Tên lửa của Triều Tiên có thể đe dọa Mỹ và đồng minh như thế nào?
Hình ảnh một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: AP)
Theo các tác giả này, trong những năm vừa qua, các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ vượt bậc với phạm vi bao trùm tới tận lãnh thổ Mỹ.
Các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên hoàn toàn có thể bao trùm phạm vi lãnh thổ các nước láng giềng, các đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Những loại tên lửa của Bình Nhưỡng có thể đạt tới phạm vi này bao gồm tên lửa Scud với phạm vi từ 290-965 km; tên lửa KN-11 phạm vi 965 km và tên lửa Nodong phạm vi 1290 km.
Sau nhiều năm cố gắng phát triển loại tên lửa liên lục địa có tầm bắn tới các căn cứ quân sự của Mỹ tại Guam, hồi giữa tháng 5, Triều Tiên đã thử thành công tên lửa được cho là có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo phía Tây Thái Bình Dương này. Tên lửa có thể vươn tới vị trí này chính là loại tên lửa Hwasong-12 có tầm bắn lên tới 4830 km.
Theo David Schmerler, chuyên gia nghiên cứu tại viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, tại Monterey, California, Mỹ, hiện nay, năng lực tên lửa của Bình Nhưỡng đã có thể đe dọa tới nhiều bang trên lãnh thổ Mỹ.
Hồi tháng 7, lần đầu tiên Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwangsong-14. Vụ thử này cho thấy, tên lửa của Bình Nhưỡng có thể vươn tới Alaska, thậm chí là cả San Diego.
Lần thử Hwasong-14 mới đây nhất đã chứng tỏ sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng khi Hwasong-14 có thể vươn tới các khu vực từ Denver tới Chicago.
Các chuyên gia cho rằng, tất cả các tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên được thiết kế để mang đầu đạn hạn nhân.
Vấn đề đặt ra với Bình Nhưỡng hiện nay là khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào các tên lửa này và khả năng sống sót của đầu đạn hạt nhân khi quay trở lại bầu khí quyển.