Mỹ yêu cầu những gì khi ông Donald Trump đến Việt Nam?
Nguồn:Báo Điện tử VnExpress
Vùng nhận dạng phòng không bán kính 30 hải lý, vùng cấm bay từ mặt đất lên 18.000 feet... được thiết lập khi ông Trump đáp chuyên cơ xuống.
Chuyến làm việc tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (ngày 10-11/11 tại TP Đà Nẵng) và chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump (11-12/11 tại Hà Nội) diễn ra an toàn tuyệt đối. Từ trước đó và trong suốt chuyến thăm, những biện pháp an ninh hàng không đặc biệt đã được triển khai.
Thiết lập vùng cấm bay
Trước Tuần lễ cấp cao APEC hơn 10 ngày, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM đề nghị Bộ Ngoại giao cùng cơ quan hữu trách về hàng không Việt Nam cho Mỹ thiết lập hạn chế bay tạm thời (TFR) và khu vực cấm bay (FRZ).
Chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ đáp xuống sân bay Đà Nẵng hôm 9/11. Ảnh: Nguyễn Đông.
Mỹ thông báo thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) từ mặt đất lên đến 18.000 feet so với mực nước biển (MLS), trong bán kính 30 hải lý, tâm là sân bay Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng, trong suốt thời gian chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump.
Những máy bay được hoạt động trong vùng nhận dạng phòng không phải đảm bảo yêu cầu: chỉ trao đổi một mã tín hiệu riêng biệt, có kế hoạch bay VFR (theo quy tắc bay bằng mắt), hoặc IFR (theo quy tắc bay bằng thiết bị) đã được duyệt, có trao đổi thông tin liên lạc liên tục bằng radio với đài kiểm soát không lưu.
Tàu lượn, máy bay siêu nhẹ, khinh khí cầu, bay nhảy dù, diều lượn, bay máy bay mẫu, bắn thử tên lửa mẫu, phương tiện hàng không không người lái, máy bay không người lái bị cấm hoạt động trong thời gian này.
Vùng cấm bay được thiết lập từ mặt đất lên đến 18.000 feet so với mực nước biển, trong bán kính 10 hải lý, tâm đặt tại sân bay Đà Nẵng và TP Đà Nẵng.
Chỉ máy bay cảnh sát hoặc quân sự được phép vào khu vực cấm bay và phải duy trì liên lạc với Trung tâm kiểm soát không lưu và bay trên một mã tín hiệu riêng biệt được chỉ định. Chuyến bay cấp cứu khẩn cấp được phép vào FRZ nếu phát mã chuyển tín hiệu riêng biệt và đã có phép trước khi cất cánh của cơ quan kiểm soát không lưu Việt Nam.
Phía Mỹ cho phép các chuyến bay dân dụng, vận tải theo lịch của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) được vào khu vực cấm bay. Riêng trực thăng đưa tin tức bị cấm. Nước này cũng đề nghị lập giám sát không phận, cảnh báo sớm và có biện pháp phòng không trong suốt thời gian chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tại Việt Nam.
Mật vụ Mỹ chốt các cao điểm
Nhằm đảm bảo an ninh cho chuyến đi của Tổng thống Donald Trump dự APEC 2017, Mỹ cử khoảng 400 mật vụ đến tiền trạm tại Đà Nẵng. Họ kiểm tra khu vực sân bay, thuê nhiều điểm cao để quan sát. Chó nghiệp vụ được đưa từ Mỹ sang để đánh hơi tất cả khu vực từ sân bay đến nơi ông Trump nghỉ lại.
Máy bay trực thăng tuần tra của quân sự và dân sự Việt Nam được đề nghị tuần tra trên không tại các điểm thăm của Tổng thống Mỹ và đoạn đường có xe dẫn đoàn trong thành phố Đà Nẵng. Trên máy bay có một quan sát viên của mật vụ Mỹ để chuyển thông tin liên lạc thu được.
