Vấn đề kinh tế
Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tuần qua đã nói về những ưu tiên của ông cho tương lai đất nước.
Đặc biệt hơn, người đứng đầu Bình Nhưỡng không đề cập nhiều đến chương trình phát triển hạt nhân trong giai đoạn căng thẳng với Mỹ hiện nay. Ngược lại, ông nói về kinh tế.
|
Ông Kim Jong-un muốn ưu tiên phát triển kinh tế.
|
Theo BBC, trong bài phát biểu hiếm hoi được giới truyền thông có được toàn bộ nội dung, các vấn đề về nền kinh tế trong các câu nói của ông Kim được nhắc đến gấp đôi so với chương trình phát triển hạt nhân.
Nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên đánh giá, kinh tế của Triều Tiên đang phát triển tốt, bất chấp việc đang đối mặt với các biện pháp xử phạt đưa ra bởi phương Tây.
Theo BBC, mặc dù rất khó có số liệu đáng tin cậy về nền kinh tế Triều Tiên, nhưng một số dữ liệu đã chỉ ra giá xăng dầu của nước này đã đi vào ổn định và chỉ số tiêu dùng đang gia tăng.
"Các hộ gia đình người Triều Tiên đang khấm khá hơn trước đây", Byung-Yeon Kim, tác giả của cuốn sách “Vén màn bí mật kinh tế Triều Tiên” cho biết.
Chỉ số tiêu dùng trong nước bắt đầu có sự gia tăng từ những năm 90 và tăng tiến dần theo từng năm.
Các nhà quan sát cho rằng, vấn đề của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng lúc này là tìm cách hạn chế khoảng cách giàu nghèo đang được nới rộng.
Quốc gia Đông Bắc Á đang đi theo định hướng phát triển kép, bao gồm phát triển nền kinh tế, đồng thời đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân.
Đòn răn đe hạt nhân sẽ là cách giới lãnh đạo Bình Nhưỡng bảo vệ mình trước nguy cơ một cuộc xung đột do Mỹ châm ngòi có thể xảy ra.
Trong khi phát triển kinh tế sẽ là cách để đảm bảo người dân ấm no hơn, giữ ổn định chính trị và không để chương trình vũ khí trở thành gánh nặng cho đất nước.
Theo chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên Michael Madden, bộ mặt kinh tế Triều Tiên đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua.
Gần một nửa giá trị đóng góp vào nền kinh tế xuất phát từ các hoạt động thương mại với bên ngoài và nền kinh tế đã có sự tăng trưởng ở mức trung bình trong vài năm trở lại đây.
Mô hình tự cung tự cấp hiện tại không còn đúng khi nói về Triều Tiên.
Khéo léo "thoát" chế tài trừng phạt của phương Tây
Quốc gia này không còn đi theo cách tồn tại mà không cần đến giao lưu với bên ngoài. Nói cách khác, mô hình kinh tế Triều Tiên đã mở cửa hơn so với trước.
Từng là đối tác thương mại lớn nhất với Trung Quốc, nhưng giờ đây Bình Nhưỡng đang tìm kiếm các thị trường khác thay thế nhằm thoát khỏi các chế tài trừng phạt của phương Tây.
Trong đó Nga được cho là một trong những đối tác mới nổi nhằm giúp quốc gia này bớt phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Một vài tuần trước, một công ty viễn thông Nga đã được cho phép mở rộng đường truyền internet đến Triều Tiên.
Tất cả điều này đang cho thấy, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đưa kinh tế vào trọng tâm cốt lõi trong chính sách của mình.
Một số nhà phân tích nhận định, nếu có thể thuyết phục ông Kim Jong-un đi theo con đường phát triển kinh tế bằng những giải pháp như bỏ cấm vận, tăng viện trợ, mở rộng các hoạt động thương mại, điều này có thể giúp tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bớt leo thang.