Bộ tộc bí ẩn nhất trên Thế giới
Cuối năm 1959, bộ đội Biên phòng Cà Xèng đóng tại Thượng Hóa trong một lần tuần tra đã phát hiện nhóm “người rừng” nhút nhát, không mảnh vải che thân, leo trèo trên vách đá, chuyền cành nhanh như thú hoang. Sau nhiều tháng tiếp cận, bộ đội đã vận động được họ rời hang đá về định cư ở 3 bản Ón, Yên Hợp và Mò O - Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa. Từ đây tộc người Rục được biết đến là em út trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đến đầu năm 2013, tộc người Rục được đưa vào danh sách 10 bộ lạc còn nhiều điều bí ẩn nhất Thế giới. Họ có tập quán lạc hậu, quen ở hang sâu, săn bắt, hái lượm nhưng cũng có đời sống tinh thần phong phú, còn lưu giữ những nét văn hóa đã từ lâu không tồn tại trong thế giới hiện đại.
Bộ tộc người Rục giờ đã trở về hòa nhập với cộng đồng. (Ảnh: nld)
Những già làng người Rục cho biết, ngày xưa họ thường ở hang lèn dưới những vòm, mái đá lèn hoặc làm trại dưới chân núi, nơi có nước rục (nước trong núi đá vôi hoặc trong lòng đất) chảy ra. Vì lẽ đó, các tộc người khác đã gán cho họ cái tên "Rục". Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: người Rục là bộ phận cư dân tiền Việt Mường hiếm hoi còn lại ở nước ta.
Trước khi rời hang đá, người Rục vốn sống tách biệt, cuộc sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên nên còn giữ nhiều cách sinh hoạt của người tiền sử. Người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Họ để tóc dài quá lưng, không mặc quần áo, chỉ che thân bằng những tấm vỏ cây sơ sài.
Một gia đình người Rục. (Ảnh: tienphong)
Người Rục quen leo trèo cây trên các triền núi cao ngất để săn bắt, hái lượm. Món ăn phổ biến của họ là bột nhúc, bột đoác và thịt thú nhỏ, nhưng thích nhất vẫn là thịt khỉ. Nồi nấu ăn của người Rục được chế từ cây gỗ khoét rỗng ruột. Những lúc không còn thú hay củ mài để ăn, người Rục tìm cây chà lị, loại quả giống mít rồi luộc lên ăn cho đỡ đói lòng.
Đã gần 60 năm rời hang đá, về hòa nhập với cộng đồng nhưng người Rục còn nặng lòng với cuộc sống hoang sơ, gắn với tự nhiên, nơi rừng sâu, hang đá... Đặc biệt là các già bản, mỗi năm đến mùa rẫy họ lại dắt díu nhau lên rừng, có khi vài ba tháng mới về nhà.
Phép thuật kỳ bí của tộc người Rục
Hiện trong cộng đồng người Rục còn tồn tại hai dạng phép thuật bí hiểm là thuật thổi thắt, thổi mở và thuật hấp hơi. Các nhà khoa học dù đã được tận mắt chứng kiến nhưng cũng chẳng thể nghiên cứu về nó vì người Rục xem đó là sự linh thiêng, không thể tiết lộ cho người ngoài.
Thuật thổi thắt của người Rục là dùng bùa chú thổi vào người phụ nữ để sinh hoạt vợ chồng không có con. Còn khi cần có con cũng dùng bùa chú để thổi vào người phụ nữ (gọi là thổi mở).
Thuật thổi thắt, thổi mở của người Rục. (Ảnh: nld)
Những phép thuật nói trên nay không còn phổ biến trong cộng đồng người Rục, nhưng những thầy Ràng (thầy Mo) vẫn còn lưu giữ. Các dụng cụ của một buổi lễ thổi thắt, thổi mở gồm: hai ống nứa dài 1m và 0,5m, một phiến đá, một cái bát đựng nước, một cái đựng hoa, sáp ong làm nến, hương và sợi tóc (hoặc sợi chỉ) để vào bát nước.
Thầy Ràng ngồi xổm, hai tay cầm hai ống nứa cà phần đầu nhọn vào phiến đá phát ra âm thanh trầm bổng. Cùng lúc, thầy đọc thần chú có vần điệu như hát theo giai điệu từ hai ống nứa, vừa đọc vừa thổi hơi vào bát nước. Theo thông lệ, chừng 30 phút sẽ đưa bát nước có sợi tóc hoặc sợi chỉ cho người phụ nữ uống. Tùy vào mục đích (thổi thắt hay thổi mở) mà thầy Ràng sẽ đọc bài chú có nội dung phù hợp.
Người Rục còn có thuật hấp hơi để tránh thú dữ. Mỗi khi vào rừng, người Rục chỉ cần đọc câu thần chú thì dù có hổ, báo, voi rừng cũng không dám đến gần để tấn công. Nếu đi theo nhóm đông, thầy Ràng có thể dùng phép thuật vẽ một vòng tròn cho nhiều người ngồi trong đó để chống lại thú dữ. Ngoài ra, thầy Ràng của bộ tộc người Rục còn có thể thổi chữa bệnh đứt tay, chân, chảy máu, rắn độc cắn... và mỗi dạng bệnh tật có những câu chú khác nhau.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp