Cựu quan chức Bình Nhưỡng xúi Mỹ giúp dân Triều Tiên lật đổ ông Kim

Ngày đăng: 07:27 04/11/2017 Lượt xem: 530



 Cựu quan chức Bình Nhưỡng xúi Mỹ giúp dân Triều Tiên lật đổ ông Kim

 
           
                                                 Nguồn:Báo Điện tử


Mỹ không nên dùng bom, mà nên tuyên truyền, chỉ dẫn dân CHDCND Triều Tiên lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, theo một cựu quan chức Bình Nhưỡng trốn sang Hàn Quốc.

 



Cựu Phó đại sứ Triêu Tiên Thae Yong-ho
 

Theo Newsweek, trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 1.11, cựu Phó đại sứ Triều Tiên tại Anh, ông Thae Yong- ho nói Mỹ nên dùng biện pháp tuyên truyền hơn là tấn công quân sự vào Triều Tiên.

Ông Thae nói: “Chúng ta không thể thay đổi chính sách gieo rắc khủng bố của chế độ Kim Jong-un. Nhưng chúng ta có thể hướng dẫn dân Triều Tiên nổi dậy bằng cách gieo rắc thông tin từ bên ngoài”.

Ông nói thêm: “Mỹ đang chi hàng tỉ USD đối phó với mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên. Vậy chứ mỗi năm Mỹ chi bao nhiêu tiền cho hoạt động tuyên truyền về Triều Tiên? Đáng tiếc, có thể chỉ là một phần nhỏ”.

Thae là quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Triều Tiên đã cùng gia đình đào thoát sang Hàn Quốc hồi tháng 8.2016.

Ông Trump nên nói chuyện trực tiếp với ông Kim Jong-un

Theo báo Washington Times, ông Thae còn đề nghị điều không ai có thể nghĩ sẽ xảy ra: cách tốt nhất để tránh một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, là Tổng thống Mỹ Donald Trump nên nói chuyện trực tiếp với ông Kim Jong-un.

Thae nói ông Trump cần đích thân thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên rằng một hành động quân sự chống lại Mỹ và đồng minh sẽ có hậu quả là Triều Tiên bị hủy diệt.

Ông nói: “Trước khi thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào, tôi cho rằng Tổng thống Mỹ cần gặp ông Kim Jong-un ít nhất một lần, để hiểu tâm tư của ông ấy, và cố gắng thuyết phục ông ấy rằng ông ấy sẽ bị hủy diệt, nếu Bình Nhưỡng tiến hành chiến tranh với Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ tại khu vực này”.

Ông nhấn mạnh: ngoài cuộc nói chuyện, Mỹ cũng cần áp thêm trừng phạt kinh tế-chính trị, “cho đến khi nào chế độ Bình Nhưỡng chịu trở lại bàn đàm phán để giải giáp vũ khí hạt nhân”.

Vị cựu phó đại sứ nói Mỹ và đồng minh chưa chịu triển khai hết “quyền lực mềm”, nhất là vào lúc có những dấu hiệu Bình Nhưỡng nới lỏng việc kiểm soát chặt nền kinh tế và văn hóa.

Ông nói các chương trình truyền hình nhà nước Triều Tiên đang tăng thời lượng chiếu phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc, cùng chiếu phim hoạt họa Mỹ sao chép từ đĩa DVD lậu.

Thae nói với các nghị sĩ Mỹ: “Đang có những thay đổi lớn và không ngờ ở Triều Tiên. Sự thay đổi này cho phép nghĩ đến một cuộc nổi dậy dân sự ở Triều Tiên, khi ngày càng có thêm nhiều người dân ý thức được thực tế điều kiện sống của họ”.

Ông nói thêm: “Nếu chúng ta quyết tâm sử dụng và phát huy quyền lực mềm của chúng ta, tôi nghĩ có thể ngày nào đó, chúng ta có thể đạt được cùng mục tiêu đã làm được ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, giành lấy một chiến thắng mà vẫn tránh được một cuộc chiến tranh tổng lực”.

Mỹ tiến hành tuyên truyền thế nào?

Hạ nghị sĩ Edward R.Royce (đảng Cộng hòa) là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nói việc Mỹ và cộng đồng quốc tế trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng đang có kết quả: “Nỗ lực của chúng ta đã  gây sức ép lên chế độ bằng vài cuộc nổi dậy và ngày càng có nhiều những cuộc đào thoát. Chế độ Kim Jong-un đang bị tổn thương”.  

Nhưng vẫn phải chờ xem Nhà Trắng có chịu nghe lời khuyên của ông Thae hay không.

Ông Thae đến Mỹ lần đầu tiên, vào lúc Tổng thống Trump sắp đi công du châu Á và sẽ đề cập nhiều về cuộc khủng hoảng Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Các chuyên gia nói ý tưởng “chiến tranh xuyên tạc” của Thae có thể hiệu quả, nếu Mỹ có những giải pháp hiện đại để chống lại Triều Tiên vốn rất bí ẩn với bên ngoài.

Ông Ariel Cohen, một chuyên gia an ninh quốc tế ở Hội đồng Altantic (Mỹ) nói với báo Newsweek: “Có thể cải tạo tư tưởng và tình cảm của dân Triều Tiên, nhưng cần một nỗ lực đáng kể của Hàn Quốc, vì vấn đề chung tiếng nói rất quan trọng. Chúng ta phải tách bạch họ với giới quyền thế Triều Tiên có thể  tiếp cận internet, và phải chi có một cách dùng đài phát thanh để xâm nhập vào Triều Tiên”.

Ông cũng gợi ý tuồn sách báo vào Triều Tiên, để gieo rắc thông tin đến dân Triều Tiên.

 

Ông Kim Jong-un giấu cả ngày sinh


Ngày 31.11, cựu Phó đại sứ Thae nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ)  cũng khẳng định ông Kim Jong-un không được các quan chức Triều Tiên thật lòng trọng nể, vì ông sống thời thơ ấu ở nước ngoài.

Đến khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời do đau tim năm 2001, người con trai út Kim Jong-un vẫn trong độ tuổi 20, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng để kế nhiệm và không có nhiều người ủng hộ, và ông không có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo bằng cha và ông nội - nhà lập quốc Kim Il-sung (Kim Nhật Thành).

Thae nói vị lãnh đạo trẻ cho rằng các cán bộ cao tuổi không tôn trọng ông ấy cho bằng tôn trọng ông Kim Jong-il: “Ông ấy học được ngôn ngữ cơ thể của những lãnh đạo cấp cao rất khác với ngôn ngữ cơ thể của các nhà lãnh đạo này dành cho cha ông và cho ông ấy. Kim Jong-un chẳng là gì, ngoài việc là con trai thứ ba của Kim Jong-il”.

Năm 2016,  báo Washington Post dẫn lời người dì đang sống ở Mỹ của ông Kim Jong-un, ông sinh năm 1984.

Chú dượng Jang Song-thaek sau lưng ông Kim Jong-un trong ngày lễ tang Chủ tịch Kim Jong-il

 

tin tức liên quan