Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ

Ngày đăng: 10:13 06/11/2017 Lượt xem: 714



Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ

 

                                                                   Nguồn:Báo Điện tử Tri Thức Trẻ


Nguyên Trưởng Ban Thư ký APEC 2006 Lê Công Phụng vẫn ấn tượng với hai đoàn Mỹ và Trung Quốc khi họ đến Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh của diễn đàn này.


Nhớ về APEC 2006 – sự kiện ngoại giao có tầm cỡ lớn nhất cho tới lúc đó mà Việt Nam làm chủ nhà, nguyên trưởng ban Thư ký Lê Công Phụng chia sẻ: "Có nhiều cái thú vị, nhiều điều vất vả, nhưng làm APEC hồi đó thì từ anh em làm việc trực tiếp đến các lãnh đạo và nhân dân đều rất hồ hởi phấn khởi. Cuối cùng, niềm vui vẫn là chính dù tất nhiên khó tránh khỏi còn va vấp chỗ này chỗ kia trong cả một sự kiện rất lớn. Ấn tượng, kỷ niệm đáng nhớ thì khá nhiều. Nhưng có lẽ tôi ấn tượng nhất với 2 vị nguyên thủ của Trung Quốc và Mỹ".

 

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 1.


Ông Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn Trí thức trẻ.


APEC 2006, nhân dân Việt Nam ai cũng rất ấn tượng với sự thân thiện của Thủ tướng Australia John Howard. Ông Howard đã có 3 buổi sáng mặc đồ thể thao, cùng lực lượng an ninh âm thầm đi bộ quanh trái tim Hà Nội - Bờ Hồ Hoàn Kiếm từ 5h45 phút sáng như bất cứ người dân Việt Nam nào khác. Hồi đó, những người dân dậy sớm còn nhận ra ông Howard và vẫy tay chào.

Nhưng có lẽ ít người hơn biết rằng, vị Tổng thống được bảo vệ chặt chẽ nhất thế giới thời điểm 2006 là ông George W. Bush cũng đã không ngần ngại xỏ giày và chạy liền mấy vòng quanh khách sạn Sheraton Hà Nội.

Ông Lê Công Phụng nhớ lại, trong các đoàn đến Việt Nam dự APEC 2006 thì đoàn Mỹ có rất nhiều các yêu cầu về an ninh: "Phía Mỹ luôn coi an ninh là trên hết, khi sang tham sự APEC tại Việt Nam thì họ mang theo ít nhất là 7,8 cái chuyên cơ, xe nguyên thủ, có cả trực thăng. Vì điều kiện khác nhau nên có những yêu cầu về an ninh mà phía bạn nêu ra là khá khó cho chúng ta".
 

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 2.

Ông Phụng đưa ra một vài ví dụ, như Mỹ đã yêu cầu chặt các cây xung quanh khách sạn để họ có thể quan sát hoặc phát hiện các vị trí có thể bắn tỉa từ nhà dân chẳng hạn. Khi đó, chúng ta cũng phải thương lượng, phải thuyết phục, và cũng phải chặt một số cây. Người dân mới đầu cũng thắc mắc song cuối cùng cũng đồng ý vì công việc chung.

Phía Mỹ cũng yêu cầu rằng khi Tổng thống Bush di chuyển thì trực thăng của họ bay theo ở phía trên, đây là một điều không được phép và chúng ta cũng đã phải thuyết phục bạn khéo léo.

"Yêu cầu về an ninh chặt chẽ là thế, nhưng khi Tổng thống Bush đến Việt Nam, ông ấy đã làm cho cả phía ban tổ chức cũng như lực lượng an ninh của Mỹ đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác", ông Phụng kể.

Khi đi từ sân bay vào nội thành Hà Nội, thấy hàng nghìn người dân Việt Nam đứng hai bên đường chào đón mình thì ông Bush đã hạ cả kính xe để chào người dân. Khi đi thăm một nhà thờ ở Hà Nội thì ông Bush cũng dừng lại, đứng giữa đám đông người dân, hỏi chuyện mọi người rất gần gũi.
 

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 3.


Cựu Tổng thống Mỹ George Bush và đệ nhất phu nhân trong chuyến thăm Việt Nam nhân dịp APEC 2006. Ảnh: Reuters


Và theo ông Phụng, có lẽ điều khó tin và bất ngờ nhất với lực lượng bảo vệ nguyên thủ của cả ta và Mỹ chính là khi Tổng thống Mỹ George W. Bush chạy tập thể dục buổi sáng quanh khách sạn Sheraton.

"Có thể nói rằng phía nước bạn và bản thân vị Tổng thống Mỹ chắc chắn đã cảm nhận được sự thanh bình, ổn định của Việt Nam cũng như tin tưởng vào công tác tổ chức, an ninh của nước chủ nhà", ông Phụng nhận định.

