơn, cao hơn và mạnh hơn tên lửa thử hôm 4-7 (cũng là ICBM), cũng tức là có khả năng đánh sâu hơn vào lục địa Mỹ.

Cụ thể, các dữ liệu phóng cho thấy tên lửa có tầm bắn khoảng 10.400 km, nếu được phóng đi từ TP Rason ở Đông Bắc Triều Tiên, nó có thể phóng tới Los Angeles, Chicago... và thậm chí là New York, Boston.

Theo truyền thông Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un "hết sức hài lòng" vì "lời cảnh báo cứng rắn" dành cho Mỹ nêu trên.

Phía Triều Tiên cho hay tên lửa Hwasong-14 mà họ phóng hôm 29-7 bay trong 47 phút 12 giây, đạt độ cao hơn 3.700 km và bay được 998 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông).

Washington quy trách nhiệm tình hình Triều Tiên cho Bắc Kinh và Moscow. Trong tuyên bố cùng ngày 28-7, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh: "Là những bên chính giúp Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Trung Quốc cùng Nga phải chịu trách nhiệm đặc biệt về mối đe dọa ngày càng tăng đến ổn định khu vực và thế giới này".

Theo ông Tillerson, vụ phóng "rõ ràng đã vi phạm nhiều nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".

Lên tiếng hôm 29-7, Trung Quốc thúc giục Triều Tiên tôn trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và không có những hành động làm trầm trọng thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan thận trọng, tránh các hành động và lời nói khiêu khích.
 

Điểm lạ nhất trong vụ thử tên lửa Triều Tiên - Ảnh 2.


Tên lửa hôm 28-7 đáp xuống vùng biển gần Hokkaido - Nhật Bản. Nguồn: Daily Mail

Điểm lạ nhất trong vụ thử tên lửa Triều Tiên - Ảnh 3.


Tên lửa Triều Tiên có thể tấn công Chicago, theo các chuyên gia. Nguồn: Daily Mail


tin tức liên quan