Vì sao ông Trầm Bê bị bắt?

Ngày đăng: 07:54 09/08/2017 Lượt xem: 466


                                    Vì sao ông Trầm Bê bị bắt?


Việc cho vay trái pháp luật của Sacombank dưới sự chỉ đạo của ông Trầm Bê khiến Ngân hàng Xây dựng thiệt hại hơn 1.800 tỷ đồng.
 

Tài chính - Ngân hàng - Vì sao ông Trầm Bê bị bắt?

Ông Trầm Bê chỉ đạo cho vay trái pháp luật khiến Ngân hàng Xây dựng thiệt hại hơn 1.800 tỷ đồng.

Tháng 3/2013, ngay sau khi giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín (là Ngân hàng Xây dựng – VNCB sau này), Phạm Công Danh, lúc đó là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, cùng cấp dưới lên kế hoạch sử dụng tiền gửi của VNCB tại một số tổ chức tín dụng thế chấp cho các khoản vay với công ty sân sau, nhằm mục đích rút ruột VNCB.

Ngày 19/4/2013, để có tiền trả khoản vay 2.600 tỷ đồng đến hạn với BIDV, Phạm Công Danh cùng lãnh đạo VNCB tới trụ sở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 8, TP. HCM liên hệ vay tiền.

Tại đây, Phạm Công Danh trực tiếp vào gặp ông Trầm Bê, khi đó là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng của Sacombank. Bởi đã có quan hệ, quen biết từ trước, và ông Trầm Bê biết Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT thì không thể vay tiền ở VNCB nên đã đồng ý và chỉ đạo ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng, với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Phạm Công Danh ngay sau đó chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ của 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, trong đó có báo cáo tài chính và các thỏa thuận hợp tác kinh doanh bất động sản liên quan tới dự án Khu du lịch Kỳ Vân Gold V – Long Hải, Khách sạn Green Plaza, sân vận động Chi Lăng hay lô đất 209 Trường Chinh tại Đà Nẵng.

Ngày 25/4/2013, ông Trầm Bê ký phê duyệt 2 tờ trình của Sacombank chi nhánh Hưng Đạo chấp thuận cho Công ty Nhất Nhất Vinh vay 250 tỷ đồng, Công ty Quốc Thắng vay 350 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng. Tài sản đảm bảo là 618 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại Sacombank chi nhánh Hưng Đạo.

Trong khi đó, Sacombank chi nhánh Quận 8 nhận bảo lãnh cầm cố số tiền gửi 1.236 tỷ đồng cho 4 khoản vay đối với Công ty Bảo Gia 340 tỷ đồng, Công ty Thành Thành Công 250 tỷ đồng, Công ty Đại Long 310 tỷ đồng, Công ty Hương Việt 300 tỷ đồng. Việc giải ngân được thực hiện trong ngày 26/4.

Cùng ngày, toàn bộ khoản vay 1.800 tỷ đồng của 6 công ty tại Sacombank đã được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh tại Ngân hàng ACB chi nhánh Phú Thọ. Phần lớn số tiền này (1.634 tỷ đồng) sau đó được thanh toán cho các khoản nợ với BIDV. Số còn lại Danh chuyển về tài sản cá nhân ở VNCB và không bóc tách được.

Đến ngày 26/4/2014, những khoản vay của 6 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh hết hạn. Các doanh nghiệp này đều không trả được nợ nên theo hợp đồng đã ký trước đó, Sacombank tự động thu nợ gốc 1.800 tỷ đồng và 36 tỷ tiền lãi từ tài khoản tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Mặc dù Sacombank không bị tổn thất, song theo giám định được thực hiện bởi Ngân hàng Nhà nước, việc bảo lãnh của VNCB cho 6 công ty vay vốn tại Sacombank đã gây thiệt hại cho VNCB với số tiền lên tới 1.836 tỷ đồng.

Theo xác minh của cơ quan điều tra, 6 công ty vay tiền Sacombank đều do Phạm Công Danh thành lập, nhờ lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị…của Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên giám đốc với thù lao từ 5-10 triệu đồng mỗi tháng. Thực tế các pháp nhân này không có hoạt động và cũng không phát sinh doanh thu mua bán.

Làm việc với cơ quan công an, cả ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang – nguyên Tổng giám đốc Sacombank khai nhận hồ sơ vay vốn của 6 công ty không được thẩm định thực tế hoặc chỉ thẩm định sơ sài về năng lực tài chính, nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ từ các hợp đồng nguyên tắc để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng trả nợ của khách hàng nên xem xét quyết định cho vay chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định.

Ngày 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, BIDV, Sacombank và TPBank. Ngoài ra, C46 cũng đã khởi tố 25 đối tượng liên quan và bắt tạm giam 16 bị can, trong đó có ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank
tin tức liên quan