Bí ẩn những kho báu "hàng tấn vàng" ở Việt Nam
Nguồn:Báo Điện tử Dân Trí
Trong dân gian, đến nay vẫn tồn tại vô số truyền thuyết về kho báu của người xưa để lại. Những cuộc truy tìm làm tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức và xương máu vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều người giàu lên nhanh chóng, nhưng cũng có lắm kẻ chỉ thấy lụn bại, trắng tay.
Lùng sục kho báu của vương quốc Phù Nam
“Một người đào mương dẫn nước phát hiện con ngựa bằng đất nung, dưới mỗi viên gạch đều có một tấm vàng lá”… Sau khi thông tin này xuất hiện, vùng quê Trung Sơn yên bình bỗng “dậy sóng”. Óc Eo trở thành nơi tập kết của dân tứ xứ “khát vàng”
Một số người tại thị trấn Óc Eo cho biết, ngay từ khi mới sinh ra, họ đã nghe các cụ già kể về sự giàu có của vùng đất này. Người dân truyền miệng, cứ cuốc xuống đất chừng 40cm là sẽ đụng phải cổ vật. Ai may mắn thì gặp vàng nữ trang, vàng mỹ nghệ, kém hơn một chút là vàng lá.
Một cảnh khai quật cổ vật.(Ảnh: Internet)
Nói về những người tìm vàng may mắn thì ông Phạm Văn Mọi (từng là Xã đội phó xã Tân Phú - huyện Châu Thành) phải liệt vào hàng đầu. Lúc đó, ông Mọi cuốc được cả một tráp đựng rất nhiều miếng vàng mỏng như lá lúa. Trên những lá vàng này còn chạm trổ hoa văn tinh xảo cùng những con vật kỳ quái.
Bán tráp vàng được 300.000 đồng (thời đó là một số tiền rất lớn), ông Mọi mua sắm đồ đạc trong nhà, mua đôi trâu cho thằng con trai trông nom, còn mình thì ngày nào cũng lặn lội lên núi đào bới, mong sẽ gặp được may mắn lần nữa.
Tuy nhiên, cũng chính vì quá ham mê đào vàng mà ông Mọi mất cả vợ lẫn con. Sẵn có số tiền bán vàng, vợ ông tối ngày bài bạc, thậm chí bán mất cả nhà. Con trai ông thì ăn chơi lêu lổng. Không chỉ ông Mọi, còn nhiều người khác đã tan cửa nát nhà, hóa điên dại với ảo tưởng đổi đời từ vàng. Thế nhưng, điều đáng buồn nhất là cơn sốt vàng năm xưa của người dân đã xóa đi nhiều giá trị cổ ở nơi đây.
4,8 tấn vàng chôn giữa Sài Gòn
Người duy nhất biết tường tận câu chuyện về kho vàng ở giữa Sài Thành này là bà Chế Thanh Vân, con ruột của ông Chế Quang Lạng - người bị Nhật bắt nhốt cùng số vàng khổng lồ ở Sài Gòn năm 1945.
Theo gia phả của dòng họ truyền lại, ông Lạng thời đó được biết đến với tư cách một đại điền chủ giàu có bậc nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Trước nạn đói lịch sử ở miền Bắc, ông Chế Quang Lạng đã mở kho thóc để cứu tế dân chúng. Nghĩ ông chống đối, quân Nhật đã ra lệnh vơ vét hết kho của cải nhà họ Chế và những địa chủ khác trong vùng. Chúng còn bắt giữ, giam cầm ông.
Sau thời gian dày công đúc số vàng trên thành thỏi, chúng đã lệnh cho ông Lạng cùng áp giải vàng vào Sài Gòn, dự định sẽ vận chuyển về Nhật Bản bằng đường biển. Về phần ông Lạng, trong thời gian bị tống giam trong ngục tối, ông đã may mắn biết được nơi giấu vàng của quân Nhật.
Bà Chế Thanh Vân kể lại bí mật về kho báu. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, khi chúng chưa kịp vận chuyển số vàng về nước thì Cách mạng tháng 8 nổ ra. Cách mạng thắng lợi, quân Nhật bị đuổi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam mà không được mang theo một tấc sắt. Vậy là toàn bộ vàng đã nằm lại Sài Gòn và chỉ có mình ông Chế Quang Lạng nắm được địa điểm bí mật ấy.
Những năm sau giải phóng, ông Lạng chưa kịp đào kho báu thì qua đời vì tuổi cao sức yếu. Câu chuyện về kho báu được truyền lại cho cô con gái duy nhất là bà Vân. Bà Vân cho biết, đầu năm 2013, bà đã gửi bản tường trình hiến kho báu lên Sở Công an TP. HCM, bày tỏ mong muốn được hiến số vàng trên cho Nhà nước.
Trong đó, bà miêu tả rõ những gì người cha quá cố đã tận mắt nhìn thấy: “Mỗi cục vàng chiều dài 2 gang tay, ngang 1 gang, cao 1 gang tay. Trên bề mặt cục vàng có in chữ Minh Trị Thiên Hoàng, tất cả số lượng vào khoảng 4,8 tấn”.
Bí ẩn kho báu của dòng họ Sa ở Tây Bắc
Lẩn khuất trong tán rừng già đất Mường Sang (Mộc Châu - Sơn La) là bao câu chuyện li kỳ chưa có lời giải về kho báu của dòng họ Sa. Thi thoảng, người Thái nơi đây đi cày ruộng lại vấp phải một hũ bạc trắng.
