Vật bất ly thân của Tổng thống Mỹ khi công du nước ngoài

Ngày đăng: 10:14 07/11/2017 Lượt xem: 615



       Vật bất ly thân của Tổng thống Mỹ khi công du nước ngoài


 

                                                                        Nguồn:Báo Điện tử Dân Trí


Một vật bất ly thân với bất cứ tổng thống Mỹ nào đó là chiếc vali hạt nhân - một biểu tượng sức mạnh quân sự của Mỹ cũng như trách nhiệm khổng lồ mà tổng thống nước này phải mang theo.



Một sĩ quan mang theo vali hạt nhân tháp tùng tổng thống Mỹ trên chuyên cơ Không lực Một. (Ảnh: AFP)



Một sĩ quan mang theo vali hạt nhân tháp tùng tổng thống Mỹ trên chuyên cơ Không lực Một. (Ảnh: AFP)

 

Vali hạt nhân thực tế là một chiếc cặp da màu đen chứa trong đó những tài liệu và thiết bị tối mật cho phép tổng thống Mỹ ra lệnh một cuộc tấn công hạt nhân cho dù đang ở đâu, khi nào.

Chiếc vali, còn được gọi là “vali khẩn cấp của tổng thống”, bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ của Tổng thống John Kennedy sau sự kiện khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra vào năm 1962. Sau sự kiện này, các quan chức hàng đầu của quân đội Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng, tổng thống Mỹ cần phải dễ dàng tiếp cận được với các bản kế hoạch chiến tranh hạt nhân. Qua các năm, chiếc vali đã trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự của nước Mỹ cũng như trách nhiệm khổng lồ mà người đứng đầu chính phủ Mỹ lúc nào cũng cần mang bên mình.


Bên trong vali hạt nhân có gì?

 


Bên trong vali hạt nhân không có nút bấm hạt nhân như đồn đoán. (Ảnh minh họa: Getty)


Bên trong vali hạt nhân không có "nút bấm hạt nhân" như đồn đoán. (Ảnh minh họa: Getty)

 

Không như đồn đại của dư luận rằng bên trong vali có một “nút bấm hạt nhân” và tổng thống Mỹ chỉ cần bấm vào nút đó khi cần tiến hành một vụ tấn công hạt nhân.

Bill Gulley, cựu giám đốc Văn phòng quân sự Nhà Trắng, cho biết vali hạt nhân gồm có 4 thứ.

Đó là một cuốn tài liệu gồm 75 trang được in bằng mực đen và đỏ. Nó giống như một cuốn "sách đen" liệt kê rra các mục tiêu mà Mỹ coi là mối đe dọa cao và cũng bao gồm các phương án tấn công hạt nhân để tổng thống Mỹ lựa chọn.

Một cuốn sách khác liệt kê ra những địa điểm bí mật có thể làm nơi trú ẩn an toàn cho tổng thống trong những trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra còn có một tài liệu gồm 10 trang hướng dẫn cách vận hành Hệ thống Liên lạc Khẩn cấp.

Vật dụng nữa trong chiếc vali là tấm thẻ nhận diện. Đó là chiếc thẻ kỹ thuật số có kích thước 7,3x12cm, chứa các mã số nhận dạng.

Một số nguồn tin khác nói rằng, bên trong vali này có thể còn chứa các thiết bị liên lạc, nhờ đó tổng thống có thể phát biểu trước toàn dân chỉ trong vòng 10 phút, sau khi tuyên bố về tình huống khẩn cấp, không phụ thuộc vào việc ông đang ở đâu.


Theo tổng thống “như hình với bóng”

 


Một sĩ quan mang theo chiếc vali hạt nhân đi sát Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)



Một sĩ quan mang theo chiếc vali hạt nhân đi sát Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)

 

Vali hạt nhân không được phép rời xa viên sĩ quan trợ lý đặc biệt của tổng thống. Viên sỹ quan này “gắn chặt” với chiếc vali bằng một chiếc vòng đặc biệt gắn vào cổ tay và quan trọng người này phải luôn ở bên cạnh tổng thống.

Có tất cả 5 viên trợ lý như vậy trực thay ca 24/24. Các trợ lý này được lựa chọn hết sức kỹ lưỡng từ các sĩ quan không quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và phải trải qua quá trình điều tra chi tiết về tiểu sử và các mối quan hệ.

Tổng thống Mỹ sẽ được bàn giao vali hạt nhân từ người tiền nhiệm vào đúng ngày nhậm chức. Kể từ thời điểm đó, cho dù trên ô tô chuyên dụng, trực thăng, chuyên cơ Không lực Một hay thậm chí công du nước ngoài, vị tổng thống đó luôn có một sĩ quan đi cận kề mang theo chiếc vali hạt nhân. Còn khi tổng thống ở Nhà Trắng, chiếc vali sẽ được cất giữ ở một vị trí bí mật bên trong Nhà Trắng. Điều này cho phép tổng thống Mỹ có thể tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp dù đang ở bất cứ đâu, vào thời điểm nào với thời gian nhanh nhất có thể.

Pete Metzger, sĩ quan đảm nhận nhiệm vụ giữ vali hạt nhân thời Tổng thống Ronald Reagan, cho biết: “Phải luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào cho bất cứ tình huống nào. Từ lúc cảnh báo đến lúc kích hoạt thời gian vô cùng ngắn ngủi”.

Thực tế, trong trường hợp khẩn cấp, bất cứ tổng thống nào của Mỹ cũng chỉ có chưa đầy 15 phút từ lúc được thông báo tình hình cho đến lúc đưa ra quyết định có kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân hay không.

tin tức liên quan