Thêm một kỷ niệm nữa mà ông Phụng không thể quên, đó là khi Tổng thống Mỹ George W. Bush có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ông Bush sau khi quan sát đã nói với nhà vua Brunei rằng ông chưa từng thấy một công trình nào có cửa cao như ở trung tâm hội nghị này, và trình độ tổ chức của Việt Nam cũng tốt một cách đáng ngạc nhiên, hơn những gì mà các đại biểu trước đó đã kỳ vọng.

Những kỷ niệm đáng nhớ về mặt lễ tân, tổ chức với đoàn Mỹ còn liên quan tới ngày cuối cùng của hội nghị cấp cao APEC 2006. Đó là ở phiên cấp cao nhất, 21 lãnh đạo APEC mặc áo dài Việt Nam chụp ảnh. Ông Phụng cho biết, theo thông lệ của APEC, các lãnh đạo sẽ đứng theo thứ tự bảng chữ cái.

Tuy nhiên, Tổng thống Bush lại yêu cầu được xếp vị trí khác. Vì những nguyên tắc chính trị của Mỹ, ông không muốn đứng cạnh một vị tướng quân đội mới lên cầm quyền ở một nước Đông Nam Á.  Thế là chủ nhà Việt Nam lại một phen phải thương lượng, sắp xếp. Cuối cùng, Tổng thống Bush được sắp xếp đứng ở ngay cạnh ông Putin, ông Hồ Cẩm Đào và lãnh đạo Việt Nam. Tất cả các nước khác cũng khá thoải mái với sự sắp xếp hình ảnh này.

Theo ông Phụng, đó chỉ là một việc nhỏ nhưng cũng đã mang tới những kinh nghiệm, trải nghiệm cho nhà tổ chức.

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 4.

Một "sự vụ" gấp gáp và cấp bách đáng nhớ nữa của APEC 2006 mà ông Lê Công Phụng đề cập là yêu cầu thay đổi câu chữ trong tuyên bố chung cuối cùng từ phía đoàn Trung Quốc, vào thời điểm sau khi Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là ông Hồ Cẩm Đào đã có mặt tại Việt Nam và ngày hôm sau đã là phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo.
 

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 5.


Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong một sự kiện bên lề hội nghị APEC 2006. Ảnh: Asahi Shimbun


Tuyên bố chung của hội nghị cấp cao APEC là một văn kiện quan trọng. Quá trình ra tuyên bố này được thực hiện thông qua các hội nghị bộ trưởng diễn ra trong suốt cả năm APEC. Từng câu chữ, lập luận trong văn kiện này cần phải thật khéo làm sao vừa giữ được lợi ích của mình, vừa được sự đồng thuận của các thành viên khác.

Tuyên bố chung cấp cao này, trước khi được "chốt" thì đã được gửi đi cho tất cả các thành viên APEC, mỗi nước sẽ có 5 ngày để phản hồi, có ý kiến. Nếu trong thời gian đó, nước nào không có ý kiến trả lời thì Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà sẽ quyết định theo đa số.

Sau khi bộ trưởng các nước đã thông qua văn kiện thì ngay đêm trước khi diễn ra hội nghị cấp cao, phía Trung Quốc bất ngờ có đề nghị sửa đổi một vài chỗ.

"Khi mỗi thành viên, nhất là các thành viên lớn như Trung Quốc hay Mỹ có ý kiến về nội dung văn kiện thì chúng ta – chủ nhà và chủ tịch APEC trong năm đó – đều phải xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc", ông Phụng kể.

"Tuy nhiên, sau khi thảo luận, chúng ta đã đề với phía bạn rằng ‘Chúng tôi tôn trọng ý kiến của các bạn Trung Quốc, nhưng các bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng kinh tế đã thỏa thuận rồi, bây giờ chúng tôi lại đi xin ý kiến của 20 nước khác ngay trong đêm thì không được, đề nghị các đồng chí giúp, làm sao tham khảo và bàn bạc được với 20 nước khác’. Cuối cùng, phía bạn cũng thấy rằng mình hết sức tôn trọng họ và bạn đã thoải mái, đồng ý với văn kiện đã được thỏa thuận trước đó".
 

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 6.


Theo ông Phụng, đây thực sự là một tình huống rất bất ngờ, rất gấp gáp, và mình cũng đã phải tìm cách xử lý khéo léo, nhờ kinh nghiệm của cả quá trình một năm làm chủ nhà, cũng như tham khảo nhiều kinh nghiệm làm văn kiện.

