Di chuyển bất thường, khó dự báo điểm đổ bộ của bão số 11
Nguồn:Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương
Sau khi đi qua đảo Hải Nam tiến sâu vào trong thì chưa có đài dự báo nào của các nước dự báo chính xác cả về hướng và cấp độ bão...
|
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 11, chiều nay (14/11), Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) đã họp bàn giải pháp ứng phó. Theo nhận định của các chuyên gia, cơn bão số 11 có diễn biến rất phức tạp với nhiều hình thái thời tiết gây khó khăn cho công tác dự báo.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Bắt đầu từ chiều ngày 14/10, bão có xu hướng dịch chuyển theo hướng Tây Bắc. Hiện cường độ bão ở cấp 10, giật cấp 13. Khi đi vào vịnh bắc Bộ, bão sẽ tương tác với không khí lạnh rồi chếch xuống Tây Nam.
Đáng chú ý, không khí lạnh khô tương tác sẽ làm bão số 11 suy yếu và không có khả năng mạnh thêm.
Dự kiến ngày 16 và 17, không khí lạnh đầu mùa tràn về, trời sẽ chuyển rét.
Nhận định về cơn bão này, ông Cường cho rằng, sau khi đi qua đảo Hải Nam tiến sâu vào trong thì chưa có đài dự báo nào của các nước dự báo chính xác cả về hướng và cấp độ bão.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến chiều ngày 14/10, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 74.438 tầu, thuyền với 298.232 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển vòng tránh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Về tình hình thiệt hại đợt mưa lũ từ ngày 10-12/10, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết, đến thời điểm ngày 14/10, đã có 97 người chết, mất tích, trong đó có 60 người chết (Sơn La 6 người, Yên Bái 7 người, Hòa Bình 20 người, Thanh Hóa 15 người, Nghệ An 9 người, Hà Nội 2 người, Quảng Trị 1 người), 37 người mất tích (Sơn La 2 người, Yên Bái 17 người, Hòa Bình 13 người, Thanh Hóa 5 người), có 31 người bị thương.
Về sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đến sáng ngày 14/10, đã tìm được 11 thi thể nạn nhân bị vùi lấp; còn 7 người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Báo cáo cũng cho thấy, về các vùng bị cô lập, tính đến nay, tại Hòa Bình còn 19 xã vẫn đang bị cô lập do giao thông chưa khắc phục được (Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Tân Pheo, Tiền Phong, Vầy Nưa, Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hòa, Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc); Yên Bồng, Khoan Dụ, Lạc Long, Cố Nghĩa, Hưng Thi, An Bình (huyện Lạc Thủy). Tại Thanh Hóa còn 35 xã/7 huyện vẫn đang bị ngập; tại Ninh Bình còn 8 xã tại Nho Quan và Gia Viễn bị ngập.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN) cho biết: Ngành điện lực đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục cung cấp điện đến người dân. Tuy nhiến, đến thời điểm này vẫn có 126 xã chưa được cấp điện. Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai đề nghị Bộ Công Thương cử cán bố phối hợp trong những ngày tới trong việc vận hành 11 hệ thống liên hồ chứa. Cũng theo ông Hoài, tổng lượng nước trong 2 ngày về hồ Hòa Bình vừa qua khoảng 1 tỉ m3.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT nhận định, các tỉnh Bắc Trung Bộ và phía Bắc vừa trải qua đợt lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, cơn bão số 11 diễn biến rất phức tạp với nhiều hình thái thời tiết gây khó cho công tác dự báo. “Dù chưa xác định được chính xác tâm bão đổ bộ, tuy nhiên bão vào theo phương án nào chúng ta cũng phải chuẩn bị ứng phó với tinh thần cao nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo. Bộ trưởng yêu cầu, công tác dự báo cần bám sát kịp thời cung cấp cho cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để kịp thời tuyên truyền cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân.
Trước đó, sáng cùng ngày, văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp giao ban ứng phó với cơn bão số 11 do ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì.
Thông tin về diễn biến bão số 11 trên biển Đông, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, theo nhận định sơ bộ, bão số 11 sẽ suy yếu trước khi đổ bộ đất liền. Thời gian dự kiến đổ bộ vào ngày 17 tháng 10, tuy nhiên từ ngày 16 các tỉnh ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc và đồng bằng Bắc bộ xuất hiện mưa. Lưu ý khu vực đồng bằng Bắc bộ sẽ có mưa lớn, vì khu vực này đã chịu mưa lớn do áp thấp nhiệt đới gây ra, cộng thêm mưa do ảnh hưởng bão số 11 từ 100 dến 200mm cũng rất nguy hiểm.
Hồi 16 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 117,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và còn mạnh lên. Đến 16 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7-9, sau tăng lên cấp 10-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội. Vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ), khu vực biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, từ ngày mai (15/10) tăng lên cấp 7, giật cấp 9. Biển động mạnh.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) phía Bắc từ vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 11, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang có mưa rào và dông, trong cơn dông khả năng có gió giật cấp 7-8.