Lý do bất ngờ về vụ thử tên lửa "nguy hiểm chưa từng có" của Triều Tiên

Ngày đăng: 03:13 01/09/2017 Lượt xem: 567


Lý do bất ngờ về vụ thử tên lửa "nguy hiểm chưa từng có" của Triều Tiên



                                                                Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin


Giới chuyên gia phân tích cho rằng, vụ phóng tên lửa hôm 29/8 có thể coi là nguy hiểm nhất từ trước tới nay của Bình Nhưỡng.

 

Chọn thời điểm hay sự cấp bách về kỹ thuật?

Theo CNBC, trong khi các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên và sự thách thức của những lệnh trừng phạt quốc tế có thể là điều gì đó bất thường với dư luận quốc tế, song với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, những động thái này chính là chiến lược dựa trên “khả năng tính toán thời điểm chính xác”.

Đây là nhận định của một nhà chiến lược uy tín chia sẻ với CNBC.

Ông Philippe Dauba-Pantanacce, Chiến lược gia địa chính trị toàn cầu của ngân hàng Chartered giải thích, Bình Nhưỡng đã tính toán kỹ lưỡng về thời điểm thử tên lửa trong vụ thử hôm 29/8.

Theo chuyên gia này, vụ thử tên lửa diễn ra đúng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump  đang bận rộn với siêu bão Harvey và liên minh giữa Trung Quốc, Nga và các đối tác quốc tế khác vẫn chưa được tập hợp.

Tên lửa nước này phóng thử bay qua hòn đảo Hokkaido của Nhật Bản.

Quân sự - Lý do bất ngờ về vụ thử tên lửa ''nguy hiểm chưa từng có'' của Triều Tiên

Việc thử tên lửa mới đây của Triều Tiên được cho là chiến lược dựa trên “khả năng tính toán thời điểm chính xác” của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

“Theo quan điểm của ông Kim Jong-un, về cơ bản, tất cả các lựa chọn, giải pháp mà cộng đồng quốc tế áp đặt cho nước này đều là xấu”, ông Dauba-Pantanacce giải thích.

Vì vậy, nhà lãnh đạo Triều Tiên đang nỗ lực hết sức bằng cách “cố gắng đạt tới mức để nước mình được công nhận là cường quốc hạt nhân”, ông cho biết thêm.

"Việc phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên và những gì mà ông Kim Jong-un đang cố làm đều có mục tiêu. Lần phóng tên lửa mới nhất là do sự cấp bách về mặt kỹ thuật", chuyên gia này lý giải.

Động thái thử tên lửa của Triều Tiên là nhằm thử nghiệm tên lửa ở một góc ngang, so với trước đây.

Điều này là để “chứng minh rằng Bình Nhưỡng có thể vươn tới một khoảng cách nhất định”, cụ thể là lời đe dọa bắn tên lửa tới vùng lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trước đây được thực hiện theo chiều thẳng đứng, ông Dauba-Pantanacce.

Chiến lược gia lập luận, việc tăng cường những đấu khẩu, đối đáp giữa các bên là điều nguy hiểm và điều này tạo tiền lệ cho những động thái nguy hiểm hơn. Mỹ hiện đã bớt có phản ứng căng thẳng với Triều Tiên kể từ sau tuyên bố cứng rắn của ông Trump hồi đầu tháng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cuối tuần trước cũng dịu giọng rằng Mỹ sẽ duy trì “áp lực hòa bình”.  

Tăng cường khẩu chiến và trừng phạt?

Ông Dauba-Pancanacc cũng cho rằng “không có khả năng Mỹ sẽ tấn công quân sự, điều sẽ gây ra hậu quả thảm khốc, đặc biệt cho Seoul”. Lựa chọn khả dĩ duy nhất của cộng đồng quốc tế là tiếp tục "khẩu chiến" và tăng cường trừng phạt.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong cuộc họp hôm thứ ba dù lên án việc Triều Tiên thử tên lửa mới đây nhưng cũng không tăng cường biện pháp trừng phạt.

Quân sự - Lý do bất ngờ về vụ thử tên lửa ''nguy hiểm chưa từng có'' của Triều Tiên  (Hình 2).

Việc thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên là nhằm thử nghiệm tên lửa ở góc ngang.   

Một bản tuyên bố do Mỹ soạn thảo khẳng định lệnh trừng phạt là “điều quan trọng thiết yếu” để Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, Trung Quốc, Nga và những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có quyền phủ quyết các biện pháp trừng phạt thì vẫn do dự rằng việc thử vũ khí tầm xa hay tên lửa hạt nhân có đáng để tăng trừng phạt.

Hai nước này cũng cảnh báo về việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood cho biết, Mỹ đang chuẩn bị để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Bình Nhưỡng. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn tuyên bố “đàm phán không phải là câu trả lời” cho vấn đề Triều Tiên hiện nay.

Phép thử với Trung Quốc

Ở một góc độ khác, giới chuyên gia cho rằng, việc Triều Tiên thử tên lửa mới đây chính là phép thử với Trung Quốc.

 "Tôi nghĩ đây sẽ là bài kiểm tra đích thực đối với Trung Quốc", ông Robert Manning, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét, đề cập đến việc Triều Tiên hôm 29/8 lần đầu tiên trong vòng 8 năm phóng tên lửa bay qua Nhật Bản.

Bắc Kinh "hiểu rõ người Triều Tiên đã làm thay đổi cuộc chơi với động thái này và nâng cao mức độ rủi ro", ông Robert Manning nhận xét.

"Giờ đây, không còn lời nào để biện minh cho việc làm ăn với các mạng lưới Triều Tiên. Nếu Trung Quốc không sẵn sàng hành động, đồng nghĩa họ không có ý định nghiêm túc", ông Robert Manning nhận định. 

Hơn 2/3 giao dịch thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc.

Giới phân tích đánh giá Trung Quốc còn có thể làm nhiều hơn nữa để gây áp lực lên Triều Tiên trên phương diện kinh tế.

Hồi đầu năm, Trung Quốc ngưng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên. Hôm 25/8, Bộ Thương mại Trung Quốc ra quyết định cấm các cá nhân và tổ chức Triều Tiên làm việc tại nước này.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực quan trọng hơn cả là cung cấp năng lượng, Bắc Kinh vẫn chưa thực sự tích cực, tờ CNBC nhận định.

tin tức liên quan