Ngoài những yêu cầu về văn kiện, đối với phía Trung Quốc, chủ nhà Việt Nam cũng đã xử lý khéo léo những tình huống đối ngoại như trong việc mời lãnh đạo Đài Loan tham dự APEC, hay lấy ý kiến các thành viên khác để rồi không tổ chức một hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao theo sáng kiến từ phía nước bạn – trong bối cảnh trong số thành viên APEC có những vùng lãnh thổ không có nhân sự có chức danh này.

"Hiểu rõ và bám sát thông lệ APEC, chân thành và cởi mở nhưng cũng cần khéo léo và tinh tế, phát huy vai trò chủ nhà thật vững vàng, đó là những điều Việt Nam đã làm được khi là chủ nhà APEC 2006", ông Phụng nói.

Theo ông Phụng, những sự cố vào phút cuối, những tình huống phức tạp trong quá trình tổ chức APEC đã trở thành những kinh nghiệm quý trong hoạt động quan hệ đa phương.

Đối với khu vực, APEC 2006 mở ra hướng đi cho APEC những năm tiếp theo.

Đối với Việt Nam, kết thúc APEC 2006, mọi thành viên đều ghi nhận năm APEC 2006 là "năm Việt Nam", những gì là nhu cầu của APEC, là điều các thành viên mong đợi thì ở APEC 2006 đều đã được giải quyết, thể hiện trong tuyên bố chung, Kế hoạch Hà Nội, sáng kiến cải cách APEC và tuyên bố cấp bộ trưởng về vòng đàm phán Doha (lúc đó vòng đàm phán này của WTO đang bế tắc).

"APEC 2006 đã giúp chúng ta đẩy mạnh đối ngoại, củng cố song phương. Những chuyến thăm song phương kết hơp lúc đó của các nguyên thủ như Chile, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật đã cởi cho chúng ta nhiều nút thắt, các nước lớn tăng cường quan hệ với Việt Nam. Sự phối hợp của các cơ quan, sự đồng lòng của người dân, ý thức chính trị, tự tôn dân tộc, văn hóa, lòng mến khách của người Việt Nam đã và sẽ giúp Việt Nam đảm bảo sự thành công khi chủ trì những sự kiện lớn", ông Lê Công Phụng nói.

Chia sẻ với Trí Thức Trẻ trước thềm Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng Ban Thư ký APEC 2006 Lê Công Phụng cho rằng lần thứ hai làm chủ nhà một sự kiện lớn như năm APEC, Việt Nam đã thể hiện rõ bản lĩnh, trách nhiệm và trình độ tổ chức của một thành viên đáng tin cậy, năng động trong cộng đồng 21 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Vị thế của Việt Nam hiện nay và một Việt Nam cách đây 11 năm đã có nhiểu đổi khác vì bối cảnh thế giới và khu vực đã có nhiều chuyển biến.

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 7.

Trước hết, theo ông Lê Công Phụng, môi trường bên ngoài, tình hình chung của thế giới năm 2017 đã khác đi rất nhiều so với năm 2006. Đã 11 năm qua đi, nước lớn trong APEC như Mỹ, Trung, Nga, Nhật... cũng có nhiều thay đổi, chuyển biến và mỗi nước đều đang có những bước đi riêng. 

Rõ ràng nhất, có thể thấy rằng Trung Quốc của năm 2006 không mạnh và giàu có như năm 2017. Ở thời điểm 2006, Trung Quốc vẫn đang "giấu mình chờ thời", còn bây giờ Trung Quốc không giấu tham vọng và quyết tâm muốn làm đầu tàu ở châu Á – Thái Bình Dương và thậm chí cả thế giới, với những tuyên bố mà họ đưa ra trong Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 19 vừa kết thúc cuối tháng 10/2017.

Trong khi đó, lúc này, với chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump, Mỹ tỏ ra chưa có chính sách rõ ràng đối với khu vực. Mỹ đã rút khỏi TPP, nhưng hiện đã có dấu hiệu quay trở lại đẩy mạnh các hoạt động hợp tác ở APEC. Ông Trump đã tuyên bố muốn thay đổi chiến lược xoay trục về châu Á của ông Obama. Tuy nhiên, dường như trong khi ông Trump hạn chế, giảm cam kết với khu vực về kinh tế thì ông lại đẩy mạnh về quân sự.
 

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 8.


Mỹ điều cụm tàu có tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tới châu Á Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy

Tất cả những loại vũ khí mạnh nhất, tối tân nhất của Mỹ đã được đưa vào châu Á – Thái Bình Dương, đây là điều trước kia ông Obama không làm. Thế giới đang dõi theo để xem tiếp theo họ sẽ có những bước đi, chính sách như thế nào với khu vực.