Ông Lò Văn Hoan, một hộ dân sống ở bản Vặt được coi là người may mắn nhất. Gia đình ông nghèo khó quanh năm, vất vả lắm mới lo được bữa cơm hàng ngày. Thế rồi một hôm, ông thuê đám thợ lên đào đá ở núi Độc Lập thì phát hiện một hũ sành.
Vốn từng nghe nhiều câu chuyện về kho báu ông Hoan lờ mờ đoán được bên trong hũ sành có cái gì. Ông nhanh chóng ôm hũ sành chạy một mạch về nhà. Có ai hỏi, ông Hoan chỉ nói rằng đã đem vứt xuống sông. Cũng từ sau đó, cuộc sống của ông dần trở nên khá giả, đầy đủ hơn rất nhiều.
Câu chuyện về hành trình cất giấu kho báu vẫn được kể lại qua lời của người dòng họ Sa. (Ảnh: Internet)
Một thời gian sau, có toán thợ ở Hòa Bình mang máy dò kim loại lên cánh đồng của bản Vặt. Họ cẩn thận đưa máy tìm kỹ từng ngõ ngách và phát hiện thấy một con voi bằng vàng to như cái phích. Khi họ đi khỏi, những người cán bộ lâu năm của xã mới lần hồi lại manh mối cách đây mấy chục năm.
Thì ra, cách đây hơn 50 năm, có một nhóm bộ đội người Hòa Bình từng đóng quân và chiến đấu ở bản Vặt. Lúc đó, họ có bắt được con voi kể trên và chôn lại trong một khu vườn, đợi ngày hòa bình sẽ quay lại lấy. Về sau, bà con cũng mang cuốc xẻng đào tung khắp các vườn nhà tìm vàng, tìm bạc nhưng không ai kiếm được gì.
Được biết, bản Vặt trước đây được coi là thủ phủ của cụ Sa Văn Minh - vị quan lang nổi tiếng của dòng họ Sa. Trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông cai trị khắp đất Mường Sang và được biết đến là người học rộng, tài cao, luôn thương và bênh dân.
Trước ngày cùng vợ con lên chiến khu Việt Bắc hoạt động cách mạng, do không muốn của nả rơi vào tay giặc, cụ Minh đã cho tiến hành một cuộc giấu của có một không hai ở đất Tây Bắc.
Là người con gái của dòng họ Sa năm xưa, bà Sa Thị Lan (nay đã hơn 70 tuổi), từng được nghe người nhà kể về cuộc vận chuyển này. Năm đó, những người giúp việc đã chuyển đi 7 hòm kiếm cổ (khoảng 100 cái kiếm), chuôi kiếm được làm bằng ngà voi và bịt vàng, bịt bạc. Ngoài ra còn vô số bạc trắng, vàng được cho vào hũ sành bịt lại mang chôn. Cùng chuyển đi có các loại đồ cổ, trong đó có nhiều nồi đồng 12 tai, 6 tai…
Tài sản của cụ Minh nhiều đến nỗi, mấy chục trai tráng trong bản làm việc trong suốt một tuần không xong. Về sau, do cuốn sổ ghi chép nơi cất giấu kho báu bị lưu lạc nên tòa bộ vàng bạc năm xưa vẫn ẩn sâu trong lòng đất, chưa ai tìm thấy được.
Kho báu đồng trinh ở Hà Nội
Theo lời truyền đời của người dân xã Vân Côn (Hoài Đức Hà Nội), khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh thua chạy về nước, tướng giặc không nỡ bỏ đi số vàng bạc khổng lồ vơ vét được và định đem về nước. Nhưng nhóm tàn quân không dám đem theo, đành nghĩ ra cách chôn và trấn yểm bằng cách chôn sống một cô gái đồng trinh để làm thần giữ của.
Lại có lời đồn đại khác rằng, 700 năm trước người Tàu qua đây làm ăn, buôn bán rồi trở nên giàu có. Sau đó ít lâu, người đó buộc phải về nước, để lại cơ nghiệp và một đống châu báu mà không đành lòng. Ông chọn ra cái hang có bốn tảng đá tạo thành, kéo dài vào núi Vân Côn để chôn dấu của cải. Chắc ăn hơn, người Tàu tìm cách bắt một thiếu nữ đẹp chôn sống, trấn yểm thể đất để làm thần giữ của.
Khu miếu nhìn từ phía trước.
Vì những lời đồn đại ấy mà không biết bao người người dân đã bỏ công sức, tiền bạc mong một ngày tìm được kho báu nơi đây, trong đó có ông Nguyễn Tài Hận là người kiên trì hơn cả.
Ông Hận đã thuê hàng chục trai tráng trong làng gia nhập đoàn tìm vàng và dốc túi mua các dụng cụ khai quật và kể cả máy xúc, máy khoan. Ông Hận luôn dẫn đầu đoàn thăm dò sẵn sàng đi sâu vào tận cùng hang núi. Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm không có kết quả, đoàn người đã phải bỏ cuộc.
Từ ấy, chẳng biết là sự trùng hợp hay sự trừng phạt của “hồn ma trinh nữ” mà chuyện làm ăn của ông Hận liên tiếp gặp vận rủi. Từ một đại gia, mấy lần ông chịu cảnh trắng tay, làm ăn thua lỗ, phá sản. Thời vàng son của đại gia Nguyễn Tài Hận cũng chấm dứt từ đây.