Bộ trang phục Bác mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập

Ngày đăng: 09:53 02/09/2017 Lượt xem: 547


               Bộ trang phục Bác mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập


                                                                  Nguồn:Báo Điện tử Tiền Phong


 Ngày 2/9/1945, trong bộ trang phục phù hợp với phong cách giản dị của Người, Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ quần áo ấy xuất phát từ gợi ý của Bác và được thực hiện bởi bàn tay tài hoa của người thợ may đất Hà thành…


Bộ trang phục độc đáo

Trong lần gặp nhà giáo Trịnh Lương (con trai trưởng của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô) cách đây chưa lâu tại 48 phố Hàng Ngang (Hà Nội), tôi nghe ông đề cập tới bộ trang phục Hồ Chủ tịch mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập được xuất phát từ gợi ý của Bác trong những ngày Người ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang.

Hồi đó, tuy mới 12 tuổi, nhưng do tham gia đội “Sói con” (một tổ chức hoạt động dưới sự chỉ đạo của lực lượng Việt Minh), nên Trịnh Lương đã có khả năng quan sát và trí nhớ khá tốt. Ông Lương còn nhớ, khoảng gần một tuần sau thành công của Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945), nhà ông tại 48 Hàng Ngang đã đón một vị khách đặc biệt, được giới thiệu với mọi người là “cụ Lý ở quê ra chơi”.

Khi đó, cụ Lý mặc chiếc áo sơ mi nâu, quần sooc nâu, đi giày vải.“Nhà vốn kinh doanh vải và tơ lụa nên tôi có thói quen hay quan sát người mình gặp mặc quần áo thế nào. Hồi ấy tôi không thể biết đó là Bác Hồ. Chỉ biết khi quan sát, dù thấy cụ Lý mặc quần áo bằng vải thường, nhưng tôi thấy nó rất phù hợp với dáng người và phong thái của cụ”- ông Trịnh Lương cho biết.
 

Bộ trang phục Bác mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập - ảnh 1


Bộ trang phục Hồ Chủ tịch mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập.



Nay muốn tìm hiểu kỹ hơn về bộ trang phục Người mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập, tôi đến gặp ông Trịnh Lương tại nhà riêng. Nhắc tới chuyện này, ông Trịnh Lương bèn mở một đĩa VCD để tôi xem trước rồi nói chuyện sau. Đó là chương trình “Cây cao bóng cả” của VTV3 quay cách đây 15 năm nói về gia đình ông Trịnh Văn Bô, trong đó bà Hoàng Thị Minh Hồ (mẹ ông Trịnh Lương-PV) có nhắc đến việc may bộ trang phục để Người chủ trì lễ Tuyên ngôn Độc lập.

Bà Minh Hồ cho biết: “Ngày 27/8/1945, chỉ còn vài hôm nữa là tới ngày ra mắt, tôi gọi ông ở hiệu may Phúc Hưng trên phố Hàng Trống đến may đo cho Bác hai bộ quần áo ka ki, may áo cổ cao. Ông Phúc Hưng giờ vẫn còn, hiện ở bên Pháp…”.

Do thời lượng của chương trình, bà Minh Hồ chỉ nói vắn tắt chuyện may bộ trang phục cho Bác, trong khi câu chuyện này ông Trịnh Lương được mẹ kể chi tiết hơn nhiều. Đó là từ ngày 25/8/1945, sau khi về nhà 48 Hàng Ngang, do bận rất nhiều việc nên Bác và các thành viên Chính phủ lâm thời chưa nghĩ đến chuyện phải có bộ trang phục phù hợp để dự lễ Tuyên ngôn Độc lập.

Đến ngày 27/8, có người nhớ ra chuyện này và nói với bà Minh Hồ lo liệu giúp. Bà Minh Hồ bèn mời nhà may Phúc Hưng, cửa hiệu trên phố Hàng Trống đến để may quần áo cho các thành viên chính phủ tại 48 Hàng Ngang. Chủ hiệu Phúc Hưng vốn là bạn hàng thân thiết lâu năm của bà Minh Hồ, nổi tiếng may những bộ trang phục lịch sự.

Khi đó, mọi người chủ yếu may những bộ quần áo kiểu tây thông thường, riêng Bác thấy mình không hợp với bộ trang phục như vậy. Bà Minh Hồ bèn nói sẽ chọn loại vải đẹp rồi nghĩ cách may bộ trang phục phù hợp cho Bác. Người nói: “Tôi mặc đơn giản quen rồi. Đừng may bằng len dạ đắt tiền, cốt tươm tất giản dị. Không cần cà vạt, cổ cồn là tốt nhất”.

Từ câu nói đó, ông Vũ Đình Huỳnh (thư ký của Bác) và bà Hoàng Thị Minh Hồ nghĩ cách may bộ trang phục phù hợp cho Người. Ông Vũ Đình Huỳnh chợt nhớ tới bức ảnh của lãnh tụ Xô viết Stalin trong một bộ trang phục nên ướm thưa với Bác hay là may theo kiểu đó, không có cà vạt mà vẫn oai vệ.

Nhưng Người mỉm cười bảo: “Mình có phải là Stalin đâu”. Rồi Bác chia sẻ ý tưởng về chiếc áo đó không nhất thiết phải giống kiểu áo của Stalin, cũng không nhất thiết giống kiểu áo của một lãnh tụ nào khác. Chiếc áo may cho Bác không cần cầu kỳ, dùng bằng vải dễ mặc, có thể cài khuy kín cổ hoặc mở ra đều tiện. Qua gợi ý của Bác, có thể thấy Người luôn muốn học hỏi tinh hoa nhưng vẫn có ý tưởng mới, không nhất thiết rập theo khuôn mẫu có sẵn.

Sau khi tiếp nhận gợi ý của Bác, ông chủ hiệu may Phúc Hưng lại được mời tới. Sau khi được nghe ý tưởng để thiết kế một bộ trang phục mới, ông Phúc Hưng ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Tôi đã mường tượng ra bộ trang phục đó rồi”. Ít ngày sau, bộ quần áo được may bằng vải ka ki màu vàng theo ý tưởng mới hoàn thành.

tin tức liên quan