Trong khi Mỹ rút khỏi TPP thì Trung Quốc đã tiến thêm một bước bằng sáng kiến con đường tơ lụa trên biển và đất liền. Đó chỉ là một ví dụ của thực tế rằng sự cạnh tranh chiến lược vẫn luôn có nhưng đã có những khác biệt và trong 11 năm từ 2006 tới nay, "thế" của từng nước trong APEC đã khác đi.

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 9.

Các điểm nóng trong khu vực chưa có hiện tượng giảm nhiệt như Triều Tiên, Biển Đông. Riêng vấn đề Biển Đông cũng có nhiều thay đổi khi Mỹ chú ý hơn tới Triều Tiên và cần Trung Quốc hợp tác để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Tất nhiên, trong nội bộ APEC thì kinh tế, thương mại là vấn đề trọng tâm hàng đầu. Từ trước bầu cử, ông Trump xác định cuộc chiến thương mại với Trung Quốc còn kéo dài, hậu quả của cuộc chiến này có được phản ánh ở APEC năm nay không, đó là điều mà nước chủ nhà cũng phải tính tới.

Các vấn đề đưa ra để bàn trong APEC 2017 nhiều hơn so với khi Việt Nam làm chủ nhà năm 2006, khả năng đồng thuận vì thế hạn chế hơn và các lợi ích của chúng ta cũng dễ bị ảnh hưởng hơn, các trở ngại trong cục điện đối ngoại không phải là không có. Như vậy, nếu xét trong môi trường chung vốn đã phức tạp lên nhiều như thế, thì cái "thế" của ta năm 2017 này là khó hơn so với năm 2006.

Tuy nhiên, theo ông Lê Công Phụng, về nội lực, tổng lực của Việt Nam cũng đã khác hơn rất nhiều trong 11 năm qua.
 

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 10.

Từ sau APEC 2006, quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã được đẩy mạnh, chúng ta hội nhập sâu rộng hơn: vào WTO, đã được cả châu Á đồng thuận cử làm đại diện tại Hội đồng Bảo An LHQ, chúng ta tham gia rất nhiều các tổ chức, diễn đàn đa phương, có mối quan hệ chiến lược, toàn diện với nhiều đối tác song phương lớn. Có thể khẳng định rằng uy tín và các nỗ lực của Việt Nam đã được đánh giá và thừa nhận.

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 11.

Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn, phát triển nhanh nhất thế giới và vẫn còn nhiều động lực. Rất nhiều các quốc gia APEC là những đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam, có quan hệ hợp tác nhiều mặt về kinh tế, giáo dục, xã hội.

Chính sự ổn định về kinh tế và chính trị - xã hội của Việt Nam đã lôi kéo, thu hút sự chú ý của các nước lớn. Tại tuần lễ cấp cao APEC năm nay, có 4 nước thăm chính thức Việt Nam và những chuyến thăm như vậy sẽ thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ cũng như vị thế của Việt Nam.

Thêm một điểm, ta đã có nhiều kinh nghiệm có giá trị trong tổ chức các sự kiện lớn, xử lý các khó khăn, đó cũng là một điều thuận. Nếu APEC 2006 là sự kiện đối ngoại lớn nhất của Việt Nam tính tới thời điểm đó, thì đến APEC 2017, Việt Nam có thể nói đã trở thành một "chủ nhà" chuyên nghiệp hơn rất nhiều.

Cuối cùng, tất cả các thành viên tham dự APEC 2017 đều muốn hội nghị thành công, vì họ nhìn chung đều ủng hộ Việt Nam, ủng hộ các sáng kiến, chương trình Việt Nam đưa ra. Đó là vị thế và cơ sở chúng ta có thể dựa vào được để có thể lần thứ hai tổ chức một năm APEC thành công.

Như vậy, ông Lê Công Phụng nhận định, so với năm 2006, thế của chủ nhà APEC Việt Nam tuy có những cái khó thật, nhưng với cục diện đã khác, những điều thuận đối với Việt Nam cũng không ít, và với trình độ - kinh nghiệm của những cán bộ Ngoại giao và các bộ ngành đã khác trước, tốt hơn rất nhiều, việc Việt Nam có thể chủ trì một năm APEC thành công để tiếp tục nâng cao tiếng nói, khẳng định uy tín của Việt Nam là điều có thể dự đoán. Tất cả những điều này sẽ giúp ích cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh hội nhập và toàn cầu hóa trong thời gian tới khi Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021, và cố gắng hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018.

Ông Lê Công Phụng kể chuyện hậu trường APEC: Khi Tổng thống Mỹ khiến an ninh ta và mật vụ Mỹ đều bất ngờ - Ảnh 12.
tin tức liên quan