Nhà Trắng yêu cầu cho phép một mật vụ cắm chốt trong tháp điều khiển không lưu (ATC) tại sân bay quốc tế Đà Nẵng trong thời gian chuyên cơ Air Force One hạ cánh và cất cánh để tăng cường thông tin liên lạc giữa mật vụ Mỹ và hoạt động của sân bay.
Mỹ còn đề nghị cho phép một mật vụ và một quan sát viên của không quân Mỹ ở trung tâm radar kiểm soát hạ cánh của nhà ga tại sân bay Đà Nẵng trong chuyến thăm của Tổng thống để giám sát toàn cảnh trên không.
|
Mật vụ Mỹ đưa chó nghiệp vụ đi kiểm tra an ninh tại sân bay Đà Nẵng trước khi máy bay của Tổng thống Donald Trump đến và đi. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Máy bay đánh chặn phòng không của Việt Nam đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng cất cánh trong vòng 10 phút, đối phó với các mối đe dọa hàng không đối với Tổng thống Donald Trump, nhưng không được yêu cầu "hộ tống" chuyên cơ mà chỉ được bay trong quỹ đạo có khoảng cách xa.Đường điện thoại tại tháp kiểm soát không lưu và nhà ga Đà Nẵng được lắp đặt để mật vụ Mỹ liên lạc. Cán bộ thông tin liên lạc của quân đội Việt Nam có mặt cùng mật vụ Mỹ trong nhà ga nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến phòng không.
Máy bay thương mại bị di dời khi Air Force One đến và đi
Trưa 10/11, chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng. 10 phút trước khi hạ cánh, mật vụ Mỹ đã kiểm tra an ninh bề mặt đường hạ cánh, đường xe dẫn và các thiết bị, cùng nhà chức trách của Việt Nam. Trong thời gian này, không có bất kỳ máy bay, người hoặc phương tiện nào được phép vào đường hạ cánh và đường xe dẫn đã được chỉ định.
Sau khi hạ cánh, Mỹ yêu cầu không cho bất kỳ máy bay, người hoặc thiết bị trên đường xe dẫn, giao cắt, bãi đỗ được phép di chuyển trong khi chuyên cơ Air Force One đi theo ôtô dẫn cho đến khi dừng lại và Tổng thống Mỹ rời máy bay.
|
Mật vụ Mỹ kiểm tra đường băng sân bay quốc tế Nội Bài trước khi Air Force One đến và đi. Ảnh: Ngọc Thành. |
Mọi di chuyển của máy bay gồm đến, đi và xe dẫn đều bị cấm. Máy bay tuyên bố bay khẩn cấp hoặc trong tình trạng ít nhiên liệu được phép hạ cánh trên đường băng song song để tránh chuyển hướng sang sân bay khác.
Một xe an ninh của mật vụ Mỹ, phối hợp cùng an ninh Việt Nam được ra vào đường ôtô dẫn và đường băng để bảo vệ máy bay trong thời gian chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ hạ cánh và đi theo ôtô dẫn đường.
Chỉ khi máy bay rời đi, các mật vụ Mỹ chốt chặn trên các điểm cao hoặc trong ôtô mới lộ diện, với nhiều vũ khí, trang thiết bị hiện đại đeo bên mình.
Máy bay của Nhà Trắng được miễn kiểm tra an ninh
Theo đề nghị của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Cục Hàng không Việt Nam đã đồng ý miễn kiểm tra an ninh hàng không đối với người, hành lý và hàng hóa trên các chuyến bay chuyên cơ, các chuyến bay riêng biệt của Mỹ từ ngày 30/10 đến ngày 15/11, tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và TP Đà Nẵng.
Chuyến bay của các đoàn tiền trạm Nhà Trắng đến thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian này thuộc diện không thu các loại phí, lệ phí và giá dịch vụ như: lệ phí ra, vào cảng, hàng không sân bay; phí hải quan; giá hạ cánh, giá điều hành bay đi/đến; giá bảo đảm an ninh hàng không và giá phục vụ hành khách tại cảng hàng không.